3.9.11

Nói với con về Tổ quốc


Nói với con về Tổ quốc

SGTT.VN - Trong bối cảnh xã hội hiện đại đang dung nạp nhiều luồng văn hoá đa chiều với đầy đủ sự thu hút, hấp dẫn như phim ảnh Tây – Tàu, truyện tranh Nhật – Hàn, đồ chơi Âu – Mỹ... trẻ em Việt Nam có nguy cơ quên dần hoặc bị mờ nhạt những gì gọi là truyền thống, bản sắc, gốc gác, quê hương. Vậy, trong vai trò là cha mẹ, bạn sẽ nói với con những gì để giúp con nhận thức đúng về nơi con sinh ra, về nơi gọi là Tổ quốc? 

Hãy bắt đầu từ những điều giản dị nhất bằng cách nói cho con trẻ biết tổ tiên chúng ta là ai, biết tại sao hàng ngày chúng ta phải thắp lên bàn thờ tổ tiên những nén hương hay hàng năm chúng ta phải tổ chức lễ giỗ cho ông bà. Tổ quốc trước hết là những ý niệm về tổ tiên, nguồn cội, rồi sau đó mới nói đến những thăng trầm của quốc gia, dân tộc.

Có nhiều cách để chúng ta dạy cho con trẻ về Tổ quốc. Điều bình dị nhất mà gia đình nào cũng có thể làm được, đó chính là những dòng tự sự trong mỗi gia đình. Những câu chuyện được những người lớn tuổi truyền kể lại bằng chính sự trải nghiệm của bản thân. Những sự kiện, lễ hội được mọi người tổ chức nhằm nhắc nhở con cháu về những thăng trầm lịch sử của dân tộc. Đừng quá tô hồng, nhưng cũng đừng bôi đen lịch sử dân tộc. Những chiến công lịch sử lẫy lừng được viết lên những trang sách lịch sử khiến cho ta tự hào, nhưng cũng đừng quên những đau thương mà tổ tiên hy sinh cho sự tồn vong của đất nước. Hãy cho con trẻ ý thức được rằng vận mệnh của Tổ quốc gắn liền với mỗi thân phận của chúng ta, chứ không phải là những quyển sách lịch sử được viết ra và thúc ép học sinh phải học. Hãy để cho ý thức về Tổ quốc đến với con trẻ khi chúng thành tâm cắm nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Học lịch sử đối với con trẻ phải bắt đầu từ những điều thật giản dị, gần gũi. Đừng biến lịch sử thành môn học khô cứng, đừng biến Tổ quốc thành những điều xa lạ.

Hãy để con trẻ yêu Tổ quốc như yêu chính cha mẹ mình.

TS Nguyễn Đức Lộc 
(giảng viên khoa nhân học, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

NÓI VỚI CON THEO TỪNG ĐỘ TUỔI 
TS Trần Thị Thu Mai, phó trưởng khoa tâm lý – giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM   Khi trẻ từ ba đến sáu tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu nói với con những điều dễ hiểu nhất về quê hương, đất nước. Bởi ở độ tuổi này, quan hệ của trẻ với những người xung quanh được mở rộng một cách đáng kể, tình cảm của trẻ cũng được phát triển về nhiều phía. Cha mẹ nên sử dụng hình ảnh con người thật, việc thật để dạy con mình.

Đến lứa tuổi thiếu niên (11 – 15 tuổi), trong trẻ đã hình thành những cung bậc tình cảm đối với nơi chốn trẻ sinh ra, đã bắt đầu có khái niệm về Tổ quốc. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên thông qua các hình thức như đọc truyện, thơ, dân ca, phim ảnh để truyền tải cho trẻ những hình ảnh, hiểu biết về Tổ quốc. Các hoạt động như về thăm quê ông bà, tham quan di tích, cảnh đẹp, tham gia làm từ thiện xã hội cũng hình thành trong trẻ những suy nghĩ về xứ sở mình đang sống.

PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ 

Đỗ Nguyễn Hải Yến, 30 tuổi, giám đốc marketing 

Có hai điều trong đời người không thể lựa chọn: nơi mình sinh ra và người sinh ra mình. Vậy nghĩa vụ và trách nhiệm của những bậc cha mẹ mà nhất là cha mẹ trẻ, chính là nói cho con mình biết rằng con đang sống trong đất nước này, nơi con đã được sinh ra và lớn lên, con cần phải hiểu và có trách nhiệm với quê hương mình. Tôi sẽ nói với đứa con trong tương lai của mình: “Con hãy chọn một việc làm phù hợp và tử tế để làm và hãy làm công việc đó hết sức mình, đó chính là cách đóng góp tốt nhất cho đất nước, cho cuộc đời. Con không cần phải trở thành một vĩ nhân thì mới được gọi là yêu nước. Con chỉ cần hiểu được bổn phận công dân của mình và có năng lực để thực hiện bổn phận đó…”

Thật ra, đó cũng là điều tôi đang nói với chính tôi và những người trẻ về lòng yêu nước!

BẮT ĐẦU TỪ BÀI HỌC VỠ LÒNG 

Trần Trọng Chiến, 50 tuổi, TP.HCM 

Trẻ con khi bước vào tuổi đến trường vẫn là trang giấy trắng phau. Thầy cô và cha mẹ chính là người viết lên trang giấy đó những gì tốt đẹp nhất cho tương lai mai sau. Vì vậy, với những gì khô cứng, rập khuôn, thuộc lòng trên sách vở mỗi ngày, trẻ sẽ học bằng trách nhiệm nhưng rồi sẽ quên ngay sau khi đã trả bài. Chính vì vậy, nếu muốn con mình nghĩ về Tổ quốc, biết Tổ quốc là gì, cha mẹ phải bắt đầu bằng những lời chân thật nhất, hành động cụ thể nhất, ngay khi trẻ học những bài học vỡ lòng.

Ngoài những gì có trong sách vở, cha mẹ nên thường xuyên khơi dậy trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ bằng những câu hỏi: con được sinh ra ở đâu? Con biết quê mình có tên gì không? Con chỉ cho bố đâu là nước mình trên bản đồ này?... Những chuyện kể lịch sử hàng đêm cũng là một cách nhắn nhủ với con, tập cho con thói quen tìm hiểu về lịch sử cha ông. Và có rất nhiều cách để bạn truyền đạt với con cái mình, như dẫn con đi du lịch, ghé thăm những chiến tích lịch sử, văn hoá, dạy trẻ làm những món bánh truyền thống của quê nhà, những ngón nghề lâu đời...

GỐC NHÀ CŨNG RẤT QUAN TRỌNG 

Lê Thị Phượng, 48 tuổi, TP.HCM 

Phải nói những gì khi con hỏi về đất nước đây? Câu hỏi này không dễ trả lời. Nhưng nếu bắt đầu từ những hành động gần gũi nhất thì không khó. Ví như trẻ khi đã biết bi bô, biết hát, người mẹ sẽ tập cho trẻ những bài hát về quê hương, xứ sở. Trẻ biết đọc thì tập cho trẻ đọc, xem những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết xứ sở. Trẻ đi học, đã nhận thức tốt thì cho trẻ những hoạt động hoà nhập xã hội như tham quan bảo tàng, những di tích lịch sử văn hoá. Những bài cảm nhận của trẻ sau những giờ ngoại khoá sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn suy nghĩ của con mình. Chúng ta cứ từng bước dạy cho con mình, trẻ từng bước tiếp nhận, dần định hình trong trí óc những suy nghĩ về quê hương.

Không ở đâu xa, ngay trong chính ngôi nhà của bạn, những lối ứng xử tốt từ người lớn, hành vi văn hoá, tôn ti trật tự, nề nếp gia đình cũng là nền tảng giúp trẻ có cảm nhận tốt về thế giới xung quanh, và suy nghĩ đúng về nơi trẻ sinh ra.

Nguyên Cao (thực hiện)
. Bookmark the permalink.

2 Responses to Nói với con về Tổ quốc

  1. Nặc danh says:
    Ủa chứ không phải là dạy con :"Tiếng đầu đời con gọi Mao-Sạch-Lông" sao?
  2. Người VN says:
    Vô ích, CS đang để Tàu tràn qua : sinh sản đại trà thì một ngày kia tuyên truyền còn tác dụng nữa ko

Không có nhận xét nào: