22.10.11

LHQ: Campuchia đừng can thiệp Tòa án xử Khmer Đỏ


LHQ: Campuchia đừng can thiệp Tòa án xử Khmer Đỏ

2011-10-21
Vấn đề Tòa án xử Khmer Đỏ tại Campuchia do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn mang tiếng chính phủ xứ này can thiệp vào công việc nội bộ vẫn là một đề tài nóng.
AFP PHOTO
Phiên xử Khmer Đỏ ngày 29 tháng 3 năm 2011 ở Phnom Penh.

Việc này diễn ra sau khi đồng Thẩm phán người Đức từ chức và có nhiều cáo buộc từ các tổ chức phi chính phủ. Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Phnom Penh ngưng các hành động cản trợ và làm ảnh hưởng đến công việc của Tòa án quốc tế. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi

Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp của Liên Hiệp Quốc Patricia O'Brien hôm thứ Năm, 20/10 mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ Campuchia kiềm chế không can thiệp vào bất kỳ thủ tục pháp lý liên quan đến Tòa án quốc tế do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn điều tra thêm những người bị cáo buộc những tội ác tồi tệ nhất dưới chế độ Khmer Đỏ trong thập niên 70.
Bà O’Brien cho biết trong tuyên bố được ban hành sau khi kết thúc cuộc họp kín với Phó Thủ tướng Campuchia Sok An về diễn biến gần đây của Tòa án xử Khmer Đỏ. Bà nhắc lại lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc tất cả mọi người phải tôn trọng tính toàn vẹn và độc lập của quá trình tư pháp của tòa án. 
Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ Hoàng gia Campuchia không được ra thông cáo chống lại tiến độ các vụ án 003 và 004, và không can thiệp vào các thủ tục pháp lý bất kỳ theo hình thức nào. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh rằng nghĩa vụ của Chính phủ Campuchia hợp tác đầy đủ với Tòa án xử Khmer Đỏ.
Tại cuộc họp giữa đại diện Liên Hiệp Quốc và Phó Thủ tướng Sok An, hai bên đã thảo luận bốn vấn đề chính gồm vấn đề từ chức của đồng thẩm phán điều tra quốc tế Siegfried Blunk; sự phê bình của các tổ chức phi chính phủ và việc báo chí truyền đạt những thông tin về Tòa án; vấn đề người được bổ nhiệm chức vụ đồng thẩm phán thay chỗ ông Blunk và thứ tư là thảo luận về việc bổ nhiệm người đại diện của Liên Hiệp Quốc phụ trách về việc tìm kinh phí tài trợ cho Tòa án xử Khmer Đỏ.
krt-judge-250.jpg
Tân Thẩm phán quốc tế Chung Chang-ho (phải). Source ECCC.
Phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan cho biết rằng qua cuộc thảo luận hai bên đạt được thỏa thuận chung hợp tác và tăng tiến độ xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ. Campuchia khẳng định lần nữa chính phủ không can thiệp vào công việc nội bộ của tòa án như lời chỉ trích hay cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ và thông tin đại chúng.
Theo ông Phay Siphan, Phó Thủ tướng Sok An nói với đại diện Liên Hiệp Quốc rằng những thông tin nói chính phủ can thiệp vào công việc của tòa an là một điều phi lý, thiếu minh bạch và không có bằng chứng cụ thể. Chính phủ chưa hề ban hành bất cứ văn bản nào gây áp lực, ảnh hưởng đến quyết định của tòa án. Ngoài ra, chính phủ vẫn khẳng định Campuchia và Liên Hiệp Quốc giữ vững mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, thúc đẩy tiến độ tòa án nhằm mang lại công bằng cho nạn nhân.

Campuchia phản kháng

Tuần trước, đồng thẩm phán điều tra quốc tế tại Tòa án xử Khmer Đỏ Siegfried Blunk nộp đơn từ chức. Ông cho rằng dẫn các quan chức cao cấp của chính phủ xứ này không cho phép Tòa án điều tra thêm vụ án thứ 3 và thứ 4 hay gọi theo tên chính thức của tòa là vụ án 003 và 004. Vấn đề này cũng được Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp của Liên Hiệp Quốc đưa ra thảo luận với Phó Thủ tướng Sok An, tuy nhiên ông Sok An cho rằng vẫn không có bằng chứng rõ ràng để cáo buộc như vừa nói. Campuchia thực hiện đúng theo Hiệp định mà chính phủ và Liên Hiệp Quốc ký kết vào năm 2003. Có một tòa án xử Khmer Đỏ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn độc lập, đồng thời giữ được an ninh chính trị, hòa bình đất nước…
Liên quan vấn đề này, Ông Chhang Youk, Giám đốc Trung tâm tài liệu Campuchia là một Trung tâm nghiên cứu về tài liệu Khmer Đỏ có nhận định rằng việc các tổ chức phi chính bày tỏ ý kiến khác nhau về phiên xử của tòa án sẽ góp phần làm tòa án hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn. Còn việc Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ không can thiệp vào công việc của tòa án là môt việc làm quá lỗi thời và làm việc kém hiệu quả, thiếu tổ chức.
Vẫn theo ông, cho đến giờ này vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan để giải quyết vấn đề bất thường đang xảy ra tại tòa án mặc dù Liên Hiệp Quốc đến làm việc với phía chính phủ Campuchia. Thay vì nếu Liên Hiệp Quốc muốn tòa án tồn tại, thành công, và độc lập thật sự thì nên tiến hành điều tra văn phòng Thẩm phán của tòa án, còn hơn chỉ thảo luận về vấn đề cá nhân và chỉ trích chính phủ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa án xử Khmer Đỏ Neth Pheaktra khẳng định rằng tòa án cũng như văn phòng thẩm phán điều tra là cơ quan pháp lý độc lập, không chịu bất kỳ áp lực từ bên nào. Hiện nay, Thẩm phán điều tra đang tiếp tục tiến trình công việc của mình như thường nhằm đem lại quyền lợi và công bằng cho các nạn nhân. 
Ông còn nói phía Tòa án không tìm thấy sự bất thường nào xảy ra tại đây nhưng ngược lại có một số tổ chức phi chính phủ và báo chí truyền đạt thông tin sai sự thật.
Tòa án xử Khmer Đỏ, trong đó sử dụng hỗn hợp của các thẩm phán Campuchia và nhân viên nước ngoài, được giao nhiệm vụ điều tra những người bị cáo buộc là chịu trách nhiệm cao nhất về cái chết của hơn hai triệu người từ năm 1975 – 1979.
Vào ngày 26/7/2010, Tòa án xử Khmer đỏ đã công bố bản án vụ án 001 của Kaing Guek Eav hay gọi Duch, cựu trưởng nhà tù Tuol Sleng. Duch bị kết tù 35 năm tù cho tội ác chống nhân loại và vi phạm công ước Geneva. 
Tòa án sẽ xét xử vụ án 002 vào ngày 21/11 tới đối với bốn bị cáo Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith và Khieu Samphan về tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh, diệt chủng, đàn áp tôn giáo, giết người và tra tấn.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: