17.12.11

Ổn định vĩ mô


Ổn định vĩ mô

(chuyện phiếm)
      Ngài thủ tướng kính mến!
    Vì việc nhờ ngài giúp đỡ can thiệp sẽ được trình bày ở cuối bài viết có liên quan tới việc ngài trở thành thần tượng của tôi nên xin được trình bày một cách tuần tự. Dĩ nhiên là ngài không biết tôi nhưng tôi thì biết rõ: ngoài tên chung, còn lại ở chúng ta đều khác xa nhau tới mức trái ngược.

Ngài thì cao lớn oai phong, đẹp mã, còn tôi thì thấp bé, hèn kém, xấu xí.
Ngài ở tột đỉnh của giàu sang, còn tôi chạm đáy khốn cùng.
Ngài là thủ tướng một nước 90 triệu dân, còn tôi chỉ có chức trưởng của một gia đình 5 nhân khẩu mà hàng ngày vẫn phải giành giật quyết liệt với mụ vợ lắm mồm chuyên nghề buôn thúng bán mẹt.
Con cái ngài thành đạt, con trai tôi chật vật kiếm ăn hàng ngày, con gái phải đi làm nô lệ xứ người.
Nhưng không vì vậy mà ghen ghét đố kỵ, trái lại ở tôi chỉ có sự khâm phục đối với ngài. Và khi lần đầu tiên trong đời xem liền một mạch hơn 40 phút một chương trình truyền hình không phải là bóng đá thì ngài đã trở thành thần tượng của tôi. Đó là chương trình tường thuật trực tiếp trả lời chất vấn của ngài trước quốc hội vào cuối buổi sáng ngày 25/11/2011.
Với tôi ngoài thời tiết, bóng đá, xổ số, chẳng còn có mối quan tâm nào khác. Bệnh viêm khớp và viêm phế quản mãn tính buộc phải chú ý nghe ngóng thời tiết để đề phòng những hôm trái gió trở trời. Bóng đá là môn thể thao vốn đam mê từ nhỏ. Cá độ và số đề thì ngấm vào máu không rõ tự khi nào. Nhưng khi thấy : Vẻ ngoài hào hoa, phong nhã. Tư thế oai phong, đĩnh đạc. Nói năng mạch lạc, rõ ràng. Gần 500 người trong hội trường chăm chú lắng nghe theo đủ kiểu. Có kẻ đầu luôn gật, miệng lại há hốc vẻ như muốn nuốt lấy từng lời. Người mỉm miệng như để khích lệ, cầu thân nhưng vẫn giữ được vẻ tôn kính. Cả những vị trí mà ống kính camera vốn ngại vì hay có cảnh ngủ gật nay cũng được quét tới. Tôi đã bị cuốn hút thực sự và theo dõi trọn vẹn được một phiên chất vấn ở quốc hội. Không chỉ có vậy, các  nội dung trong phát biểu của ngài như khẳng định“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, xác nhận ” Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa” đều là những chủ đề “nhạy cảm” mà báo chí nhà nước và ngay cả các lãnh đạo cao cấp đều tránh hoặc sợ không dám nhắc tới. Dù trùng tên là thường tình tôi vẫn coi cùng tên với ngài là niềm tự hào của mình.
  Hẳn ngài cũng biết đã coi người nào là thần tượng thì thường cố gắng bắt chước làm theo người đó.
Ăn mặc giống ngài thì tôi chịu không làm nổi vì nghèo quá.
 Đi đứng theo kiểu ưỡn ngực, vênh mặt lên thì với bộ dạng  lưng gù, mặt choắt của tôi bắt chước chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ.
Học nói giọngNambộ của ngài là quá khó vì đơn giản như sửa tật nói lắp, nói ngọng mà ròng rã bao năm rồi tôi cũng không sửa được.
   Tôi đành “đạo” các câu nói, bài phát biểu của ngài nói lại, làm theo  mong tạo được dấu ấn trong gia đình cũng như xã hội xung quanh.
   Nhiều phen đang ngủ bị vợ dựng dậy đánh chửi vì trong lúc mê sảng đã lảm nhảm câu “yêu sự thật, ghét sự giả dối”mà mụ cho là nói cạnh nói khóe nghề buôn bán.
 Có lần đang giữa cuộc họp tổ dân phố vì cao hứng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, ” Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa” tôi đã bị công an gọi lên thẩm vấn may nhờ có họ hàng là cán bộ phường can thiệp nên thoát.
 Cũng vì “ghét sự giả dối” không chịu đưa phong bì cho bác sĩ mà đứa con tôi không được cấp cứu kịp thời suýt nữa thì mất mạng….
  Đến nay, hầu như mọi cố gắng bắt chước, làm theo ngài của tôi đều dẫn đến kết cục bi, hài nhưng tôi vẫn chưa chịu nản chí. Ngày 8/12/2011 tai hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thấy ngài nhấn mạnh“Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”.… Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”, “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát” thì dù thuộc diện “óc bã đậu” tôi cũng lõm bõm hiểu : tuy làm ăn thua lỗ nhưng vai trò của các doanh nghiệp nhà nước là làm ổn định vĩ mô. Câu của ngài nếu liên hệ với gia đình của tôi có nhiều điểm tương đồng chẳng hạn : Các đóng góp kinh tế của gia đình thì tôi vai trò như các doanh nghiệp nhà nước, còn mụ vợ như các doanh nghiệp tư nhân. Mụ vợ thường mắng tôi là “ăn hại” vì tôi làm ra đã chẳng đủ nuôi miệng lại số đề, cá độ, nợ nần, bán nhà, bán đất, cầm cố đồ đạc. Còn mụ tuy buôn thúng bán mẹt nhưng lại nuôi đủ 5 miệng ăn và còn trả dần được những khoản nợ do tôi  thua lỗ. Lý do để bênh vực cho các doanh nghiệp nhà nước của ngài cũng giúp tôi biện minh cho sự làm ăn thua lỗ, nợ nần của tôi không phải là “ăn hại” mà chính là để “ổn định gia đình”. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thật là chí lý. Nếu không có mình thì mụ vợ không chồng, con không có bố, cháu không có ông,… gia đình hỏi còn đâu. Một lần nữa tôi lại phải thốt lên lời khâm phục với thần tượng của mình đã giúp tôi tìm ra lý lẽ để cãi lại mụ vợ ngoa ngoắt lắm mồm. Khoái với điều vừa tìm ra, tôi bèn dốc nhẵn túi và còn vay thêm một khoản khá lớn để đánh một “con đề” đã  “nuôi” hàng tháng nay. Kết quả lại lâm vào cảnh nợ nần. Biết vợ đã tích cóp được một số tiền để mua xe cho thằng con trai đi làm tôi muốn mụ đưa cho để trả nợ và theo tiếp con đề đã “nuôi” nhưng chưa trúng. Khác với những lần trước, lần này mụ không mắng tôi là “ăn hại”nhưng vẫn kiên quyết không chịu đưa tiền dù 5 lần 7 lượt tôi thuyết phục. Tôi quyết định áp dụng “lý lẽ kiểu của ngài” và dọa là nếu không đưa tiền sẽ ra đi. Tin chắc rằng với chiêu này mụ sẽ phải im miệng, đưa tiền nhưng thật bất ngờ: vừa nổi tam bành mụ vừa kể tất tật các tội lớn bé của tôi :”Giá ông không nói đến “ổn định gia đình” có thể tôi còn đưa tiền cho ông. Nhưng ông thử nghĩ xem hơn chục năm trở lại đây ông đã làm được những gì để cái gia đình này được ổn định. Tiền buôn bán của ông đã không đủ nuôi miệng ông lại còn số đề, cá độ, rượu chè, cờ bạc để gia đình luôn phải nợ nần. Tiền bán mấy sào ruộng ở quê để sửa nhà ông nướng sạch vào cờ bạc. Nhà của bố mẹ để lại ông cũng bán. Nhà mặt đường có giá thì ông đổi lấy căn nhà trong ngõ ít tiền hơn để đánh đề. Đồ đạc quý trong nhà tay ông lần lượt bán đi bằng hết. Hết đồ đạc quý ông cầm cố cả sổ đỏ để vay tiền. Giá kể ông bệnh tật nằm đấy mẹ con tôi có phải hầu hạ cũng còn đỡ hơn ông cứ nay số đề mai cá độ,rồi không chóng thì chày cả nhà này sẽ phải ra đường đi ăn xin. Ông dọa bỏ đi, tôi thách đấy! Nhưng tôi nói thẳng căn nhà này mua bằng tiền của mẹ con tôi, đứng tên tôi, ông không có phần…”. Không chờ thanh minh mụ dồn hết quần áo cùng đồ dùng của tôi vào vali yêu cầu tôi ra khỏi nhà. Đứng như trời trồng, không nói lại được điều gì, như một cái máy tôi nhận từ tay mụ chiếc va li mà cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Mấy đứa con chứng kiến nhưng không làm gì vì chúng cũng đồng tình với mẹ. Định hạ mình cầu xin mụ tha thứ nhưng lòng tự trọng đã ngăn tôi lại vả lại tôi cũng biết mụ rất khó đổi ý.
   Thưa ngài kính mến!
Thế là từ nay tôi trở thành kẻ không nhà, không gia đình, không một xu dính túi. Tất cả chỉ vì đã dại dột áp dụng “lý lẽ kiểu của ngài” khiến mụ vợ tức giận đuổi ra khỏi nhà. Không dám trách ngài vì biết đáng ra nó chỉ  được dùng ở “tầm vĩ mô” nhưng tôi đã ngu ngốc dại dột đem áp dụng cho gia đình ở “tầm vi mô”. Dù gặp phải tai họa tôi vẫn coi ngài là thần tượng và cầu xin ngài giúp cho thoát khỏi cảnh này. Không dám yêu cầu ngài cấp tiền mua nhà, tìm công ăn việc làm mà chỉ muốn ngài giúp gia đình tôi đoàn tụ vì thực ra tôi vẫn yêu thương vợ con của mình. Biết là ngài sẽ có nhiều cách giúp nhưng tôi cũng xin mạo muội đề xuất : Ngài cứ sai thuộc hạ vu cho vợ tôi một tội nào đó như trốn thuế, buôn gian bán lậu chẳng hạn để bắt giữ, sau đó tôi sẽ đứng ra bảo lãnh minh oan cho mụ. Tất nhiên sau khi được bảo lãnh mụ phải nghĩ lại mà tha thứ cho tôi. Nếu cách này bại lộ ngài cũng không phải ngại dư luận vì vợ tôi không phải là Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Công Định những nhân vật mà các tổ chức quốc tế đều biết. Tôi tin rằng cách này ngài làm dễ như lấy một đồ vật ra từ trong túi của mình.
  Chúc ngài khỏe và mãi mãi là thần tượng của tôi.
   Công dân của nước CHXHCN Việt Nam cùng tên với ngài.
                                                                                   12/2011 TRẦN HOÀNG LAN
Đăng trong TRẦN HOÀNG LAN

Không có nhận xét nào: