4.12.11

American Airlines nộp đơn khai phá sản


2011-12-03
Với nền kinh tế ảm đạm, chi phí nhân công đắt đỏ và giá cả nhiên liệu tăng cao, hãng hàng không lớn thứ 3 của Hoa Kỳ là American Airlines, mới chính thức đệ đơn xin phá sản hôm 29/11.
Photo courtesy of Wikipedia
Máy bay Boeing 767-300ER của American Airlines cất cánh từ sân bay London Heathrow, Anh.
Vì sao tập đoàn này phải áp dụng cứu cánh cuối cùng là “phá sản” và đâu là bài học rút ra từ vụ phá sản lớn này.
American Airlines ra đời năm 1934, trải qua gần 80 năm phát triển, đã từng là hãng hàng không đứng đầu tại Hoa Kỳ về cả doanh số và số khách hàng thường xuyên, là niềm kiêu hãnh của ngành công nghiệp hàng không Hoa Kỳ so với các hãng hàng không khác trên thế giới. Với biểu tượng cánh chim đại bàng giống như biểu tượng của sức mạnh Hoa Kỳ, đến thời điểm này, American Airlines đối mặt với phá sản và họ chính thức đệ đơn lên tòa án phá sản liên bang trụ sở tại New York hôm thứ ba, 29/11.
Thông tin American Airlines phá sản không phải là điều quá ngạc nhiên vì thực ra thì kể từ năm 2001 cho đến nay, mỗi năm công ty thua lỗ gần 500 triệu đô la và năm ngoái, họ là hãng hàng không duy nhất của Hoa Kỳ không thu về lợi nhuận.
Cho đến thời điểm xin phá sản, American Airlines có đến gần 30 tỷ đô tiền nợ, trong khi tài sản của họ lại chưa đầy 25 tỷ đô la. Trong số gần 78,000 nhân viên, phần nhiều sẽ mất việc, tiền lương bị cắt giảm và quỹ hưu trí của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu năm 2007, giá cổ phiếu của American Airlines là 40 đô la, thì đến chiều 29/11, giá chỉ còn là 33 cent.
Từng là hãng hàng không lớn nhất thế giới, American Airlines trượt dốc và chỉ còn đứng ở vị trí thứ 3 tại thị trường hàng không nội địa Hoa Kỳ, điểm quan trọng nhất khiến công ty này phá sản chính là họ đã thất bại trong chiến lược cắt giảm chi phí: Họ vẫn thuê mướn nhân công đắt đỏ và duy trì hệ thống máy bay tiêu tốn nhiên liệu, trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh đang ra sức giảm thiểu những chi phí này. Theo luật sư của công ty thì chi phí của American Airlines so với các đối thủ là không thể “cứu vãn” nổi.

Phá sản để tồn tại

american-airlines-headquarters-250.jpg
Trụ sở hãng hàng không American Airlines tại Fort Worth, Texas. Photo courtesy of Wikipedia.
Câu hỏi được đặt ra có phải phá sản là hết! Xin được trả lời ngay rằng không phải là như vậy. Mặc dù phải đối mặt với phá sản, nhưng thuật ngữ “phá sản” tại Hoa Kỳ không có nghĩa tiêu cực là công ty sẽ biến mất trên thương trường. Mà trên thực tế “phá sản” được hiểu theo nghĩa là công ty này sẽ được tái cơ cấu lại theo hướng gọn nhẹ hơn, giảm bớt những đường bay không sinh lời, cắt giảm nhân công, chi phí điều hành và tòa án sẽ đứng ra tạm thời bảo vệ American Airlines trước việc đòi tiền của các ngân hàng cho vay vốn.
Điểm lưu ý ở đây, tại Hoa Kỳ, chuyện phá sản đối với các hãng hàng không lớn không có gì quá đặc biệt, giai đoạn “phá sản” được xem là lúc công ty cơ cấu lại tổ chức, chọn lựa những lĩnh vực sinh lợi, cắt giảm chi phí hoặc là sáp nhập với những công ty mạnh hơn, và thường thì họ có thể trở lại hoạt động được sau một thời gian tái tổ chức. Chuyện này đã từng xảy ra với những hãng hàng không lớn như Delta, Continental, hãng sản xuất ô tô General Motors hay Lehman Brothers, công ty tài chính đã chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ năm 2008 như trước đây.
Trong lịch sử xin phá sản, hai hãng hàng không là Continental và Delta cũng đã phải sử dụng đến chương 11 Luật phá sản để tái cơ cấu lao động và cắt giảm chi phí. Cuối cùng, sau khi sáp nhập với nhau, hai hãng này đã trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất nước Mỹ.
Theo hồ sơ ghi nhận, cắt giảm các chuyến bay không sinh lời và cắt giảm nhân công là 2 chuyện ưu tiên hàng đầu mà American Airlines sẽ thực hiện trong vòng 15 tháng tới, còn ngay trước mắt, thì họ phải đảm bảo cho công chúng thấy rằng các chuyến bay vẫn suôn sẻ như trước đây. Sau khi đơn phá sản của họ được phê duyệt, American Airlines sẽ không phải tiếp tục ký hợp đồng sử dụng các loại máy bay cũ, tiêu hao nhiều nhiên liệu, mà thay vào đó, họ sẽ dùng các loại máy bay mới, ít ngốn nhiên liệu và có cơ hội để đàm phán với giới công đoàn đòi hỏi nhiều quyền lợi cho người lao động.
Theo lời của ông Thomas Horton, giám đốc điều hành tập đoàn AMR, công ty mẹ của American Airlines thì đây là một quyết định khó khăn, nhưng cần thiết và là một hướng đúng đắn để công ty trở thành một hãng hàng không cạnh tranh hơn và ổn định hơn về mặt tài chính. Vị giám đốc này đã thừa nhận:
Từng đó thứ cộng lại, khiến chúng tôi phải có bước quyết định để có thể đưa công ty trở lại con đường thành công trong dài hạn.
GĐ Thomas Horton
“Chúng tôi không thể giữ nổi khoảng cách về chi phí giữa American Airlines và các đối thủ. Môi trường kinh tế bất ổn, giá xăng dầu lên cao và biến động. Từng đó thứ cộng lại, khiến chúng tôi phải có bước quyết định để có thể đưa công ty trở lại con đường thành công trong dài hạn.”
Chính ông Thomas Horton cũng nhận thấy các hãng hàng khác đã thành công trong chiến lược kiểm soát chi phí, cơ cấu lại nguồn vốn và trở nên cạnh tranh hơn, trong khi mặc dù American Airlines đã hết sức nỗ lực nhưng họ vẫn thất bại.
Vậy ảnh hưởng của chuyện phá sản sẽ ra sao? Câu trả lời đó là việc làm và quỹ hưu trí của nhân viên công ty. Ông Thomas Horton cho biết sa thải là khả năng hoàn toàn xảy ra. Tại thời điểm hiện nay, American Airlines có 8,700 phi công đang hành nghề và khoảng gần 1,000 người đang tạm thời nghỉ việc cộng với gần 17,000 chiêu đãi viên. Vậy nên việc cắt giảm nhân công, giảm thiểu hóa chi phí là điều không tránh khỏi.
Về quỹ hưu trí, American Airlines đã từng cắt giảm quỹ này gần 2 tỷ đô la mỗi năm kể từ năm 2003 và giờ thì hãng này vẫn tiếp tục tìm cách giảm hơn nữa. So với các đối thủ cạnh tranh như United Airlines hay Delta, quỹ hưu trí vẫn được xem là một gánh nặng đối với American Airlines. Tuy thế, ông Thomas Horton cho rằng ngay trước mắt, quyền lợi của nhân viên tại đây chưa thay đổi nhiều, ông chỉ cho biết sẽ ngồi xuống bàn thảo với giới công đoàn trước sự giám sát của tòa án để tìm ra kết quả có lợi nhất cho nhân viên làm việc.
Chuyện thành lập và phá sản những công ty khổng lồ trong một thế giới tư bản là chuyện rất đỗi bình thường, là quy luật sinh tồn trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng phần nào mang đến một bài học về chiến lược quản lý chi phí của những tập đoàn tầm cỡ thế giới, không thể đứng ngoài cuộc trong xu thế chung là giảm thiểu chi phí, sáp nhập và tái cơ cấu vốn. Đồng thời chúng tôi cũng muốn gửi đến quí vị một khái niệm tương đối mới mẻ với người Việt Nam về luật phá sản của Hoa Kỳ. Phá sản không có nghĩa là tiêu cực, bước đường cùng, mà đây là cũng là một chiến lược, cơ cấu tổ chức lại toàn bộ hệ thống của một công ty nhằm hướng đến sự thành công trong dài hạn.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: