Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lại một lần nữa đề cập tới vấn đề cải cách thể chế chính trị, khi ông phát biểu tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm thứ hai ở Bắc Kinh. Ông nói rằng cải cách khai phóng là lựa chọn đúng đắn cho vận mệnh của đất nước.


"Chúng ta cần phải tuân theo những đòi hỏi của lý thuyết phát triển khoa học, tôn trọng tinh thần sáng tạo của quần chúng để mạnh dạn tìm kiếm và tiếp tục thúc đẩy toàn diện cho những nỗ lực nhằm cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị để tìm ra giải đáp cho những bài toán của vấn đề phát triển."


Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tuyên bố như thế trong lúc nhiều học giả và các nhà quan sát cho rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này đang đối mặt với nguy cơ biến loạn vì những vấn đề nan giải đã tích lũy trong nhiều thập niên qua.


Ông Thái Kế Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Thanh hoa ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đã đạt được những thành tích to lớn trong 30 năm qua, nhưng còn rất nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết.


Ông cũng cho rằng tất cả những nỗ lực để cải cách chế độ sở hữu đất đai, thu hẹp hố chênh lệch giàu nghèo và chống tham nhũng đều liên quan mật thiết với thể chế chính trị.


Giáo sư Thái Kế Minh phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Hoa Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.


"Nếu thể chế chính trị không được sửa đổi một cách tương ứng, mà chỉ nói tới cải cách thể chế kinh tế, tôi e rằng chúng ta không thể giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế cũng vì thế mà khó lòng đạt được tiến bộ. Như đồng chí Đặng Tiểu Bình đã nói, “không kịp thời thúc đẩy cải cách thể chế chính trị thì chẳng những cải cách thể chế kinh tế khó lòng thành công mà những thành quả đã đạt được còn có thể sẽ bị mất đi.”


Giáo sư Vương Chiêm Dương của Học viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương ở Bắc Kinh cũng tán đồng nhận định này. Ông phát biểu như sau:


"Những vấn đề hiện nay đã tích lũy quá lâu, quá sâu, đã tới mức vô cùng nghiêm trọng rồi. Tôi nghĩ rằng bây giờ đã tới lúc phải cải cách vì có rất nhiều nguy cơ."


Trong thông cáo báo chí công bố hồi đầu tháng 2 vừa qua nhân dịp phổ biến kết quả nghiên cứu về nạn cướp đất ở Trung Quốc, Viện Phát triển Nông thôn Landesa ở Seattle cho biết trong năm 2010 đã có đến 187.000 vụ khiếu kiện hoặc gây rối đông người ở Trung Quốc, trong đó những vụ tranh chấp vì vấn đề đất đai chiếm đến 65%.


Giáo sư Vương Chiêm Dương cho rằng chính phủ ở Bắc Kinh cần đặt trọng tâm vào 3 nỗ lực cải cách chính yếu. Thứ nhất là tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế thị trường – bao gồm cải cách hệ thống tài chánh, ngân hàng, cải cách xí nghiệp quốc doanh, và cải cách chế độ sở hữu đất đai. Kế đến là sửa đổi chế độ phân phối thu nhập để thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo hiện đang gây ra nhiều sự bất mãn trong dân chúng. Và thứ ba là tiến hành cải cách thể chế chính trị.


Ông Tào Tư Nguyên, một học giả độc lập ở Bắc Kinh, cho rằng cải cách thể chế chính trị chẳng những là một việc cần thiết mà còn là một việc không thể chần chờ. Ông Tào nói thêm như sau:


"Cải cách đang chạy đua với cách mạng! Nếu muốn cải cách mà cứ chậm rãi, do dự, sợ đầu sợ đuôi trong lúc mâu thuẫn không ngớt gia tăng thì rất có thể sẽ xảy ra biến loạn. Có thể xảy ra cách mạng văn hóa hay một vụ biến loạn tương tự như cách mạng văn hóa. Đó là một điều rất rõ ràng. Kết cuộc của không cải cách là như thế. Đó là kết cuộc mà mọi người chúng ta nên ra sức ngăn chận."


Ông Tào Tư Nguyên cho biết động lực cải cách hiện đang nằm ở người dân. Ông nói:


"Chênh lệch giàu nghèo đang làm cho rất đông dân chúng cảm thấy bất mãn. Bất mãn chính là động lực. Trung Quốc đã nhiều lần đề cập tới cải cách chính trị, nhưng rồi họ nói chỉ để mà nói, nói mà không làm! Rồi khi làm thì lại do dự, tiến được một bước lại lùi hai bước! Thực tế hiện nay là người dân bình thường có một nhu cầu rất mãnh liệt đối với cải cách thể chế chính trị."


Giáo sư Vương Chiêm Dương của Học viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương cũng cho rằng động lực cải cách hiện nay rất lớn. Nhưng ông cũng nói rằng phe cải cách và phe bảo thủ cần phải thỏa hiệp để tránh tình trạng “chết cả đám.”:


"Việc tiến hành cải cách dĩ nhiên sẽ rất khó khăn. Chúng ta cần có sự kết hợp ở một mức độ nào đó giữa lực lượng uy quyền và lực lượng dân gian. Cần có sự kết hợp giữa ý chí cải cách và trí tuệ cải cách. Xu thế này giờ đây đã bắt đầu xuất hiện vì ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng hỗn loạn sẽ bùng ra nếu không sửa đổi kịp thời. Đôi bên đều hiểu rằng bên nào cũng cần phải nhường nhịn bên kia một chút để tránh tình trạng chết chùm. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta đang có một động lực lớn cho cải cách trong tình hình như vậy."


Những lời hô hào cải cách thể chế chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng với các học giả Trung Quốc được đưa ra trong lúc nhiều người cho rằng tình hình bế tắc hiện nay không khác gì mấy so với tình hình của năm 1992, khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến đi thị sát các thành phố miền nam và tuyên bố tiếp tục theo đuổi con đường đổi mới.


Trong bài phát biểu -- thường được gọi là “nam tuần giảng thoại” và được các nhà viết sử của Đảng Cộng Sản Trung Quốc liệt vào danh sách các sự kiện trọng đại, ông Đặng Tiểu Bình nói rằng “không kiên trì xã hội chủ nghĩa, không cải cách khai phóng, không phát triển kinh tế, không cải thiện sinh hoạt của người dân, thì chỉ có một con đường là chết.”