22.10.11

NATO tuyên bố hoàn thành sứ mạng tại Libya


NATO tuyên bố hoàn thành sứ mạng tại Libya

Tổng thư ký NATO, A.F Rasmussen và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Panetta tại cuộc họp ở Bruxelles (Reuters)
Tổng thư ký NATO, A.F Rasmussen và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Panetta tại cuộc họp ở Bruxelles (Reuters)

Trọng Thành
Hôm qua 21/10/2011, đại diện 28 thành viên của NATO, họp tại Bruxelles, đã thỏa thuận chấm dứt các hoạt động quân sự tại Libya vào ngày 31/10/2011. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào đầu tuần tới. Như vậy, chiến dịch tại Libya của NATO sẽ kết thúc, bảy tháng sau khi khởi sự vào ngày 31/3/2011.

Tổng thư ký khối NATO, Anders Fogh Rasmussen, tuyên bố, sẽ tiếp tục theo dõi chăm chú tình hình tại Libya, và sẵn sàng phản ứng lại các hành động bạo lực chống lại dân thường. Ông Anders Fogh Rasmussen nói, ông rất tự hào về sứ mạng do Liên hiệp quốc giao phó bảo vệ nhân dân, mà NATO cùng với các đối tác, đã thực hiện tại Libya. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ignazio La Russa, nếu không có Nato, đã có thêm hàng ngàn người chết dưới bàn tay của chế độ Kadhafi.
Cũng theo tổng thư ký NATO, sau ngày 31/10, toàn bộ lực lượng của khối này sẽ được rút hoàn toàn khỏi các khu vực xung quanh Libya.
Căn cứ địa của lực lượng thân Kadhafi tại Syrte thất thủ mới đây là một biến cố quan trọng, cho thấy sứ mạng của NATO tại Libya về cơ bản đã hoàn tất, là điều mà các chuyên gia quân sự NATO chờ đợi từ nhiều tuần nay.
Một nguồn tin ngoại giao cho hay, các quốc gia tham chiến chủ yếu, trong đó có Pháp và Anh, tỏ rõ ý định sẽ không chấm dứt chiến dịch can thiệp một cách vội vã. Pháp, nước ở tuyến đầu trong cuộc chiến tại Libya, sẽ giảm dần lực lượng trong những ngày tới, như tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Gérard Longuet. Đại diện Hoa Kỳ tại NATO cho biết, quân đội Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Libya trong vòng 10 ngày. Một số thành viên NATO cho rằng, chỉ nên chấm dứt chiến dịch, sau khi chính quyền mới chính thức tuyên bố giải phóng hoàn toàn đất nước.
Chiến dịch tại Libya cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Châu Âu - bất chấp sự phân rẽ trong nội bộ - tỏ rõ khả năng có thể tiến hành một hoạt động quân sự quy mô lớn, thay cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng chỉ ra những điểm yếu của Châu Âu : Các máy bay không người lái, máy bay vận tải hay các phương tiện của Hoa Kỳ là những yếu tố quyết định giúp cho không quân Châu Âu thành công trong các trận đánh.
Hội đồng Bảo an thảo luận về việc chấm dứt « vùng cấm bay »
Vẫn liên quan đến Libya, Hội đồng Bảo an LHQ đã bắt đầu họp vào hôm qua để xem xét một dự thảo quyết định bãi bỏ vùng cấm bay tại nước này. Nghị quyết thiết lập vùng cấm bay được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 17/3, cho phép NATO can thiệp để bảo vệ thường dân, chống lại các đàn áp của chế độ Kadhafi.
Đại sứ Nga tại Hội đồng Bảo an Vitali Tchurkin tuyên bố đã đệ trình một dự thảo nghị quyết theo hướng này, vì tình hình Libya đã thay đổi thực sự.
Trong thời gian NATO tiến hành can thiệp quân sự, Nga và một số thành viên của Hội đồng Bảo an đã lên án NATO lạm dụng sứ mạng được giao phó để « thay đổi chế độ » tại Libya.
Theo Reuters, những bình luận từ các phía về vấn đề Libya tại Hội đồng Bảo An cho thấy, mâu thuẫn kể trên đang dần dần biến mất, khi mà xung đột đang đi đến hồi kết. Đại sứ Pháp tại Hội đồng Bảo an, Gérard Araud, nhận xét : Dự thảo của Nga « có phần quá đơn giản ». Chính phủ lâm thời Libya cũng lưu ý không nên chấm dứt một cách đột ngột lệnh cho phép Nato can thiệp. Nghị quyết vùng cấm bay bị hủy bỏ cũng đồng nghĩa với việc tân chính quyền Libya phải đảm nhiệm được nhiệm vụ kiểm soát không phận quốc gia thay cho NATO.
Đồng quan điểm với đại sứ Pháp, đại sứ Anh Mark Lyall Grant cho rằng, các thương thuyết sẽ tiếp tục trong tuần tới trên cơ sở đề nghị của Nga, và một nghị quyết về vấn đề này có thể sẽ được thông qua vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
 

Không có nhận xét nào: