Sự tàn nhẫn của chế độ nhà tù CSVN
Khi nghe tin anh Trương Văn Sương bị chết trong tù, người VN khắp nơi trên thế giới đều sửng sốt. Chúng tôi, Quỹ Tù Nhân Lương Tâm (QTNLT) đã tìm hiểu về sự tàn nhẫn của chế độ nhà tù CSVN. Kính mong quý vị nghe hai cựu tù cùng ở chung với ông Trương Văn Sương là luật sư Nguyễn Văn Đài (NVĐ) và ông Trần Đức Thạch (TĐT) nhận xét:
QTNLT: Trong thời gian mà ông ở tù, ông có ở chung với anh Trương Văn Sương một thời gian nào không thưa ông?
Trần Đức Thạnh (ảnh trái): Vâng! Tôi ở với anh Sương, ngay từ đầu khi tôi về đây ở, tôi đã thấy anh Sương ở đây rồi. Tôi nghe người ta kể rất nhiều huyền thoại về anh Sương. Không những tù chính trị, nhưng kể cả tù hình sự người ta cũng trân trọng anh Sương vô cùng. Anh em sinh hoạt ăn uống với nhau, rồi nói chuyện với nhau, và tôi rất cảm phục cái tinh thần kiên cường, tinh thần chịu đựng của anh Sương. Tôi đã có một ý định là sau này nếu tôi còn sống, còn tồn tại ra khỏi tù, tôi sẽ gặp anh Sương để khai thác một số tư liệu để tôi sẽ viết một cuốn sách về anh ấy. Nhưng bây giờ anh ấy đã chết rồi.
QTNLT: Thật là đáng tiếc. Bên này anh em cũng trân quý anh Sương lắm.
TĐT: Vâng! Tôi cho rằng đó là một người anh hùng. Và cái tinh thần của anh Sương là tinh thần cực kỳ bất khuất. Cái ý tưởng mà tôi định làm cho anh ấy, như vậy nó thật là đáng tiếc, như anh nói hồi nãy, thật là đáng tiếc. Và tôi rất căm phẫn những kẻ bắt nạt anh ấy để giết anh ấy như thế. Nhưng bọn này nó đâu có nhân tính. Anh ấy 67, 68 tuổi rồi làm gì được nữa. Nhưng chúng nó vẫn cứ bắt anh vào trại. Như vậy thì đời sống với một người bị bệnh suy tim độ 3, độ 4 như thế, ở trong trại giam thì điều kiện khắc nghiệt, sinh hoạt khắc nghiệt như thế thì gì mà chả chết. Coi như đó là một tội ác của chúng nó thôi.
QTNLT: Theo như ông nghĩ thì tại sao người ta lại giải phẫu cái xác vừa mới chết xong?
TĐT: Thì ở đây có lẽ là mọi giải phẫu hay làm gì đó là cái quyền của chúng nó. Bây giờ chúng ta không đặt vấn đề họ giải phẫu hay không giải phẫu thì tội giết người của chúng nó cũng đã lộ ra. Điều đó thì chúng ta không cần tìm hiểu sâu về vấn đề ấy nữa. Họ giải phẫu là có khi họ làm cho nó mang tính hình thức, là bảo ông ấy chết vì bệnh này bệnh kia để họ chạy tội cho họ chứ có làm gì?
QTNLT: Trong dịp chúng tôi nói chuyện với cựu tù nhân Trần Đức Thạch trước khi anh Trương Văn Sương chết, ông TĐT đã ghi nhận lại sự giết người của trại giam Nam Hà mà tên công an Trần Văn Thiết đã không hề dấu giếm cách thủ tiêu tù nhân mà ông Thạch đã ghi lại qua câu thơ trong bài “Sống trong vùng cấm”:
TĐT: Tên trung tá công an Trần Văn Thiết,
trắng phớ thẳng thừng:
“Nếu mày còn nhắc đến tự do, dân chủ, yêu nước,
tao sẽ cho đám công an trẻ vào đánh chết.
Bọn tao chỉ mất một tờ giấy lập biên bản mày tự sát là xong”
(Trích trong “Sống trong vùng cấm” của Trần Đức Thạch)
QTNLT: Anh Sương được mệnh danh là người tù bất khuất. Có nhiều lần khi trại giam ra tay đàn áp tù nhân chính trị, anh Sương đã hô to khẩu hiệu mà các bạn tù còn nhớ rõ như sau:
“Đả đảo cộng sản đàn áp tù chính trị,
Các cán bộ công an có giỏi thì bắn tôi đi,
Trương Văn Sương này suốt đời chiến đấu cho lý tưởng tự do.”
Khi anh Trương Văn Sương được lệnh tạm tha về chữa bệnh, qua điện thoại đã tuyên bố với chúng tôi như sau:
TVS: Cái bổn phận và trách nhiệm của người trai dân Việt đối với đất nước Việt, trong cái việc làm thì nhiều anh em cũng biết là tôi có những cái táo bạo, cái gan dạ là vì tôi nghĩ rằng, tôi là một quân nhân. Đáng lẽ tôi chết ngày 30/04/1975 rồi, mà không chết. Sống tới giờ này thì tôi coi sinh mạng của tôi là của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Nếu dân tộc Việt Nam cần, đất nước Việt Nam cần bất cứ lúc nào, sinh mạng Truơng Văn Sương xin hiến.
QTNLT: Với khí phách hiên ngang can trường của anh Trương Văn Sương, khi anh trở lại nhà tù, điều ta có thể đoán rằng, anh đã phỉ nhổ vào mặt những tên cai tù như Trần Văn Thiết mà cựu tù nhân Trần Đức Thạch đã mô tả, và rất có thể chúng đã cho công an trẻ đánh chết. Sau đó vội vàng giải phẫu tử thi để che lấp tội ác sát nhân của nhà tù Nam Hà.
Khi được hỏi thi hài của anh Trương Văn Sương có được mang về Sóc Trăng để an táng không, ông Trần Đức Thạch, người cùng bị tù với anh Trương Văn Sương ở trại giam Nam Hà cho biết như sau:
TĐT: Với tình hình này thì có lẽ nó bắt chôn ở đấy. Có lẽ không đưa được về đâu, vì anh Sương là một chiến sĩ anh hùng, cho nên đưa linh cữu của anh Sương từ đây về trong kia thì nó phải tạo ra một cái gì nó rất sợ, rằng nhiều người sẽ đến viếng anh Sương, và sẽ tạo ra một cái chúng nó không giải quyết được mà chúng nó lo sợ. Cho nên có khả năng là chúng nó bắt chôn ở trại giam Nam Hà.
QTNLT: Theo như luật của trại giam, một tù nhân ở trong tù mà chết trong tù như vậy, thân nhân có được mang xác về nhà an táng không hay là họ bắt buộc phải chôn trong nghĩa trang của nhà tù?
TĐT: Lẽ ra thì thân nhân có thể mang xác về được nếu đảm đương được tất cả các vấn đề. Nhưng tôi nghĩ rằng trường hợp anh Sương chúng nó chẳng cho mang về đâu. Không biết là phương hướng nó giải quyết như thế nào, nhưng tôi tin chắc rằng chúng nó không cho đưa anh Sương về Sóc Trăng ngay bây giờ, trong tình hình hiện nay nó rất nhạy cảm. Không có gì để chạy tội cái chuyện chúng nó giết anh Sương cả, cho nên việc đưa xác anh Sương về Sóc Trăng là điều chúng nó không bao giờ dám làm.
QTNLT: Đấy là nhận xét của ông Trần Đức Thạch. Chúng tôi có liên lạc với luật sư Nguyễn Văn Đài (NVĐ) là người dẫn gia đình anh Sương đến trại giam Nam Hà và bệnh viện Phủ Lý, thì được Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết như sau:
Thưa luật sư Nguyễn Văn Đài, anh là một luật sư, xin anh vui lòng cho biết dựa trên cơ sở pháp lý nào mà nhà tù có thể giữ một tử tù không cho thân nhân mang xác về nhà để an táng không?
Ls Nguyễn Văn Đài (ảnh trái): Vâng, theo quy định mới của VN, thì từ cách đây khoảng 3, 4 năm trở lại, tất cả những tù nhân qua đời trong trại giam, gia đình có thể đến làm đơn xin nhận lại thi hài, và trại giam cho phép gia đình mang thi hài đó trở về quê để an táng. Đúng là quy định của pháp luật thì như vậy, nhưng trên thực tế, đối với những tù chính trị nó có những sự khác biệt. Trong năm nay đã có 2 trường hợp tù nhân chính trị đã bị mất trong tù, nhưng chưa một người nào được trại giam cho phép gia đình mang về an táng cả. Đấy là việc thực thi pháp luật rất là sai trái của trại giam.
QTNLT: Thưa vâng, anh có biết như là anh Trương Văn Sương vừa rồi. Đó là anh cũng không được mang về nhà để an táng, theo như anh, cái lý do gì khiến anh Trương Văn Sương bị người ta giữ xác anh lại tại trại giam thưa anh?
NVĐ: Vâng! Trường hợp của chú Trương Văn Sương, tôi là người trực tiếp xuống, đi cùng 2 con của chú xuống dưới bệnh viện, nơi để thi hài của chú Sương, và tôi cũng đã hỏi trại giam tại sao các anh lại không cho gia đình mang thi hài của chú ấy về thì họ nói rằng: “Chúng tôi không cho là không cho”. Đây là một quy định hết sức vô nhân đạo, bởi vì người ta chỉ có thể cầm tù một con người sống thôi, chứ họ không thể nào cầm tù tiếp tục một người đã qua đời.
QTNLT: Thưa anh, vậy khi người ta từ chối lời yêu cầu của anh như vậy, họ có giải thích tại sao họ không cho anh Sương về nhà không thưa anh?
NVĐ: Họ không đưa ra một lời giải thích nào trên cơ sở pháp luật cả. Họ nói đây là quyền của chúng tôi. Và chúng tôi không cho là không cho.
QTNLT: Một ngày sau khi nói chuyện với ông Trần Đức Thạch, tôi liên lạc với gia đình ông Trương Văn Sương. Và gặp con trai của anh Sương là anh Trương Tấn Tài (TTT).
QTNLT: Vậy gia đình anh có được mang thi thể của cha anh về nhà không anh Tài?
TTT: Dạ! Không được đâu ạ! Quy luật của nhà trại là sau khi mình chưa lên tới thì người ta đã kiểm nghiệm tử thi. Rồi người ta sẽ lên dự án là cho đào huyệt, cho tẩm liệm. Nhưng người ta vì nể mình chút xíu là đường xá xa xôi, người ta chờ mình lên. Coi như là vô quách hàng rồi, có khung kiếng đặng cho mình nhìn mặt lần sau cuối. Thì trong cái khung kiếng đó, bề ngang khoảng tấc rưỡi, bề dài khoảng 2 tấc ngoài, thì mình cũng thò tay vô sờ mình mẩy này nọ, rồi rờ mặt mũi ba lần cuối đó anh.
QTNLT: Rồi anh có biết khi nào anh được mang hài cốt của cha anh về không?
TTT: Có, 3 năm sau, đúng 3 năm sau. Thí dụ như mình không hay thì trại nó bảo là : “nếu anh không hay thì tôi cũng nhắc anh, gửi giấy cần thiết về. Đúng 3 năm sau anh mới được quyền lấy hài cốt của ba anh về.”
QTNLT: Vậy trong tuần này anh có tính làm lễ cầu hồn cầu siêu gì cho ba anh không anh Tài?
TTT: Dạ có. Thì bây giờ đang về nhà là dự định lập bàn thờ.
QTNLT: Vâng, mong anh làm tròn trách nhiệm của anh như một người con hiếu thảo. Còn anh em chúng tôi tin rằng cha anh là Trương Văn Sương đã làm tròn trách nhiệm của một người trai dân Việt đối với nước Việt. Sinh mạng của cha anh đã hiến dâng cho Tổ Quốc, cho dân tộc VN. Chúng tôi hết lòng kính trọng chí khí và con người Trương Văn Sương. Anh em chúng tôi, QTNLT đã vẽ một chân dung anh Trương Văn Sương để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và kính trọng con người anh. Chúng tôi sẽ gửi về. Mong anh hãy dùng bức tranh này để lên bàn thờ phúng điều và tôn kính cha mình.
Trương Văn Sương
(Do QTNLT: Phùng Mai thực hiện, Phương Duy biên tập)
Phương Duy gửi Dân Làm Báo
. Bookmark the permalink.
ĐAO PHỦ THỦ.
Việt Nam là nước đi tiên phong trên thế giới sáng chế ra cái luật phải gọi là RẤT NHÂN BẢN nầy .
Hoan hô thủ tướng Nguyễn tấn Dũng và các đỉnh cao trí tuệ trong bộ chính trị .