Phái đoàn do hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman đứng đầu đã đưa ra lập trường này tại Bangkok hôm thứ Bảy, trên đường đi thăm chính thức Miến Điện.

Mặc dù vẫn còn thận trọng về tiến trình cải cách của Miến Điện, Thượng nghị sĩ McCain nói rằng quyết định rút lại các biện pháp trừng phạt vẫn thuộc về cộng đồng quốc tế và đánh giá tiến bộ cải cách tại Miến Điện. Ông cho biết:

“Tôi tin chắc rằng nếu cuộc bầu cử mà tự do và công bằng thì sẽ không có vấn đề gì khi Hoa Kỳ phối hợp với các nước khác trên thế giới để chấm dứt các biện pháp trừng phạt. Tôi phải thú thật vẫn còn một chút nghi ngại, không nhiều, chỉ một chút thôi, nhưng tôi sẽ cố gắng giữ đầu óc thông thoáng để đi tiếp quy trình này.”

Theo lịch, phái đoàn các Thượng nghị sĩ Mỹ sẽ gặp cả Tổng thống Thein Sein lẫn bà Aung San Suu Kyi.

Miến Điện sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội bổ xung vào tháng Tư, một trong những ứng cử viên là bà Aung San Suu Kyi.

Hoa Kỳ áp đặt cấm vận Miến Điện vào năm 2003, trong đó cấm nhập khẩu hàng của Miến Điện và ngưng các dịch vụ tài chính. 

Năm 2007, Hoa Kỳ lại tuyên bố gia hạn lệnh cấm sau khi chính phủ quân sự đàn áp các cuộc biểu tình trên đường phố. Lần này đóng băng tất cả tài sản của các Miến Điện đang có ở Mỹ và tài sản của những ai yểm trợ vật chất cho chính phủ Miến Điện. Cá nhân và tổ chức Mỹ không được đầu tư tại Miến Điện.

Hiện nay một số nước như Australia và EU đang có những bước nới lỏng cấm vận Miến Điện sau khi có mấy trăm tù chính trị được thả, dù một số vẫn còn bị giam.

Gần đây, Hoa Kỳ cũng có những bước nới lỏng, như phục hồi chức vụ đại sứ sau khi các tù chính trị được thả, kế tiếp là chuyến đi của Ngoại trưởng Hillary Clinton. 

Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman nói phái đoàn sẽ dựa vào lời tư vấn của bà Aung San Suu Kyi:

“Phản ứng của chúng tôi về những gì sẽ làm với Miến Điện phần lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi phản ứng của bà Aung San Suu Kyi. Nói cách khác, chúng tôi chẳng những ngưỡng mộ bà mà con tin cậy nơi bà. Tôi không muốn nói chúng tôi hoàn toàn nghe theo bà, nhưng trong chừng mực mà bà tin tưởng vào những gì xảy ra, thì chúng tôi cũng tin tưởng vào những gì xảy ra tại Miến Điện, và nhờ đó chúng tôi sẽ tháo bỏ cấm vận và xích gần đến phía chính phủ hơn.”

Trong tuần qua, Tổng thống Miến Điện Thein Sein nói với tờ The Washington Post ông muốn các nước phương Tây tháo bỏ cấm vận vì Miến Điện đã đáp ứng các đòi hỏi của quốc tế là thả tù chính trị, tổ chức bầu cử và để bà Aung San Suu Kyi có tự do chính trị nhiều hơn.

Nhưng trong một buổi phỏng vấn mới đây, bà Aung San Suu Kyi nói Hoa Kỳ chỉ nên tháo bỏ cấm vận “vào đúng thời điểm” và khi nào chính phủ Miến Điện đã đáp ứng tất cả các điều kiện để được tháo bỏ.