24.3.12

Ngưng hạt nhân, phóng vệ tinh! Bắc Hàn muốn gì?



Việt-Long, RFA
2012-03-23
Bình Nhưỡng nói phóng vệ tinh khiến người ta ngạc nhiên là vì xứ này vừa mới thoả thuận ngưng kế hoạch hạt nhân để đổi lấy một khoản viện trợ 240 ngàn tấn thực phẩm, và đang đàm phán với Hoa Kỳ về khoản đó. Bắc Kinh cũng phải can ngăn. Tại sao Bắc Hàn làm như vậy? Có lợi gì?


RFA screenshot
Hoả tiễn Bắc Hàn rời dàn phóng

Một lịch sử “vùng vẫy”

Đây vẫn là hành động bất ngờ không đoán trước được của Bắc Hàn, tuy Bình Nhưỡng hành động như vậy đã nhiều lần. Đầu tiên là vào tháng 8 1998, Bắc Hàn nói là phóng vệ tinh bằng hoả tiễn Taepodong số 1 nhưng thất bại.
Một năm sau Bắc Hàn tuyên bố ngưng kế hoạch hoả tiễn tầm xa, rồi đàm phán và đòi Mỹ mỗi năm 1 tỉ đô la để ngưng xuất khẩu hoả tiễn. Mỹ không chịu, nên đàm phán vòng thứ năm đã ngưng vào năm 2000.
Rồi năm 2006 Bắc Hàn phóng thử tất cả 7 hoả tiễn, trong đó có một chiếc Taepodong-2, tức là Đại pháo đồng số 2, tầm xa 6 ngàn 700 km… Cứ như vậy, y như chiến thuật “vừa đánh vừa đàm”, cứ ngưng rồi lại phóng, rồi lại thí nghiệm nổ hạt nhân nữa…
Chiếc Đại pháo đồng phóng ngày 5 tháng 7, 2006 đã bị nổ tung sau khi rời bệ phóng được 40 giây. 10 ngày sau, Hội đồng Bảo An ra nghị quyết cấm Bắc Hàn phóng thử và xuất khẩu hoả tiễn.
Ba tháng sau, 10-2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ nổ hạt nhân thử nghiệm lần thứ nhất. Năm ngày sau Hội đồng Bảo An lại có nghị quyết cấm thử hạt nhân, ba năm sau vào tháng tư 2009 Bắc Hàn lại đổi “tông”, phóng vệ tinh bằng hoả tiễn Đại pháo đồng số 2, nhưng cũng thất bại, tầng 1 rơi xuống biển Nhật Bản ở bờ tây xứ Phù Tang, tầng 2 rơi xuống Thái Bình Dương bên kia bở phía đông nước Nhật.

Thủ đô Bắc Hàn với chân dung "lãnh tụ vĩ đại"-RFA screenshot
Sau đó thì lại tiếp tục tiến trình “vừa phóng vừa đàm”. Riêng lần này có lý do nào khác khi Bắc Hàn phóng vệ tinh này, ngoài lý cớ là kỷ niệm ngày sinh của đại lãnh tụ Kim Nhựt Thành?
Thường thì cứ sau một hành vi có vẻ nhượng bộ hay khi đòi hỏi không thành công một điều gì thì Bắc Hàn lại có một hành động khiêu khích. Sau đó lại bị trừng phạt bằng một nghị quyết Liên Hiệp Quốc, và Bắc Hàn lại phóng hoả tiễn để làm áp lực trong khi chuẩn bị một nhượng bộ để giảm áp lực cấm vận thương mại và ngoại giao.
Lần này chừng như Bình Nhưỡng gây áp lực để Washington phải nhượng bộ khi đàm phán vấn đề vũ khí hạt nhân.
Nhìn lại, ta thấy tháng 3 2005 Bắc Hàn tuyên bố chấm dứt thời gian ngưng thí nghiệm hoả tiễn tầm xa, nói vì chính sách thù nghịch của hành pháp Tổng thống Bush. Tháng 5, 2006 Bình Nhưỡng phóng một loạt 7 hoả tiễn. Đó là trong thời gian Nam Hàn dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Kim Dae-jung cho đến 2008 với chính sách Ánh Dương chiêu dụ Bắc Hàn.  Sau 2008 là thời Tổng thống Lee Myung-bak, mức viện trợ thực phẩm giảm mạnh và gần như ngưng hẳn. Thì mùng 5 tháng tư 2009 Bắc Hàn phóng thử hoả tiễn tầm xa bay qua khỏi Nhật Bản. 13 tháng tư Hội đồng Bảo An lại ra nghị quyết lên án, siết chặt trừng phạt kinh tế. Bắc Hàn bỏ hội nghị giải thể hạt nhân, doạ tái khởi động kế hoạch plutonium. 25 tháng 5 Bình Nhưỡng nổ hạt nhân thử nghiệm lần thứ nhì, sức nổ mạnh hơn gấp bội so với lần đầu. Qua tháng 6 Hội đồng Bảo An lại ra nghị quyết siết chặt thêm cấm vận. Thì mùng 4 tháng 7, 2009, ngày quốc khánh của Hoa Kỳ, Bắc Hàn phóng thử nghiệm 7 hoả tiễn từ bờ biển phía đông.
Đó là lịch sử sự vùng vẫy bằng hoả tiễn của Bắc Hàn, cho thấy cuộc đối đầu kỳ lạ bằng vũ khí và các phương tiện kinh tế- ngoại giao mà lại không gây nên chiến tranh. Một bên dùng đến cả hoả tiễn, bom hạt nhân, chống lại bên kia dùng cấm vận, bao vây và trừng phạt tài chính, kinh tế, dùng cả thực phẩm viện trợ!
Phóng vệ tinh, sao ai cũng lo?

Lần này Bắc Hàn vừa chịu ngưng kế hoạch hạt nhân và ngồi lại trong bàn hội nghị để nhận 240 ngàn tấn thực phẩm, thì liền tuyên bố phóng vệ tinh. Dường như giới quân phiệt xứ này có nhu cầu khẳng định sức mạnh quân sự, che dấu mặc cảm đói kém của một quốc gia hoàn toàn lạc hậu về mọi mặt so với toàn thế giới.
Hay tân lãnh tụ non trẻ cần xác định tư thế lãnh đạo bằng một màn biểu diễn sức mạnh quân sự để răn đe nhân dân và nội bộ? Phài chăng đây cũng là dấu hiệu nội bộ đảng và quân đội cầm quyền có manh nha rạn nứt, khi người ta có nhu cầu răn đe và hàn gắn?
Hôm thứ ba đặc sứ Đặc sứ Bắc Hàn Ri Yong-vẫn ho tuyên bố tại Bắc Kinh quyết định phóng vệ tinh không liên quan gì đến những thỏa thuận đình chỉ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ thực phẩm mà Bình Nhưỡng và Washington đồng ý với nhau hồi cuối tháng trước. Vậy vì sao thế giới phải quan ngại khi Bắc Hàn phóng vệ tinh, nói đó là hoạt động khoa học hoà bình?
Trước hết Bắc Hàn chưa làm được vệ tinh nào cho ra hồn, tại sao phải phóng vệ tinh làm gì? Sau nữa là hoả tiễn phóng vệ tinh hay phi đạn tầm xa mang đầu nổ hạt nhân hay quy ước đều cùng là một thứ hoả tiễn đạn đạo nhiều tầng. Cái khác nhau là phóng vệ tinh cần hoả tiễn mạnh có tốc độ nhanh hơn và quỹ đạo chính xác hơn, và cái giống nhau là tầng 1 của hoả tiễn rơi xuống biển Nhật Bản ở giữa hai nước, tầng 2 sẽ rơi xuống Thái Bình Dương ở bên kia quần đảo Nhật Bản.
Điều này là để chứng tỏ rằng tấn công Nhật Bản bằng phi đạn là chuyện dễ dàng, và đem đầu nổ hạt nhân hay bom bẩn và hoá chất hay vi trùng tới Alaska là chuyện khả thi. Dự kiến vụ phóng này Bắc Hàn sẽ dùng hoả tiễn Đại pháo đồng số 2 cải tiến, hai hoặc ba tầng. Nếu loại cải tiến này thành công thì một đầu đạn nhẹ cỡ 500 kg có thể đưa tới được tận bờ Tây nước Mỹ.  Vì vậy thế giới lo sợ và lên án, và vì hành động của Bắc Hàn vẫn vi phạm cả bốn nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ 2006 đến 2009
Tuy tiềm năng nguy hiểm như vậy nhưng hai lần phóng hoả tiễn gọi là phóng vệ tinh hồi 2006 và 2009 đều thất bại dù rằng người dân cả nước Bắc Hàn được ăn no nê một ngày để ăn mừng, khi Nhà nước nói là đã phát nhạc bản Quốc Tế Ca trên cái vệ tinh năm 2009, tuy là các nhà khoa học khắp thế giới tìm nó chẳng thấy đâu. Cả các nước Cộng Sản còn sống sót cũng chẳng ai buồn chúc mừng. May ra nhờ vậy thế giới cũng đỡ lo.
Càng gần càng sợ “Chí Phèo”

Quân lực Bắc Hàn- RFA screenshot

Và năm 2009, cũng như những lần trước, nước đồng minh chí cốt của Bắc Hàn là Trung Quốc cũng phản đối và thẳng tay ký vào nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng. Lần này, năm nay, Bắc Kinh cũng đã tạo áp lực công khai với Bắc Hàn về việc phóng hoả tiễn này. Tại sao Trung Quốc và Nga đều ký nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn và không muốn Bình Nhưỡng có phi đạn hạt nhân?
Thực ra lúc chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang thăm Hoa Kỳ từ 18 đến 21 tháng 1 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố cần có những biện pháp nhẹ hơn cho Bắc Hàn để thay cho cấm vận và trừng phạt tài chính. Đó là thái độ của một nước đồng minh lớn của Bắc Hàn, tuy rằng Bắc Kinh vẫn đều đặn ký chung cả bốn nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng.
Một thực tế khác mang tính thực tiễn hơn, là Bắc Kinh và MátX-Cơ-Va đều nằm trong tầm bắn của hoả tiễn Teapodong 2, tức Đại Pháo Đồng số 2. Liệu hai đại cường này có yên tâm hơn Mỹ hay không, khi đồng minh Bắc Hàn phóng thử thành công loại hoả tiễn tầm xa ấy, mà lại có thể mang đầu đạn hạt nhân?
Hiện nay giới chuyên môn đều nhận định Bắc Hàn chưa đủ khả năng kỹ thuật để chế tạo một trái bom hạt nhân đặt vào trong đầu đạn để hoả tiễn có thể mang đi xa với độ chính xác đáng tin. Nhưng khả năng chế tạo bom hạt nhân thì Bắc Hàn đã đạt tới. Chỉ là vấn đề thời gian khi phi đạn hạt nhân của Bắc Hàn có khả năng phóng tới Alaska, California, nếu quốc tế không cương quyết loại trừ khả năng ấy của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó thì Bắc Kinh là mục tiêu gần hơn cả Nhật Bản. Đường không trung từ Bình Nhưỡng đi Bắc Kinh chỉ có 400 miles, gần  hơn khoảng bay tới bở tây nước Nhật 600 mi, tới Tokyo 800 mi, tới Guam 2000 mi, tới MátX-Cơ-Va 4,000 mi, tới Alaska 3,200 mi, tới bờ biển California là 6,700 mi, đúng tầm phóng tối đa của Teapodong-2.
Người ta ở Seoul, Bắc Kinh, Tokyo, ai chẳng phải lo khi hàng xóm có phi đạn hạt nhân mà lại đang đói kém, cần tống tiền, tống gạo?
"Thế lực thù địch" ở xa không đáng sợ bằng “Chí Phèo” ở sát bên kia biên giới!

Không có nhận xét nào: