22.10.11

Qaddafi: Chế độ độc tài nào cũng sẽ chết


Ngô Nhân Dụng - NguoivietCác chế độ độc tài sớm muộn thế nào cũng sẽ bị lật đổ, nhưng ở mỗi nước có thể chấm dứt một cách khác nhau. Khi Mùa Xuân Á Rập bắt đầu từ Tunisie lan tới Ai Cập, nhiều người đã liên tưởng ngay đến những cuộc cách mạng nhung lật đổ chế độ cộng sản ở Ðông Âu.

Không phải cuộc cách mạng nào cũng bọc nhung. Tunisie và Ai Cập kết thúc ách độc tài một cách êm đềm giống Ðông Ðức, Ba Lan, Tiệp Khắc. Ðến bây giờ Libya kết thúc giống kiểu Romanie.
Một điều khác biệt là Nicolae Ceau escu bị đem ra xử nhanh chóng trong vòng bí mật rồi bị hành quyết. Còn Gaddafi sau khi bị bắt ngoài mặt trận, đã bị bắn chết. Nhờ thế, có lẽ hàng ngàn người Libya giữ được mạng sống. Nếu chờ đến khi đưa ông ta ra tòa rồi treo cổ như Saddam Hussein thì tàn quân của ông ta sẽ còn kháng cự lâu hơn.
Năm 2008, Qaddafi còn tiếp kiến bà Condoleezza Rice (và sau đó tiết lộ ông “phải lòng” bà ngoại trưởng Mỹ xinh đẹp). Năm 2009, ông ta còn đọc diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên và lần duy nhất. Sau khi nói 15 phút như mọi vị nguyên thủ quốc gia khác được phép sử dụng, ông tiếp tục nói thêm 80 phút nữa; coi cả thế giới cũng phải ngoan ngoãn lắng nghe như dân Libya dưới quyền mình. Năm ngoái, ông còn công du sang Roma một cách vẻ vang. Thoáng chốc, tất cả trở về cát bụi.
Trong thế kỷ 20 khi nhiều nước giành lại độc lập, có những nước lo xây dựng các định chế chính trị, xã hội làm nền tảng lâu dài; những nước khác thì có các “lãnh tụ anh minh” xuất hiện đóng vai “anh hùng cứu quốc”. Một trong những Người Hùng đó là ông Qaddafi.
Sau khi ông Qaddafi chết, nước Libya sẽ ra thế nào, chưa ai biết chắc. Di sản của ông là một xã hội phân liệt, chỉ có dầu lửa phong phú ngoài ra không có một thứ gì khác để sống như một quốc gia. Những người cầm đầu cuộc nổi dậy chỉ chia sẻ một ý chí, là lật đổ Qaddafi; ngoài ra chưa biết họ sẽ làm gì với di sản ông ta để lại. Vì họ không được chuẩn bị. Cả nước Libya không được chuẩn bị, sau 42 năm sống dưới một chế độ độc tài khắc nghiệt.
Qaddafi rất giống những Người Hùng thuộc thế hệ trước ông, những Fidel Castro (còn sống), Pol Pot (đã chết), giống cả Mao Trạch Ðông, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật; hay xa hơn nữa, Stalin, Hitler. Họ lật đổ trật tự xã hội cũ và kêu gọi người dân theo mình bằng giấc mộng xây dựng một quốc gia hùng cường trên những nền tảng hoàn toàn mới. Qaddafi chọn cho mình những danh hiệu như Giảng sư (Imam) của Thế giới Hồi Giáo; Nhà Ðại Cách Mạng; Khoa Trưởng của các Nhà Cai trị Á Rập; Anh Cả Lãnh đạo (khi cướp chính quyền, Ðại Tá Qaddafi chưa đầy 30 tuổi; nếu già hơn vài chục tuổi chắc ông ta cũng muốn được tôn xưng là Bác, hay là Cha già Dân tộc).
Qaddafi cũng đề cao một chủ nghĩa quốc tế, không tự giới hạn mình trong phạm vi quốc gia, quá chật hẹp. Ông ta cũng tuyên bố một thứ Chủ nghĩa Xã hội; giống như Hitler cũng dùng cái tên hấp dẫn này. Dưới danh nghĩa một chủ nghĩa xã hội, ông cũng tịch thâu tài sản của tư nhân, một cách vừa tích lũy tiền bạc trong tay vừa bắt mọi người phải chịu làm nô lệ cho guồng máy ban phát cơm áo, nhà cửa và các thứ ân huệ khác. Theo gương của Stalin và Mao, Qaddafi biết rằng khi kiểm soát được nồi cơm là có phương pháp kiểm soát toàn thể xã hội hữu hiệu nhất. Nhưng nắm đầu kinh tế chưa đủ. Qaddafi cũng tạo ra một guồng máy công an, mật vụ, bắt, giết, tra tấn những người có ý kiến khác. Qaddafi sử dụng guồng máy chuyên chế của mình để nuôi một đám thuộc hạ tham nhũng, tập trung quanh gia đình ông ta; nhờ tài nguyên dầu lửa dồi dào. Giống các bác Mao, bác Kim, Qaddafi bên ngoài rất lãng mạn. Anh Cả đòi sống trong một cái lều. Chung quanh nuôi lạc đà, nuôi dê, cừu theo lối sống cổ truyền của những người du mục. Khi sang New York họp Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, Qaddafi đòi dựng một cái lều để ngủ chứ không vào khách sạn. Khi các dân quân nổi dậy chiếm Tripoli người dân Libya mới khám phá ra cả một cuộc sống xa hoa của gia đình lãnh tụ kính yêu.
Ðể bảo đảm bộ máy kềm chế xã hội, Qaddafi tất nhiên cũng dựng lên một bộ máy nói dối trá tuyên truyền cho chế độ. Theo gương cuốn Sách Ðỏ của Mao Trạch Ðông, ông ta xuất bản cuốn Sách Xanh năm 1975; bắt học sinh, sinh viên học tập “Tư tưởng Gaddafi,” môn học quan trọng nhất trong các khóa trình. Qaddafi ra lệnh mỗi thành phố phải dựng tượng, không phải chỉ có hình ông ta mà cả hình bộ Sách Xanh của “Tư Tưởng Gia Cách Mạng” Qaddafi nữa.
Cũng giống như các bác Kim Chính Nhật, bác Pol Pot và bác Mao, Anh Cả Lãnh đạo Qaddafi phải được tôn thờ, chiếm độc quyền niềm kính ngưỡng của dân chúng. Báo, đài không được nhắc đến, không được in hình một nhân vật nào khác ngoài lãnh tụ anh minh. Cả đến các ngôi sao bóng đá cũng không được đề cao trong các phương tiện truyền thông.
Kinh nghiệm của các quốc gia sống dưới những Người Hùng như Qaddafi cho thấy di sản mà họ để lại là những xã hội tan rã, những quốc gia thiếu nền tảng. Tất cả guồng máy quốc gia được lập ra để phục vụ một cá nhân hay một đảng. Không có một định chế chính trị và xã hội nào đủ cứng cỏi và bền vững để thiết lập một guồng máy cai trị dựa trên luật pháp. Không một nhóm hay một tổ chức xã hội độc lập nào làm môi trường, làm khung cảnh cho người dân tham dự vào việc quốc gia. Cho nên sau khi chế độ độc tài sụp đổ thì thường sinh ra hỗn loạn.
Ở những nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, hoặc ở Nam Hàn, Ðài Loan, ngay trong lúc chế độ độc tài còn cai trị, đã xuất hiện những hạt giống đang nẩy mầm của xã hội công dân. Giới trí thức Hiến Chương 77, Phong trào Công đoàn Ðoàn Kết, hay các tổ chức sinh viên đại học, các công đoàn ở Nam Hàn đều là những tế bào đầu tiên sau này phát triển thành xã hội công dân, nền tảng của chế độ dân chủ. Ở các quốc gia thiếu những mầm mống của xã hội công dân, như Nelorussia, Ukraina, Iraq, hay các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, sau khi lật đổ chế độ độc tài rồi, việc xây dựng các định chế dân chủ tự do rất khó khăn và chậm trễ.
Ðó là những tấm gương mà người dân các nước sống trong chế độ độc tài phải suy ngẫm. Thay vì chờ đợi những Người Hùng, người lãnh đạo “tài đức vẹn toàn,” một dân tộc hãy lo xây dựng các định chế xã hội công dân ngay để tái thiết quốc gia sau khi lật đổ chế độ độc tài.
Những chính quyền độc tài chuyên chế còn sót lại trên thế giới cũng phải suy nghĩ. Họ muốn được kết thúc trong bàn tay bọc nhung như ở Ðông Ðức, Ba Lan, Tunisie, Ai Cập? Hay họ muốn theo số phận của Ceau escu và Qaddafi? Phải lựa chọn sớm, không thể nào nuôi mãi giấc mộng “muôn năm trường trị” được. Muốn kết thúc êm thắm, tốt nhất nên dần dần trả tự do cho người dân được sinh hoạt đoàn thể, tụ họp, phát biểu, lập những hội đoàn để chuẩn bị cho một xã hội công dân tương lai.
Chú Thích: Cách viết tên nhà độc tài Libya bằng mẫu tự La tinh thay đổi. Vì mẫu tự tương đương với Q trong tiếng Á Rập có thể phát âm nhiều cách khác nhau, “q” hoặc “k” hay “g” và “gh” tùy theo vùng. Cho nên hãng thông tấn Associated Press, báo Wall Street Journal và công ty CNN hay viết là “Gadhafi”, báo Los Angeles Times viết “Kadafi.” Ðài ti vi Á Rập Al Jazeera, viết “Gaddafi,” trong khi nhật báo New York Times viết “el-Qaddafi,” cho có vẻ Á Rập hơn!

Góp Ý

Không có nhận xét nào: