Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - "Chương trình của Việt Nam quá tham vọng, không những nguy hiểm mà nó còn tốn tiền của nhân dân và không có lợi gì hết cho quốc gia". Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ đừng chần chừ. Bởi khi đã xây rồi, lúc đó anh muốn tháo gỡ một nhà máy hạt nhân đã chạy, anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ (đô-la), anh tốn thời gian tới ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong.
"Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là một Chính phủ sáng suốt thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy." - Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn.
“Việt Nam đang có một chương trình điện hạt nhân "tham vọng vào loại bậc nhất trên thế giới"(!?) với giấc mơ điện hạt nhân đang "đâm hoa đua nở"(!?) trong lúc thế giới thì đang lo ngại tìm giải pháp thay thế chúng” …. (NewYork Times, 01/3/2012).
*
Tôi có người anh rể, cựu sĩ quan không quân Hoa Kỳ (USAF) cứ định kỳ 2 năm/lần hay theo vợ (chị tôi) tránh mùa đông Mỹ bay về VN thư giãn. Khi trà dư tửu hậu, chúng tôi cũng hay lan man bàn chuyện thế sự.
Nói đến “Nhà máy Điện Hạt Nhân” Việt Nam, tôi nhớ Noel vừa rồi chúng tôi có lướt qua mà ấn tượng của anh ấy để lại trong tôi là câu nói: “Adventure, crazy” (Phiêu lưu, điên khùng) thêm nữa là kèm theo hai ngón tay xoa xoa với nhau như đếm tiền gọi là “corruption a commission” (tham nhũng, phần trăm hoa hồng). Tôi thắc mắc, như thế nào là phiêu lưu, điên khùng?.
Theo nhận xét của riêng anh, là một sĩ quan USAF chuyên trách phân tích “không ảnh” thuộc Không Đoàn số 3 (3rd ) Hoa Kỳ đồn trú tại sân bay Biên Hòa vào thập niên 60-70, anh có mặt cùng lúc với phi đội 2 phi cơ không thám Mèo đen U2 (loại tối tân tốt nhất thế giới lúc bấy giờ và kể cả hiện nay sau khi USAF nâng cấp, bay liên tục 12 giờ, ở độ cao hơn 21.300m - gấp đôi độ cao của một máy bay thông thường, tắt động cơ, máy bay chỉ lượn lờ bằng sãi cánh).
Anh thường xuyên đối diện với hàng trăm mét phim không ảnh do U2 mang về, nghiên cứu dữ liệu phân tích chi tiết trên bề mặt các lãnh thổ biển và mặt đất từ vịnh Bắc Việt đến dọc biên giới TQ và bao quát toàn lãnh thổ Đông Dương (Việt, Miên, Lào).
Theo anh, lãnh thổ VN hình chữ S có nhược điểm eo thắt đoạn giữa Miền Trung, ven duyên hải, bình nguyên quá hẹp trong đó có Ninh Thuận (nơi đặt nhà máy điện hạt nhân) vì lẽ liên quan đến hệ thống giải nhiệt, khuynh hướng, người ta hay xây dựng nhà máy gần biển như là một ưu thế, nhưng với VN (theo anh) rất phiêu lưu, dù tỷ lệ % trăm của rủi ro là không cao nhưng qua sự cố thảm họa khủng khiếp từ thiên nhiên do động đất, sóng thần tại Nhật Bản 2011 phá hủy nhà máy điện nguyên tử Fukushima và do sai sót từ con người gây nên thiệt hại to lớn về môi trường và nhân mạng như sự cố lò phản ứng nhà máy điện nguyên tử Chernobyl của Liên Xô phát nổ 1986 hay nhẹ hơn là sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Three Miley Island (TMI) 2009 ở Pennsylvania (Mỹ) không mất người và lượng hạt nhân rò rỉ tương đối nhỏ và thấp nhưng cũng phải hao tốn tới mấy tỷ usd mà VN không như Hoa Kỳ, nghèo, thì muốn hay không, người có trách nhiệm cũng phải thận trọng dự kiến viễn cảnh không mong đợi nhưng có thể đến bất cứ lúc nào này, không thể nói rằng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới (thế hệ Thứ III) loại EPR, APWR, ABWR an toàn ít rủi ro nguy hiểm hơn loại nhà máy dùng graphite có liên quan đến “plutonium” như Chernobyl của Liên Xô, khi mà sự vận hành vẫn lệ thuộc vào các thanh nhiên liệu chứa phóng xạ ghê gớm đến 50 triệu curies (mỗi curie là 37 tỉ phóng xạ) cực kỳ nguy hiểm cho con người và môi trường, bởi rất khó khăn, tốn kém, nguy hiểm trong các giải pháp tẩy rữa hay thu hồi mà Việt Nam hiện nay về Điện Hạt Nhân rất thiếu phương tiện, thiếu thầy, thiếu thợ có kinh nghiệm chuyên sâu.
Nó sẽ trở thành hiện thực “rất phiêu lưu” khi có một sự cố sai sót do con người gây ra như Chernobyl hay thiên nhiên như nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật mới đây. Khi mà sau vụ nổ từ nhà máy Chernobyl phóng xạ phát tán tự do ra nhiều vùng ở nước Nga các nước Bắc Âu lan sang miền Nam nước Pháp. Liều phóng xạ cực lớn (gần 1.600 rems trong khi liều còn an toàn cho người là nhỏ hơn 50 rems) 49.000 cư dân TP Pripyat và 135.000 người khác trong phạm vi 30 ki lô mét xung quanh nhà máy phải di tản lập tức, 50 km bán kính được cảnh báo không an toàn, 600.000 lính Nga điều động đến Chernobyl để quét dọn, làm sạch chất phóng xạ, rất nhiều người đã bị chết, con số chính xác không được công bố. Đến nay đã có vài ngàn trẻ em bị mổ tuyến giáp trạng, mắc bệnh bạch huyết, ung thư và dị tật bẩm sinh; hậu quả tàn khốc của tai nạn Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau gần 20 năm vẫn âm thầm tiếp diễn. Tất cả kết quả sau điều tra: “Lỗi do công nhân vận hành”.
Kỹ niệm 25 năm sự cố nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Nhật Bản đã bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 / 2011– (Ảnh: gratisparacelula)
Một câu hỏi được trao cho các giới chức lãnh đạo Đảng và nhà nước VN: Nếu thảm cảnh ấy xảy ra tại Ninh Thuận (nơi VN dự kiến đặt 2 nhà máy ĐHN) thì liệu người Việt Nam có đủ khả năng xử lý sự cố bằng một “kịch bản kỹ thuật an toàn”? Trong khi di lụy từ hoang tàn Chernobyl của Nga và Fukushima của Nhật nơi mà dù có đầy kinh nghiệm và tài lực vẫn còn loay hoay nan giải như vô vọng với phóng xạ hạt nhân để mong trả lại cảnh cũ cho môi trường. (Hiện nay vì áp lực từ nhân dân, chính phủ Nhật Bản đã ngưng hoạt động 52/54 lò phản ứng NMĐ/HN) sau sự cố Fukushima.
Mô hình nhà máy điện Hạt Nhân Ninh Thuận
Bãi Biển Vĩnh Hải – hoang sơ thơ mộng bên khu vực liền kề vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân. “Liệu có nên hy sinh môi trường thiên nhiên quí giá này?” (ảnh Văn Ngọc).
(Vị trí 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận, duyên hải liền kề Biển Đông)
Nhưng viễn cảnh quan trọng và “kinh hoàng” hơn hết là nếu không có giải pháp “phép lạ” tức thời nào khả dĩ khắc phục tai nạn NMĐ hạt nhân ấy (nếu xảy ra) thì khúc ruột duyên hải Ninh Thuận từ biển đến chân dãi Trường Sơn có các tuyến quốc lộ giao thông đường bộ và đường sắt huyết mạch quốc gia bị cắt đứt phong tỏa do nhiễm phóng xạ hạt nhân là đầy khả năng và bao lâu thì không ai đoán được? chưa nói tới sự ô nhiểm phóng xạ do thất thoát ở mức độ nào từ Trường Sơn ra tới biển, một vùng ngư nghiệp truyền thống của Miền Trung VN?. Đó là tương lai gần có thể rủi ro do con người còn xa hơn một chút, hãy nghĩ đến thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Khúc ruột miền trung VN vốn đã nổi tiếng là cái lưng hứng nhiều bão tố hàng năm từ “rốn bão” Philippine quốc gia láng giềng biển Đông đối diện, cũng không xa lắm cùng mặt biển với Indonesia quốc gia nằm trên đường đứt gãy võ trái đất dưới đáy Thái Bình Dương khu vực Châu Á hay bị động đất núi lửa phun trào và sóng thần. Theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu và các nhà khoa học quốc tế, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam bao gồm: 1. Riukiu (Đài Loan, Trung Quốc); 2. đới hút chìm Manila, Philippines; 3. biển Sulu; 4. biển Celebes; 5 và 6. vùng biển Ban Đa; 7. Bắc biển Đông; 8. Palawan và 9. Tây biển Đông, trong đó đới hút chìm Manila (máng nước sâu Manila) có nguy cơ cao nhất.
Trong khu vực này đã từng xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ richter ngày 26-5-2006, nhưng may mắn không gây nên sóng thần.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên - Môi trường, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, động đất 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila có thể tạo nên sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Động đất 9,2 độ richter có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang. Thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 giờ. TS Lê Huy Minh cho rằng về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở dọc bờ biển duyên hải miền Trung Việt Nam là hiện hữu và cũng không ai tiên đoán được chuyện gì sẽ xảy ra cho toàn bộ cái “sống lưng” duyên hải Miền Trung VN trong đó bờ biển Ninh Thuận trực diện hứng chịu sức mạnh của cơn cuồng nộ thiên nhiên như Sóng Thần 2011 tại Nhật hay cơn địa chấn Sumatra-Andaman năm 2004 (tàn phá khủng khiếp ven biển Indonesia Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan). Nếu như có một trận động đất dưới biển gây nên sóng thần cường độ mạnh như vậy từ Philippine đối diện với VN trên biển Đông lan tỏa ập tới thì tai họa kép, vừa bị tàn phá do sóng thần và phóng xạ NMĐ/HN như Nhật Bản là điều không tránh khỏi với VN!.
Các vùng nguồn động đất gây sóng thần có thể ảnh hưởng tới
vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam. Ảnh: vast.ac.
Thời gian lan truyền sóng thần từ vùng khu vực Manila Philippine,
tới vùng bờ biển Việt Nam. Ảnh: vast.ac.
Tuy nhiên, ngần ấy hiểm họa vẫn chưa hết, còn một mồi lửa nguy hiểm như sóng thần “nhạy cảm” khác, dù gần hay xa, mà không thể không tính đến. Tranh chấp hải đảo và lãnh hải trên biển Đông cục bộ giữa VN và TQ đang âm ĩ, cái cận cảnh “bằng mặt nhưng không bằng lòng” hiện nay duy trì được bao lâu? khi TQ cứ áp đặt các biện pháp cứng rắn với ngư dân VN, bắt bớ đòi phạt tiền như “hải tặc” mới đây liệu sợi giây thừng mong manh CS/XHCN có đứt giữa chừng? khi có một bên “già néo” trên Biển Đông? Hải chiến, không chiến trên biển có thể xảy ra mức độ nào thì không ai tiên đoán được nhưng Việt Nam khỏi phải mất công lần về quá khứ 1000 năm chiến tranh truyền kiếp với “giặc” Tàu mà soi rọi những hình ảnh tàn phá hoang dã, man dại, không tha thứ bất cứ gì còn có thể phá hoại được từ gót chân quân TQ xâm lược để lại trên dọc biên giới phía bắc VN hai thập kỷ gần đây thì rõ ràng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nằm trống trải ngon lành sát duyên hải như hai tấm bia cho “tên lửa hành trình” chất đầy ứ trên các tàu ngầm và chiến hạm hải quân TQ thực tập tác xạ từ biển Đông vào đất liền mà chắc chắn Việt Nam rất khó lòng để bảo vệ cho an toàn, thì cái từ ngữ “phiêu lưu và điên khùng” cho cái kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN bằng bất cứ giá nào là có thể biện minh được!
Những hung thần “cá mập đen” TQ - tương lai cho hiểm họa NMĐ/HN Việt Nam
Bên cạnh ranh giới “Lợi và Hại” rất mong manh từ nhà máy điện Hạt Nhân ấy, công luận nhân dân VN còn tự hỏi nhiều vấn đề liên quan mà Quốc Hội, Đảng và nhà nước có trách nhiệm và cần phải công khai minh bạch khẳng định bằng những biện minh, luận chứng khoa học đủ sức thuyết phục từ các giới chức chuyên nghiệp ngành hạt nhân trong và ngoài nước trước khi tiến hành xây dựng. Chẳng thể nào nhắm mắt làm ngơ khi có những khuyến cáo mà tự thân nơi nguồn khuyến cáo ấy hoàn toàn không thụ đắc chút lợi nhuận nào ngoài sự nhiệt tình chỉ rõ cho chúng ta những khiếm khuyết và nhược điểm tai hại nếu cứ cực đoan nhắm mắt làm ngơ mà các giới chức VN có thẩm quyền thì cứ im lặng bởi nhiều lý do “khó nói hay không muốn nói” điển hình như: “Các nước có nền kinh tế hùng mạnh hơn VN trong khối ASAEN và Châu Á không còn tha thiết với NMĐ/HN thì sao một quốc gia VN đang nợ nần và lạm phát nặng lại phấn khởi hồ hởi với tham vọng đắt đỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro không an toàn này? - Vì sao những thứ nước khác chê muốn đẩy nó đi, thì Việt Nam lại chịu tốn kém “ôm” nó vào!?. ”
“Việt Nam đang có một chương trình điện hạt nhân "tham vọng vào loại bậc nhất trên thế giới"(!?) với giấc mơ điện hạt nhân đang "đâm hoa đua nở" (!?) trong lúc thế giới thì đang lo ngại tìm giải pháp thay thế chúng ”? theo tờ báo Mỹ. 01/3/2012.
Liệu có bao nhiêu người dân VN biết và tự hỏi: “Tại sao một số quốc gia từng để xảy ra thảm họa hạt nhân lại nằm trong số các công ty đang "ra sức" bán công nghệ năng lượng này cho Việt Nam, trong đó có Nga và Nhật Bản? mà các giới chức có thẩm quyền VN lại vui vẻ quan tâm chuẩn thuận? ”(BBC).
Liệu Quốc Hội và nhân dân VN có phúc quyết để trả món nợ này không? Việt Nam ký thỏa thuận vay 8 tỉ đôla từ Nga để giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Hãng tin Dow Jones cho biết đại diện bộ tài chính hai nước hôm nay đã ký văn bản tại Hà Nội. Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Điện hạt nhân và năng lượng tái tạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay khoản tiền đầu tiên sẽ được giải ngân năm 2014. Trong khi đó, theo trang tin Chính phủ Việt Nam, tại một cuộc họp ngày hôm nay, Việt Nam "đánh giá cao việc ký kết Hiệp định về việc LB Nga cung cấp tín dụng cho Việt Nam xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, cũng như việc Nga sẽ tài trợ chi phí lập Báo cáo khả thi cho Dự án quan trọng này". Nhưng trang web Chính phủ Việt Nam không nói rõ số tiền là bao nhiêu. (BBC)
Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng Quốc gia được The New York Times trích lời nói: “Tôi không hiểu vì sao Nhật Bản đang cố gắng xuất khẩu tới các nước kém phát triển một thứ gì đó mà trong nước họ đã chối bỏ.” Hồi tháng Chín, 2011 công ty Japan Atomic Power ký hợp đồng với EVN cho một báo cáo khả thi tương tự đối với nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở Ninh Thuận - dự kiến sẽ sử dụng công nghệ Nhật (??)
Trong khi đó bài của Phóng viên Norimitsu Onishi trên tờ báo Mỹ cho hay “sau thảm họa Fukushima Nhật Bản tới đây sẽ kỷ niệm một năm, Tokyo đã quyết định hủy bỏ các kế hoạch xây dựng thêm 14 lò phản ứng vào năm 2030. Trước thảm họa sóng thần Nhật Bản có 54 lò phản ứng, nhưng hiện nay phần lớn đã dừng hoạt động, ngoại trừ hai lò còn được tạm giữ lại”.
Vẫn chưa quá muộn
Trao đổi với BBC hôm 02/3/2012, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn chuyên về năng lượng nguyên tử ở Pháp, đồng ý nhận định với tờ New York Times. Người từng là cố vấn chiến lược của Tập đoàn Điện tử Pháp Electricité de France, nói:
"Chương trình của Việt Nam quá tham vọng, không những nguy hiểm mà nó còn tốn tiền của nhân dân và không có lợi gì hết cho quốc gia". Bây giờ không có gì là muộn. Muốn dừng thì dừng ngay, chứ đừng chần chừ. Bởi khi đã xây rồi, lúc đó anh muốn tháo gỡ một nhà máy hạt nhân đã chạy, anh sẽ tốn kém hàng chục tỷ (đô-la), anh tốn thời gian tới ba, bốn, năm chục năm mới tháo gỡ xong. "Hiện chưa làm gì hết, năm 2014 mới bắt đầu xây, mới chỉ thỏa thuận trên nguyên tắc thôi, chứ đã ký kết mua bán xong gì đâu mà không cho rút lui. Bây giờ vẫn còn thì giờ để rút lui và tôi xin cam đoan là một Chính phủ sáng suốt thế nào cũng rút lui. Không thể nào đi tiếp được, bởi vì đi tiếp thì nó sẽ là Fukushima đấy."
Ông Nhẫn tin rằng các công ty cung cấp công nghệ điện hạt nhân đang cố bán hàng cho Việt Nam vì họ đã "trót đầu tư" và nay bị chính nhân dân trong nước của họ không cho lắp đặt, vận hành nữa, nên tìm cách bán thứ công nghệ mà ông cho là "đã lỗi thời" và không có tương lai, sang các quốc gia kém phát triển “chỉ vì muốn thu hồi lại lợi nhuận”.
Nguyên nhân việc phí phạm ngân sách
Nguyên nhân chính Mỹ phải bỏ dở nhiều nhà máy ĐHN gồm:
● Quá tự tin và nghe lời các nhà kinh tế và kỹ thuật “dự đoán” sự cần điện trong tương lai. Họ đều dùng dữ kiện trong 5-10 năm trong quá khứ rồi tích lũy lên cho 10-20 năm trong tương lai. Phương pháp này không bao gồm rất nhiều yếu tố mà họ không biết rõ về khả năng của kỹ thuật và của người dân. Giá điện càng tăng và kỹ thuật càng tân tiến thì người ta dùng càng ít năng lượng. Tỉ số E/GNP của các nước đang mở mang có thể là 2 trong khi càng văn minh thì càng nhỏ lại. Tỉ số này của Nhật và Pháp có thể là 0.8.
● Quá tin tưởng vào nguồn năng lượng ĐHN: rất mới, rất to lớn và rất hấp dẫn không làm ô nhiễm khí quyển. Mà không tiên liệu các di lụy tuyệt đối cần phải có trong kỹ thuật phức tạp an toàn theo sau.
● Không biết rằng có cả trăm ngàn chi tiết của nhà máy cần phải thiết kế đúng chuẩn mực và bị giám sát chặt chẽ – sai một ly cũng không được châm chế; vì thế trong quá trình giám sát, có cả 5,000 – 10,000 chi tiết phải làm lại hay thay thế gây tốn kém về nhân lực, vật lực, và thời gian.
● Khi thương thuyết, không có kinh nghiệm, không coi trọng sự kiện giá nhà máy là giá loại “mì ăn liền”, nhưng khi xây thì phải trả tiền lãi trên số tiền vay; vì thế, càng xây lâu thì giá “đầu tư” càng cao, trong khi đó kinh tế không thể phát triển liền liền 15% mỗi năm để có chi phí trang trải.
Đơn cử điển hình vài nhà máy bị huỷ bỏ
Hai nhà máy ĐHN 2 x 1100 MW xây dở dang nằm chết ở Satsop gần thủ đô Olympia của tiểu bang Washington. Hai tháp lớn là dùng để tải nhiệt cho tua bin tạo điện. Hai lò hạt nhân sẽ nằm trong hai nhà vòm nhỏ hơn (chỉ cao khoảng 100m), một vòm còn chưa có mái. Hai nhà máy này tính tốn 6.2 tỉ USD, nhưng sau đó tăng giá thành hơn 12 tỉ, cho nên phải bỏ dở. Hiện nay có một nhà máy đốt hơi khí 600 MW tọa lạc tại đây.
Nhà máy ĐHN Bellefonte của TVA tại biên giới ba tiểu bang Alabama, Tennessee và Georgia, 2 x 1235 MWe PWR, cách nơi tôi ở khoảng 150 cây số đã bị bỏ dở 30 năm, sau khi xây cất tốn kém 3 tỉ USD (năm 1980, đáng giá 10 tỉ USD ngày nay). Tôi đã đi thăm nhà máy này khi đang xây cất.
Nhà máy Marble Hill, 2 x 1130 MWe PWR, tại Indiana bị bỏ dở năm 1974, sau khi đã tiêu tốn 2.8 tỉ USD (12.7 tỉ USD ngày nay).
Nhà máy Perry, 2 x 1205 MWe, nằm trên biển hồ Erie cạnh tỉnh Cleveland, tốn kém 6 tỉ USD năm 1994 (8.6 tỉ ngày nay) mà chỉ hoàn thành được một lò. Lò thứ hai, Perry 2, bị bỏ dở. Chính vì thế mà chỉ thấy một tháp làm nguội nước hoạt động.
Đọc thêm: Điện hạt nhân: Bài học từ 127 nhà máy ĐHN phải hủy bỏ tại Hoa Kỳ.
Chú thích: ông Phùng Liên Đoàn
Ông Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, là Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) tại Mỹ, chuyên môn về các dịch vụ nguyên tử và môi trường. Ông Đoàn đã từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy-DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission- NRC) của Mỹ. Ông đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác. Ông cũng đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ, cùng là khảo cứu hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Ông là đồng tác giả tài liệu WASH-1400 về sự an toàn của 100 nhà máy ĐHN của Mỹ mà cả thế giới đã noi gương; và sách The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power, Praeger Publishers, New York, tiên đoán sẽ có sự phục sinh của ĐHN. Ông Đoàn tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại đại học Florida State University, thạc sĩ vật lý và nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) và tiến sĩ nguyên tử tại MIT. Ông Đoàn đã từng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt, 1964-1967. Ông Đoàn và gia đình đã bỏ hầu hết tiền để dành và tiền hưu để làm việc từ thiện ở Việt Nam.
Vài hậu quả
Mỗi hãng điện của Mỹ trong bảng liệt kê lớn giữa 10,000 MWe–40,000 MWe, nghĩa là tương đương với công suất Điện Lực Việt Nam. Chỉ có hai hãng – WPPSS và TVA (Washington Public Power Supply System và Tennessee Valley Authority) là có tính cách bán công; số còn lại đều là tư. Công ty tôi làm việc có dịch vụ xây nhà máy WPPSS-3, và tôi đã từng chui trong lòng lò Browns Ferry 2 của TVA và Oconee 2 của Duke mà muôn thuở sẽ không ai chui được như vậy nữa vì phóng xạ nay rất cao. Họ đều bị lỗ nặng, và chứng khoán thị trường của họ xuống giá rất thấp giữa những năm 1979-1990 vì họ không có đủ tiền lời để trả cho các cổ đông thành ra người ta đem tiền đầu tư vào nơi khác. Riêng WPPSS, đại diện cho hơn 70 công ty điện nhỏ thuộc loại “làng, huyện” thì lỗ 2.3 tỉ USD (năm 1990, tương đương với 3.8 tỉ năm 2009)
Đừng so sánh VN với Nhật, Hàn và Đài Loan
Không vướng bận chiến tranh như VN, các nước này khi bắt đầu làm nhà máy Điện Hạt Nhân thì đã ở trình độ kỹ nghệ cao, dân sinh cao, và đã học được kinh nghiệm của Mỹ. Họ đã xuất khẩu xe hơi (Toyota xuất khẩu từ năm 1960), máy ảnh (máy ảnh Nhật được khắp quốc tế dùng, đè bẹp máy ảnh Đức), đồng hồ (ngang ngửa vói Thụy Sĩ), TV (Sony và Samsung hầu như ai cũng dùng), điện tử (kinh tế Đài Loan năm 1970 gần bằng toàn thể kinh tế trong lục địa có đông dân gấp trăm lần), đóng tàu. Người dân của họ đã có thâu nhập ở trình độ 2000 USD (Hàn), 3000 USD (Đài Loan), 8000 USD (Nhật) ở thập kỷ 1970-1980. Không nước nào có nhiều tài nguyên năng lượng và không nước nào xuất khẩu nguyên liệu thô như than, bauxite, gỗ như VN. Họ cần năng lượng, họ có hạ tầng cơ sở, và người dân họ được ăn học nhiều hơn người dân VN ta.
Hoàn cảnh Việt Nam
Trong hoàn cảnh hiện tại, nước ta thu nhập bình quân đầu người chưa đạt được 800 USD. Ta nhập khẩu toàn vật dụng kỹ thuật cao, như máy móc, xe hơi, xe gắn máy, máy ảnh, TV, máy điện toán, điện thoại cầm tay, thức ăn uống đắt tiền, ngay cả xăng dầu. Trong khi đó ta xuất dầu thô, gạo, cà phê, gỗ, than, bauxite. Ngân sách của ta năm nào cũng nhập siêu, nếu không có đô la của các nước cho vay và của Việt kiều gửi về thì ta không thể có nếp sống phồn hoa giống như ta chứng kiến ở Hà Nội và Sài Gòn. Đáng buồn và đáng hổ thẹn nhất là hầu hết thanh niên thanh nữ ta đều muốn “xuất ngoại”; cả triệu phụ nữ ta mong muốn lấy chồng ngoại quốc mà không biết sẽ bị đối xử như tôi đòi; và cả triệu thanh niên thanh nữ của ta cầm nhà cửa đất đai để “được” đi “xuất khẩu lao động” rồi bị tư bản chèn ép như nô lệ. Trong bối cảnh đó, ta nên xét lại làm cách nào gây thêm nội lực để tạo hạnh phúc và lòng tự tin cho người dân ta, cho con cháu ta.
Điện hạt nhân Việt Nam
Một chương trình làm nhà máy điện hạt nhân như dự kiến từ nay tới năm 2020 sẽ đưa đất nước đi sâu vào sự hãnh diện giả tạo, bởi vì hầu như 100% nhân lực cao cấp, vật liệu cao cấp, thiết bị cao cấp, ngay cả nhiên liệu hạt nhân và sự xử lý nhiên liệu thì VN đều phụ thuộc vào nước ngoài, không dùng đến trí tuệ Việt Nam. Ngay cả tiền đầu tư VN cũng phải đi vay. Tôi cầu mong những nhà làm chính sách của VN nên nghĩ rằng khi nhà máy ĐHN xây xong thì chúng ta phần lớn đã già hoặc đã chết. Chúng có sản xuất điện không thì ta không biết, nhưng số tiền to lớn 20-30 tỉ nợ nần thì con cháu ta sẽ phải trả hoặc sẽ phải cầu khẩn quốc tế “giảm nợ.” Xưa kia, tôi thường nghe những người đi vay nợ ở làng quê năn nỉ người giàu có: ”Cụ cứ cho cháu mượn đi, sau này nếu cháu không trả được thì cái ‘út’ nhà cháu lên hầu cụ để trừ nợ!” Chẳng lẽ chúng ta muốn hoàn cảnh tương tự xảy ra cho con cháu ta trong tương lai, hoặc bắt chúng đào xới nguyên liệu thô của quốc gia đem bán, hoặc xuất khẩu cả 5 –10 triệu thanh niên thanh nữ của ta đi làm tôi mọi cho nhiều người trên thế giới?
Đứng về phương diện quốc phòng, trước tình hình hòa bình bấp bênh với các nước láng giềng, một hệ thống nhà máy ĐHN sẽ là mục tiêu đầu tiên bị phá hoại, và sẽ bị phá hoại rất dễ. Trong trường hợp đó, không những việc bảo vệ tổ quốc bị yếu hẳn đi, mà ví dụ có hòa bình vãn hồi thì kinh tế của ta cũng bị thui chột nhiều chục năm. Nên nhớ, việc dọn dẹp hay phá hủy một NMĐ/HN là vô cùng tốn kém và nan giải trong thời gian dài.
Ngân sách phiêu lưu cho điện hạt nhân có thể dùng tạo điện nội hóa và tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người dân. (BờM’S Blog)
Xu thế thời đại: Năng lượng an toàn sạch và xanh
Chắc chắn không hẳn giá dầu mỏ tăng hay ngày càng cạn kiệt khiến các quốc gia tiên phong trong lãnh vực năng lượng hạt nhân phải chuyển hướng sang năng lượng gió và mặt trời mà vì đã tốn kém còn ô nhiểm môi trường làm tăng lượng khí thải hiệu ứng lên nhà kính toàn cầu từ năng lượng hóa thạch của dầu mỏ và quan trọng hơn giờ đây người ta đã “cân đo đếm” được rất chính xác sự nguy hiểm “lợi bất cập hại” của những lò phản ứng hạt nhân trong các nhà máy điện nguyên tử còn hơn dao 2 lưỡi, nó có thể giết chết thế hệ này còn kéo dài làm đau khổ cho thế hệ kế tiếp, ô nhiễm đất đai cây cỏ sinh vật môi trường không gì bù đắp tẩy rửa được bởi sự quản lý nó (NMĐ/HN) cho tuyệt đối an toàn là điều không thể, thực tế đã chứng minh điều đó và một sự chọn lựa “an toàn là trên hết” từ nguồn năng lượng khác cho dù có là giá nào phải trả trong tương lai đó là xu thế tất yếu mà mọi quốc gia văn minh hiện đang hướng đến.
GWEC: (Global Wind Energy Council) - Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu
Một báo cáo mới đưa ra từ Hội đồng năng lượng gió toàn cầu dự đoán rằng: Bất chấp những khó khăn tạm thời về chuỗi cung ứng, các thị trường năng lượng gió quốc tế vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2006, tổng công suất lắp đặt năng lượng gió tăng 25% trên toàn cầu, tạo ra một giá trị 18 nghìn tỷ (18 billion) euro, tức 23 nghìn tỷ (23 billion) dollar Mỹ của thiết bị mới và nâng công suất năng lượng gió toàn cầu lên đến hơn 74 GW.
Trong khi Liên minh châu Âu vẫn là thị trường hàng đầu về năng lượng gió với hơn 48GW công suất lắp đặt, các châu lục khác như Bắc Mỹ và châu Á đang phát triển nhanh chóng. Ngoài 10 thị trường điện gió hiện hành, các thị trường điện gió mới đã xuất hiện ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh trong năm 2012. Nhà máy điện gió công suất 6,8GW vừa đi vào hoạt động năm 2011 ở Mỹ có thể cung cấp điện cho 2 triệu gia đình. Do đó, sản lượng điện gió của nước này sẽ tiếp tục tăng, dự báo chiếm 20% sản lượng điện quốc gia vào năm 2030. Brazil đã tăng công suất điện gió của nước này lên 1.500MW trong khi Canada đạt 1.267MW. Các nước đang phát triển như Honduras, Cộng hòa Dominican ở Mỹ Latinh và Cape verde ở châu Phi đã tăng công suất điện gió lên gấp 12 lần.
Trung Quốc là nước có sản lượng điện gió tăng nhanh nhất thế giới với công suất điện gió tăng 18GW, trong khi con số này của Mỹ là 6,8GW, tiếp theo là các nước Ấn Độ, Đức, Anh, Canada và Tây Ban Nha. Công suất sản xuất điện năng từ gió của Trung Quốc đạt hơn 25.100 megawatts và lĩnh vực sản xuất điện năng từ gió trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế chính của quốc gia. Với lợi thế bờ biển dài và diện tích đất dồi dào, tạo nên cho quốc gia này triển vọng lớn về nguồn tài nguyên năng lượng từ gió. Để giảm dần sự phụ thuộc vào than đá và dầu hỏa, trong năm nay (2012) Trung Quốc sẽ xây dựng 2 nhà máy năng lượng mặt trời qui mô lớn ở hai tỉnh cao nguyên phía Tây là Thanh Hải và Vân Nam. Dự án ở Thanh Hải với vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ NDT (khoảng 146 triệu USD), khi hoàn tất, có thể trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng tái sinh Trung Quốc, tiềm năng phát triển năng lượng Mặt trời của nước này là rất lớn. Hằng năm, hơn 2/3 diện tích đất liền của Trung Quốc đón nhận hơn 2.200 giờ nắng chói, nhiều hơn các nước và khu vực có cùng vĩ độ như Nhật Bản và châu Âu. Với lợi thế này, tiềm năng dự trữ năng lượng Mặt trời của nước này ước tính tương đương 1.700 tỉ tấn than. (VietNamNet)
Việt Nam có nhiều ưu thế - Tại sao không?
Thực tiển như GWEC (Global Wind Energy Council) phân tích nói trên và các cận cảnh đã phơi bày cũng như viễn cảnh đầy “cô đơn” thì nhân loại đã hiểu chính xác, sứ mạng của những nhà MĐ/HN gần như đã tới hồi chấm dứt, Việt Nam muốn hay không cũng phải hiểu điều này cho dù cái XHCN không muốn “hòa tan” thì cũng nên “hòa nhập”. Khi có rất nhiều điều kiện thiên nhiên thổ nhưỡng ưu đãi cho quốc gia hướng đến phát triển nguồn năng lượng mới thay thế bổ sung đầy thuận lợi nhưng nếu vì “quyền lợi nhóm hay cục bộ” bè phái, cá nhân, bảo thủ, cố chấp mà xem nhẹ đi ngược với trào lưu thế giới là có tội với lịch sử và thiếu trách nhiệm nhân dân.
Tiềm năng vô tận
Vị trí địa lý đã ưu ái cho Việt Nam một nguồn năng lượng tái tạo vô cùng lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Trải dài từ vĩ độ 23023’ Bắc đến 8027’ Bắc, Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao.. Hằng năm các vùng ở phía Bắc Việt Nam có khoảng 1400-2000 giờ nắng và các vùng miền Trung và một số vùng miền Nam có từ 2000-3000 giờ nắng. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai) và vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh)…
Pin mặt trời (Solar Cells)
Với điều kiện thuận lợi về địa lý, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo lớn và đa dạng,
trong đó năng lượng mặt trời (NLMT) có thể khai thác trực tiếp
Năng lượng mặt trời có những ưu điểm như: Sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng… Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời sẽ góp phần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Vì thế, đây được coi là nguồn năng lượng quý giá, có thể thay thế những dạng năng lượng cũ nhiều nhược điểm đắt đỏ và ngày càng cạn kiệt. Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế những nguồn tài nguyên truyền thống. Tại Đan Mạch, năm 2000, hơn 30% hộ dân sử dụng tấm thu năng lượng mặt trời, có tác dụng làm nóng nước. Ở Brazil, những vùng xa xôi hiểm trở như Amazon, điện năng lượng mặt trời luôn chiếm vị trí hàng đầu. Ngay tại Đông Nam Á, điện mặt trời ở Philipines cũng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho 400.000 dân.
Với điều kiện thuận lợi về địa lý, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo lớn và đa dạng, trong đó năng lượng mặt trời (NLMT) có thể khai thác trực tiếp. NLMT đã bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam với khoảng 6.000 trạm điện mặt trời với tổng công suất 750 kW được lắp đặt cho khu vực miền núi và hải đảo. Cùng với NLMT, vùng lãnh thổ có thể khai thác có hiệu quả NLG chiếm 9% diện tích cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển miền Trung.
Tiềm năng gió
Theo số liệu, tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) rất khả quan, ước đạt 513.360 mW, lớn hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, tiềm năng có thể khai thác được dạng tiềm năng kinh tế còn tùy thuộc vào mức độ qui mô đầu tư. Song đây sẽ là một nguồn năng lượng tiềm năngquan trọng có thể khai thác bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch.
Điện gió Châu Âu
5 tổ máy 1.5MW đầu tiên của nhà máy điện gió Tuy Phong, Bình Thuận
Có những giải pháp có thể nhanh chóng nâng cao sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện năng trong một thời gian không lâu: Như xây dựng các trạm điện bằng sức gió. Tất nhiên, gió là dạng năng lượng vô hình và mang tính ngẫu nhiên rất cao nhưng chắc chắn chi phí đầu tư cho điện bằng sức gió thấp hơn so với thủy điện. Toàn bộ chi phí cho một trạm điện bằng sức gió 4.800kW khoảng 3.000.000 euro. Với 500 trạm điện bằng sức gió loại 4.800kW sẽ có công suất 2,4 triệu kW, bằng công suất Nhà máy thủy điện Sơn La, tổng chi phí sẽ là: 500 x 3.000.000 = 1,50 tỉ euro = 1,875 tỉ USD, chi phí này nhỏ hơn 2,4 tỉ USD là dự toán xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. (Vietnam Business Forum).
Khái quát của vấn đề tưởng chừng đã dễ nhận diện, tuy nhiên, người dân, đại chủ thể phải chi trả và chịu ảnh hưởng trực tiếp mọi rủi ro (nếu có hậu quả bi đát) của chủ trương này không khỏi phải suy tư và buồn lòng trước một số quan điểm của người đại diện cho mình tại Quốc Hội.
Người dân tâm đắc đồng tình trước sự thận trọng chuẩn mực của Cựu Đại biểu Quốc Hội Việt Nam, Giáo sư T/S Nguyễn Minh Thuyết bao nhiêu thì lại ngán ngẩm nao lòng bấy nhiêu với một số vị ĐB/QH đương nhiệm.
Nói với BBC, GS Thuyết (ảnh trái) tin rằng Việt Nam "nên dừng lại" dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận "nếu vẫn còn kịp," đồng thời gợi ý vẫn có thể "xin lại ý kiến" của Quốc hội của Đảng kể cả khi đã có các nghị quyết được "thông qua" trước đây.
Phát biểu chỉ một tuần trước khi thế giới tưởng niệm tròn một năm sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị mất an toàn do sóng thần gây ra (11/3/2011-11/3/2012), Giáo sư Thuyết tái khẳng định Việt Nam "không đáng phiêu lưu" với các dự án mà theo ông lợi có thể bất cập hại.
ĐB Thuyết dẫn giải, nguồn vốn đầu tư nhà máy chủ yếu là đi vay. Nếu chúng ta xây dựng 2 nhà máy với 4 lò ở thế hệ 2 cần 12 tỷ USD nếu chọn thế hệ 3 là 16 tỷ USD chiếm 1/2 GDP. Xây xong, cần 900 triệu USD mua nhiên liệu và sau 18 tháng cần 320 triệu USD, như thế liệu chúng ta có đủ tiền để vận hành nhà máy hay không? Đầu tư cho điện hạt nhân là quá cao, trong khi đến năm 2025, nhà máy ĐHN cũng chỉ đáp ứng 4,4% (!?) nhu cầu điện cả nước. Giá điện của nhà máy này cao gấp 3 lần (!?) giá điện sử dụng các nguồn nguyên liệu khác. Vậy người dân có đủ tiền để mua điện hay không? “Chúng ta không nhiều tiền, không nhất thiết cái gì cũng phải đầu tư”. "Sau khi tôi đã có ý kiến như vậy, tôi thấy có rất nhiều chuyên gia đã phân tích rất sâu về sự tốn kém và sự không an toàn của điện hạt nhân. Và hiện nay, xu hướng ở trên thế giới, người ta cũng bỏ dần điện hạt nhân.
“Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kiết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ. Chúng ta đã thấy Nhật là một đất nước tiên tiến như thế nào, nhưng chỉ một trận sóng thần của họ đã làm cho nhà máy hạt nhân ở Fukushima trở nên mất an toàn và làm cho Nhật thay đổi chính sách về điện hạt nhân”.
Trong khi đó thì, ĐB Trần Hanh (Vĩnh Phúc) cho rằng “xây 1 nhà máy (ĐHN) vừa làm tốt vừa rút kinh nghiệm cho nhà máy sau...” Người ta phải tự hỏi, chắc vị ĐB này chỉ hình dung được việc điều hành và bảo trì một lò phản ứng hạt nhân như điều khiển và bảo trì một chiếc xe máy? mọi sai sót có thể rút ra làm kinh nghiệm được!?
Còn ĐB/QH, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng 2 nhà máy và đưa vào vận hành đúng theo dự kiến nếu QH thông qua chủ trương đầu tư, chúng tôi chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của nhà máy.” (!?)
Đề cập vấn đề ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao nếu một sự cố nghiêm trọng mất an toàn hạt nhân xảy ra ở Ninh Thuận. GS Thuyết nhận xét: "Dĩ nhiên những người quyết định dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm, và những người điều hành cụ thể dự án này trong thời gian xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm. “Chỉ có điều là trong quy định của pháp luật Việt Nam, những người đề ra chính sách không đúng gần như không phải chịu trách nhiệm.” (ai đề ra chính sách này ngoài Đảng và Nhà Nước? ) "Hai nữa là chúng ta không thể nghĩ trong vòng vài năm tới xảy ra chuyện gì, mà có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?"
Đặc biệt, cựu Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về, có nên trưng cầu dân ý về dự án Ninh Thuận hay không: “Tôi cho rằng với việc lần đầu tiên Việt Nam làm, mà chưa hề có kinh nghiệm, thậm chí gần như chưa hề có chuyên gia, mà có rất nhiều lời cảnh báo thế này, thì cần phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi hơn. Nhưng để cho người dân có thể bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình một cách chính xác, cần phải có giải thích rất rõ ràng với người dân, và khi giải thích cần phải nói cả hai luồng ý kiến nghịch và thuận, cái lợi và cái hại". (BBC).
ĐB/Quốc Hội muôn năm vẫn thế, vì vậy Việt Nam cứ mãi mãi lẻo đẽo theo sau các nước khác như “Trâu chậm uống nước đục”. Nghĩ tới đây chắc không ai là không nén một tiếng thở dài khi dõi mắt xa xôi trên con đường XHCN diệu vợi mà cả dân tộc đang cô đơn, khắc khoải, cúi đầu lầm lũi… đi trong vô vọng.
Hoàng Thanh Trúc
danlambaovn.blogspot.com
| 25.3.12
2 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA
TỐ HŨMar 24, 2012 12:17 PM
Vét cho đầy túi tham không đáy - bọn CS chỉ cần có thế. Chúng đâu kể gì sinh mệnh của 1 dân tộc. Không chừng đây là ý đồ của Bắc Kinh - TÀU KHỰA mà bọn tay sai VIỆT CỘNG thực thi để hủy hoại 1 dân tộc dám đối đầu với chúng hơn 1000 năm nay. Tội ác của bọn VIỆT GIAN CỘNG SẢN hôm nay sẽ khắc sâu lịch sử với nỗi ô nhục không thể gội rữa.
Trả lời
Quach truong GiangMar 24, 2012 12:34 PM
Nếu sự cố xảy ra thì sự khắc phục của nó tốn kém gấp mấy lần về tiền vốn xây dựng và thời gian
Bài viết súc tích và đầy thuyết phục
Cám ơn tác giả và mỗi người Việt nam nên đọc để hiểu rõ hơn
Trả lời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét