18.12.11


An Biên (Tuần Việt Nam) - Khi xã hội cần đến các hiệp sĩ, nghĩa là có một khoảng trống quyền lực và đạo đức cần được phủ lấp. Nhưng với chế độ pháp quyền, thật nguy hiểm nếu các "hiệp sĩ" trở thành một phần của thể chế, hay sự trợ giúp cho thể chế.

"Hiệp sĩ" để làm gì?

Khái niệm hiệp sĩ trong văn minh châu Âu thời Trung cổ dùng để chỉ các chiến binh tự do bán chuyên nghiệp. Vai trò này mất dần khi các vương quốc phong kiến xây dựng quân đội chuyên nghiệp, và hiệp sĩ chuyển sang phục vụ cho các lãnh chúa phong kiến có tổ chức kém quy củ hơn. Trong văn hóa Anh hiện đại, Hiệp sĩ trở thành một tước hiệu thấp nhất được Hoàng gia Anh dành cho giới quý tộc.

"Hiệp sĩ" trong các xã hội Á Đông thường được hiểu như các hiệp sĩ giang hồ. Nó gắn với việc hành động chuộng nghĩa, giúp kẻ yếu, trị cường quyền một cách vô vụ lợi. Tất nhiên, cường quyền cần đến các hiệp sĩ ra tay, nghĩa là cường quyền đó thường là quan lại hay được quan lại dung túng, hoặc quan lại quá yếu kém nên cường quyền mới bất trị trước nhà nước. Hệ quả kéo theo là các hiệp sĩ giang hồ phải sử dụng bạo lực và hành động bí mật, cũng tức là hành xử ngoài vòng pháp luật.

Trong thời trị, không ai ca ngợi các hiệp sĩ, vì đơn giản là xã hội không cần đến họ. Hiệp sĩ chỉ cần trong thời loạn, khi hiệu lực cai trị của nhà nước bị vô hiệu, hoặc giả, khi nhà nước không đồng nhất lợi ích của nó với xã hội. Trong tình huống sau, hiệp sĩ có thể dẫn dắt cả xã hội đến hành động phản kháng có tổ chức: một phong trào nổi dậy.

Trong chế độ pháp quyền, không có vai trò nào dành cho các hiệp sĩ. Bảo vệ đất nước đã có quân đội; bảo vệ an ninh xã hội đã có công an, cảnh sát; và bảo vệ lẽ phải đã có tòa án. Đó là những cơ cấu được tổ chức và vận hành có tính chuyên nghiệp cao, được huấn luyện và trang bị chu đáo nhất có thể, được trả lương để chuyên tâm làm nhiệm vụ, và được ban cho tính chính danh khi hành xử.

Và "hiệp sĩ săn bắt cướp"

Trước hết, phải ca ngợi họ là những con người dũng cảm, dám xả thân vì người khác. Điều đó đặc biệt đáng trân trọng trong một xã hội mà sự ích kỷ và vô cảm trở nên phổ biến. Nhưng tổ chức họ lại và tôn vinh họ một cách chính thức lại là một điều nguy hiểm đối với việc xây dựng xã hội pháp quyền.

Thứ nhất, nó nguy hiểm với chính các hiệp sĩ. Mọi kẻ cướp đều có trang bị, và có phương án chống trả khi bị truy đuổi hay vây bắt. Vì vậy, việc săn bắt bọn cướp - một phần của nhiệm vụ giữ an ninh cho xã hội - phải được giao cho những con người chuyên nghiệp, được trang bị và huấn luyện bài bản: những chiến sĩ công an. Công việc đầy nguy hiểm đó nếu được thực hiện bởi những con người nghiệp dư hay bán chuyên là sự đánh đu với tính mạng của chính họ để đổi lại việc bảo vệ tài sản kịp thời cho người khác. Không tài sản nào cao quý hơn sinh mạng con người. Thực tế, đã có hiệp sĩ săn bắt cướp ngã xuống, đã có nhiều hiệp sĩ đổ máu, và có cả hiệp sĩ bị bọn cướp quay lại truy sát. Lúc đó, ai bảo vệ tính mạng kịp thời cho các hiệp sĩ?

Thứ hai, nó nguy hiểm với việc phân công trách nhiệm xã hội. Cổ vũ cho các hiệp sĩ săn bắt cướp là chúng ta đã thừa nhận cơ quan công an không có khả năng thực hiện đầy đủ vai trò giữ an ninh cho xã hội nữa. Thay vì đòi hỏi cơ quan chuyên nghiệp đó phải chấn chỉnh để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, chúng ta đi cổ vũ gây dựng một dạng "tiền thể chế" nghiệp dư để làm việc đó.


"Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến bên một "rừng" giấy khen, bằng khen vì thành tích bắt cướp. Ảnh: Lao động

Thứ ba, những lệch lạc tiềm ẩn khi "hành hiệp". Những "hiệp sĩ" vốn hành động dựa trên nghĩa khí. Nhưng nghĩa khí của những con người có nhận thức khác nhau sẽ có quan niệm khác nhau về lẽ phải, và không loại trừ họ nhận thức sai về lẽ phải, cũng như nhận định sai về tình huống khi xảy ra sự cố. Tất nhiên, nhận thức sai và nhận định tình huống sai sẽ dẫn đến hành động sai, và hành động sai thật nguy hiểm khi nó gắn với hình thức bạo lực (bắt cướp không thể thiếu hành vi bạo lực). Và các hiệp sĩ cũng là con người, không thể tránh khỏi nguy cơ ngộ nhận, lạm dụng, hoặc suy thoái đạo đức vào một lúc nào đó. Cách đây chưa đầy một tháng, em trai một hiệp sĩ săn bắt cướp nổi tiếng ở Bình Dương (từng đi cùng hỗ trợ anh trai bắt cướp) lại trở thành kẻ cướp.

Làm gì với các "hiệp sĩ"?

Điều rõ ràng là một xã hội pháp quyền phải cai trị bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí. Và những nhiệm vụ chủ chốt - như nhiệm vụ giữ gìn an ninh - phải được giao cho cơ quan chuyên nghiệp, chứ không phải nghiệp dư.

Nếu cơ quan chuyên nghiệp chưa hoàn thành vai trò đó, xã hội cần đòi hỏi họ phải làm tốt hơn, bằng việc tuyển dụng những con người có trách nhiệm tốt hơn nữa, trang bị và huấn luyện tốt hơn nữa, giám sát thực hiện tốt hơn nữa. Nếu những hiệp sĩ là những con người can đảm, có mưu trí, và có những kỹ năng nhất định để bắt cướp, ngành công an có thể tuyển dụng họ, trang bị và đào tạo họ chuyên nghiệp hơn nữa, để họ làm tốt hơn công việc ấy trong vai trò chính thức.

Nếu chúng ta cho rằng bao nhiêu công an cũng không đủ, mà cần có sự trợ giúp của dân chúng, thì sự trợ giúp đó cần phải có giới hạn để bảo đảm an toàn cho người dân. Đó có thể là việc thông tin kịp thời cho cơ quan công an, là sự dũng cảm tố cáo tội phạm, là việc hỗ trợ bằng các phương tiện (phương tiện giao thông chẳng hạn) để ngăn cản tội phạm chạy trốn. Hãy cổ vũ toàn dân làm việc đó, vì an ninh của chính họ và của cộng đồng, chứ đừng đẩy họ ra đương đầu trực tiếp với tội phạm thay cho cơ quan công an.

An Biên
. Bookmark the permalink.

1 Response to Tôn vinh "Hiệp sĩ": Phản giá trị của xã hội pháp quyền

  1. Nặc danh says:
    Tôi đồng tình với An Biên.

Leave a Reply

Không có nhận xét nào: