31.3.12

Nghĩ cho kỹ rồi hãy nói, ông ạ



Nguyễn Thông - Dân gian có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, còn hách xì dầu một tí theo kiểu bác học thì “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thẳng thắn khó nghe). Nhưng mất lòng trước, được lòng sau. Ghét cái thói xun xoe nịnh bợ. Ghét cái trò trùm chăn, mũ ni che tai để an phận. Chả gì hơn nói thẳng nói thật.

Mình cũng biết sợ. Ai mà chả biết sợ. Ít nhất thì cũng phải sợ trời, sợ quỷ thần, sợ bậc thánh nhân. Bây giờ có trăm ngàn thứ làm con người ta sợ. Nhưng ai cũng sợ thì cuộc đời này đi đến đâu. Nên phải nói, đàng hoàng, thẳng thắn, mang tính xây dựng, để cuộc sống và con người ngày càng tốt hơn.

Ngày xưa, các triều đại phong kiến thịnh trị, những vị minh quân đều có gián quan hoặc thằng hề. Vua làm gì sai, nói gì sai thì gián quan, thằng hề được quyền chê trách, nhằm giúp nhà vua sửa cho ngay. Nay chế độ dân chủ, mình chỉ là dân, mình tự phong là gián dân, thằng hề nói lời thẳng thắn, ai muốn nghe thì nghe. Mình sẽ nói nhiều. Và đây là điều đề cập đầu tiên.

Chả nhẽ cứ thất vọng mãi. Đành rằng không nên chỉ đánh giá con người bằng sự ăn nói. Đành rằng ai chẳng có lúc thế này thế nọ. Nhưng đây là ông ấy, nhân vật quan trọng nhất nước, còn hơn cả nguyên thủ, hơn cả vua, bởi ông ấy đứng đầu đảng. Mà đã ở vị trí đó thì nhất cử nhất động nhất ngôn đều quan trọng lắm, ảnh hưởng lắm, bị săm soi ghê lắm.

Ông ấy là Nguyễn Phú Trọng. Nếu xét dựa vào những thứ đã có thì ông ấy không chỉ là nhân vật số 1 của bộ máy đang lãnh đạo xứ này mà còn là bậc trí giả. Học hành bài bản, học hàm học vị tột đỉnh, chỉ thiếu điều chưa được danh viện sĩ, như nhà thơ Xuân Diệu, nhà nghiên cứu Hồ Tôn Trinh hay ông gốc làng Hành Thiện, Đặng Vũ Minh… từng được mà thôi.

Tại cuộc gặp gỡ những cán bộ cấp cao đã về hưu đóng góp ý kiến cho việc thực hiện nghị quyết của đảng ngày 26.3, ông tổng bí thư khẳng định “các cán bộ cấp cao của đảng và nhà nước đã nghỉ hưu là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa quan trọng để góp phần triển khai thực hiện thành công nghị quyết” (báo Thanh Niên ngày 30.3, trang 3). Theo mình, ông Trọng nói vậy là rất thiếu suy nghĩ. Vì sao?

Thứ nhất, dù là cán bộ cấp cao nhưng đã nghỉ hưu thì phải để cho các cụ nghỉ an hưởng tuổi già. Sau bao năm cống hiến đóng góp cho nước cho dân, các cụ phải được quyền nghỉ ngơi. Sao lại lôi các cụ ra làm “lực lượng nòng cốt”? Thế những người đương chức đương quyền như các ông, những cán bộ còn trẻ đang độ tuổi cống hiến, để làm gì, ngồi chơi chắc? Nòng cốt tức là lực lượng chính, chủ công, quan trọng nhất. Ví dụ, công nhân là lực lượng nòng cốt của cách mạng vô sản. Nay lấy các cụ làm nòng cốt, chỉ có ông già đi chiến đấu, lo lắm thay. Không thể trông cậy vào bọn trẻ nữa rồi.

Thứ nữa, về hưu tức đã già. Người già có nhiều kinh nghiệm nhưng sức tàn lực kiệt, trí óc kém minh mẫn, dễ mắc bệnh công thần, không bắt kịp được những thay đổi của thời đại, vậy mà vẫn lôi lên hàng đầu trong việc thực hiện triển khai nghị quyết, kể ra không ổn chút nào. Đó là chưa nói “vắt” các cụ thì cũng “vắt” vừa thôi, cụ nào tự nguyện “chiến đấu” thì hoan nghênh, không thì cứ để các cụ nhàn tản, vui cùng con cháu. Nghe nói bên Đài Loan họ cấm tiệt bọn thanh niên vào các “lầu xanh” nhưng lại khuyến khích cụ già bởi theo họ, người già đã đóng góp nhiều rồi, còn sống mấy nả nữa đâu, khắt khe mà làm gì. Hóa ra người cao tuổi xứ ta vất vả, nặng gánh sự đời đến già. Khổ.

Cũng cần bày tỏ thêm tí nữa. Miệng các bác kêu “người già làm nòng cốt” nhưng không ít vấn đề khi người già góp ý thẳng thắn, chân tình thì chả biết các bác có nghe không, chỉ thấy lặng tờ im phăng phắc, chẳng chút sủi tăm phản hồi. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh góp ý về thái độ với Trung Quốc; các cụ Lê Đức Anh, Nguyễn Quốc Thước về vụ Tiên Lãng là ví dụ. Như ném đá ao bèo. Cứ kiểu làm lơ như thế, các cụ có nhiệt tình, trách nhiệm mấy đi chăng nữa rồi cũng phải nản.

Mình buồn khi nghe ông Trọng nói vậy nhưng lại rất khâm phục khi ông GS Hoàng Chí Bảo (ủy viên Hội đồng lý luận trung ương) giả nhời nhà báo. Mặc cho nhà báo cứ xoáy vào hỏi vai trò của “lực lượng nòng cốt” như thế nào, ông Bảo một mực cho rằng “sự hiện diện của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu sẽ là sự hỗ trợ về mặt tinh thần, đồng thời cũng là sự đảm bảo để sinh hoạt phê bình, tự phê bình trở nên lành mạnh, đúng mực, trung thực”. (báo Thanh Niên ngày 30.3, trang 3). Rất chính xác, có lý có tình.

Té ra, không phải cứ làm cao, càng cao thì nói hay hơn người khác.

30.3.2012

Nguyễn Thông


2 Ý kiến:

Lưu Ý :



- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google


- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi 


- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA 
  1. Nhiều tay cán bộ về hưu cũng là những trùm tham nhũng, nhưng vì đã nghỉ hưu nên dấu vết tham nhũng của họ về căn bản đã bị xóa nên họ gíam nói công khai giám phê và tố cáo cán bộ đương chức . Do đó Đảng rất sợ những vị này nên phải nịnh mấy câu mong những vị này đừng gây rắc rối.Chuyện là vậy.
    Trả lời
  2. Nguyên PhươngMar 31, 2012 12:47 AM
    Hay quá! Một cách tiếp cận thực tại. "Phép tiên vương", một thủ đoạn chính trị đã đến hồi lộ tẩy...
    Cảm ơn Nguyễn Thông!
    Nhân đây tôi muốn các com-măng, nên có thái độ phê phán đúng mực. Đừng xô bồ quá mất tính xây dựng, thành ra mất... khôn!
    Trả lời

Không có nhận xét nào: