22.12.11

Đại cục quan hệ made in China?



Phạm Trần - Đối với những vấn đề tồn tại hay mới nảy sinh, trong đó có vấn đề trên biển, hai bên tuân thủ nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được và nghiêm chỉnh thực hiện “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” đã ký giữa hai nước, cùng nỗ lực xử lý, giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình, không để ảnh hưởng xấu đến đại cục quan hệ, đi tới giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được.”

Đó là lời cam kết giữa Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN và Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Trung Cộng trong cuộc họp tay đôi tại Hà Nội ngày 21/12 (2011).

Họ Tập đến thăm Việt Nam từ 20 đến 22/12 (2011) theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Tuy nhiên không ai tin đó là lý do chính trong chuyến đi Việt Nam của họ Tập, sinh năm 1953 là người sẽ thay Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Cộng vào năm 2013.

Ngòai Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo tương lai của trên 1 tỷ dân còn gặp Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước và Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội.

Sau đó vào sáng ngày 22/12 (2011), họ Tập gặp Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, vì Dũng mới về đến Hà Nội vào chiều 21/12, sau chuyến viếng thăm Miến Điện và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4.

Dũng là người đã đưa ra những lời tuyên bố trước Quốc hội ngày 25/11 (2011) về chủ quyền lịch sử bất dịch của Việt Nam trên quần đảo Hòang Sa đã bị Trung Cộng chiếm mất từ tay Quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/01/1974 và Trường Sa,nơi có quân của Trung Hoa đang kiểm soát 7 đảo đá ngầm mà Trung Hoa đã chiếm từ tay Quân đội CSVN từ năm 1988.

Tuy nhiên, khi Trọng và Tập đồng ý hai nước phải nghiêm chỉnh thực hiện “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” đã ký giữa hai nước” thì hẳn là muốn nhắc đến 6 điểm thỏa hiệp ghi trong “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” giữa Nguyễn Phú Trọng, và Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Hoa ngày 11/10 (2011) tại Bắc Kinh, trong đó có vấn đề “hợp tác cùng phát triển” trên các vùng biển tranh chấp giữa 2 nước.

Nhiều người đối kháng trong nước đã chỉ trích Trọng nhượng bộ đòi hỏi phi pháp của Hồ Cẩm Đào, vì Trọng đã để cho Tầu vào khai thác tài nguyên trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở Biển Đông.

Ngòai các thỏa hiệp phụ về ngân hàng, kinh tế, điện lực, Báo chí,Thông tin, Tổ chức Thanh niên Cộng sản của hai nước chuyến đi Việt Nam của Tập Cận Bình lần này đã tập trung vào việc thúc bách Việt Nam thực hiện cam kết “hợp tác cùng phát triển” ở Biển Đông vì có lợi lập tức cho cho Bắc Kinh.

Do đó, khi gặp Dũng, theo tin chính thức của Chính phủ Việt Nam thì: “Hai bên nhất trí cho rằng cần nhanh chóng thành lập cơ chế trao đổi về việc triển khai Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên giao cho Đoàn đàm phán chính phủ hai nước sớm gặp và trao đổi về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.”
Mạng báo điện tử của Nhà nước Việt Nam còn viết rằng khi đề cập vấn đề trên biển thì: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đồng thời đề nghị hai bên trên tinh thần đồng chí anh em, láng giềng hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần DOC, để giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển…”
Trong cuộc họp với Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình nói rằng: “Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai bên; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẽ tiếp tục cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam không ngừng phát triển tốt đẹp, bền vững theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, vì lợi ích căn bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Nhưng tình hình trên đất liền và Biển Đông từ khi hai nước ký thỏa hiệp biên giới năm 1999 và phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 đã có nhiều bất lợi cho Việt Nam.

Trên đất liền, Trung Cộng đã làm chủ những vùng đất chiếm được sâu trong nội địa Việt Nam từ Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và 1984. Ải Nam Quan và phần chính của Thác Bản Dốc, một thắng cảnh của Việt Nam từ bao đờ nay cũng đã để lọt vào tay Trung Hoa sau khi hai bến ký thỏa hiệp về biên giới.

Trên biển thì hầu như hải quân Trung Cộng đã hòan tòan làm chủ tình hình và tự do thao túng, tấn công, đe dọa các ngư phủ Việt Nam đánh cá trong khu vực Hòang Sa và Trường Sa và tấn công các tầu khảo cứu đáy biển của Công ty dầu khí Việt Nam hồi tháng 5/2011.

Ngay trong cuộc họp với Tập Cận Bình cũng xin Tập Cận Bình mau chóng có những thỏa hiệp khai thác du lịch ở Bản Dốc, lưu thông trên song giữa hai bên và sự dụng nguồn nước vì hiện nay phía Trung Quốc đã dành nhiều phần lợi cho mình ở vùng biên giới.

Tin của Chính phủ Việt Nam viết về vấn đề này rằng: “Về vấn đề biên giới trên bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện đã ký kết, đồng thời thảo luận tích cực sớm ký kết Hiệp định hợp tác khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân, thực hiện hợp tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông, suối ở khu vực biên giới.”
ÁO THỤNG VÁI NHAU

Như vậy mỗi khi nghe người Tầu nhắc đến phương châm được gọi là 16 “chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” thì ai cũng nhìn rõ mặt trái gian dối của chúng đã hiện ra trên mặt các viên chức đảng và nhà nước Trung Hoa.

Vậy mà thỉnh thỏang những chữ này lại được phát ra từ miệng lưỡi các viên chức Cộng sản Việt Nam, như lời tuyên bố của Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước khi tiếp Tập Cận Bình ngày 21/12 (2011) tại Hà Nội: “Lịch sử đặt lên vai chúng ta cần tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước theo tinh thân 16 chữ và tinh thần 4 tốt mà các thế hệ lãnh đạo đã dày công xây dựng.”

Thật là trớ trêu và hổ thẹn.

Nguyễn Phú Trọng còn nói với họ Tập rằng: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc và đây là chủ trương nhất quán, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Không những thế, Trọng còn hồ hởi: “Hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đi vào chiều sâu; đặc biệt coi trọng việc giáo dục nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, về tình cảm và tinh thần láng giềng hữu nghị, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.”
Riêng Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc Hội còn góp lời bợ đỡ như cá gặp nước khi tiếp Tập Cận Bình rằng: “Đảng và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và giữ gìn mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và hiệu quả của nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.”
Tại cuộc họp giữa 2 phái đòan mà phiá Việt Nam do Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư đảng và Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nước cầm đầu cũng đã thảo luận về vấn đề tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông.

Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam thì khi: “Trao đổi ý kiến về vấn đề Biển Đông, phía Việt Nam khẳng định sẵn sàng cùng phía Trung Quốc giải quyết bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp cho hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực.”
AI MẮC BẪY AI?
Đây là lập trường cố hữu và không có gì mới từ phiá Việt Nam, nhưng sau đó tin này đã tiết lộ rằng: “Hai bên nhất trí chỉ đạo Đoàn đàm phán cấp Chính phủ hai nước nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.”
Điều này có nghĩa phía Tập Cận Bình đã thúc giục Việt Nam phải mau chóng thảo luận việc “hợp tác cùng phát triển” ở vùng Biển Đông có tranh chấp giữa hai bên đã ghi trongNguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” ngày 11/10 (2011) ở Bắc Kinh.

Nhưng Trung Cộng có quyền gì ở Biển Đông đâu. Bắc Kinh đã tự vẽ ra hình “Lưỡi Bò”, hay “Đường Chín Đọan” chiếm từ 80 đến 85 diện tích rồi bảo đó là vùng biển của mình. Khi bị Việt Nam và các nước trong khu vực phản đối, tích cực nhất là Phi Luật Tân thì Trung Cộng lại đòi “gác tranh chấp để khai thác cùng có lợi”, theo quan điểm của Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Cộng khi còn sống.

Nhưng Đặng Tiểu Bình không quên nói thòng một câu nguy hiểm, đó là “Biển của ta, gác tranh chấp để cùng khai thác”

Như vậy, khi Nguyễn Phú Trọng đặt bút ký bằng lòng “hợp tác cùng phát triển” với Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Trung Hoa hồi tháng 10/2011 là Trọng đã “mắc bẫy” của đường Lưỡi Bò và ý của Đặng Tiểu Bình, vì khi các bên đã khai thác hết tài nguyên thì Việt Nam còn gì đâu, vì Biển vẫn là của Tầu!

Vì vậy, khi nghe Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đồng ý tại Hà Nội ngày 21/12 (2011) rằng hai bên “cùng nỗ lực xử lý, giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình, không để ảnh hưởng xấu đến đại cục quan hệ, đi tới giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được” là hiển nhiên họ Tập đã có lời trông thấy trong chuyến “đổi chác” này.

Bởi vì phía Tầu chỉ chi ra một ít tiền là lấy được cả “chì lẫn chài” như đã chứng minh trong bản tin của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết rằng: “Ngay sau hội đàm, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ kí 8 văn kiện quan trọng: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về hợp tác y tế; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam và Văn phòng Báo chí Đối ngoại Quốc Vụ viện Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin báo chí và thông tin đối ngoại; Thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Trung Quốc giai đoạn 2012-2013; Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua cho dự án nhà máy sản xuất phôi thép Thanh Hóa; Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Khai thác và Phát triển Nhà nước Trung Quốc; Thư cam kết cho vay giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với Ngân hàng Khai thác và Phát triển Nhà nước Trung Quốc; Thư cam kết cho vay giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội với Ngân hàng Khai thác và Phát triển Nhà nước Trung Quốc về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long; Hợp đồng cho vay giữa Công ty Cổ phần hữu hạn Điện lực An Khánh với Ngân hàng Trung Quốc về dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh.”
Như vậy khi Trọng nhắm mắt đồng ý “không để ảnh hưởng xấu đến đại cục quan hệ” là “đại cục” của ai và “ảnh hưởng xấu” là do ai chủ mưu?

Chẳng nhẽ lại do phía Việt Nam vì sợ hại đến “đại cục quan hệ” made in China? -/-

(12/011) 


Không có nhận xét nào: