Hàn Lệ Nhân (danlambao) - "Tôi không bàn về nội dung của những bài thơ chữ Hán lừng danh của thi-hào-họ-Hồ, vì tôi không muốn hùa theo "khen phò mã tốt áo", khi mà trên mặt chính thống từ hơn nửa thế kỷ trở lại đây, các tác phẩm đó đã được đọc, được học và chỉ được độc quyền khen, khen càng sâu, càng xa càng tốt rồi. Nhưng dù sao, đêm nay cá nhân tôi vẫn đành tạm bằng lòng với câu nói để đời của nữ-ca-nhạc-sĩ-tài-danh Phương Uyên: "Copy là học tập lẫn nhau", chứ biết làm sao bây giờ !"
*
Nàng Thơ mà biết nói năng,
Mấy vần "kiệt tác" hàm răng không còn.
Tập Nhật Ký Trong Tù của thi-hào-Hồ-Chí-Minh, Nxb Văn Hoá thuộc Viện Văn Học - Hà Nội 1960, gồm 113 + 1 bài thơ chữ Hán + bản dịch ra quốc ngữ [1], dày 252 trang - được coi là ấn bản ‘khung’ cho các bản dịch Việt và ngoại ngữ sau này - có tổng cộng mười hai (12) chú thích do người dịch ghi thêm, nhưng chỉ có hai (2) chú thích về xuất xứ Hán thi. Hai chú thích này là:
1. Bài "Bệnh trọng" (Ốm nặng), trang 201:
Hán văn
Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt,
Nội thương Việt địa cựu sơn hà;
Ngục trung hại bệnh chân tân khổ,
Bản ưng thống khốc khước cuồng ca.
Việt ngữ
Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh,
Nội thương đất Việt cảnh lầm than;
Trong tù mắc bệnh càng đau khổ,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
Chú thích số 9, trang 246:
Hai câu đầu bài thơ này dựa theo hai câu:
Ngoại cảm Hán thiên tân vũ lộ,
Nội thương Hàn địa cựu sơn hà.
trong bài "Trương Lương tố đa bệnh" của Hoàng Phan Thái tức đầu xứ Thái, một nhà nho huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chống chế độ quân chủ, bị xử tử đời Tự Đức".»
2. Bài "Thanh Minh" (Tiết Thanh Minh), trang 215:
Hán văn
Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lung lý tù nhân dục đoạn hồn;
Tá vấn tự do hà xứ hữu?
Vệ binh dao chỉ biện công môn.
Việt ngữ
Thanh minh lất phất mưa phùn,
Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa.
Tự do, thử hỏi đâu là?
Lính canh trỏ lối thẳng ra công trường.
Chú thích số 10, trang 246:
Bài thơ này dựa theo một bài thơ nổi tiếng đời Đường:
Thanh minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn;
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu,
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.
Tưởng cũng nên nói thêm cho rõ ràng, cho đúng ‘đạo đức vay mượn: bài "Thanh Minh" này là của Đỗ Mục (803-852) đời Đường:
Việt ngữ
Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à ?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài
(Tương Như dịch)
Trong bài tản mạn "Văn hoá thi ca, văn hoá thi hót", tôi đã chú thích bổ túc:
3. Bài "Khai Quyển" (Mở đầu tập nhật ký), trang 13:
Hán văn
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.
Việt ngữ
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
Câu đầu "lão phu nguyên bất ái ngâm thi" vốn là của Nghiêu Phu Thiệu Khang Tiết (1011-1077), đời Bắc Tống bên Trung Quốc. Hơn nữa, thời gian bị Tàu Tưởng bắt giam, ông Hồ mới có 52 tuổi (1890-1942), sao đã tiêu cực tự nhận là "lão phu"?, ngược lại, mới trên 50 mà đã tích cực tự phong là "cha già dân tộc", cũng như là người Việt 100% mà bị nghi là "Hán gian"! (bài “Thế lộ nan” 3 - Đường đời khó khăn 3, trang 21):
Hán văn
Trung thành ngã bản vô tâm cứu
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
Xử thế nguyên lai phi dị dị
Nhi kim xử thế cánh nan nan.
Việt ngữ
Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.
4. Bài "Nạn Hữu Chi Thê Thám Giam" (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), trang 72:
Hán văn
Quân tại thiết song lý
Thiếp tại thiết song tiền
Tương cận tại chỉ xích
Tương cách tự thiên uyên.
Việt ngữ
Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.
Bốn câu trong bài này vốn "mượn" từ bốn câu cuối trong bài “Tương Giang” (Sông Tương):
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
Dịch nghĩa:
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng thấy,
Cùng uống nước sông Tương.
Sách Tình Sử thời nhà Châu bên Tàu chép: Nàng Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, xúc cảm làm thành bài “Tương Giang”. Trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, câu 365-366:
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
(Bùi Khánh Diễn: Kim Vân Kiều, trang 58, nxb Sống Mới – Sàigòn 1971, và bản hiệu khảo Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội 1925, cũng ghi tương tự).
Nay nhân đọc lại thơ chữ Hán của thi-hào - Hồ-Chí-Minh (1890-1969), tôi nhận thấy tác giả lẫn các dịch giả trong Viện Văn Học – Hà Nội (1960) vì quên hay sơ sót không ghi chú sự "vay mượn", nên mạo muội góp thêm vài chú thích, may ra giảm bớt phần nào sự khuất tất về những "tác-phẩm-vĩ-đại" của một người, nghe truyền thông trong nước khẳng định đã được Unesco truy thăng là "danh-nhân-văn-hoá-của-nhân-loại" từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước; tuy nhiên truy thăng cao quí đó mang mã số thế nào, ai biết xin chỉ rộng lòng chỉ cho.
5. Bài "Trung Thu 2" (Trung Thu 2), trang 51:
Hán văn
Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,
Thu nguyệt thu phong đời điểm sầu;
Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,
Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.
Việt ngữ
Trung thu ta cũng tết trong tù,
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.
Câu "Tâm tùy thu nguyệt cộng du du" có gốc từ câu "tâm tùy hồ thủy cộng du du" (tấm lòng theo với nước hồ xa xa) trong bài “Tống Lương Lục” (Tiễn Lương Lục) của Trương Thuyết (Trương Duyệt) đời Đường:
Hán văn
Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu,
Nhất kiến cô phong thủy thượng phù .
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp,
Tâm tùy hồ thủy cộng du du.
Việt ngữ
Ba Lăng trông xuống Động Đình,
Nước thu lai láng, núi xanh thập thò.
Thần tiên dễ gặp được mô,
Tấm lòng theo với nước hồ xa xa.
(Trần Trọng Kim: Đường Thi, trang 354).
Ngoài ra:
6. Bài "Đăng sơn" (Lên núi):
Hán văn
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Việt ngữ
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
(Xuân Diệu dịch)
Câu "Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu" có gốc từ câu "Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu"trong bài "Thuật hoài" nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão (1255-1320):
Hán văn
Hoành sáo giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Võ Hầu.
Việt ngữ
Vung giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng hổ át sao Ngưu.
Công danh ví để còn vương nợ,
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.
(Trần Trọng Kim dịch)
7. Bài "Phỏng Khúc Phụ" (Thăm Khúc Phụ):
Hán văn
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại ?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.
Việt ngữ
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
(Đặng Thai Mai dịch)
Câu "Khổng gia thế lực kim hà tại" vốn lấy từ câu "Các trung đế tử kim hà tại" (con vua trong gác giờ đâu tá?) trong bài "Đằng vương các tự" của Vương Bột (647-675) đời Đường:
Hán văn
Đằng vương cao các lâm giang chữ
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.
Việt ngữ
Bên sông đây gác Đằng Vương
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai ?
Cột rồng Nam phố mây bay
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều
In đầm, mây vẩn vơ trôi
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
Đằng vương trong gác giờ đâu ?
Trường giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
(Trần Trọng San dịch)
Trong bộ Đại cương văn học sử Trung quốc tập 2, trang 18 của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), nxb Nguyễn Hiến Lê - Sàigòn 1964, cũng có dịch nghĩa bài này.
8. Bài "Nguyên Tiêu" (Rằm tháng giêng):
Hán văn
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Việt ngữ
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Xuân Thủy dịch)
Câu "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" lấy từ câu "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền" trong bài "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế (756-?), đời Đường:
Hán văn
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Việt ngữ
1.
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(“Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều”, Tản Đà dịch)
2.
Trăng tà tiếng quạ vẳng sương rơi
Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài
Ngoài lũy Cô Tô chùa vắng vẻ
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai
(“Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều”, Trần Trọng San dịch)
9. Bài "Tặng Trần Canh đồng chí" - đại tướng cố vấn quân sự Trung Cộng, "sáng tác" năm 1950:
Hán văn
Hương Tân mĩ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Địch lai phóng khứ nhất nhân hồi.
Việt ngữ
Sâm banh, rượu ngọt, chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà ngựa giục đi
Say khướt sa trường cười chớ vội
Chẳng cho địch thoát một tên về.
vốn "mượn" gần nguyên si từ bài "Lương Châu Từ" của Từ Vũ Vương Hàn (687-726) đời Đường:
Hán văn
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Việt ngữ
1.
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
(Trần Quan Trân dịch)
2.
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say đàn đã rền vang dục rồi.
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu !
(Trần Trọng San dịch)
3.
Rượu bồ rót chén dạ quang,
Trên yên, sắp uống, nghe vang đờn tì.
Say nằm bãi cát, cười chi?
Xưa nay chiến địa, sống về những ai?
(Nguyễn Hiến Lê dịch, sđd trang 208)
Ghi thêm: Trong cuốn Hương Sắc Trong Vườn Văn, chương IV: Tế nhị và hàm xúc, trang 110-111, Nguyễn Hiến Lê cũng có trích dẫn bài Lương Châu Từ này theo bản dịch của Bùi Khánh Đản.
Tôi không bàn về nội dung của những bài thơ chữ Hán lừng danh của thi-hào-họ-Hồ, vì tôi không muốn hùa theo "khen phò mã tốt áo", khi mà trên mặt chính thống từ hơn nửa thế kỷ trở lại đây, các tác phẩm đó đã được đọc, được học và chỉ được độc quyền khen, khen càng sâu, càng xa càng tốt rồi. Do đó, trong bài này, tôi chỉ "chú thích" trong khả năng có thể, phần thơ chữ Hán. Bài sau, bài sau nữa - khi hội đủ duyên – tôi sẽ "chú thích" phần thơ thuần Việt của tác giả Hồ-Chí-Minh, để xem tài "vận dụng sáng tạo" của ông "nhuần nhuyễn" cỡ nào trong việc nín thinh vay mượn từ Kiều và từ ca dao, thành ngữ Việt Nam. Nhưng dù sao, đêm nay cá nhân tôi vẫn đành tạm bằng lòng với câu nói để đời của nữ-ca-nhạc-sĩ-tài-danh Phương Uyên: "Copy là học tập lẫn nhau", chứ biết làm sao bây giờ !
_______________________________
Ghi chú:
[1] «Bản dịch đầu tiên của Nhật ký trong tù được Viện Văn học cho xuất bản vào năm 1960. Bản dịch này có nhiều ưu điểm, nhưng từ 1960 đến nay thì những bài thơ dịch của Bác đã được bổ sung đầy đủ, mới đầu có 114 bài nhưng sau đó đã đủ 133 bài.»:
- «Trong hơn 13 tháng bị “đá qua đá lại” 18 nhà lao của bọn Tưởng, Bác đã viết tập “Nhật ký trong tù” gồm 134 bài thơ (kể cả bài “Mới ra tù tập leo núi”), là tập thơ bằng chữ Hán cuối cùng trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng tư duy nghệ thuật của nó chủ yếu lại thuộc một loại khác so với truyền thống..» (Quân Đội Nhân Dân)
[2] «Ngày 27/08/1950, Trần Canh (Chen Gen, 1903-1961) tới bản doanh của Việt Minh ở Thái Nguyên, gặp ông Hồ và Lã Quý Ba. Ông Hồ ôm hôn Trần Canh và đọc một bài thơ do chính ông sáng tác để chào mừng và ca ngợi Trần Canh.» (Hứa Hoành: Huyền thoại & sự thật...).
. Bookmark the permalink.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét