4.3.12

Bắc Kinh tuyên bố sẽ hạn chế các vụ giam giữ bí mật



Xe cảnh sát túc trực trên quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 03/03/2012.
Xe cảnh sát túc trực trên quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 03/03/2012.
REUTERS/David Gray

Đức Tâm
Hôm nay, 04/03/2012, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng các vụ giam giữ bí mật sẽ được hạn chế, cho dù có những sửa đổi trong bộ Luật tố tụng hình sự cho phép cảnh sát không thông báo nơi giam giữ cho gia đình những người bị bắt. Theo phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh đã cải thiện các quy định giam giữ, và hạn chế chặt chẽ việc bắt người nhưng không thông báo cho thân nhân họ.

Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp thường niên vào ngày mai và sẽ thông qua một loạt các đề nghị sửa đổi bổ xung cho bộ Luật tố tụng hình sự. Điều này gây lo ngại cho giới hoạt động tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Trung Quốc là Bắc Kinh sẽ hợp lệ hóa việc bắt, giam giữ bí mật.
Theo AFP, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh nói với các phóng viên là Bắc Kinh đã sửa đổi, cải thiện các quy định giam giữ, cũng như hạn chế chặt chẽ tình trạng bắt người nhưng không thông báo cho gia đình họ.
Theo nhà nghiên cứu Sarah Schafer thuộc phân bộ Trung Quốc của tổ chức Amnesty International, phát biểu của đại diện Quốc hội Trung Quốc rất mơ hồ và không rõ liệu các đại biểu Quốc hội Trung Quốc có sửa đổi một số điểm trong bản dự thảo gốc hay không.
Theo dự thảo sửa đổi bộ Luật tố tụng hình sự, được công bố vào năm ngoái, thì cảnh sát được phép giam giữ một người bị tình nghi tới sáu tháng, không cần phải đưa ra những tội danh, tại những nơi bí mật ở bên ngoài các đồn cảnh sát hoặc ngoài hệ thống nhà tù chính thức.
Vẫn theo bản dự thảo, trong trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, khủng bố hoặc tham nhũng nghiêm trọng, cảnh sát không bắt buộc phải liên lạc với thân nhân gia đình người bị tình nghi.
Bản dự thảo đã làm dấy lên một làn sóng phản đối, phê phán mạnh mẽ bởi vì những thay đổi này sẽ giúp chính quyền hợp lệ hóa các vi phạm nhân quyền. Nhà tranh đấu cho nhân quyền Hồ Giai đã so sánh những đề nghị sửa đổi trong bản dự thảo với các phương pháp mà mật vụ KGB của Liên Xô trước đây áp dụng.
Thế nhưng, vào tuần trước, ông Trần Quang Trung, chủ tịch danh dự Hội Pháp học Trung Quốc, đã nói với AFP là ông đã đọc bản dự luật sửa đổi mới nhất và các đại biểu Quốc hội Trung Quốc đã xóa bỏ một số đề nghị liên quan đến « các điều khoản về mất tích ».
Theo ông Trần, dự thảo sửa đổi mới buộc cảnh sát trong vòng 24 giờ, phải thông báo cho gia đình những người bị bắt hoặc bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, trong trường hợp giam giữ hình sự - trên góc độ pháp lý thì khác với trường hợp bắt – cảnh sát phải liên lạc và cung cấp thông tin cho gia đình đương sự trong thời hạn tối đa là 37 ngày, nếu nhận thấy việc thông báo có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Chuyên gia Schafer cũng mong muốn là điều khoản cho phép giam giữ người bí mật chủ yếu sẽ được áp dụng trong trường hợp có đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc khủng bố.
Dự thảo sửa đổi mới nhất không được công bố và các quan chức thuộc trung tâm truyền thông của Quốc hội Trung Quốc nói với AFP là họ cũng không có văn bản này.
TAGS: CHÂU Á - NHÂN QUYỀN - TRUNG QUỐC - TƯ PHÁP

Không có nhận xét nào: