Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-11-25
Trong khi Quốc hội vẫn đang bàn cãi về mức lương tối thiểu cho toàn dân thì hai bộ phận quan trọng nhất của đất nước là giáo dục và y tế vẫn chưa có dấu hiệu được sự quan tâm đúng mức của các nhà làm luật.
Có thể sống được không?
Với tình hình hiện nay liệu sự phát triển bền vững có thể thực hiện được hay không khi mức lương cho các đơn vị xã hội sự nghiệp vẫn được xếp ngang hàng với những lĩnh vực khác? Mặc Lâm có bài viết sau đây mời quý vị theo dõi.
Lương tối thiểu tiếp tục là đề tài nóng trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sáng ngày 22/11 nhưng có lẽ trong phiên thảo luận này sẽ chưa đạt tới một kết quả nào vì xem ra còn quá nhiều bất cập trong hệ thống điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay đã kéo đồng lương của người lao động nằm ở mức an toàn cho ngân sách nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân hay quốc doanh nhưng ngày càng thách thức cuộc sống của người dân trước mức sống cho dù là tối thiểu.
Tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu, lương tối thiểu của năm 2011 phải là 1,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu chung 830 nghìn đồng/tháng từ tháng 5/2011 mới chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu tính theo phương pháp này.
Lương cấp 3 cũng có người được 3 hoặc 4 triệu nếu lâu năm. Nói chung lương trung bình của giáo viên trung học phổ thông chỉ hơn hai triệu mà thôi.GS Văn Như Cương
Cả xã hội đều nhìn thấy cơ chế đồng lương hiện nay đã tạo ra những lổ hổng rất lớn trong cách chi trả của nhà nước đối với công chức và các đơn vị phục vụ sự nghiệp như y tế và giáo dục. Hai mảng y tế và giáo dục vừa là phúc lợi vừa là phát triển nhưng đồng lương trả cho cán bộ hành chính của hai ngành này không thể nói là sòng phẳng với công sức của họ.
Đồng lương hiện nay đối với cán bộ hành chánh phản ánh một hình ảnh rất lớn trong toàn xã hội. Với đồng lương này họ phải cố xoay sở bằng mọi cách để sống còn, và không phải ai cũng có cơ hội làm thêm công việc thứ hai một cách lương thiện. Từ vấn nạn đồng lương nảy sinh vấn đề tham nhũng, móc ngoặc và gian lận cùng khắp xã hội đã tạo những mảnh đất màu mỡ cho đủ loại ký sinh đục khoét và băng hoại một cách chậm chạp nhưng rõ rệt ở nhiều lãnh vực quan trọng và cụ thể nhất là Giáo dục và Y tế.
Lương giáo viên trung và đại học
Sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn căn cứ vào thành quả giáo dục của quốc gia đó. Thừa nhận và đãi ngộ tinh hoa trong ngành Giáo dục qua mức lương hợp lý là bước khởi đầu không thể thiếu để khởi động và tận dụng năng lực nhằm đóng góp hiệu quả trong việc vận hành cả một guồng máy đào tạo. Liệu mức lương trả cho giáo chức có đáp ứng đúng với đòi hỏi này hay chưa nếu so với toàn bộ mức lương chung của xã hội hiện nay?
Giáo Sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Lương Thế Vinh cho biết mức lương mà một giáo viên mới ra trường như sau:
“Theo như tôi biết một sinh viên vừa mới tốt nghiệp trường đại học Sư phạm ra làm giáo viên phổ thông trung học thì lương khoảng độ hai triệu gì đó. Đây là lương chính còn nếu đang tập sự thì ít hơn chỉ được 85% gì đấy. Còn lương cấp hai tức là phổ thông cơ sở thì thấp hơn, đó là vào khởi điểm. Lương cấp 3 cũng có người được 3 hoặc 4 triệu nếu lâu năm. Nói chung lương trung bình của giáo viên trung học phổ thông chỉ hơn hai triệu mà thôi.
Lương ở các trường dân lập thì cao hơn bởi vì người ta có thu học phí, ví dụ như trường chúng tôi thì lương mỗi tiết dạy 45 phút thì thầy được 100.000. Nếu một tuần thầy dạy 15 tiết thì lương tháng khoảng 6 triệu.”
Mức lương của những giảng viên đại học có nhỉnh hơn một chút mặc dù người sinh viên đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn cho một tấm bằng Tiến sĩ. GSTS Nguyễn Thế Hùng hiện giảng dạy tại trường Đại Học Bách khoa Đà Nẵng cho biết:
“Bậc tiến sĩ mới bước vào bậc giảng viên thấp nhất vào khoảng 2 triệu rưỡi 3 triệu. Với giảng viên trung bình thì khoảng 4 triệu một tháng. Giảng viên chính trung bình khoảng 6 triệu còn giảng viên cao cấp hiện nay xấp xỉ 8 triệu con số này gần như cao nhất trong Đại học Bách khoa Đà Nẵng.”
Và lương của công nhân điện
Dư luận mới đây rộ lên nhiều bình phẩm khi giám đốc tập đoàn điện lực EVN Phạm Lê Thanh cho rằng rất đau lòng khi nhân viên của tập đoàn này lãnh mức lương 7 triệu 300 ngàn một tháng và ông cho biết mức lương này không thể sống được ở thành phố. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên tư vấn cho Văn phòng Thủ tướng cho biết:
Các ngành khác cũng có lương cao hơn giáo dục chứ không riêng gì điện lực. Tất nhiên giảng viên họ cũng thấy đó là các ngành kinh tế thì họ làm nhiều họ hưởng nhiều.Ths. Ngô Tấn Lực
“Không lẽ ông ấy không hiểu được bối cảnh kinh tế chung của kinh tế Việt Nam khi mức thu nhập chung trong xã hội Việt Nam bây giờ là như thế nào ư? Mà ổng lại mang ra con số như vậy và bày tỏ sự đau lòng của ông ấy! Ông ấy chỉ đau lòng cho riêng ngành ông ấy mà không hề biết đau lòng cho những ngành khác làm việc vất vả không kém mà thu nhập thấp hơn rất nhiều lần. Chẳng hạn những lãnh vực phục vụ chung cho cả xã hội và vị trí của nó rất lớn trong việc phát triển đất nước như giáo dục và y tế. Mức lương bình quân của các ngành đó thấp hơn rất nhiều lần. Những ngành đó ảnh hưởng rất sâu rộng tới cuộc sống của người dân không phải chỉ thế hệ hôm nay mà những thế hệ mai sau của đất nước nữa.”
Riêng Thạc sĩ Ngô Tấn Lực, hiệu trưởng Đại học Tiền Giang thì hy vọng vào nghị quyết về trí thức của đảng sẽ cải thiện vấn đề và dưới cái nhìn của ông thì tư duy cho rằng người làm kinh tế có ưu tiên hơn về lương bổng là điều mà xã hội vẫn chấp nhận:
“Thật ra các ngành khác cũng có lương cao hơn giáo dục chứ không riêng gì điện lực. Tất nhiên giảng viên họ cũng thấy đó là các ngành kinh tế thì họ làm nhiều họ hưởng nhiều còn họ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng tất nhiên bao giờ cũng muốn đồng lương có thể nuôi sống bản thân thậm chí phải nuôi gia đình nữa.
Chắc chắn đồng lương hiện nay là một vấn đề lớn theo tôi nghĩ đã có nghị quyết về trí thức thành ra người ta cũng chờ đợi đồng lương của người lao động trí óc sẽ được giải quyết thế nào. Cán bộ giảng viên của trường thấy rằng mình là một đơn vị công lập cho nên nhà nước có khả năng bao nhiêu thì trả mình bấy nhiêu nên phải dạy thêm hay tìm cách nào đó để vừa rèn luyện tay nghề vừa cải thiện thêm đời sống.”
Kiếm sống và nghiên cứu cái nào hơn?
Đại học là nơi đào tạo trí thức, nguồn nhân lực cao cấp nhất của quốc gia vì vậy không thể vắt kiệt sức của người thầy từ đồng lương như đối với các giai cấp khác của toàn xã hội. Bên cạnh việc giảng dạy thì công tác nghiên cứu chính là xương sống cho sự phát triển do đó không thể ngược đãi họ bằng cách gián tiếp đẩy giảng viên đại học vào con đường kiếm sống trong khi con đường mà họ chọn để đóng góp cho giáo dục là nghiên cứu khoa học để phát triển đất nước. GSTS Nguyễn Thế Hùng bộc bạch:
“Có thể nói rằng giáo sư ở Việt Nam rất là cực. Ngay những ngày lễ ngày tết, Thứ Bảy Chúa Nhật nhiều lúc mình cũng phải dành thời gian đó để mà làm việc. Cho nên có thể nói rất nhiều giáo sư người ta không nghiên cứu mà người ta làm những đề tài công nghệ không mất thời gian nhiều có nghĩa là họ chủ trì đề tài nào đó rồi họ tập hợp những người khác vào làm, họ chỉ đôn đốc và viết báo cáo và quan hệ. Thật ra chủ trì đề tài rất dễ nên đa số người ta đi theo con đường đó.
Trong việc nghiên cứu khoa học thì người ta không an tâm làm nghiên cứu bởi vì không đủ sống, người ta phải kiếm cách tăng giờ dạy.GS Văn Như Cương
Mình phải đầu tư rất nhiều thời gian công sức. Mình phải âm thầm chịu đựng hy sinh. Những giáo sư bên khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học cơ bản có thể nói là đếm trên đầu ngón tay tại Việt Nam vì vậy có thể nói tiềm lực khoa học tại Việt Nam là không có để cạnh tranh với thế giới và đây là một trong những cái chết của đất nước.”
Giáo Sư Văn Như Cương cũng đồng quan điểm khi cho biết ý kiến của ông về việc này:
“Nhiệm vụ thầy giáo ở đại học thì phải giảng dạy là một, nghiên cứu khoa học là hai. Trong việc nghiên cứu khoa học thì người ta không an tâm làm nghiên cứu bởi vì không đủ sống, người ta phải kiếm cách tăng giờ dạy. Do đó các thầy dạy ở đại học phải chạy sô đi dạy thêm ở ngoài để kiếm thêm thu nhập vì vậy nó ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu khoa học của người giáo viên đại học. Việc nghiên cứu khoa học sẽ làm người thầy tốt hơn. Thí dụ thầy đang làm luận án nghiên cứu về một cái gì đó thì đương nhiên nó tốt hơn trong khi thầy đứng lớp giảng dạy cho các em.”
Câu hỏi về vấn đề tăng lương cho các đơn vị Giáo dục và Y tế vẫn đang còn ở phía trước. Người dân không khỏi lo lắng khi Bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ mới đây công bố rằng nếu chỉ tăng lương cho mỗi người 50 ngàn thôi thì ngân sách cần phải bỏ ra mỗi năm là 11 ngàn tỷ.
Số tiền này sẽ lấy từ đâu ra để chia đều cho toàn xã hội? Xin mời quý thính giả theo dõi bài kế tiếp nói về khu vực thứ hai cũng đang rất cần sự chú ý của chính sách lương bổng đó là ngành y tế, nơi được xem là đồng lương đang làm thui chột nhiều bác sĩ cũng như cán bộ điều dưỡng Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Mức lương tối thiểu được tăng lên 2 triệu đồng
- Giá điện tiếp tục tăng, điện tiếp tục thiếu, Điện lực tiếp tục than lỗ
- Lương nền tối thiểu ở Việt Nam quá thấp
- Mức lương tối thiểu vần còn quá thấp
- Việt Nam bắt đầu cúp điện luân phiên
- Bộ Tài Chánh trình Thủ tướng phương án tăng giá điện
- Việt Nam sẽ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô 2011
- Tăng lương một thì giá cả tăng mười
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét