12.2.12

Vụ cách chức giám đốc công an Trùng Khánh : đấu đá nội bộ chính quyền Trung Quốc



Cựu giám đốc công an thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân (AFP)
Cựu giám đốc công an thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân (AFP)

Minh Anh
Vụ giám đốc công an Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân bị mất chức và bị đưa về Bắc Kinh sau khi có tin đồn ông này xin tỵ nạn tại Mỹ hiện đang làm xôn xao dư luận Trung Quốc mấy qua, là đề tài được hai tờ báo Pháp Liberation và Le Monde số ra hôm nay đặc biệt quan tâm nhiều nhất.

« Vụ án Vương Lập Quân hé lộ sự tranh giành quyền lực tại Trung Quốc » là nhận định của báo Le Monde. Trong khi đó, Liberation thì cho rằng « sự biến mất đáng lo ngại của nhân vật chống tham những tại Trùng Khánh ». Cả hai tờ báo cùng đặt câu hỏi là « ông Vương Lập Quân đã đến lãnh sự quán Mỹ để làm gì ? ».
Theo hai tờ báo, nhiều tin đồn lan truyền trên mạng cho rằng ông Vương đang tìm cách đào thoát. Về phần chính quyền Trung Quốc, báo Le Monde cho biết, bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin ông Vương có trú qua đêm tại lãnh sự quán Mỹ, đồng thời còn cho biết cụ thể rằng « các ban ngành có liên quan đang tiến hành điều tra về sự cố này ».
Le Monde và Liberation đều chắc chắn là ông Vương Lập Quân đã bị thất sủng. Ông này vốn được ông Bạc Hy Lai điều từ Liêu Ninh về Trùng Khánh để chỉ huy một chiến dịch chống mafia lớn chưa từng có hồi năm 2009. Dư luận Trung Quốc ngờ rằng ông Vương chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ là để cung cấp cho các nhà ngoại giao nhiều thông tin quan trọng về nhân vật số một tại Trùng Khánh. Một hành động mà theo đánh giá của Liberation là một kiểu « bảo hiểm nhân mạng ». Như vậy, sẽ có một « thương thảo căng thẳng » tại Thành Đô ít nhất là ba bên giữa một phái viên tại Trùng Khánh, các nhà ngoại giao Mỹ và chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cả Liberation và Le Monde cùng chung nhận định vụ việc ông Vương sẽ làm suy yếu ông Bạc Hy Lai, nhân vật nổi tiếng theo trào lưu tân chủ nghĩa Mao. Trên phương diện ngoại giao, báo Le Monde cho rằng vụ án này cũng gây khó xử cho Bắc Kinh khi mà chỉ còn có vài ngày nữa là ông Tập Cận Bình sẽ lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ.
Lý giải cho sự cố này, cả hai tờ báo cùng cho rằng có sự tranh giành quyền lực giữa những thế hệ lãnh đạo thứ năm này. Theo Le Monde, sự việc phản ánh rõ nét căng thẳng gia tăng giữa hai phe bảo thủ và phe theo trào lưu tự do, nhất là giữa ông Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh và ông Uông Dương, đại diện cho trào lưu tự do tại Quảng Đông. Từ nhiều năm nay, cả hai ông này đã đề ra nhiều chiến dịch nhằm củng cố cho sự thăng tiến của mình vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị vào tháng 10 năm nay.
Kết quả là, theo như giải thích của Liberation, ông Vương Lập Quân chính là điểm ngắm của Ủy ban kỷ luật Trung ương, phụ trách điều tra các vụ án tham nhũng trong nội bộ Đảng. Do đó, để cứu vãn cơ hội thăng tiến, có lẽ ông Bạc Hy Lai đã quyết định hy sinh nhân vật trung thành số hai của mình.
Miến Điện : hành trình hướng tới việc dỡ bỏ cấm vận
Cũng liên quan đến đề tài chính trị, Liberation nhìn sang Đông Nam Á với chủ đề « Miến Điện : hành trình dài hướng tới việc dỡ bỏ cấm vận ». Tờ báo quan tâm đến chuyến thăm Miến Điện của ông Andris Piebalgs, Ủy viên Châu Âu về Phát triển.
Liberation cho biết, lần này ông Andris Piebalgs không đến thăm Miến Điện với đôi bàn tay không. Đi theo ông là một hành lý trị giá 150 triệu euro. Ông sẽ thảo luận với chính quyền mới về việc trợ cấp số tiền này, chủ yếu sẽ được dùng trong lãnh vực vi tín dụng, các chương trình cho sức khỏe, giáo dục trong hai năm sắp tới. Ông cho biết thêm, tuy rằng hiện nay, Liên hiệp châu Âu không đặt điều kiện cho việc chi tiền hỗ trợ, nhưng châu Âu cũng sẽ rất đề cao cảnh giác về tiến trình dân chủ qua đợt bầu cử bổ sung ngày 1 tháng tư sắp tới, với sự tham gia của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.
Có thể chuyến thăm của một quan chức châu Âu lần này tại Miến Điện cho thấy giai đoạn bình thường hóa quan hệ giữa Miến Điện với phương Tây. Theo ông Andris Piebalgs, từ đây đến cuối tháng tư năm nay, châu Âu sẽ xem xét lại toàn bộ lệnh trừng phạt bao gồm các điều khoản cấm vận vũ khí, mua bán đá quý, cũng như là lệnh phong tỏa tài sản của gần 500 nhân vật và 900 cá thể. Đặc biệt, cuối tháng giêng vừa qua, châu Âu đã có hành động mang tính biểu trưng là dỡ bỏ lệnh cấm cấp thị thực nhập cảnh cho các quan chức chính quyền Miến Điện, mà đứng đầu là tổng thống Thein Sein.
Thế nhưng, Liberation cho biết rõ là các động thái nêu trên không đồng nghĩa với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt. Mỹ sẽ áp dụng chính sách theo kiểu « đôi bên cùng có lợi ». Còn châu Âu sẽ đi theo hướng dỡ bỏ từng giai đoạn. Nhìn từ góc độ kỹ thuật và sự tiến triển của tình hình chính trị vẫn còn yếu kém, do đó, việc dỡ bỏ hoàn toàn sẽ còn là chuyện dài hơi và phức tạp. Trước mắt, phương Tây chờ được nhìn thấy một mùa xuân Miến Điện, thật sự thông qua việc trả tự do cho các tù nhân chính trị và việc giải quyết xung đột sắc tộc.
Ahmadinejad đối đầu với Khamenei
Đề tài tranh giành quyền lực tại Iran vẫn là chủ đề nóng bỏng trên các trang báo Pháp hôm nay. Trong bài viết đề tựa « Ahmadinejad đối đầu với Khamenei », Le Figaro cho biết tại Iran, bất đồng chính kiến giữa giáo chủ và tổng thống.
Chỉ còn có một tháng nữa là sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội, nhưng sự chia rẽ giữa phe thân giáo chủ và phe thân tổng thống ngày càng tăng. Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa Hồi giáo, tổng thống Iran bị buộc phải giải trình trước Thượng viện trong vòng một tháng nếu không sẽ bị miễn chức. Ngoài việc quản lý kinh tế yếu kém do các lệnh trừng phạt của quốc tế, tổng thống Iran phải giải trình một số vấn đề khác như có ý định vượt quá quyền hạn và cản trở các quyết định của giáo chủ. Theo lời nhận xét của một nhà chính trị học với Le Figaro thì « đây chính là lời cảnh báo rất rõ ràng cho đứa con cưng cũ của giáo chủ Khamenei […]».
Le Figaro cho biết, nhờ sự đỡ đầu của giáo chủ Khamenei, ông Ahmadinejad đã bất ngờ giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống cách đây hai năm rưỡi. Giáo chủ Khamenei còn chặn đứng mọi lời cáo buộc gian lận trong bầu cử khi cao giọng khen ngợi « chiến thắng » của đứa con tinh thần của mình, cũng xuất thân từ phe bảo thủ. Tệ hơn nữa là chính Giáo chủ đã bật đèn xanh cho Ahmadinejad thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập. Thế nhưng, một khi đã yên vị, đứa con cưng tinh thần đã vội vã qua mặt người đỡ đầu. Ông ta bổ nhiệm nhiều người thân cận vào các vị trí chiến lược quan trọng mà không thông qua Thượng viện, do ông Ali Larijani, một đệ tử trung thành của giáo chủ, điều hành.
Theo Le Figaro, một cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực thật sự đang diễn ra giữa hai người này. Gần đây, một số người thân cận của tổng thống Iran bị điều tra hay bị kết án tù vì các tội « có thái độ đi trệch với đường lối tôn giáo », biển thủ công quỹ, hay tội « chửi rủa lãnh đạo tối cao » hay đi ngược với « giá trị hồi giáo và đạo đức» v.v…
Như vậy trong bối cảnh hiện nay, bầu cử quốc hội trong tháng 3 tới cho thấy bàn cờ chính trị đã quá rõ ràng. Nếu như phe ông Ahmadinejad chiến thắng, quyền lực của ông ta sẽ còn củng cố thêm. Ahmadinejad có thể yên tâm kết thúc nhiệm kỳ của mình. Còn trong trường hợp ngược lại, giáo chủ Khamenei có thể tận dụng cơ hội và tùy theo tình hình cho thực hiện ngay dự án của ông là hủy bỏ bầu cử tổng thống theo kiểu phổ thông đầu phiếu.
Tuy nhiên, theo nhận định của một vị chuyên gia thuộc trường đại học Paris 7, căng thẳng giữa hai người cũng chưa đến mức trầm trọng. « Chừng nào giáo chủ Ali Khamenei chưa tìm ra được người nào để thay thế, thì ông ta sẽ không được lợi lộc gì khi bỏ rơi Ahmadinejad. Bởi lẽ, trong con mắt của giáo chủ, những người theo xu hướng cải cách là một mối nguy cho tương lai của nước Cộng hòa Hồi giáo […] Trong bối cảnh áp lực quốc tế, tổng thống hiện tại vẫn là người đại diện đáng tin cậy nhất cho ông ta đối với nước ngoài […] ».
Cả nước Hy Lạp đang nổi dậy chống lại kế hoạch khắc khổ
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro tiếp tục quan tâm đến tình hình khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp. Người dân Hy Lạp lại giận dữ xuống đường biểu tình chống lại chính sách khắc khổ sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày mai tại Thượng viện. Theo nhận định của Le Figaro thì lần này « Cả nước Hy Lạp đang nổi dậy chống lại kế hoạch khắc khổ ».
Không có gì có thể ngăn cản họ được nữa. Người Hy Lạp thật sự nổi giận. Họ lại xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch khắc khổ dự định sẽ được Thượng viện thông qua vào ngày mai, chủ nhật 12/02 này. Le Figaro nhận định « cuộc bỏ phiếu ngày mai quá phập phồng hơn bao giờ hết ». Việc giải ngân 130 tỷ euro từ Liên hiệp châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lệ thuộc nhiều đợt bỏ phiếu ngày mai.
Trước áp lực của người dân và các đảng chính trị, nhiều bộ trưởng trong chính phủ Papademos đã lần lượt đệ đơn xin từ chức. Lãnh tụ đảng cực hữu Laos cũng rút lui không hỗ trợ liên minh quốc gia. Trước tình hình này, thủ tướng Hy Lạp dự đoán « hỗn loạn nằm ngoài tầm kiểm soát » có thể sẽ xảy ra trong trường hợp có bất đồng về kế hoạch khắc khổ.
Người dân Hy Lạp cho rằng chính « các chính trị gia phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ. Họ đã lợi dụng lòng tin của dân. Các chính trị gia cũng như các nhà cải cách đều cá mè một lứa ». Trong bối cảnh này, liên hiệp châu Âu và quỹ tiền tệ quốc tế, cùng với cảnh sát cũng biến thành mục tiêu phản đối của những người biểu tình.
Trong khi đảng xã hội và đảng Bảo thủ có buổi họp về việc bỏ phiếu thông qua ngày mai, thì các nghiệp đoàn và những người phản đối kêu gọi tập hợp lại vào lúc bỏ phiếu tại Thượng viện.
Lúc này đây, châu Âu tỏ ra lo âu hơn bao giờ hết. Tối hậu thư do Eurogroup đưa ra hôm thứ năm vừa qua đã nhấn chìm Hy Lạp trong hỗn loạn không một lối thoát. Hôm qua, phát biểu trước các Nghị sĩ tại Quốc hội, bà Angela Merkel lên tiếng cảnh báo cho rằng « nếu cứ bỏ mặc Hy Lạp như trong tình thế hiện nay thì hậu quả sẽ rất khôn lường ».
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự chính trị tại Pháp là đề tài chính được hai nhật báo Liberation và Le Monde hôm nay cùng quan tâm đến. Le Monde chạy tít « Sarkozy săn lùng trên mảnh đất của Mặt trận Quốc gia ». Bài báo cho biết chủ đề tranh cử của ông Nicolas Sarkozy lần này xoay quanh ở ba chủ đề chính : nhập cư, trợ cấp và hôn nhân đồng tính….. Liberation lại quan tâm đến những lo ngại ngay trong nội bộ đảng UMP của tổng thống đương nhiệm khi đưa ra hàng tít lớn trên trang nhất « Cánh hữu, các mối ngờ vực ». Trong khi đó, Le Figaro lại chú ý đến thời sự kinh tế qua hàng tựa « Hy Lạp bên bờ bùng nổ ».
TAGS: CHÂU Á - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: