24.12.11

Khủng hoảng đồng euro làm cho quan hệ Anh-Pháp lục đục


Khủng hoảng đồng euro làm cho quan hệ Anh-Pháp lục đục

Ngoại trưởng Pháp A.Juppé tìm cách xoa dịu quan hệ Pháp-Anh (AFP)
Ngoại trưởng Pháp A.Juppé tìm cách xoa dịu quan hệ Pháp-Anh (AFP)

Lê Hải / Đức Tâm
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé vừa phải có bữa ăn sáng với các nhà báo Anh để xoa dịu căng thẳng do những lời chỉ trích nặng nề của các lãnh đạo Pháp dành cho các nhà lãnh đạo Anh. Bộ trưởng Tài chính Pháp chê bai nền kinh tế Anh, còn thống đốc ngân hàng nói lẽ ra nước Anh phải bị hạ điểm tín dụng, và tổng thống Sarkozy thì chê thủ tướng Anh như một cậu bé ngớ ngẩn.

Một phần cho rằng các phát biểu của các chính trị gia Pháp hơi quá trớn, nhưng Ngoại trưởng Alain Juppé cũng cho rằng chính nước Anh có thái độ hung hăng trước, như các bình luận của bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne từ hồi tháng Mười Một vừa rồi, đã so sánh kinh tế nước Pháp như Hy Lạp, khiến chính giới Pháp rất tức giận với chính phủ Anh. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải phân tích.

Thông tín viên Lê Hải, Luân Đôn
 
24/12/2011
 
 
Trước hết, chính phủ hiện nay của nước Anh không thân thiện với Liên hiệp châu Âu. Chủ trương của đảng cầm quyền, tức là đảng Bảo Thủ, là không đi theo các trào lưu hội nhập của EU, và luôn chú ý đến chủ quyền trong mọi lãnh vực, từ pháp luật cho đến văn hóa và bản sắc, hay kinh tế. Mới đây, thủ tướng Anh David Cameron đơn thân phủ quyết một hiệp ước kinh tế chống khủng hoảng của EU, với lý do là không đạt được các đòi hỏi của nước Anh. Việc làm đó đã ngay lập tức làm hiện ra mâu thuẫn cơ bản giữa đảng Bảo Thủ với liên minh cầm quyền của họ là đảng Tự do Dân chủ, vốn lại ủng hộ nhiệt thành cho EU, nhưng chỉ là đảng thiểu số trong Quốc hội.
Mâu thuẫn này đang có lợi cho đảng Lao Động bên phía đối lập. Nghị sĩ phụ trách tài chính Ed Balls nói chừng nào dân chúng bắt đầu nhận ra rằng chính sách của đảng cầm quyền không giúp khắc phục được tình hình kinh tế thì chừng đó họ bắt đầu quay sang dồn phiếu cho đảng của ông, và ông đánh giá bây giờ chính là giai đoạn chuyển đổi đó. Thế nhưng, cũng có thể là đảng cầm quyền đã đi đúng hướng khi muốn khai thác mâu thuẫn tài chính giữa Anh và EU, và đặc biệt là mâu thuẫn truyền thống giữa Anh với Pháp. Chê trách nước Pháp luôn là đề tài ăn khách trong các câu chuyện đùa giỡn và giải trình mâu thuẫn chính trị là do không muốn chi thêm tiền giải cứu EU trong lúc dân Anh đang thất nghiệp và thuế cao có lẽ là lựa chọn hợp lý nhất tại thời điểm này. 
RFI : Liệu nước Anh có thể đơn phương thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính hiện nay hay không?
Thủ tướng Anh tin là như vậy. Nhưng các số liệu của chính phủ Anh thì không hoàn toàn nghĩ như vậy. Báo cáo tài chính mới nhất của bộ trưởng Tài chính George Osborne đánh giá kế hoạch thắt lưng buộc bụng chưa chắc đã đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách cho chính phủ. Giảm chi tiêu trong bộ máy nhà nước được thực hiện một cách máy móc là giảm biên chế và out-sourcing, tức là giao bớt việc cho các công ty tư nhân với giá rẻ hơn. Thế nhưng ngay cả những việc có liên quan đến an ninh quốc gia như quản lý xuất nhập cảnh mới gần đây bị phát hiện là do một công ty có liên hệ với CIA đảm trách. Dù Mỹ và Anh là đồng minh, nhưng việc nội bộ của Anh bị lọt vào vòng ảnh hưởng của CIA là điều mà các cử tri bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ đang cầm quyền không thể nào chấp nhận được.
Giảm biên chế ngoài chuyện làm tăng thêm tỷ lệ thất nghiệp vốn đã cao đến mức kỷ lục, sẽ còn kéo theo đình công và biểu tình, là điều mà người ta chưa biết chính phủ hiện nay của ông David Cameron có đủ cứng rắn như thời bà Thatcher hay không. Nhiều ý kiến từ giới chuyên gia kinh tế không ủng hộ giải pháp thắt lưng buộc bụng vì nó sẽ làm giảm mức tiêu dùng và khiến nền kinh tế khó phát triển trở lại. Giảm chi tiêu trong an ninh quốc nội có thể làm bùng nổ bạo loạn như cả nước Anh từng chứng kiến hồi mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, có thể thấy là ít nhất khi chọn đi một mình thì nước Anh không cần phải gặp chuyện gì cũng bàn thảo với các nước khác, và như bình luận của ngoại trưởng Pháp Alaine Juppé thì quan điểm của EU vẫn chưa phải là muốn loại bỏ nước Anh ra khỏi cuộc chơi.
RFI : Các số liệu kinh tế có đưa ra chỉ dấu gì về tình trạng tài chính của nước Anh trong những ngày đi một mình vừa qua?
Báo cáo mới nhất nói rằng kinh tế Anh phát triển cao hơn dự đoán một chút trong quí 3 vừa qua, nhưng chưa đủ mạnh để vượt qua cơn suy thoái trong mùa đông này, cũng như một cơn suy thoái mới vào đầu năm sau. Khách du lịch đến nước Anh năm nay sẽ cảm nhận rõ không khí mua sắm không hề náo nhiệt như những năm trước và quá đìu hiu so với thời kinh tế phát triển mạnh. Suốt tuần qua nhiều cửa hàng đã bắt đầu giảm giá 50% và một số trung tâm thương mại quyết định mở cửa muộn đến tận nửa đêm vào hôm nay. Người ta giải thích một cách dễ nghe rằng do có nhiều người Anh phải làm thêm giờ trong thời kỳ suy thoái mà không có thời gian đi mua sắm trong giờ bình thường.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu mở thêm giờ thì người ta có tiền để mua sắm hay có dám mua sắm khi tương lai việc làm không chắc chắn hay không. Chi phí cho bữa tiệc đêm Noel cũng lên đến mức cao nhất trong năm nay, vượt ngưỡng trung bình 100 bảng Anh, khiến nhiều tờ báo cho dân lao động lên tiếng báo động. Khi đi mua sắm ngoài siêu thị quí vị cũng sẽ nhìn thấy rõ điều đó, người ta không còn bày gà tây ra bán tràn lan như những năm trước mà đề nghị khách hàng đặt mua trước, phần nào để đặt hàng vừa đủ và giảm chi phí đổ bỏ. Nhiều siêu thị cũng đưa ra các loại mặt hàng thay thế với giá rẻ hơn, ví dụ 1 con vịt giá 5 bảng, hay cá hồi giá 10 bảng so với con gà tây giá 30 bảng. Các loại bánh pudding truyền thống cũng được làm với kích thước nhỏ hơn để dễ bán với giá rẻ hơn. Hi vọng vào mùa sale sau vụ Noel của các công ty bán lẻ ở Luân Đôn cũng có nguy cơ tiêu tan vì hệ thống tàu điện ngầm đình công, một phần do không đòi được mức lương ngày lễ, một phần là do không được trả thêm dù chỉ có 300 bảng cho năm sau là thời gian có nhiều du khách đến nước Anh dự Olympic.
RFI : Olympic 2012 là cơ hội cho kinh tế phát triển hay là gánh nặng nợ nần cho nước Anh ?
Rút kinh nghiệm từ Canada và Hi Lạp nên chính quyền Luân Đôn không vay tiền tổ chức Olympic mà ra luật bắt mỗi hộ gia đình ở Luân Đôn phải đóng thêm 20 bảng tiền thuế Olympics mỗi tháng trong suốt nhiều năm qua. Với số tiền đó ông thị trưởng Boris Johnson tha hồ mở đường tàu điện ngầm và xây thêm các hạng mục mới giúp phát triển các khu nghèo phía đông Luân Đôn. Tất cả các hạng mục thi đấu đều đã sẵn sàng từ mấy tháng trước. Ngoài ra người ta còn cho các tập đoàn lớn tài trợ để đổi lấy quảng cáo, như hãng Emirates được đặt tên cho 2 ga tàu điện nổi mà họ đầu tư xây dựng. Thế nhưng tiền lương đó lại không quay lại về tay người dân Luân Đôn mà chạy vào túi lao động nhập cư.
Thậm chí có khu mua sắm ở Stratford không thể nào tuyển đủ số dân địa phương vì trình độ biết đọc biết viết của người thất nghiệp quá thấp, kể cả họ là dân Anh gốc ở đây. Tuy nhiên, nhìn chung thì tất cả doanh nghiệp ở Luân Đôn đều hi vọng vào Olympics để kiếm tiền. Ngay cả tài sản của hoàng gia Anh cũng được đem ra cho các phái đoàn các nước như Nga thuê. Nhiều người dân ở phía Đông sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ việc cho du khách thuê phòng ở trọ trong thời gian Olympics và hàng quán chắn chắn sẽ tăng doanh số lên rất nhiều lần. Nhưng khó có thể lường được trước hết mọi điều trong một bài toán kinh tế. Nguy cơ khủng bố là mối đe dọa hàng đầu có thể khiến người ta ngưng tổ chức Thế vận hội, và quân đội Anh phải điều tàu chiến vào sát sông Thames cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều từ chi phí quốc phòng. Có lẽ vì vậy mà hiện nay giới chính khách và báo chí Anh vẫn chưa nhắc gì đến Olympics 2012 cả. Chắc họ còn đang chờ xem kết toán năm 2011 này sẽ ra sao đã.
TAGS: ANH - CHÂU ÂU - KINH TẾ - PHÁP - PHỎNG VẤN

Không có nhận xét nào: