Bài Giảng Cánh Chung Luận là của Cha Khảm hay của Đ. Cha Khảm?
Đầu tháng 11/20011, vào trang WebTGP Sài Gòn lắng nghe bài giảng của ĐGM (hay Lm) Nguyễn Văn Khảm về Cánh Chung Luận trong phần audio có ghi âm thu-phát đầy đủ rõ ràng tiếng nói cùng lời giảng dạy từ miệng vị chăn chiên phát ra, tôi đoán rằng sẽ có nhiều người lên tiếng về nội dung bài giảng ấy và chắc chắn sẽ là một cuộc tranh cãi sôi nổi.Tôi tránh mang tội hồ đồ hùn gió…, không “a dua đám đông, xúc phạm các Đấng làm Thầy”.
Nhưng sau khi đọc bài phỏng vấn ĐC Khảm, tôi cảm thấytrong tư cách giáo dân, mình cũng có phần trách nhiệm góp tiếng nói dù có thể đây chỉ là thứ tiếng nói yếu ớt gió thoảng mây bay cũng như bao nhiêu lần góp ý trước đây. Có khi còn bị nguyền rủa là khác vì tiếng nói của mình không thể không ít nhiều đụg chạm.
Bây giờ với những lời phát biểu của Đức Cha Nguyễn Văn Khảm trả lời cuộc phỏng vấn của WGPSG ngày 22/12/2011 (http://tgpsaigon.net/baiviet- tintuc/20111222/14016), xin mạo muội có đôi điều chia sẻ thô thiển sau đây.
Bài giảng 12 năm về trước
Khi được phóng viên trang Web GP Sài Gòn (WGPSG) hỏi “…Tại Sao lại lấy bài giảng của 12 năm trước và gán cho Đức cha mới giảng, kèm theo nhiều lời phê phán như vậy?” ĐC Khảm trả lời: “Tôi không biết. Điều này chắc anh phải đi hỏi những người đưa tin thôi”.
Tôi có cảm tưởng cả người phỏng vấn (WGPSG/PV) lẫn ĐGM Nguyễn Văn Khảm ngay từ đầu cuộc phỏng vấn đã ùn đẩy trách nhiệm về phía người khác. Bài giảng của ĐC Khảm đã được đưa vào đâu? Chẳng phải vào trang web của TGP Sài Gòn sao? Nó nằm chình ình ở đó từ bao lâu rồi? PV nhận mình là người của WGPSG (=Web Giáo phận Sài Gòn) lẽ nào không biết bài giảng ấy đang ở ngay trong nhà mình! Còn ĐC Khảm đang là Gm Phụ tá TGp Sài Gòn chẳng lẽ không biết bài giảng của chính ngài trên trang web ấy và nhiều người đang mở nghe?
Bài giảng đã 12 năm rồi?
Có 30 năm, 50 năm hay trăm năm hoặc hơn nữa, bài giảng ấy với tiếng nói của một vị Giám mục vẫn tồn tại và vẫn có giá trị để người đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá nhãn quan và tư tưởng của nhà lãnh đạo tôn giáo! Tài sản trí tuệ chứ đâu phải thứ hàng hóa chóng hư, chóng thối!
Các bài giảng của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từ thuở nào nay vẫn còn nguyên vẹn!
Các bài giảng, bài phát biểu của Đức TGM Nguyễn Kim Điền dù đã xa xưa vẫn còn giá trị như mới hôm nay!
Bài “tham luận” của Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm trước MTTQ Thanh Hóa hay lời phát biểu của ĐC Bùi Tuần về lễ phong Thánh các Đấng Tử Vì Đạo VN năm 1988 đến nay vẫn còn vang vọng nỗi đau nhức trong lòng người tín hữu Công giáo VN, vân vân và vân vân.
Bài giảng của ĐC Khảm 12 năm về trước nào có xa xôi gì so với hiện tại 2011. Nội dung chủ nghĩa CS và cách thực hành chủ nghĩa ấy từ năm 1999 đến năm 2011 đâu có gì đổi thay, đặc biệt tại VN lời nhận định của nhà giảng thuyết nổi danh trong hàng Giáo phẩm VN càng là mối quan tâm cho mọi người, chứ chẳng riêng gì cho người CG.
Mặt khác, chẳng phải cái tài rao giảng của linh mục Nguyễn Văn Khảm đã góp phần vào việc cất nhắc Cha Nguyễn Văn Khảm lên ngai Gm, từ Cha lên Đức Cha sao? Bài giảng của Cha Khảm đã chẳng từng được ghi âm, được phổ biến rộng khắp, được nhiều người mến mộ, trân trọng và lưu trữ đó sao? Cho nên, các bài giảng của Cha (nay là Đức Cha) Nguyễn Văn Khảm chắc chắn chẳng bao giờ mất thời hiệu đâu!
Vậy mong ĐC Khảm và nhà phỏng vấn chẳng nên nêu ra làm gì cái thời điểm 12 năm với những người nghe băng audio hôm qua, hôm nay hay ngày mai! Bài giảng ấy luôn có giá trị hiện tại, ngoại trừ chính ĐC Khảm công khai tuyên bố phủ nhận nó! Phủ nhận thì được, nhưng không dễ xóa sạch nó đâu! Ngày nay với kỹ thuật tân tiến, tiếng nói đã thu băng, xóa ở chỗ này, nó sẽ hiện lên ở nơi khác, đặc biệt đối với một public figure – bộ mặt của công chúng như Đ. Cha Khảm! Bài giảng đó nó cũng thuộc dạng “bút sa gà chết” đó!
Bài giảng của Cha Khảm vì vậy mãi mãi là của chính Đức Cha Khảm ở bất cứ thời điểm nào, kể cả khi Đức Cha đã lìa khỏi cuộc sống trần gian này. Cho nên, trong văn chương người ta sẽ viết Đ. Cha nói (he says, thì hiện tại) chứ không viết Đ. Cha đã nói (he said, thì quá khứ).
Nhà thần học Ratzinger ghi nhận và lượng giá
ĐGM Nguyễn Văn Khảm khi trả lời phỏng vấn đã trích một đoạn bài viết của Nhà thần học thời danh Joseph Ratzinger (tức ĐHY Ratzinger và nay là ĐTC Bênêđictô XVI). Trong đoạn văn này, nhà thần học Ratzinger đã thẳng thắn “lượng giá” (từ ngữ của ĐC Khảm, ám chỉ nhận định, phê phán) chủ nghĩa Mácxít xen kẽ với những “ghi nhận” của ngài về thực trạng của ý thức hệ ấy.
Ngài nêu rõ: “… Thế nhưng sự phá hủy thần học đang diễn ra (qua việc chính trị hóa thần học như được quan niệm trong chủ nghĩa cứu thế của Marx), lại còn sâu xa hơn, vì chủ nghĩa Marx lấy niềm hi vọng trong Kinh Thánh làm nền tảng nhưng lại đảo ngược niềm hi vọng ấy, bằng cách vẫn giữ nhiệt tình tôn giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa ra và thay thế vào đó bằng hoạt động chính trị của con người. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng đảng chiếm vị trí của Thiên Chúa, và cùng với đảng là chủ nghĩa độc tài chuyên chính, thực hành thứ “tôn giáo” vô thần, sẵn sàng hi sinh tất cả nhân tính cho thần tượng giả tạo của nó. Bản thân tôi đã thấy khuôn mặt kinh sợ của thứ đạo đức vô thần này, sự đe dọa của nó về mặt tâm lý, sự buông thả khiến cho người ta, một khi đã đạt được mục đích ý thức hệ rồi, có thể vứt bỏ mọi quan tâm đạo đức vì coi đó là cặn bã tư sản. Tất cả những điều đó thật đáng báo động ở tự nó, nhưng còn trở thành thách đố khủng khiếp hơn nữa đối với nhà thần học khi thấy hệ ý thức đó lại được cổ võ nhân danh đức tin và Giáo Hội bị sử dụng như một công cụ” (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977, Ignatius Press, San Francisco: 1998, 137)
Ý tưởng dứt khoát, triệt để và sâu sắc trên, nhà thần học Ratzinger đã đưa ra từ bao chục năm về trước, cả trước khi ngài lên chức Hồng Y (Joseph Ratzinger, Milestones, Memoirs 1927-1977), và dĩ nhiên trước khi ngài lên ngôi Giáo hoàng, một khoảng cách thời gian vượt gấp bao nhiêu lần cái khoảng cách 12 năm giữa Linh mục Khảm với Giám mục Khảm.
ĐC Khảm trích dẫn Ratzinger như trên, nhưng lại cố ý trích dẫn để tự biện hộ mình hơn là để cùng với nhà thần học Ratzinger cảnh báo về hậu quả tai hại của ý thức hệ Mácxít chống lại nhân loại. Do đó, sau lời trích dẫn, ĐC Khảm biện bạch ngay: “Cho nên, cần phân biệt giữa ghi nhận vàlượng giá.” Ý Đ Cha Khảm phân bua ngài chỉ ghi nhận chứ không lượng giá (phê phán) như Đức Bênêđictô XVI.
Diễn giả Nguyễn Văn Khảm có lượng giá không?
Trong bài giảng Cánh Chung Luận, diễn giả Nguyễn Văn Khảm đưa ra 6 hình ảnh để minh họa cho ý tưởng của mình:
(1) Đường về của người giáo dân đi lễ. (2) Ông Mitterant bâng khuâng về cõi sau. (3) Lời
phát biểu của một triết gia. (4) Mácxít với Cánh Chung Luận. (5) Cái nhìn của triết gia Kant. (6) Triết lý Nghiệp và Quả của nhà Phật.
Đưa ra 6 hình ảnh trên, diễn giả Nguyễn Văn Khảm làm cả hai công việc: ghi nhận và lượng giá. Trừ hình ảnh 3 và 4, ở các hình ảnh 1, 2, 5 và 6 nhà giảng thuyết đều có cùng một phương pháp lập luận giống nhau: Dùng biện chứng pháp với đủ vế: Tiền đề, Phản đề và Hợp đề, xem ra chặt chẽ, mạch lạc lắm.
Hình ảnh 1 – Tiền đề: Đi lễ về tìm con đường đúng để về nhà. Phản đề: Về nhà ở Bình Thạnh không ai dùng đường đi tới Quận Tư.Hợp đề: Đi đúng đường, tới đúng đích.
Hình ảnh 2 – Tiền đề: Ông Mítterant bâng khuâng về cõi sau. Phản đề: Câu hỏi của ông “sau cái chết là cái gì” xem ra trừu tượng.Hợp đề: Nhưng nó không trừu tượng, trái lại rất cụ thể.
Hình ảnh 5 & 6 – Tiền đề: Cả Kant lẫn Triết lý Nhà Phật đều mơ về một lẽ công bằng.Phản đề: Thất vọng, tìm tới Công bằng tuyệt đối. Hợp đề: Cánh Chung Luận CG, Chúa Kitô ngày xét xử cuối cùng dựa trên TÌNH YÊU, không dựa trên LẼ CÔNG BẰNG!
Còn hình ảnh 3&4, cá nhân người viết không nhận ra tiền đề, phản đề và hợp đề, mà thấy như thể diễn giả “ghi nhận và lượng giá” đan kết chen kẽ nhau.
Hình ảnh 3: “Lời nhận định của một riết gia:Triết thuyết nào có khả năng cung cấp cho con người một CCL hấp dẫn cũng có nghĩa là cung cấp một niềm hy vọng có sức thuyết phục thì triết thuyết đó sẽ cuốn hút con người.”
Hình ảnh 4: “Mác xít có một cánh chung luận rất là hấp dẫn, rất là cụ thể. Mácxít trình bày cái điểm tới của lịch sử nhân loại, là một xã hội cộng sản hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người…!”
Chính lập luận này (chứ không phải đơn thuần là ghi nhận) gây nên làn sóng tranh luận, lắm lúc khá gay gắt. Sự gay gắt có đáng trách hay không là tại một phần hay toàn phần nội dung bài giảng hơn là tại nhận định thiên kiến.
Trong khi nhà thần học chân chính Ratzinger sau khi ghi nhận hiện tượng ý thức hệ Mácxít, đã lượng giá ý thức hệ ấy bằng những lời phê phán đanh thép và sâu sắc thì “nhà thần học Nguyễn Văn Khảm” không có lấy một nhận định rõ ràng về giá trị của lời phát biểu từ miệng “triết gia nào đó” (triết gia không tên tuổi khó thuyết phục người nghe xác tín). Cũng không thấy diễn giả bình luận/lượng giá ý thức hệ Mácxít và cái Cánh Chung Luận của nó nguy hiểm đến mức nào, độc hại như thế nào cho tâm thức tôn giáo khi nó loại trừ “những sự cuối cùng của đời người và thế giới, cụ thể là Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục” vốn là chủ đề bài giảng của Đức Cha Khảm.
Cho nên khi mà diễn giả Nguyễn Văn Khảm nhận định (= lượng giá) rằng, “Mácxít có một Cánh Chung Luận chứ không phải không đâu”, thì có nghĩa là (trong lượng giá) ông đã mặc nhiên bày tỏ sự đồng tình hầu như tuyệt đối của mình với ý thức hệ ấy, cái ý thức hệ không có chỗ nào để ông phê phán như ông đã phê phán Kant và phê phán cả giáo lý nhà Phật.
Chẳng những thế, diễn giả Nguyễn Văn Khảm còn có giọng điệu tán tụng đề cao ý thức hệ Mátxít một cách vô thức hay có ý thức khó mà chấp nhận: “Người ta sống với nhautrong tình huynh đệ, một thiên đàng tại thế, và khi mà có cái điểm tới của lịch sử cả nhân loại như thế, thì mỗi một cá nhân ở trong cái lịch sử đó khám phá ra cái ý nghĩa của những sự hy sinh mình chịu. Tôi chết đi nhưng sự nghiệp của tôi vẫn còn tồn tại mãi trong nhân dân. Tôi hy sinh nhưng mà sự hy sinh đấy không vô nghĩa, bởi vì nó xây dựng cho thế hệ tương lai, nó xây dựng cho nhân dân. Một cái cánh chung luận rất là cụ thể và hấp dẫn và chính vì thế nó đã cuốn hút cả triệu con người chấp nhận bao nhiêu là hy sinh để xây dựng tương lai, cho nên có [CCL] chứ không phải không đâu …”
Thử hỏi qua “tuyên ngôn” trên, Đức Cha Khảm chỉ “ghi nhận” hay có cả “lượng giá”? Có chỗ nào trong bài giảng của Gm Khảm hàm chứa một lời phê phán dù là rất nhẹ nhàng đối với ý thức hệ Mácxít không? Ngược lại, chỉ trong một đoạn văn ngắn dù mang tính chất triết thần cao xa, nhà thần học Ratzinger cũng vẫn làm cho mọi người, kể cả người kiến thức bình dân nhất cũng hiểu ngay ngài nhận định thế nào và có thái độ ra sao đối với ý thức hệ Mácxít vô thần!
ĐC Khảm giảng cho ai?
ĐGM Khảm nói về cử tọa của mình: “Tôi giảng cho ai? Lúc đó, mỗi Chúa nhật, tôi dâng lễ tại Nhà thờ chính tòa lúc 18:30. Cử tọa của tôi là các bạn sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học…”
ĐC Nguyễn Văn Khảm hồi còn là linh mục năm 1999 đã giảng cho ai? Giảng ở đâu? Trong bối cảnh nào?
ĐC Khảm xác nhận: Đó là một bài giảng lễ Chúa nhật trong một thánh lễ cộng đồng tại nhà thờ chánh tòa Sài Gòn! Như vậy, ngoài nhóm “sinh viên và các anh chị trung niên, phần đông là người học thức. Họ được học về chủ nghĩa Marx ở đại học”, trong các dãy ghế cử tọa làm sao không có tầng lớp giáo dân bình dân? Diễn giả hẳn đã nhận ra họ nên cũng đã khéo rào trước đón sau kỹ lưỡng, xin lỗi về việc buộc phải dùng đến mấy “ngôn từ triết học”.
Chuyện thần học, triết học ở bậc thang trí thức đâu phải hễ có mặt trí thức là có thể vung vít! Phải nhìn vào các thành phần khác trong các hàng ghế cử tọa nữa chứ!
Tôi cho rằng nhà giảng thuyết Nguyễn Văn Khảm đã “nhìn” sai đối tượng trong thánh lễ và vì vậy đã chọn nhầm đề tài, rồi từ đó lại giảng dạy những điều chối tai, nên thiên hạ mới bàn ra tán vào khiến một ít “nhà đạo đức thánh thiện” nổi cơn lôi đình la toáng lên rằng Satan xúi giục bọn phá đạo làm ô danh các đấng, gây tổn thương cho Giáo Hội!
Thiết nghĩ, bàn bạc công khai trên truyền thông để làm sáng tỏ vấn đề thì chắc chắn tốt hơn và có lợi cho Giáo Hội hơn là đàm tiếu nhỏ to với nhau trong khi trước mặt đấng thì đóng kịch khom lưng cúi đầu “Con xin phép lạy Cha” khiến cho Giáo Hội có thể chịu nhiều mất mát sau này vì thiếu cảnh giác trước mưu sâu chước hiểm của ý thức hệ vô thần.
Đức Cha Khảm tôn trọng ý kiến mọi người
Điều cuối cùng ĐC Khảm nêu lên khi trả lời phỏng vấn: “Tôi tôn trọng ý kiến mọi người. Nếu mong muốn điều gì, tôi chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì. Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Đức Bênêđictô XVI về việc truyền thông. Ngài dùng bốn từ để diễn tả sự truyền thông chân chính: trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Giữ được như vậy, các phương tiện truyền thông sẽ là những phương tiện tuyệt vời để loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.”
Về điểm này, đề nghị ĐC Khảm nhớ lại thái độ và cung cách xử sự của mình ra sao đối với nhóm Nữ Vương Công Lý cũng như những lời xỉa xói ĐC đã dành cho những người chống sự hiện diện của ĐHY Mẫn trong lễ Lòng Thương ở Long Beach, California, Hoa Kỳ, ĐC Khảm có thật sự “trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm” như ĐC dùng lời của ĐGH Bênêđictô XVI dạy bảo người khác không.
Chúng ta hãy nghe Dr. Hoàng Nguyễn bực bội nhắc lại cách xử sự của Gm Khảm qua bài viết: “Đôi lời về Giám mục Mác-xít Nguyễn Văn Khảm” trên BaCayTruc ngày 20/12/2011.
Ông Hoàng kể rằng, “Trong một lần về Việt nam công tác với phái đoàn quốc tế, trong khi đi dự thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Sàigòn, tình cờ tôi được nghe Giám mục Nguyễn văn Khảm giảng lể chủ nhật. Trong bài giảng giám mục Khảm với cái lối giảng một cách mỉa mai bằng giọng điệu chu tréo khi ông đề cập đến việc các giáo dân biểu tình chống sự hiện diện của Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại Long Beach, California năm 2010. Thật sự mà nói tôi đã không chịu nổi mấy ông cha lợi dụng bài giảng phúc âm để chửi xiên chửi xỏ người này người nọ. Tôi đã định bỏ lể đi ra ngoài. Nhưng vì đi chung với mấy người bạn ngoại quốc (họ không hiểu tiếng Việt) nên tôi ngồi nán lại cho đến hết thánh lễ.”
Với bài giảng kết án Nữ Vương Công Lý là ma quỷ, ĐC Khảm cũng giọng điệu cay cú gắt gỏng như vậy. Cá nhân tôi đã có bài nhận định về sự kiện này, chắc ĐC Khảm có đọc và còn nhớ, miễn nhắc lại ở đây.
Đức Cha Khảm nói “chỉ mong mọi người tôn trọng lẫn nhau khi thảo luận về bất cứ vấn đề gì.” Nhưng bản thân Đức Cha có thực hiện điều này chưa? Đức Cha có thực sự làm theo lời ĐTC là “trung thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm” chưa?
Đặc biệt nơi Tòa Giảng!
Xin lỗi Đức Cha cùng các Đức Cha và các Cha. Giáo Hội dành cho các đấng một nơi tôn nghiêm đặc biệt trên Cung Thánh Giáo đường gọi là Tòa Giảng. Tòa Giảng dành để công bố LỜI CHÚA, truyền bá TIN MỪNG, rao giảng Đức Yêu Thương của Chúa Kitô chứ đâu phải để người ta lợi dụng nó mà xỉa xói cá nhân này, xỏ xiên nhóm người kia! Hay để truyền bá chủ nghĩa vô thần, vô luân và bất nhân, một chủ nghĩa đã dẫy chết không lời trối!
Giả sử có ai đó lợi dụng truyền thông đưa ra những thông tin sai trái thì cũng trên truyền thông ngay lập tức có những phản hồi, phản biện đối đáp. Còn một khi lời mắng mỏ phát ra từ Tòa Giảng, thì có ai được phép đáp trả không? Đâu là Công bằng? Đâu là Bác ái? Nạn nhân bị dồn nén, bực tức ra khỏi nhà thờ nói mấy câu bâng quơ cho hả giận thì lập tức bị đội ngay cái mũ chống Cha, chống Chúa! Và rồi nạn nhân ấy trở thành thứ chiên ghẻ lở mà mọi người đều xa lánh. Trách nhiệm ấy thuộc về ai?
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ cùng độc giả nhìn sâu hơn vào những khía cạnh giáo lý của bài giảng Cánh Chung Luận dù rằng đã có nhiều người đề cập đến, nhưng có lẽ vì lý do này hay lý do khác vấn đề chưa được bàn đủ, bàn hết, một cách “rốt ráo”.
Người viết tuy là một giáo dân mọn hèn, kiến thức giáo lý hạn hẹp, nhưng xin mạnh dạn sẵn sàng “đối thoại” về đề tài đang bàn đây với Đức Cha Khảm một cách “trung thực, cởi mở, có tinh thần trách nhiệm” vào bất cứ lúc nào và ở đâu Đức Cha muốn.
Ngày 23/12/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét