Nguyễn Hải - Thanh Nhân - Thu Hồng (NLĐ) - Giá xăng dầu tăng mạnh cùng với giá hàng loạt mặt hàng khác tăng trong nhiều tháng qua đã khiến cho đời sống người lao động thêm khốn khó. Trước việc giá xăng dầu tăng, cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều tỏ ra bất ngờ và mệt mỏi.
Giữa thời vật giá leo tháng, bữa cơm chính của gia đình chị Lê Thị Ngọc Thủy - anh Phạm Văn Thanh (huyện Hóc Môn - TPHCM) trở nên đạm bạc. Ảnh: Thu Hồng
Cước vận tải tăng theo, ngành thép kêu trời
Ông Tạ Trọng Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, cho biết trong tình hình hiện nay, giá xăng dầu tăng là quá căng thẳng đối với các doanh nghiệp vận tải. Tuần trước, các hãng taxi đã thống nhất phải tăng giá cước taxi hơn 1.500 đồng/km do chi phí đầu vào (trừ xăng dầu) đã tăng trong nhiều tháng qua, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nay giá xăng tăng hơn 2.000 đồng/lít sẽ càng gây thêm áp lực lên doanh nghiệp taxi. Thông thường, giá xăng tăng khoảng 2.000 đồng/lít, giá cước taxi sẽ tăng khoảng 1.000 đồng/km. Như vậy, theo ông Hỷ, sắp tới, giá cước taxi phải tăng ít nhất 2.000 đồng/km. Thông tin từ nhiều hãng taxi cho biết từ hôm nay (8-3), họ sẽ gửi văn bản xin phép tăng giá cước taxi lên các cơ quan chức năng. Nếu được chấp thuận, khoảng một tuần sau, các hãng sẽ áp dụng giá cước taxi mới.
Theo ông Phạm Hoàng Chi, Giám đốc Công ty Vận tải Tâm An (TPHCM), với giá xăng dầu mới, chi phí tiền dầu sẽ tăng khoảng 1 triệu đồng/chuyến vận tải TPHCM - Hà Nội, tương đương khoảng 10% giá cước. Trong khi đó, ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty Vận tải Đặng Tiến (TPHCM), cho biết doanh nghiệp của ông sẽ tăng ngay giá cước với những khách hàng không có hợp đồng, đàm phán lại giá cước với khách hàng có hợp đồng. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt, phân tích: Ngoài điện, trong sản xuất thép còn sử dụng gas, dầu. Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp thép đã phải chịu đựng giá gas tăng liên tục và đang ở mức “chót vót”, đã ảnh hưởng không ít đến giá thành sản phẩm. Nay cộng thêm giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp thép khó mà chịu đựng nổi. Ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhận định: Sản xuất 1 tấn thép cần 35 - 40 kg dầu, với giá xăng dầu tăng như hiện nay, mỗi tấn thép phải chịu thêm chi phí từ 75.000 - 80.000 đồng.
Đau đầu tính toán cách chi tiêu
Bước sang giữa tháng 2 âm lịch, trong khi giá cả các mặt hàng rau củ, thịt cá, trái cây… lần lượt giảm giá so với dịp Tết thì giá hàng ăn, dịch vụ ăn uống vẫn “kiên trì” đứng ở mức cao, thậm chí nhấp nhổm tăng thêm.
Theo khảo sát của chúng tôi, trong vài tuần qua, giá hàng ăn uống tại TPHCM tăng ít nhất 1.000 - 5.000 đồng/phần. Hàng ăn uống rẻ tiền như hủ tiếu gõ, bánh mì thịt cũng tăng tương tự. Chị Ngọc Thảo, nhân viên một công ty trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, ngày 7-3 cho biết: “Tăng giá đã đành, chất lượng bữa ăn cũng giảm. Trưa nay, tôi vừa ăn món cơm bò xào. Phần cơm chỉ có 5 miếng thịt bò mỏng dính, 1 trứng gà chiên và lèo tèo vài cọng rau muống luộc mà chủ quán tính đến 27.000 đồng. Cũng tại quán này, trước Tết, thức ăn nhiều hơn nhưng giá cao nhất cũng chỉ 25.000 đồng/phần”.
Đa số người kinh doanh hàng ăn uống cho rằng giá hàng ăn không thể giảm do giá gas, thuê mặt bằng, nhân công… tăng.
Hiện nay, những người có thu nhập vài triệu đồng/tháng đang đuối sức để đối phó với tăng giá. Có hàng trăm khoản phải chi mà khoản nào cũng cao chót vót, trong khi thu nhập chờ mãi vẫn không thấy tăng theo giá.
Chiều 6-3, tiếp chúng tôi tại phòng trọ khoảng 30 m2 trong một con hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân, phường 13, quận 11 - TPHCM, chị Đặng Thị Hồng vừa trò chuyện vừa lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều. Chỉ nồi cá kho đang bốc khói, chị Hồng nói: “Chiều nay, tôi nấu món cá lóc kho và canh nhưng con cá nhỏ xíu đã tốn 35.000 đồng nên món canh đành phải nấu “chay” (chỉ nấu với bột nêm - PV). Chị Hồng cho biết chị làm nhân viên của một HTX thương mại, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Trước đây, chồng chị làm giám sát xây dựng nhưng một năm qua, ngành này gặp khó khăn, chồng chị chỉ có thể phụ cho gia đình mỗi tháng 1,5 triệu đồng. “Nhiều lúc, đầu tôi muốn nổ tung vì quá nhiều khoản phải chi, trong khi thu nhập chẳng thấm vào đâu” - chị Hồng than. Để người nghe thông cảm, chị Hồng “hạch toán”: Với khoảng 6,5 triệu đồng có được mỗi tháng, chị phải chi tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ 1,2 triệu đồng), cộng với tiền điện, nước 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Con chị đang học mẫu giáo phải đóng học phí 1 triệu đồng/tháng. Cháu chuẩn bị vào lớp 1 nên phải học thêm 700.000 đồng/tháng. Tiền sữa, yaourt, ăn vặt cho con mỗi ngày khoảng 20.000 – 25.000 đồng. Cộng với tiền xăng khoảng 700.000 đồng/tháng, mỗi tháng các khoản chi nói trên đã “nuốt” của gia đình chị Hồng gần 5 triệu đồng. Như vậy, tiền chợ cho bữa cơm chiều của gia đình chị Hồng chỉ còn khoảng 50.000 đồng/ngày.
“Trước đây, sáng và trưa còn ăn uống đàng hoàng nhưng từ tuần qua, tôi chỉ ăn xôi hoặc bánh mì “cầm hơi” chờ chiều về mới ăn bữa chính. Vậy mà cuối tháng, có khi cả nhà phải ăn cơm với cá khô, rau xào vì hết tiền” – chị Hồng nói.
Èo uột bữa cơm nhà nông
Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày, học phí cho con đã trở thành nỗi lo lớn của gia đình chị Lê Thị Ngọc Thủy (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn – TPHCM). Gia đình này có 3 con, đứa lớn học lớp 2, đứa kế học mẫu giáo, đứa út 5 tuổi lẽ ra đã vào lớp mầm nhưng do không đủ tiền, chị Thủy đành cho con ở nhà. “Học phí của thằng lớn và thằng giữa “ngốn” mất 1 - 1,2 triệu đồng/tháng. Nếu cho thằng út đi học, gia đình tôi không biết phải xoay xở ra sao, nhất là khi giá cả cứ tăng mỗi ngày. Không nợ nần là may lắm rồi” - chị Thủy phân tích. Chồng chị Thủy, anh Phạm Văn Thanh, so sánh: “Trước Tết, tô hủ tiếu bình dân chỉ 12.000 đồng, sau Tết tăng lên 15.000 đồng. Nghịch lý là giá tôm cá, rau củ ngoài chợ tăng nhưng giá bầu, bí do tôi trồng bán lại không tăng”. Nghe chúng tôi nói giá gas vừa tăng lên hơn 500.000 đồng/bình, chị Thủy trố mắt ngạc nhiên: “Tôi vừa mua bình gas chỉ hơn 350.000 đồng”. Hỏi ra mới biết, đã 4 tháng, gia đình chị chưa đổi bình gas nên chưa biết giá tăng. Vì gần đây, gas đã trở thành thứ xa xỉ với vợ chồng chị, chỉ khi gấp lắm mới dùng đến, còn nấu nướng thông thường, chị Thủy dùng củi để bớt tốn kém.
“Nghe giá xăng tăng, rồi mọi thứ sẽ tăng theo, nông dân làm lụng chỉ trông chờ ông trời, được mùa cỡ nào mà giá cứ tăng hoài cũng chịu không thấu, cầu mong cho giá đừng tăng nữa” - giọng chị Thủy buồn bã.
Không thể nghỉ ngơi Mong hết mùa vụ để nghỉ ngơi xem ra đã là “chuyện xưa” đối với gia đình ông Nguyễn Văn Nho, ngụ ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi - TPHCM. “Bốn ngày cắt lúa mướn, hai vợ chồng kiếm được 880.000 đồng, nếu được thuê cắt tiếp, dù mệt và bị căn bệnh đau nửa đầu hành hạ nhưng tôi cũng ráng làm để có thêm chút tiền trang trải trong thời buổi giá cả tăng vọt” - bà Thái Thị Đọt, vợ ông Nho, cho biết. Vụ lúa nhà ông Nho mới thu hoạch đầu tháng trước nhưng không thể nghỉ ngơi, vợ chồng ông phải chạy sang ruộng khác xin làm mướn. Gia đình này có 2 con trâu cho thuê nhưng chỉ đủ để trả tiền phân bón cho 2.500 m² ruộng. Thu nhập từ mảnh ruộng chỉ đủ cho 3 đứa con ăn học. Vì vậy, vợ chồng ông Nho phải tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thuê mới có thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Thật chạnh lòng khi chúng tôi bước vào gian nhà của đôi vợ chồng này, một bữa ăn ngon nhất với họ là tô canh có thêm con cá, miếng thịt. Nhà có 5 bóng đèn nhưng buổi tối chỉ mở một bóng để đỡ tốn tiền điện... |
để lũ dân đen teo tóp héo mòn
để lũ đỏ ngày đêm phè phởn
để VN mau về với NƯỚC MẸ yêu thương!