SIM di động Việt Nam: Mê tín và man trá!
VietTuSaiGon's blog - Thử vào Google gõ cụm từ “SIM điện thoại di động” thì sẽ thấy bao nhiêu là chuyện, nhưng tựu trung lại, nó chỉ “tiếp tay” diễn tả hai ý chính: mê tín và man trá. Tại sao thế?
SIM là cách viết tắt của “A subscriber identity module” hoặc “subscriber identification module”; là thẻ nhớ thông minh để nhận dạng điện thoại di động, được sử dụng trong mạng điện thoại di động hệ GSM, ví dụ như Mobifone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile… ở Việt Nam.
Dân số Việt Nam hiện nay vào khoảng 90 triệu người, nhưng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tháng 2/2011, cả nước có khoảng 172,6 triệu thuê bao (16,5 triệu thuê bao cố định và 156,1 triệu thuê bao di động), giảm đi một ít so với tháng 1/2011, với khoảng 174,1 triệu thuê bao.
Tại sao người ta khoái dùng nhiều sim như vậy? Chắc rơi vào 3 lý do dưới đây.
Khuyến mãi
Có một điều chắc chắn, không cần phải chứng minh, là tiền để sản xuất một cái SIM sẽ đắt hơn nhiều lần tiền sản xuất một cái thẻ nạp tiền điện thoại. Vì thẻ nạp tiền thực chất chỉ là một miếng giấy, trên ấy có một mã số để ta kích hoạt tài khoản điện thoại, dùng cho những thuê báo trả trước. Vậy nhưng, không hiểu vì sao tại Việt Nam mấy năm gần đây lại có chủ trương sản xuất SIM để khuyến mãi, thay vì sản xuất thẻ? Ra đường, ngày nào cũng thấy SIM khuyến mãi, nhiều khi cái SIM 40 ngàn đồng đã được khuyến mãi đến hơn 250 ngàn đồng, gấp khoảng 4-5 lần. Trong khi thẻ nạp tiền thì ít khi nào được khuyến mãi gấp 2 lần, 3 lần thì gần như không được phép.
Chính vì sự sản xuất SIM vô độ như vậy nên mới đẩy Việt Nam vào Top Ten những nước có người sử dụng đi động cao nhất thế giới.
Theo số liệu cũ thì vào tháng 7/2009,Việt Nam có khoảng 73,2 triệu thuê bao di động đang hoạt động, xếp thứ 6 tại châu Á - Thái Bình Dương. Cùng thời gian, các quốc gia đàn anh trong việc này là Trung Quốc với 644,8 triệu (không tính Hong Kong và Macau), Ấn Độ với 391,6 triệu,Indonesia với 144,6 triệu, Nhật Bản với 107,5 triệu…
Mới đây, theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), cứ 100 người trên toàn cầu thì có 70 chiếc điện thoại; trong khi thực tế, gần 70% số dân trên thế giới chưa có đủ điều kiện (khách quan, chủ quan) để sử dụng điện thoại.
10 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu điện thoại nhiều nhất hiện nay không có tên Mỹ, Nhật hay Anh.
Rõ ràng vì sự khuyến mãi và chạy đua thế lực của mình trên thương trường, nên các đại gia điện thoại ở Việt Nam thay vì sản xuất thẻ nạp tiền thì sản xuất SIM. Mà khi SIM xuất hiện quá nhiều, thì vấn đề kẹt mạng, sập mạng, chèn ép vệ tinh… là điều khó tránh khỏi; muốn nâng cấp, càng tốn kém nhiều hơn nữa. Nhưng than ôi, bưu chính viễn thông là chuyện độc quyền, xây lên từ tiền thuế của nhân dân, có gì đâu mà phải suy nghĩ về chuyện tiết kiệm.
Mê tín cực độ
Về mặt kĩ thuật, thì SIM gần như được sản xuất hàng loạt, nghĩa là giá thành giống nhau, nhưng thực tế thì giá bán rất khác nhau; khác nhau đến kinh khủng. Giao động từ 2-3 ngàn USD lên đến hàng triệu USD, mà thực chất của chuyện này là do mê tín số đẹp số xấu.
Trên mạng vẫn còn nói về số điện thoại 0903.456.789, để sở hữu, chủ nhân của nó phải trả đến 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) có được. Hay như SIM số được xem là cửu quý (9 số 6: 01.666.666.666) được bán hơn 2,5 tỷ đồng, mà có nơi so sánh là tương đương 1.000 tháng lương công chức có thâm niên 10 năm.
Trên mạng http://www.checksim.com có thống kê rằng có khoảng 100 ngàn SIM Lục quý, mà giá của nó thì vô chừng. Từ vài triệu cho đến hàng tỷ đồng, tùy theo tuổi tác và sự liên thông về nhân mạng của chủ nhân. Ví dụ như SIM 0124.88.88.888 của Vinaphone đang được rao bán với giá 1.320.000.000, cách đây 6 tháng, SIM này chỉ vào khoảng 750 triệu đồng. Hay như số 0122.44.44.444 của Mobifone đang bán với giá 488.400.000, số 01678.999.999 được rao với giá 480.000.000.
Giới mê tín, chủ yếu quan chức có tiền và giới mánh mung, cá độ, tài phiệt ở Việt Nam tạm quy ước với nhau về nghĩa của các con số, tất nhiên có dựa vào triết lý Đông phương, rằng:
0 = Tay trắng/ Bất (phủ định)
1 = Nhất/ Độc/ Sinh
2 = Mãi
3 = Tài
4 = Tử
5 = Phúc/ Sinh
6 = Lộc
7 = Thất
8 = Phát
9 = Trường/ Vĩnh cửu.
Cho nên, cần phải hiểu các con số theo kiểu suy luận như sau:
- 1102 = Nhất nhất không nhì/ Độc nhất vô nhị
- 4078 = 4 mùa không thất bát
- 2204 = Mãi mãi không chết
- 1486 = 1 năm 4 mùa phát lộc/ 1 năm 4 mùa lộc phát
- 01234 = Tay trắng đi lên: 1 vợ, 2 con, 3 tầng, 4 bánh
- 456 = 4 mùa sinh lộc
- 78 = Thất bát
- 4953 = 49 chưa qua 53 đã tới (số tử/tử vi)
- 68 = Lộc Phát
- 39 = Thần tài nhỏ
- 79 = Thần tài lớn
- 38 = Ông địa nhỏ
- 78 = Thất bát/ Ông địa lớn
- 83 = Phát tài
- 86 = Phát lộc
- 04 = Bất tử
- 94 = Thái tử
- 569 = Phúc - Lộc - Thọ
- 227 = Vạn vạn tuế
- 15.16.18 = Mỗi năm - mỗi lộc - mỗi phát
- 6886/ 8668 = Lộc phát phát lộc/ Phát lộc lộc phát
- 8386/ 8683 = Phát tài phát lộc/ Phát lộc phát tài
- 1368 = Nhất tài lộc phát/ Kim lâu (tử vi)
- 18.18.18 = Mỗi năm 1 phát
- 19.19.19 = 1 bước lên trời
….
Các cụm SIM đẹp, giới mua bán ở Việt Nam hay săn tìm nhất là SIM Lục quý, sau đó là Ngũ quý, Tứ quý, Lộc phát, Thần tài, Tam hoa… Tiếp đến nữa là SIM số kiểu taxi, kiểu tiệm tiến, số kép, số gánh, theo năm sinh, số lặp…
Một xứ sở được xem là vô thần, nhưng quan chức thì mê tín khỏi chê. Săn SIM chỉ là một biểu hiện nhỏ nhoi.
Man trá
Cuối cùng, khi mà SIM chính thức phải đi kèm với việc đăng ký số CMND, hoặc sổ hộ khẩu… thì lượng SIM “rác” có vẻ như giải quyết được chuyện “xoá dấu vết”. Có ý kiến cho rằng vì tính chất bất chính và bất minh trong nhiều công việc làm ăn ở Việt Nam hiện nay, để tránh bị theo dõi phần nào, đổi SIM liên tục là một giải pháp tình thế. Biết được điều đó, nên nhà sản xuất thì không ngừng tay dập SIM, còn người tiêu dùng thì không ngừng mua SIM.
Nếu nhìn về tính chính danh của người Việt thông qua việc sử dụng SIM điện thoại di động thì là… than ôi. Quan trọng hơn nữa, khi mà giới trẻ, những người mới bắt đầu dùng điện thoại, vì không có đủ tiền mua thẻ cào để nạp tiền (do nhà sản xuất chủ trương như vậy – xin nhắc lại), nên phải dùng SIM khuyến mãi cho lợi, họ thay đổi số liên tục, thành ra quen tay. Thử hình dung mà xem, khi họ trưởng thành, họ sẽ quan niệm như thế nào về sự chính danh và chữ tín? Do vậy mà xã hội ngày càng man trá và gian trá hơn, âu cũng có cơ sở để hiểu.
Nhưng thôi, đây lại là một vấn đề khác, Viết từ Sài Gòn sẽ trở lại trong một câu chuyện khác.
. Bookmark the permalink.
3 Responses to SIM di động Việt Nam: Mê tín và man trá!