18.12.11

Thương nhớ nước Lào


Bây giờ trong tâm thức của nhiều người Việt nam khi nhắc đến nước Lào thì ai cũng nghĩ đó là một quốc gia nghèo nàn lạc hậu, với món đặc sản "nổi tiếng" là món nhái ôm măng chỉ nghe mà đã rùng mình. Món đặc sản này theo người ta nói lại, khi nấu thì người Lào bỏ những con nhái còn sống đang bơi vào trong nồi nước lã cùng với măng tươi để nấu. Khi nước trong nồi canh nóng dần lên thì những chú nhái khi gần chết đó sẽ ôm chặt vào những miếng măng, khi ăn người Lào múc con nhái ôm miếng măng đưa vào mồm nghe mà khiếp. Món nhái nấu măng thì đúng là có, nhưng nó không đáng sợ như người Việt mình nghĩ.
Tôi lần đầu nhìn thấy món canh này trong mâm cơm của người Lào mà tôi cũng cảm thấy khiếp, tuy không thấy những con nhái ôm măng như từng nghe, nhưng thấy những con nhái còn nguyên con (đã chích cổ bỏ ruột) trong bát canh thì cũng không dám ăn, nhưng vì bạn mời nhiều lần bảo ngon lắm nên cũng nể mà ăn, ăn rồi thấy cũng ngon như món măng nấu với cá của người Việt mình. Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy là thế.
Tôi chưa từng thấy ở đâu, những nơi mà tôi có dịp đi qua để lại cho mình một ấn tượng tốt đẹp về con người, nhân cách, cách sống đơn giản nhưng chân thật rất tình cảm như người Lào. Và điều đặc biệt là ở họ có một cuộc sống quá gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là một môi trường sống quá lý tưởng khi mà trong thời đại công nghiệp hóa, khi chúng ta đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm và do chính tay con người tàn phá. Có lẽ thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc Lào với số dân ít ỏi quá  nhiều tài nguyên thiên nhiên quý như thủy điện, gỗ, vàng v.v... để đền bù cho bản tính hiền lành và mến khách của họ. Nhiều lúc tôi thường nói với bạn bè và người thân rằng khi về già, nếu được tôi sẽ đến đó - nước Lào, để sống những ngày tuổi già.
Ngày xưa thời còn là sinh viên, hồi ấy hình như các trường Đại học ở Hà nội đều có nhiều sinh viên Lào đến học tập và có các trường đều có khu ký túc xá dành riêng cho họ. Gọi là đến Việt nam chứ lẽ ra phải gọi là sang Việt nam học, cũng là vì phần lớn các bạn sinh viên Lào đến Việt nam từ Liên xô, nơi họ sống thời học phổ thông trung học, bởi phần lớn trong số họ là con em cán bộ cao cấp của đảng Nhân dân cách mạng Lào. Chả thế anh nào cũng béo trắng, ăn diện và được biết họ học đại học ở Việt nam là nằm trong chính sách đào tạo và quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo cho đất nước Lào trong tương lai. Thời ấy là thời bao cấp, đói khổ do vậy  những sinh viên Lào được cánh sinh viên Việt nam chúng tôi nhìn với con mắt vị nể và ngưỡng mộ, thầm ước một ngày nào đó được như họ. Vì không chỉ họ xài sang, xài toàn đồ Thái lan, mà họ còn là dạng đối tượng được ưu tiên đặc biệt như những người nước ngoài khác, được phép mua hàng trong các cửa hàng dành riêng cho người nước ngoài - cửa hàng Giao tế. Do có đặc quyền này nên các bạn sinh viên Lào bị bọn "gian thương" người Việt biến thành lính đánh shop, nghĩa là dùng hộ chiếu để mua hàng trong cửa hàng Giao tế ra bán lại lấy chênh lệch vì thế bọn họ lại còn lắm tiền. Ngày ấy mấy em bên trường Múa ở Mai dịch là mê mấy anh sinh viên Lào lắm, chỉ vì họ lắm tiền so với lúc ấy chứ không nhiều như bây giờ. Còn nhớ ngày ấy mấy bác mấy chú đi làm chuyên gia Lào hay bị nói trệch thành các ông "Lao gia truyền" hay mấy anh tài xế xe tải quá cảnh chuyên chở hàng cho nước bạn là giàu, nhờ cứ mua hàng như dép tông Lào, bột ngọt, quần jean..., cái gì ở Lào về bán là cũng có lãi. Vì vậy thời ấy tôi nghĩ nước Lào như một xứ sở thiên đường và mong có dịp được qua Lào để làm việc.
Thiếu nữ  Lào trong lễ phục truyền thống
Điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì tôi từng thấy sau này, khi có điều kiện đi công tác hoặc đi lãng du ở xứ sở này, ở Lào dân chúng vẫn sống một cuộc sống ở mức thô sơ kiểu tự cung tự cấp, có gì ăn nấy và đặc biệt là cái gì người Lào họ cũng có thể ăn được. Là lá cây, là rau cỏ trong rừng và các loại động vật hễ ngo ngoe được là họ ăn được tất, hình như không có loại động vật gì là họ không ăn, chả thế người Lào có câu đại ý "Người Lào chỉ cần ngồi yên một chỗ và quơ tay xung quanh là họ có đủ thức ăn cho một bữa ăn". Bữa ăn của người Lào thường ngày cũng rất đơn giản, đi làm nương rẫy về bắt đước mấy con cá to bằng ngón tay cái ngoài suối, thì chọn mấy con nhỏ quá bỏ luôn vào hũ làm mắm (Pá đẹc), còn mấy chú nhỉnh hơn thì nấu canh chua. Thịt con cá trong nồi canh gỡ ra cùng với mấy quả cà, củ hành, rau thơm, ớt... nướng và giã nhuyễn, nêm mắm muối, bột ngọt thành một thứ nước chấm gọi là chẹo để chấm xôi. Xôi người Lào đồ để từ buổi sáng để ăn cả ngày, buổi chiều chỉ hấp lại cho nóng. Bữa ăn họ lấy xôi chấm chẹo, húp nước canh chua và đôi ba chén nước cay (rượu) vậy là xong bữa. Đó là tập quán, là phong tục và cách sống bình thường rất đơn giản hàng ngày của người Lào.
Ngày nay người Lào có một nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc hơn hẳn Việt nam hay Thái lan, cũng có lẽ vì tốc độ đô thị hóa và ảnh hưởng của lối sống tây phương ít tác động đến cuộc sống của dân chúng một đất nước hiền hòa và bình yên này. Hai dân tộc Lào và Thái lan có chung một cội nguồn là dân tộc từ miền nam Trung quốc di cư xuống, tiếng Lào, tiếng Thái lan cũng giống như tiếng dân tộc Thái, dân tộc Tày ở Việt nam và người Choang ở Quảng tây Trung quốc. Ở Thái lan có trên 20 triệu người Lào gọi là người Thái - Ixán, nhưng văn hóa dân tộc Lào lấn át và hơn hẳn văn hóa của người Thái bị phai nhòa quá nhiều do ảnh hưởng của văn hóa phương tây, mặc dù người Thái - Ixán luôn có mặc cảm là người Lào. Khi hát dân ca Thái là những bài hát mang làn điệu dân ca Lào mà người Thái kể cả lớp trẻ ngày nay đều rất ưa chuộng. Nhưng với chính quyền và người Lào ở Lào hiện nay họ luôn tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, xã hội... của Thái lan. Như chuyện chữ viết là một ví dụ, ngay sau giải phóng năm 1975 nhà nước Lào đã điều chỉnh nét và kiểu chữ trong bộ chữ viết vốn rất giống chữ viết của Thái lan để tạo sự khác biệt. Đây chính là lý do vì sao Lào và Thái lan có chung cội nguồn, chung tiếng nói, chung phong tục tập quán nhưng chính quyền và người dân Lào luôn có thiện cảm với Việt nam hơn Thái lan. Nhưng có lẽ chỉ người Lào mới hiểu nỗi hận muôn kiếp của người Lào đối với người Thái, nguyên nhân là do người Thái cuối thế kỷ XVIII đã đánh chiếm Viêng chăn và cướp báu vật của người Lào. Đó là bức tượng Phật làm bằng ngọc nguyên khối đặt tại chùa Phật Ngọc (Wat Pha Keo) thủ đô Viêng chăn - Lào về đặt tại chùa Vàng (Watphra Keo) ở thủ đô Bangkok - Thái lan.
Một điều đáng nói là người Lào rất thật thà và tốt bụng, trước đây và ngay cả bây giờ cũng vậy trước cửa nhà người Lào bao giờ cũng có một cái cái chum nước uống có đậy nắp dành cho người qua đường khát thì dừng lại uống. Nếu so sánh với người Lào thì người Việt mình quả là ma mãnh, khôn ngoan hơn, nhất là sau năm 1977 - 1978, người Hoa ở Lào cũng bị bài xích và đuổi về nước thì đó là thời của mấy chú bác Việt kiều. Trước thời ấy việc buôn bán ở các thành phố và thị xã ở Lào do người Hoa nắm tòan bộ, bà con Việt kiều nhà mình thì chỉ đi làm thuê và là ruộng ở nông thôn. Khi người Hoa ra đi thì người Việt mới được dịp ùa ra thế chân họ ở các thị xã hay thành phố để buôn bán và phất lên.
Những năm sau giải phóng, nhất là sau năm 1986 người Việt sang Lào làm ăn tới hàng trăm ngàn người ở khắp mọi nơi trên đất Lào. Người Việt sang Lào làm đủ nghề để sống, làm thuê, làm thợ xây, thợ mộc, chạy xe reo cắt gỗ... sau dần chuyển sang mở nhà trọ, bán bia ôm đủ kiểu miễn là có tiền. Cũng như Việt kiều ở Lào dẫu có một số người giàu, nhưng đa phần người Việt mình họ không dấu được bản chất ma mãnh trục lợi nếu không nói là làm ăn gian dối trong buôn bán và họ dám đút lót cho cảnh sát để làm hay mở các dịch vụ bất hợp pháp như mại dân, cờ bạc... Những kẻ này tuy ăn đậu ở nhờ nước người, nhưng luôn nghĩ rằng sự thật thà mang tính bản chất của người Lào vốn có là do người Lào ngu, người Lào biết thế chính bởi vậy bây giờ người Lào không còn quý người Việt như ngày xưa nữa.
Cũng có lẽ chính vì hiền lành, thật thà mà người Lào từ xưa tới nay không có mấy ai nghĩ tới chuyện làm giàu, trừ mấy người Lào chơi và học mánh khóe làm ăn từ người Việt, nghĩa là chạy chọt, đút lót cho các quan chức lấy giấy phép cưa gỗ trong rừng. Giấy phép của nhà nước cho phép cắt 1 thì bọn họ cắt tới hàng trăm, hàng ngàn, rồi chung chi cho kiểm lâm, đóng búa cho phép ra khỏi rừng rồi chở nhà máy cưa xẻ gỗ bán cho Thái lan hay chở về Việt nam vô tư. Ai không tin xin cứ hỏi ông bầu Đức - Hoàng Anh Gia lai thì biết sao ông ta giàu nhanh thế? Gỗ chỉ là chuyện nhỏ, còn vàng và thủy điện ở Lào mới là chuyện lớn. Vàng ở Lào nhiều lắm, vàng có ở mọi nơi, không chỉ là ở dạng vàng sa khoáng, mà nằm ngay trong các viên đá ở các dòng suối, nhưng nhiều nhất là các mỏ vàng ở rải rác khắp cả nước. Tôi đã từng chứng kiến một anh bạn người Lào khi ngồi nghỉ trên bờ suối đập một viên đá cuội vỡ làm đôi, chỉ cho tôi thấy các chấm ánh kim trong nửa viên đá bị đập vỡ và nói "Anh xem đi, vàng đấy. Ngày xưa người Pháp đã có dự định khai thác như không kịp". Được biết nhiều năm nay nhà nước Lào đã cho các Công ty liên doanh Lane Xang Minerals Ltd, Phu Bia Mining Co.... liên doanh khai thác vàng với Trung quốc và PanAus của Australia vào khai thác, mỗi nămsản lượng đạt chừng 5 tấn vàng nguyên chất 9999 với dự tính kim ngạch xuất vàng khẩu khoảng 2 tỷ USD/năm trong vòng mấy năm tới. Đó là chưa kể đến nguồn lợi thủy điện vô tận của nước Lào, với trị giá xuất khẩu có thể lên tới 2 tỷ USD/năm.
Ông Somnuk kỹ sư Lào cầm vàng
khối sản phẩm của PanAus
Từ trước đến nay Lào vẫn là một quốc gia nghèo, chậm phát triển do chiến tranh và thể chế chính trị mang tính chuyên chế cộng sản dưới sự thao túng của Việt nam cho dù đến nay đã cởi mở rất nhiều. Với số dân 6,67 triệu người, và GDP 5,6 tỷ USD rất thấp so với Thái lan là một nước hàng năm viện trợ rất nhiều cho Lào, Thái lan với dân số 66 triệu người và GDP khoảng 268 tỷ USD. Sở dĩ so sánh hai quốc gia Lào và Thái là vì nó liên quan đến niềm tự hào của người Lào đối với người Thái lan, cho dù chuyện người Lào thừa nhận một sĩ quan cảnh sát Thái lan còn oai phong hơn một vị tướng Lào về cách ăn mặc. Câu chuyện còn lưu truyền mà bất kể ai là người trưởng thành của nước Lào đều biết, đó là trong một buổi Quốc Vương Thái lan đón tiếp Chủ tịch Lào Phoumi Vongvichit những năm đầu thập kỷ 80. Do quá nhiệt thành với người anh em láng giềng, Quốc vương Thái lan đã ra đón Chủ tịch Lào Phoumi Vongvichit ngoài tiền sảnh của cung điện. Và do vô tình, vị Quốc vương Thái lan đã chìa tay bắt khi Chủ tịch Lào Phoumi Vongvichit còn đang bước lên bậc thang ở vị trí thấp hơn. Và ông Chủ tịch Lào Phoumi Vongvichit chỉ giơ tay ra bắt khi hai vị đứng đầu hai quốc gia đã đứng ở vị trí ngang hàng nhau ở tiền sảnh. Chuyện rất nhỏ nhưng là niềm tự hào lớn của cả nhân dân Lào, vì người đứng đầu nhà nước của họ không hề nhún nhường ngay cả trong vấn đề ngoại giao, không thể vì họ là một dân tộc hay quốc gia nhỏ hơn mà nhường bước cho nước lớn.
Bằng vai phải lứa là phải như vậy, nhất là chuyện danh dự của quốc gia không phải chuyện đùa mà có thể xử sự tùy tiện. Như kiểu chuyện đang xôn xao dư luận xã hội mấy ngày qua đã làm không ít người phẫn nộ về chuyện Cầu truyền hình quy mô giữa Việt Nam và Trung Quốc mang tên 'Láng giềng gần' diễn ra trong hai tiếng đồng hồ tối thứ Tư 14/12. Điều đáng lên án vì đây là chương trình  giữa Đài truyền hình Việt nam (VTV) và Đài Truyền hình tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, nó đã không giữ được thể diện quốc gia, vì gì đi chăng nữa văn hóa, nghệ thuật hay vì hữu nghị ... thì nó cũng phải có nguyên tắc và điều kiện của nó. Chả trách nhiều người bảo lãnh đạo Việt nam bây giớ sợ nó (Trung quốc) quá hóa lú, vì thế đã làm nhục quốc thể, coi Việt nam bằng một tỉnh của Trung quốc.
Như trên đã nói chuyện một số người Việt qua làm ăn bên Lào, thấy người Lào hiền lành thật thà thì chê người Lào ngu. Nếu ngẫm lại chuyện Quốc vương Thái lan bắt tay Chủ tịch Lào Phoumi Vongvichit với chuyện Cầu truyền hình "Láng giềng gần" vừa rồi thì mới biết ai ngu, ai khôn.
Đúng là bây giờ giới lãnh đạo Việt nam còn ngu hơn cả người Lào!
Hà nội ngày rét đậm, 17 tháng 12 năm 2011
-------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Không có nhận xét nào: