Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2012-03-24
“Nhiều Đại biểu Quốc hội còn ngại tiếp xúc với báo chí”, ông Nguyễn Sỹ Dũng, phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo, diễn ra ở Quảng Ninh tuần rồi, do văn phòng quốc hội Việt Nam kết hợp với văn phòng nghị viện Đan Mạch tổ chức, nhằm tăng cường vai trò của báo chí hỗ trợ cho hoạt động của quốc hội.
AFP PHOTO
Phiên họp Quốc hội khóa XIII.
Đỗ Hiếu tổng hợp các thông tin trên báo mạng cùng cổng thông tin điện tử của chánh phủ và trình bày thêm chi tiết.
Hội thảo về tăng cường quan hệ với báo chí trong các hoạt động của quốc hội là một cơ hội để phổ biến những kỹ năng giúp đại biểu quốc hội xây dựng hình ảnh của mình và mạnh dạn tiếp cận với các cơ quan truyền thông báo chí, thay vì thường nói “xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này” hay “ xin nhường người khác phát biểu”.
Trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Sỹ Dũng, phó Chủ Nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng truyền thông là phương tiện hữu hiệu để nói lên những ý kiến, đề nghị, nguyện vọng của người dân, về chính sách, chủ trương, pháp luật của nhà nước hầu kịp thời sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của xã hội và cử tri.
Theo ông, quốc hội cũng cần tận dụng quan hệ với ngành truyền thông vì đó là trung gian hai chiều giữa nhà nước và người dân để các hoạt động, chính sách của chánh phủ được thực thi đúng đắn, hiệu quả và thông suốt.
Chưa quen
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết. Photo courtesy of Bauxite Việt Nam.
Những ý kiến đưa ra tại cuộc hội thảo cũng nhìn nhận là một số Đại biểu Quốc hội chưa quen tiếp cận với báo chí, nhiều đại biểu không quen xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình vì chưa nhận thức được rằng, truyền thông là phương tiện chuyển tải nhanh nhất, hữu hiệu nhất trong thời đại ngày nay.
Một đại biểu có tham gia cuộc hội thảo này, cựu đại biểu quốc hội giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, đóng góp một số ý kiến về việc “các đại biểu còn ngại tiếp xúc với báo chí”:
“Tôi muốn bổ sung thêm hai lý do nữa, vì sao có khá nhiều đại biểu dân cử của Việt Nam ngại tiếp xúc với báo chí, thứ nhất là các đại biểu không có nhu cầu tiếp xúc với báo chí, cũng không có như cầu giao tiếp với công chúng thông qua báo chí, đó là lý do căn bản nhất. Nếu như đại biểu mà không xây dựng được hình ảnh của mình qua báo chí, rồi vì vậy, ngay trong khóa này hay khóa sau, công chúng không tín nhiệm đại biểu ấy nữa, lúc ấy các đại biểu sẽ chịu khó tiếp xúc với báo chí vì thấy điều đó cần thiết.
Thứ nhất là các đại biểu không có nhu cầu tiếp xúc với báo chí, cũng không có như cầu giao tiếp với công chúng thông qua báo chí, đó là lý do căn bản nhất.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết
Lý do thứ hai, cũng phải nói thật là nhiều đại biểu “sợ bóng, sợ gió”, sợ nói sai với quan điểm của Trên, có thể gặp phiền hà. Tôi cho rằng lý do này không chính đáng, bởi vì khi đã phát biểu, đó là quyền của họ, nếu nói đúng với pháp luật thì chẳng bị phiền hà gì cả.”
Giáo sư Thuyết cho biết Quốc hội đã mở nhiều khóa đào tạo về truyền thông dành cho các đại biểu, nhưng số người tham gia còn hạn chế:
“Kể từ khóa XI, các đại biểu cũng đã được Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử hướng dẫn về nhiều kỹ năng, trong đó có cách làm việc với báo chí, tuy nhiên phải nói là số đại biểu tham gia lớp này không nhiều.”
Dịp này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, qua kinh nghiệm nhiều năm làm Đại biểu Quốc hội và thường xuyên tiếp xúc với báo đài trong và ngoài nước, đề nghị là các đại biểu nên hàng ngày đọc báo và đọc nhiều báo khác nhau. Ông cũng nhắn nhủ các Đại biểu Quốc hội là luôn nhớ đến 8 chữ T là “thân thiện, thẳng thắn, tỉnh táo và tự tin”.
Về phần ông Lê Như Tiến, phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng thì phát biểu trước cuộc hội thảo rằng, dù bận rộn các Đại biểu Quốc hội cũng nên hợp tác tích cực với báo chí, và “đừng bao giờ nói không với báo chí, nhà báo cần mình tức là người dân cần mình, dư luận xã hội cũng đang cần mình lên tiếng”.
Thiếu tự tin
Kế đó, từ Saigon, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, trước đây cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí , nói lên suy nghĩ của ông, vì sao các vị dân cử ngại xuất hiện, hay lên tiếng qua báo đài:
“Các đại biểu quốc hội hầu hết là công nhân viên nhà nước, mà trả lời báo chí đôi lúc không thuận lợi lắm, nên họ e dè, hoặc họ không tự tin ở chính họ, vì nghĩ tới nồi cơm, cái ghế của họ. Đại biểu Quốc hội các nước khác như Mỹ chẳng hạn, thì họ không được làm việc cho chính phủ, ở Việt Nam thì cơ cấu tổ chức khác hẳn.”
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái cho rằng người dân ủng hộ việc các dân cử nên mạnh dạn lên tiếng với báo đài:
“Đó là mơ ước của cử tri ở Việt Nam, nếu các đại biểu quốc hội được đào tạo, được tiếp xúc với truyền thông báo chí, thì công việc của họ sẽ thuận lợi hơn nhiều, khi gặp cử tri, trả lời báo chí hay thảo luận với nhau trên diễn đàn Quốc hội.”
Sợ gặp khó khăn
Quang cảnh một kỳ họp quốc hội. AFP photo
Mặt khác, cô Thu Trang, một dân oan thường bị công an bắt bớ, sách nhiễu, hành hung do việc lên tiếng với báo chí, cũng hiểu rõ vì sao các đại biểu ngại tiếp xúc với cơ quan truyền thông, vì không giải tỏa được những bất công mà người dân phản ảnh:
“Dân oan thường xuyên gởi câu hỏi, nỗi oan ức đến các Đại biểu Quốc hội từ địa phương đến trung ương, nhưng họ không trả lời vì sợ nhà cầm quyền đè bẹp những tiếng nói trung thực. Nếu ai có tinh thần muốn giúp nhân dân, thì lập tức sẽ gặp khó khăn. Đại biểu Quốc hội là của đảng chứ không phải của nhân dân Việt Nam.”
Dân oan thường xuyên gởi câu hỏi, nỗi oan ức đến các Đại biểu Quốc hội từ địa phương đến trung ương, nhưng họ không trả lời vì sợ nhà cầm quyền đè bẹp những tiếng nói trung thực.
Cô Thu Trang
Với tư cách là khách nước ngoài tham gia hội thảo, bà Lis Gronnegaard, chuyên gia thuộc văn phòng nghị viện Đan Mạch, cho biết quốc hội Đan Mạch luôn coi trọng tính minh bạch và trung thực với báo chí, nhờ đó mà thông tin giữa báo chí và các chính khách diễn ra rất tốt đẹp.
Còn bà Eva Flyvholm, chuyên gia về quan hệ truyền thông của đảng liên minh Xanh Đỏ, Đan Mạch thì nói trước hội thảo rằng, những nghị sĩ mới được bầu vào Quốc hội, đều được đào tạo và hướng dẫn về kỹ năng tiếp xúc với truyền thông và quan hệ với báo chí.
Trước đây, trong một kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng mạnh dạn phê bình một số đồng viện chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, ý kiến chưa tập trung, thiếu sâu sắc, không thực tế, không đại diện cho tập thể cử tri. Bên cạnh đó cũng có ý kiến nói rằng, vẫn còn nhiều đại biểu chưa dám nói năng gì với báo chí và trước diễn đàn, dù được xem là “tiếng nói của người dân” đang đặt sự tin cậy vào vai trò dân cử của mình.
Theo dòng thời sự:
Chuyện "nói" của các Đại biểu Quốc hội
Đâu phải đại biểu quốc hội nào cũng dám nói
Quốc hội và Đại biểu đã làm được gì cho người dân
"Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời"
Đại biểu Quốc hội dám nói mạnh, vì sao?
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
In bản tin này Email bản tin này
Ý kiến của Bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét