Cuba đang chuẩn bị có những thay đổi lớn
Posted on 13/08/2011 by bahaidao
Damien Cave (The New York Times, 02/08/2011) –
NGÀY 06 THÁNG 8 NĂM 2011
Lời người dịch: Thế là chậm so với những nước khác đến một phần tư thế kỉ, nhưng chậm còn hơn không. Hi vọng là nhân dân Cuba sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc thí nghiệm bất nhân và phản khoa học kéo dài đã quá lâu rồi.
HAVANA — José một người gần như đã trở thành doanh nhân đầy nhiệt tình đang nuôi trong đầu những kế hoạch to lớn trong lĩnh vực bất động sản ở Cuba. Hiện anh đang làm việc một cách bất hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh bằng cách tìm những gia đình muốn đổi nhà và sẵn sàng trả một ít tiền dịch vụ.
Nhưng cuối năm nay, khi Cuba chính thức cho phép mua bán nhà – trong tuần này chính phủ đã hứa như thế – José và nhiều người khác hi vọng là sẽ có một loạt thay đổi: giá sẽ tăng, nhiều người sẽ chuyển nhà, thuế tài sản và đồng tiền từ Mĩ và khắp thế giới sẽ đổ vào Cuba.
“Nhu cầu sẽ rất lớn”, một người đàn ông 36 tuổi không chịu cho biết đầy đủ họ tên vừa bước ra khỏi đám đông vừa nhìn quanh xem có người nghe trộm hay không vừa nói như thế. “Cấm đoán lâu quá rồi”.
Sở hữu tư nhân là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản và dĩ nhiên là việc hợp thức hóa nó ở cái đất nước với những khẩu hiệu đại loại như: “Chủ nghĩa xã hội hay là chết” phải làm cho nhiều người kinh ngạc. Thực ra, nhiều người tin rằng sẽ có những qui định ngặt nghèo, và theo kế hoạch vừa được các phương tiện thông tin đại chúng nói thì người ta sẽ hạn chế việc mua bán bằng cách qui định mỗi người Cuba chỉ được sở hữu một ngôi nhà và phải sống thường xuyên ở đó.
Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng ngay cả khi nhà nước có kiểm soát thì việc mua bán tài sản cũng có thể làm Cuba biến đổi nhanh hơn bất kì cải cách kinh tế nào khác của chính phủ Raul Castro. Một số cải cách như thế đã được nói tới trong cuộc họp quốc hội vào ngày thứ hai vừa qua. Philip Peters, một nhà phân tích ở đại học Lexington nói: “chưa từng xảy ra chuyện gì lớn đến như thế”. Đấy là ông so sánh với những thay đổi đã diễn ra (được tự do hơn trong hoạt động kiếm tiền và sở hữu điện thoại cầm tay).
Cơ hội kiếm lời và vay mượn sẽ vượt quá khả năng của các doanh nghiệp nhỏ của Cuba, các chuyên gia nói như thế, nó có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo như đã từng xảy ra ở Đông Âu và Trung Quốc.
Havana có thể quay lại quá khứ, trở lại thời kì phân chia giai cấp. “Sẽ diễn ra quá trình tái phân phối rộng khắp”, Mario Coyula, cựu giám đốc cơ quan chỉnh trang đô thị và kiến trúc Havana trong những năm 1970 và 1980 nói. “Việc chỉnh tranh sẽ được thực hiện”.
Có thể xảy ra những thay đổi lớn hơn. Việc bán nhà sẽ thúc đẩy quá trình cải tạo cần thiết, sẽ tạo ra công ăn việc làm. Hoạt động ngân hàng sẽ mở rộng vì theo những qui định mới thì việc thanh toán sẽ thực hiện qua tài khoản của người mua. Trong khi đó chính phủ, hiện đang sở hữu tất cả tài sản, sẽ chuyển giao nhà và các căn hộ cho những người đang sống ở đó nhằm thu thuế khi tài sản được đem bán – một việc bất khả thi trong thị trường trao đổi nhà ở hiện nay vì tiền được trao dưới gầm bàn.
Còn có vai trò của người di dân Cuba nữa. Trong khi kế hoạch này dường như vẫn cấm người nước ngoài sở hữu nhà ở, người Mĩ gốc Cuba có thể lợi dụng qui định của chính quyền Obama cho phép họ gửi số tiền không hạn chế cho thân nhân trên hòn đảo, khuyến khích việc mua bán và tạo điều kiện cho họ đóng góp vào thành tựu kinh tế của Cuba. “Đấy là sự phát triển vượt bậc về mặt chính trị”, ông Peters nói như thế trong khi khẳng định rằng điều đó sẽ dẫn tới những thay đổi trong quan hệ giữa hai nước.
Nhưng tốc độ thay đổi có thể sẽ phụ thuộc vào những khó khăn đặc thù của Cuba. Cái gọi là hòn ngọc trong quần đảo Antilles đã gặp khó khăn về nhà ở ngay cả trước khi xảy ra cuộc cách mạng vào năm 1959, nhưng sự xuống cấp, những qui định cứng nhắc và những khó khăn do người ta cố tình tạo ra đã gây ra những mớ bòng bong.
Ở Havana không có nhà dư thừa, ông Coyula khẳng định như thế. Phòng nào cũng có người ở rồi. Đa số người dân Cuba bị kẹt lại ở nơi họ đang sống.
Trên phố biển ở trung tâm Havana ta có thể thấy những đứa trẻ thấp thoáng trong những căn nhà đáng bị đập đi từ lâu, một phần ba các tòa nhà như thế không có mặt tiền.
Cách đó vài dãy, bà Elena Acea, 40 tuổi, phải chia căn hộ ra thành những khoảng nhỏ chẳng khác gì cô Alice trong vương quốc thần tiên. Căn hộ hai giường của bà bây giờ phải kê tới bốn cái giường, căn gác xép bằng ván gỗ là nơi hai cậu con chồng nằm trên chiếc giường tầng, hai cậu này hầu như không được đứng thẳng ngay trong căn phòng của mình.
Giống như nhiều người Cuba khác, bà hi vọng sẽ chuyển chỗ ở bằng cách đổi căn hộ này lấy ba căn nhỏ hơn để cậu con lớn 29 tuổi có thể bắt đầu cuộc sống gia đình riêng. “Nó sẽ lấy vợ. Nó phải ra ở riêng”, bà nói như thế.
Nhưng, mặc cho những lời cam kết – hôm thứ hai Marino Murillo, một quan chức cao cấp chuyên về kinh tế nói rằng việc mua bán không cần phải có sự thỏa thuận trước của chính phủ – bà Acea và nhiều người hàng xóm của bà vẫn còn tỏ ra quan ngại trước lời hứa là chính phủ sẽ buông hết. Một số người Cuba tin rằng sẽ có những qui định buộc người mua phải giữ tài sản vừa mua sau 5 hay 10 năm rồi mới được bán lại. Một số người thì nói rằng chính phủ sẽ làm cho việc chuyển lợi tức khỏi hòn đảo trở thành công việc khó khăn bằng cách đánh thuế thật cao hoặc hạn chế việc đổi tiền.
Nhiều người khác, thí dụ như họa sĩ Ernesto Benítez, 37 tuổi, không thể tưởng được một thị trường mở thật sự. “Họ sẽ đặt giá cố định cho từng mét vuông một, thế là xong”, anh bảo như thế.
Nhưng anh cũng nói thêm rằng người Cuba sẽ đáp lại bằng cách đặt ra giá của mình. Và thế là đủ để khuyến khích phong trào rồi, anh nói.
Chắc chắn là anh tin như thế. Anh Benítez và người vợ cũ đã chia tay cách đây 18 tháng, sau khi sống với nhau gần một chục năm. Hiện nay mỗi người đều có nhân tình mới và họ thú nhận là có những đêm khá bất tiện. Vì phòng ngủ của họ chỉ cách nhau có một buồng tắm mà thôi.
Katia González, một người phụ nữ 48 tuổi, được cha mẹ di chúc cho một căn hộ (Cuba cho phép làm như thế) nói rằng bà sẽ tìm cách bán nếu được giá. Căn hộ hai phòng ngủ của bà, cách bờ biển không xa và ở trong khu vực tốt nhất của Habana có giá bao nhiêu? “Khỏang 25.000USD”, bà nói, “mà cũng có thể hơn một chút, có thể là 30.000USD”.
Ở Miami, một căn họ tương tự như thế có thể đắt gấp gần 10 lần – đấy chính là điều mà những người Mĩ gốc Cuba đang nghĩ tới. José và một số người môi giới khác ở Habana nói rằng việc mua bán bất động sản trên thị trường chợ đen thường sử dụng tiền của người Cuba hải ngoại, đặc biệt là người ở Florida.
“Tiền từ Miami thì lúc nào cũng có”, Gerardo – một người môi giới không muốn cho biết rõ họ tên – nói như thế. “Người Cuba sống ở Miami mua nhà cho người anh em họ ở Cuba, khi đến Cuba nghỉ hè vài tháng thì anh ta sống trong căn nhà đó”.
Về mặt kĩ thuật thì đây là vi phạm qui định cấm vận buôn bán, có hiệu lực từ thời tổng thống Dwight D. Eisenhower. Bộ tài chính Mĩ cấm buôn bán và đầu tư với người Cuba. Nhận tiền và lợi tức từ Cuba cũng bị cấm nốt.
Nhưng trên thực tế đấy là những qui định rất mập mờ. Giao dịch trong nội bộ gia đình – chủ yếu là những người Cuba mới lưu vong – dường như đang phát triển cùng với sự đồng ý ngầm của Nhà trắng. Việc ủng hộ doanh nghiệp tư nhân đã khuyến khích sau khi người Cuba được quyền trở về thăm thân nhân và năm 2009 tổng thống Obama đã đưa ra chính sách mới cho phép người Mĩ gốc Cuba thăm hòn đảo bất cứ khi nào họ muốn và được gửi về nước số tiền không hạn chế.
Ngoài những biện pháp này, khác với những qui định cản trở việc làm ăn, những qui định cản trở các cá nhân hầu như không còn nữa: trong mười tám tháng qua chỉ có một người Mĩ bị phạt 525 USD vì vi phạm những biện pháp cấm vận mà thôi, báo cáo của quốc hội nói như thế.
Các chuyên gia nói rằng người di cư Cuba đã thành lập được hệ thống xã hội trên cơ sở phân chia giai cấp ở Cuba rồi. Các công trình nghiên cứu cho thấy năm ngoái người di cư Cuba đã gửi về nước khoảng 1 tỉ USD, trong đó, số tiền dành cho các nhà tư bản để họ mua lò nướng bánh pizza hay các thiết bị cho công việc tư nhân khác đang ngày càng gia tăng. Bất động sản sẽ làm gia tăng các mối liên hệ và chào hàng cũng đã có rồi, các chuyên gia nói như thế.
Bà Ilda, 69 tuổi, sống một mình trong căn hộ 5 phòng ngủ, trên tầng 9, hướng ra phía biển. Một cặp người Mĩ gốc Cuba đã đến thăm bà và theo lời bà: “Là những người ăn mặc đẹp”, hỏi mua với giá 150.000 USD, và chẳng quan tâm mấy tới việc cấm người nước ngoài sở hữu nhà cửa.
“Tôi bảo họ là tôi không thể làm thế”, Ilda nói. “Chúng tôi đang chờ luật”. Ngay cả khi đã có luật thì bà cũng thích đổi hơn vì như thế mới chắc chắn có chỗ để ở.
Nỗi sợ không có chỗ tá túc của bà cũng là nỗi sợ chung của mọi người. Một nghiên cứu gần đây do Sergio Díaz-Briquets – chuyên gia về nhân khẩu học ở Washington – tiến hành, cho thấy rằng Cuba hiện thiếu 1,6 triệu căn hộ. Còn chính phủ thì nói rằng thiếu 500.000, nhưng đấy vẫn là vấn đề nghiêm trọng.
Ông Coyula nói rằng tiền bán nhà có thể không đủ vì công nghiệp xây dựng, giấy phép xây dựng và vật liệu xây dựng đều không có.
Những vấn đề gai góc khác có thể cần phải xem xét lại. “Việc thu hồi đã không diễn ra từ năm 1939”, ông ta nói. “Có luật cấm làm điều đó”.
Nhưng hiện nay người Cuba đang cố gắng hiểu những điểm chính. Hệ thống thế chấp sẽ hoạt động như thế nào? Thuế má có cao không? Giá thế nào là phù hợp?
Thậm chí có cả vấn đề làm sao người mua và người bán có thể gặp được nhau. Ở Cuba rao vặt bị coi là phi pháp, đấy là lí do vì sao những người môi giới như José, gọi là “cò”, đi suốt ngày trong những bãi chợ, tay cầm cuốn sổ ghi những căn hộ muốn bán và muốn mua.
Anh ta đã thuê được hai người, và khi có luật mới thì dù hoạt động của anh ta có hợp pháp hay không anh ta vẫn hi vọng là sẽ thuê thêm người nữa. “Chúng tôi cần phải phối hợp. Sắp rồi”, anh ta nói như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét