Trà Mi-VOA | Washington DC
Tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Mỹ đánh động sự quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ qua chiến dịch thỉnh nguyện thư gửi tới Tòa Bạch Ốc mang tên We The People, kêu gọi ngưng mở rộng giao thương với Việt Nam nếu Hà Nội không chịu cải thiện nhân quyền. Trang mạng thỉnh nguyện thư We The People do Tòa Bạch Ốc khởi xướng, và chiến dịch thỉnh nguyện thư kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam do các cộng đoàn người Việt ở Mỹ thực hiện.
Trong vòng 1 tháng, chiến dịch đã thu được hơn 100 ngàn chữ ký, đa phần từ giới trẻ, tức vượt gấp 4 lần so với số chữ ký yêu cầu là 25 ngàn để được Tòa Bạch Ốc trả lời. 100 người ký thỉnh nguyện thư được mời tới Tòa Bạch Ốc ngày 5/3 để nghe hồi đáp chính thức từ chính quyền của Tổng thống Obama.
Trong vòng 1 tháng, chiến dịch đã thu được hơn 100 ngàn chữ ký, đa phần từ giới trẻ, tức vượt gấp 4 lần so với số chữ ký yêu cầu là 25 ngàn để được Tòa Bạch Ốc trả lời. 100 người ký thỉnh nguyện thư được mời tới Tòa Bạch Ốc ngày 5/3 để nghe hồi đáp chính thức từ chính quyền của Tổng thống Obama.
Hình: whitehouse.gov
Thỉnh nguyện thư We the People trên trang web của White House
Ý nguyện những người ký đơn muốn gửi tới chính quyền Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như người Việt khắp nơi qua thỉnh nguyện thư này là gì? Tạp chí Thanh Niên ghi nhận qua cuộc trao đổi với 3 trong số đông đảo các bạn trẻ tiên phong ký tên vào bức thỉnh nguyện này là Vũ Lê, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam ở miền Nam bang California; Thu Hà, Hội trưởng Đoàn Thanh-Thiếu niên Thủy quân lục chiến; và Anh Đức, Hội trưởng Đại đạo Thanh Niên Cao Đài.
Anh Đức: Là một công dân Việt Nam luôn quan tâm tới hiện tình đất nước, chiến dịch này ít nhiều đáp ứng được ước vọng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, và quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam, cho nên tôi ủng hộ.
Trà Mi: Ngoài nói lên tình hình chung về nhân quyền Việt Nam, bức thư này xuất phát từ trường hợp nhạc sĩ Việt Khang bị bắt, người đã trở thành một hiện tượng sau khi bức thư này thu thập được hơn 100 ngàn chữ ký, đánh động sự quan tâm của công luận. Các bạn ký thư kêu gọi trả tự do cho nhạc sĩ này, các bạn biết gì về anh ấy?
Anh Đức: Thời gian gần đây, tôi biết tới nhạc sĩ Việt Khang qua hai nhạc phẩm ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Anh là ai’. Chỉ với hai bài hát mà anh đã lột tả được tất cả những bất công xã hội với tấm lòng yêu nước của một người trẻ. Đức rất khâm phục và kính trọng nhạc sĩ Việt Khang qua hai nhạc phẩm này.
Trà Mi: Vũ có cảm xúc thế nào khi nghe qua hai nhạc phẩm đó?
Lê Vũ: Hai bài hát này nói lên tình trạng của đất nước hiện nay. Nhạc sĩ Việt Khang nói về hiện tình đất nước mà bị bắt, khiến nhiều người rất quan tâm.
Trà Mi: Lên tiếng bằng cách này hay cách khác, qua các tác phẩm văn học, bài viết, bài báo, hay nhạc phẩm trái ý chính quyền rồi gặp rắc rối với chính quyền, nhạc sĩ Việt Khang không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất tại Việt Nam. Thế nhưng vụ việc của anh lại gây được tiếng vang và thu hút được sự chú ý của công luận, nhất là người Việt khắp nơi trên thế giới. Theo các bạn, nguyên nhân vì sao?
Thu Hà: Hai bài nhạc của nhạc sĩ Việt Khang hoàn toàn yêu nước, yêu tổ quốc Việt Nam. Đây là một người trẻ muốn bày tỏ lòng yêu nước, mong muốn bảo toàn lãnh thổ. Nhưng vì sự yêu nước đó, anh đã bị bỏ tù một cách trái phép mà bây giờ không biết anh đang bị giam ở đâu. Đây là một sự vi phạm hết sức trầm trọng.
Trà Mi: Nói về chiến dịch này, các bạn có điều gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ trong nước? Thông điệp, ý nghĩa, và tác dụng của chiến dịch này trước mắt và lâu dài ra sao?
Anh Đức: Chiến dịch này nói lên tinh thần quật khởi của dân Việt trước thảm cảnh mất nước bởi sự nhu nhược của chế độ. Tác dụng trước mắt là Tòa Bạch Ốc đã lắng nghe tiếng nói của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Về lâu dài, đây là một thành công rất quan trọng, một khởi sự thuận lợi cho các công cuộc đấu tranh sắp tới của cộng đồng người Việt.
Trà Mi: Mời ý kiến của Vũ. Trong mắt công dân trẻ người Mỹ gốc Việt, hình thức thỉnh nguyện thư We The People có vai trò, tác động thế nào đối với người dân và đối với xã hội? Chiến dịch này nói lên điều gì?
Lê Vũ: Hoa Kỳ là đất nước tự do, dân chủ. Khi người người Việt tạo được tiếng vang tới hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ, tiếng nói của người Việt ở đây sẽ ngày càng mạnh hơn. Về lâu dài, nếu chúng ta vận động được hành pháp, lập pháp, chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi trong luật pháp Hoa Kỳ, trong các chính sách ngoại giao khi làm việc với các nước như Việt Nam.
Thu Hà: Ngoài thỉnh nguyện thư này, giới trẻ Việt Nam ở miền Nam bang California cũng ký tên ủng hộ nghị quyết 484, kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam, gửi tới các nhà lập pháp Mỹ, yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và hủy bỏ các điều 79 hay 88 trong Bộ luật hình sự, vốn là công cụ luật pháp để bắt giam, bỏ tù các tiếng nói đối lập trong nước.
Trà Mi: Các bạn quan tâm tới tình hình nhân quyền Việt Nam. Các bạn đã ký thư kêu gọi sự chú ý của chính quyền Mỹ về vấn đề này, thế các bạn có nghĩ tới một chiến dịch tương tự để nói lên tiếng nói của người Việt trẻ ở khắp nơi với chính quyền Hà Nội về vấn đề nhân quyền, thay vì kêu gọi sự quan tâm của chính quyền Mỹ hay chăng?
Thu Hà: Tới nay, chiến dịch này đã lan tràn qua tới Canada và Úc Châu.
Lê Vũ: We The People là phương tiện đang áp dụng tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người trẻ Việt Nam trên toàn thế giới đang có chiến dịch viết và gửi thư hỗ trợ cho gia đình của các thanh niên yêu nước đang bị bắt giam tại Việt Nam. Chiến dịch ‘Phải lên tiếng’ do Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam lên đường gồm các bạn trẻ Việt trên toàn thế giới phát động đã thu hút được rất nhiều tham dự viên.
Anh Đức: Sau những chiến dịch này, trong những ngày tới, giới trẻ hải ngoại sẽ dùng cách thức vận động đó đối với nhà cầm quyền Việt Nam.
Trà Mi: Một lời vắn tắt, thông điệp chính mà các bạn muốn nhắn gửi tới chính quyền Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam, cũng như người Việt trong và ngoài nước qua chữ ký vào thỉnh nguyện thư này là gì?
Thu Hà: Giới trẻ chúng em ở hải ngoại, khi ký vào thỉnh nguyện thư này nhắm mục đích yêu cầu Tổng thống và các nhà lập pháp Hoa Kỳ phải đặt vấn đề vi phạm nhân quyền lên hàng đầu khi giao thương với cộng sản Việt Nam. Ngoài mục đích này, chúng em cũng muốn cho các bạn trẻ trong nước biết là giới trẻ hải ngoại luôn sát cánh cùng các bạn, yểm trợ các bạn bằng mọi cách. Các bạn hãy dũng cảm.
Lê Vũ: Chúng ta có thể nhờ chính phủ Hoa Kỳ gửi thông điệp đó tới chính quyền Hà Nội, để nói lên sự quan tâm của người dân Việt Nam, đòi Hà Nội phải thả những người đấu tranh trong nước đang bị bắt giam.
Trà Mi: Tòa Bạch Ốc đã có phản hồi chính thức, mời 100 người đại diện trong hơn 100 ngàn người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư này vào Tòa Bạch Ốc để nghe hồi đáp của chính quyền Tổng thống Obama. Nếu các bạn may mắn là 1 trong 100 người được mời, các bạn sẽ nói gì với chính giới Hoa Kỳ, nếu có cơ hội phát biểu?
Lê Vũ: Tôi là 1 trong 100 người đó qua thủ đô Washington kỳ này. Nếu có cơ hội phát biểu hay đặt câu hỏi với chính quyền Obama, tôi sẽ hỏi rằng trong thời gian tới, nếu chính quyền của Tổng thống Obama được tái nhiệm, họ nghĩ những gì thiết thực nhất sẽ xảy ra khi nói về nhân quyền Việt Nam.
Trà Mi: Hy vọng bạn sẽ được hồi đáp trong dịp tới thủ đô Washington DC vào tuần tới. Tuy nhiên, nếu có lập luận ngược lại rằng mỗi nước có những vấn đề riêng của quốc gia, tại sao Mỹ cần phải quan tâm đến tình hình nhân quyền của Việt Nam. Ý kiến của các bạn thế nào?
Anh Đức: Tôi nghĩ đó là sự lên tiếng một chiều của nhà cầm quyền cộng sản. Công ước nhân quyền quốc tế đã ký, tất cả các nước thành viên phải tuân theo, nhà cầm quyền cộng sản cũng không thể ngoại lệ xé rào. Cho nên, bắt buộc thế giới phải quan tâm.
Trà Mi: Nếu như lập luận này do chính một người trẻ trong nước nêu lên. Ví dụ có một bạn trẻ ở Việt Nam đặt câu hỏi với chị Hà rằng chuyện nước nào nước đó lo, mỗi nước có vấn đề riêng của họ. Tại sao Mỹ lại phải quan tâm, can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam, mà các bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ lại ủng hộ việc này? Hà sẽ giải thích như thế nào?
Thu Hà: Tôi sẽ trả lời rằng là con người mà quyền căn bản không được nói, giống trường hợp của anh Việt Khang chẳng hạn, chỉ nói lên lòng yêu nước, yêu tổ quốc. Bây giờ tổ quốc bị ngoại bang xâm chiếm mà tôi không được lên tiếng. Là con dân Việt Nam, chúng ta phải đặt điều này lên hàng đầu. Người Việt Nam có tổ quốc, đất đai phải bảo toàn thì nhà mình mới vững chắc. Vì vậy, những sự vi phạm nhân quyền căn bản đó, tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều có thể can thiệp vào.
Trà Mi: Ý chị Hà có thể hiểu rằng nhân quyền không phải là vấn đề của quốc gia, mà là một vấn đề quốc tế, mọi người trên thế giới này đều có quyền bình đẳng như nhau.
Thu Hà: Dạ đúng.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Các bạn muốn góp ý hoặc cùng bình luận với các độc giả khác về những chủ đề trên Tạp chí Thanh Niên, xin truy cập vào trang voatiengviet.com Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục đặc biệt trên trang chính. Để trực tiếp góp tiếng trong giờ phát thanh Tạp chí, xin quý vị gửi số phone về địa chỉvietnamese@voanews.com, Trà Mi sẽ liên lạc mời quý vị tham gia. Trà Mi xin cảm ơn quý vị và các bạn và thân bạn nghe đài đón nghe Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau, trong buổi phát thanh lúc 10 giờ tối của Ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét