Phạm Trần-GS Nguyễn Mạnh Hùng
LTS: Ngày 31 Tháng 12 năm 1991, Liên bang 15 nước Sô-Viết sau 69 thành lập (1922) , đã chính thức tan rã (Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia,Kazakhstan, Kyrgystan, Latvia, Lithuania, Moldova, Russian Federation,Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine and Uzbekistan).
Nhưng tại sao Đế quốc Cộng sản đã sụp đổ chỉ sau 6 năm Tổng Bí thư đảng Cộng sàn liên bang Soviet, Mikhail Gorbachev, lên cầm quyền (1985-1991) để kết thúc vĩnh viễn hiểm họa chiến tranh nguyên tử với Thế giới Tự do và để lại Hoa Kỳ là cường quyết duy nhất trên qủa Địa cầu ?
Để trả lời cho phần nào câu hỏi này cũng như sự tan rã của Thế giới Cộng sản đã ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao và tại sao giấc mơ thành lập một “Thế giới Cộng sản” thứ hai của Việt Nam đã tiêu tan khi Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn và Ai Lao không thể kết thành một khối ?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Chính trị và Ngoại giao Quốc tế tại Đại học George Mason, Fairfax, Virginia đã trả lời những thắc mắc của Nhà báo Phạm Trần trong Cuộc phỏng vấn dưới đây. Cuộc Phỏng vấn này cũng được truyền đi trên Hệ thống đài SBTN và Youtube ngày 23/12/2011.
--------------
H: Thưa Giáo sư, 20 năm trướcc đây vào lúc 7:35 tối ngày 25 tháng 12 năm 1991, Chủ tịch Liên Bang Sô Viết Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức, cờ Liên bang ở Điện Cẩm Linh được thay bằng Cờ nước Nga và ngày 31 tháng 12 năm đó, Liên bang 15 nước trong khối Sô-Viết chính thức tan rã.
Thời gian 7 ngày ngắn ngủi vào lúc đó ông ở đâu và cảm tưởng của ông khi ấy như thế nào ?
Đ: Trong thời gian đó tôi đang ở đây --Fairfax, Virginia. Lúc đó cũng là Winter break, nghĩa là giai đoạn nghỉ giữa khóa học mùa Thu và mùa Xuân. Tối hôm 25/12/1991 tôi xem truyền hình Tổng Thống George Herbert Walker Bush, tức là ông Bush bố, đọc thông điệp Giáng Sinh, tuyên bố chiến tranh lạnh đã chấm dứt.
Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là hiểm họa chiến tranh tận diệt không còn nữa và loài người trong đó có cả tôi không còn phải sống trong nền hòa bình mỏng manh đặt trên thế quân bình cũa vũ khí nguyên tử.
Nhưng sự kiên gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi không phải là năm 1991 mà là khi bức tường Bá Linh xụp đổ năm 1989, lính Đông Đức bước qua khoảng tường đổ, bắt tay với lính Tây Đức, và người bên Đông Bá Linh ùa ra sang Tây Bá Linh trước sự chào đón vui mừng của người dân Tây Đức.
NGUYÊN NHÂN TAN RÃ
H: Thưa ông, nguyên nhân nào trong số này đã làm cho Liên bang Sô Viết tan rã :
A) Chính sách Đổi mới táo bạo (Perestroika) đưa ra năm 1986 của ông Gorbachev khi ấy là Tổng Bí thư đảng.
B) Các cuộc nổi dậy tuyên bố độc lập tách rời khỏi khối Liên bang của các nước chư hầu Đông Âu từ năm 1987.
C) Hay là Cuộc đảo chính bất thành chống “dân chủ hóa chế độ” của ông Gorbachev vào tháng 8/1991 do Phó Chủ tịch Liên bang, Thủ tướng Liên bang, Bộ trường Quốc phòng và người cầm đầu cơ quan Tình báo KGB và một số Tướng lãnh trong quân đội muốn khôi phục chế độ độc tài Liên bang Sô Viết ?
Đ: Việc xụp đổ của thế giới cộng sản và Liên Bang Sô Viết lúc ấy không ai tiên đoán được. Chính CIA cũng bị chỉ trích là không tiên đoán được việc ấy. Bây giờ có khoảng cách thời gian để nhìn lại thì có lẽ sự xụp đố ấy là do tổng hợp của cả ba yếu tố, mỗi yếu tố có mực độ quan trọng khác nhau.
Chính sách tái cấu trúc kinh tế và cởi mở chính trị của ông Gorbachev mở đầu cho các thay đổi ở Liên Bang Xô Viết và phong trào đòi dân chủ và độc lập tại các quốc gia Đông Âu.
Chính ông Gorbachev đã ra lệnh quân đội Nga không được can thiệp để giúp chính quyền dẹp biểu tình, bắt đầu là ở Ba Lan, mà khi sang thăm Tây Đức còn tuyên bố ủng hộ quyền dân tộc tự quyết của người dân Đông Đức.
Chính ông Gorbachev đã khởi đầu thảo luận với các cộng hòa Xô Viết để thành lập một liên bang lỏng lẻo hơn trong đó mỗi cộng hòa sẽ có nhiều quyền hạn. Nhưng khi nhóm quân đội- công an đảo chính rồi giam giữ ông Gorbachev, ông Yeltsin, Tổng Thống Nga và cũng là đối thủ của ông Gorbachev, đứng ra điều đình với một số Cộng hòa Xô Viết lập ra một Khu Thịnh Vương chung của các quôc gia độc lập (Commonwealth of Independent States) để thay thế cho Liên Bang Xô Viêt cũ.
Vì ông Gorbachev bị bắt nên thay vì có một Liên Bang Xô Viết cải tổ thì nó bị hoàn toàn thay thế bởi một định chế hoàn toàn mới. Không có Liên Bang Xô Viết nữa thì cũng không có chức vụ Chủ tịch Liên Bang Xô Viết, vì thế ông Gorbachev phải từ chức.
Như vậy, ông Gorbachev khởi đầu tiến trình cải cách. Cuộc đảo chính bất thành đẩy mạnh tiến trình tan vỡ của Liên Bang Xô Viết và Đảng Cộng Sản Xô Viết.
VAI TRÒ CỦA GIÁO HOÀNG VÀ MỸ
H: Đức Giáo hoàng John Paul Đệ Nhị và Tổng thống Roanld Reagan có đóng vai trò gì trong sự sụp đổ của Liên Bang Soviet không ?
Đ: Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị, tức là cựu Hồng Y Vojtyla nổi tiếng vì cuộc viếng thăm quê hương Ba Lan năm 1979 trong lúc có phong trào nghiệp đoàn tranh đấu và khuyên người Ba Lan “đừng sợ hãi.” TT Reagan nổi tiếng vì lời tuyên bố “Ông Gorbachev, ông hãy phá đổ bức tường ấy đi” năm 1987, hai năm trước khi bức tường ấy bị đổ.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ba Lan đã bắt đầu từ năm 1970, chín năm trước cuộc viếng thăm của Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị. Năm 1976, sau khi cuộc biểu tình của công nhân bị đàn áp, một số trí thức Ba Lan đứng ra lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động rồi công bố Hiến Chương Quyền của Thợ Thuyền. Ba năm sau đó, Giáo Hoàng John Paul mới thăm Ba Lan và khuyên người dân “đừng sợ hãi.” Lời khuyên này gây cảm hứng và khuyến khích phong trào tranh đấu. Năm 1980 cuộc đình công ở Gdansk dẫn đến việc thành lập công đoàn độc lập Solidarity dưới sự lãnh đạo của Walesa. Sau nhiều đợt biểu tình, đàn áp, và bắt bớ, cuối cùng năm 1989 chính quyền Ba Lan phải nhượng bộ và tổ chức bầu cử quốc hội. Năm 1990, Walesa thắng cử và trở thành Tổng Thống Ba Lan, chấm dứt chế độ cộng sản. Tiến trình này cho thấy là việc tranh đấu đã xẩy ra trước cuộc viếng thăm của Giáo Hoàng. Giáo Hoàng không phải là người khởi động cuộc tranh đấu và những gì xẩy ra trong chính trị trên thế giới (áp lực của chính quyền Reagan và chính sách cải tổ của Gorbachev) và trong nội bộ của Ba Lan (cuộc tranh đấu kiên cường của công đoàn độc lập Solidarity và sự nhượng bộ của chính quyền Jaruzelski) mới là nguyên chính đem đến sự xụp đổ của chính quyền Cộng Sản.
Còn ông Reagan, chính sách “dùng sức mạnh để tạo hòa bình" (peace through strength) và tấn công dồn dập (full court press) của Mỹ qua chương trình bỏ ra 1.7 tỷ Mỹ kim để tái võ trang và thiết lập hệ thống hỏa tiễn phòng thủ chiến lược (strategic defense initiative) đã dồn ông Gorbachev vào thế thụ động, phải hòa hoãn và nhân nhượng Mỹ để tập trung vào việc cải cách nội bộ. Nhưng nếu lúc ấy Nga có một nhà lãnh đạo nào khác, thí dụ như những người suy nghĩ kiểu cũ và hành động khác với Gorbachev, thì có thể thế giới còn phải qua một giai đoạn căng thẳng dưới đe dọa của chiến tranh, chứ không chuyển đổi một cách hòa bình như vậy.
Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Figaro, ông Gorbachev tiết lộ rằng ngay từ năm 1985, trong đám tang của Chernenko, người tiền nhiệm của ông, ông đã bảo với các lãnh tụ Đông Ấu rằng Nga Xô sẽ không can thiệp quân sự để bảo vệ họ như trường hợp Hung Gia Lợi năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968 nữa. Ông lý luận rằng với 2 triệu quân sĩ võ trang đến tận răng ghìm nhau ở hai bên chiến tuyến, sự can thiệp của Nga có thể dẫn đến thế chiến. Kissinger cũng đồng ý với lập luận này khi ông khuyên chính quyền Bush thương lượng kín với Gorbachev, vì nếu Nga can thiệp ở Đông Đức thì Tây Đức sẽ phản ứng và sẽ gây ra một tình trạng cực kỳ nguy hiểm khó mà tiên đoán được hậu quả. Nói tóm lại, chính sách của Gorbachev chứ không phải của Reagan đã khiến cho chiến tranh được kết thúc một cách hòa bình.
H: Còn vai trò của Tổng thống Geroge H. W. Bush?
Đ: Khi ông Bush là Phó Tổng Thống của ông Reagan, ông rất lo ngại chính sách đối với Nga Xô thay đổi từ một cực này đến cực khác, từ đối đầu gay gắt trong nhiệm kỳ đầu đến thân thiện và tín cẩn trong nhiệm kỳ hai.
Khi lên làm Tổng Thống, ông giữ thái độ thận trọng, muốn lùi lại một bước, trở lại chính sách hòa hoãn (détente) thời Nixon để dò xét ý định thực sự của ông Gorbachev. Ông hứa sẽ hợp tác tích cực với Gorbachev, bỏ chính sách vây chặn (containment), viện trợ tài chính và giúp Nga Xô hội nhập với phía Tây phương với ba điều kiện. Th ứ nhất, Nga Xô phải tôn trọng quyền tự quyết của các nước Đông Âu. Thư hai, Nga Xô phải tiếp tục cải tổ kinh tế và chính trị. Thứ ba, Nga Xô phải giúp giải quyết các xung đột địa phương.
Sau khi Nga Xô rút quân khỏi Afghanistan và không can thiệp vào Ba Lan khi chế độ cộng sản bị thay thế, ông Bush mới tin thực tâm của ông Gorbachev, và sau đó Nga-Mỹ mới đẩy mạnh hợp tác đưa đến sự tham dự của Nga Xô vào khối các nước giàu G-8, giải quyết các tranh chấp từ Angola đến Nicaragua. Chính sách của Bush là tiếp tục áp lực nhưng tránh làm mất mặt Gorbachev. Chính sách cương quyết này cuối cùng đã đem lại sự thống nhất của Đức mà vẫn giử Đức trong khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chứ không phải chịu quy chế trung lập như Áo năm 1955.
Nếu ông Reagan là người dùng chính sách cứng rắn đ ể tạo ra áp lực với Nga Xô, và ông Gorbachev đối phó lại bằng tiến trình cải tổ, thì có thể coi ông Bush như bà mụ cùng với ông Gorbachev lèo lái việc chấm dứt chiến tranh lạnh một cách hòa bình.
THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM VỠ MỘNG
H: Sự sụp đổ của Liên bang Soviet đã ảnh hưởng đến tình hình Thế giới như thế nào, ngoài sự kết thúc “Cuộc chiến tranh lạnh” với Hoa Kỳ và Tây phương ?
Đ: Sự xụp đổ của Liên bang Xô Viết chấm dứt thế lưỡng cực và đưa Hoa Kỳ vào thế độc tôn trên thế giới, đồng thời tạo cơ hội cho các quốc gia Đông Âu thoát vòng kiềm tỏa của Nga Xô và hội nhập với Tây Âu, biến khu vực này thành một vùng hòa bình, hợp tác, thoát hiểm họa chiến tranh nguyên tử. Mặt khác, nó cũng khiến cho những xung đột chủng tộc và tôn giáo bộc phát và tạo ra tình trạng bất ổn cố và nạn diệt chủng ở vùng này trong nhiều năm.
H: Biến cố “Thế giới Cộng sản tan rã” năm 1991 đã ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào ?
Đ: “Thế giới Cộng Sản tan rã” bắt đầu với tiến trình cải tổ của Gorbachev. Khi Gorbachev cải tổ ở Nga Xô, họ cũng khuyến cáo các lãnh đạo trong khối cộng sản cải tổ, trong đó có cả Việt Nam. Chính vì thế mới có đổi mới kinh tế và cởi trói văn học năm 1986.
Khi các chế độ cộng sản Đông Âu tan rã năm 1989 rồi sau đó là Liên Bang Xô Viết cùng với biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam ngưng tiến trình cải tổ chính trị để bảo vệ chế độ. Bất đồng ý kiến về đường lối phải đi gây ra mâu thuẫn trong nội bộ đảng suốt từ Đại Hội Đảng khóa 6 tới Đại Hội Đảng khóa 7. Năm 1991, Đại Hội 7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thay thế mô hình cải tổ Nga Xô bằng mô hình cải tổ Trung Quốc. Và kết quả là ngày nay chế độ cộng sản vẫn tồn tại ở Việt Nam.
H: Tại sao các nước Cộng sản còn lại gồm Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba đã không thể kết hợp thành một khối “Thế Giới Cộng sản” nhỏ, sau khi Liên bang Soviet tan rã ?
Đ: Bắc Hàn và Cuba là những chế độ cộng sản thất bại, chẳng đem lại vinh dự gì cho mô hình cộng sản. Chỉ còn hai nước cộng sản đáng kể và gần nhau là Trung Quốc và Việt Nam. Chính các nhà lãnh đạo Việt Nam lúc ấy đã đề nghị lập một liên minh cộng sản với Trung Quốc để chống diễn biến hòa bình, nhưng Trung Quốc không chịu, nói rằng hai nước là đồng chí chứ không là đồng minh. Trung Quốc lúc bấy giờ còn chịu ảnh hưởng của Đặng Tiểu Bình mà họ Đặng lại rất ghét Việt Nam. Hơn nữa, lúc đó Trung Quốc đang lo đối đầu với chế tài của phe Tây phương sau vụ Thiên An Môn nên nghĩ răng họ không có khả năng bảo vệ VN nữa. Trung Quốc năm 1990 đang có khó khăn nội bộ và bị cô lập, họ không có khả năng và tham vọng của Liên Xô năm 1945.-/-
Phạm Trần
(12/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét