Phạm Toàn
(Ghi chép ngày đi thăm Cù Huy Hà Vũ)
(Ghi chép ngày đi thăm Cù Huy Hà Vũ)
Posted byBasamnewson 23/03/2012
Lên đường đi “thăm nuôi” Cù Huy Hà Vũ (Ảnh: PTK).
Mỗi tháng một lầnChị Dương Hà từ trong phòng đón tiếp đi ra xe ô tô, nơi chúng tôi ngồi bên trong đợi chị vào trình giấy tờ. Dương Hà:
- Họ không cho vào thăm đây này. Em bắt đền các anh đấy.
Nghĩ cũng hay! Cứ làm như thể chúng tôi chịu trách nhiệm về sự đón tiếp của Trại giam không bằng! Liệu có thể coi người đàn bà nũng nịu không còn bé bỏng kia là vợ của một kẻ tù tội không?
Chúng tôi đi từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng. Đến cổng trại lúc 8 giờ sáng. Nếu được vào thăm, thì có cơ may ngồi với nhau tới 11 giờ.
Xe đỗ trước cổng. Dương Hà thận trọng dặn chúng tôi:
- Các anh ngồi yên trên xe nhé. Đừng ra ngoài, mình quen tự do rồi, thấy mình thung thăng, họ lại nghĩ nọ nghĩ kia, không cho vào thì thiệt.
Hoá ra Dương Hà vẫn đinh ninh chuyện thăm nuôi mỗi tháng là bình thường, chỉ “giữ ý” một chút thôi!
Chẳng ngờ, họ không cho vào. Không chỉ không cấp phép cho Phạm Đình Trọng (nhà văn, đại tá), Phan Trọng Khang (người bị giam năm ngày vì “tội” tiếp tế bánh mì và La Vie cho dân biểu tình bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa), và tôi, còn không cấp phép cho cả Dương Hà và cháu Thanh con dâu Cù Huy Hà Vũ, bụng vượt mặt, hôm nay đi thăm nuôi nhân tiện khoe sắp sinh cháu đích tôn nối tiếp bậc tộc trưởng cho ông nội đang chịu án giam bảy năm! Không cho vào!
Lý do?
Dương Hà:
- Nghe cứ tức anh ách ấy! Họ nói, chưa hết ba mươi ngày, chưa sang tháng khác, còn hai ngày nữa mới sang tháng khác, chưa được vào thăm. Em bắt đền các anh đấy. Các anh vào nói hộ em đi.
Trọng và tôi vào, và gặp ngay lập tức một bác Trung tá có bộ mặt hoàn toàn giống như ông Đại tá giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Hệt như hai anh em. Các bạn cứ nhìn lại ảnh ông Ca thì hình dung được ông “em” này! Trên xe, chúng tôi đã bàn nhau về gương mặt quá xấu xí của người không tìm ra nổi ai là kẻ cầm loa ra lệnh rồi giương mắt nhìn xe cẩu giật đổ nhà ông Đoàn Văn Vươn – cái ngôi nhà gạch hai tầng mà ông ta “nói nhịu” gọi thành cái chòi – cái cuộc cướp bóc dân lành thời hiện đại được ông ta giở giọng cũng ra dáng “hiện đại” gọi là cuộc hành quân đáng để viết thành cả một giáo trình. Đánh giá của chúng tôi trong lúc xe bon bon dặm đường là như thế này: đó không thể là hình dong một cán bộ lãnh đạo tầm cỡ, mà chỉ có thể là hình dong một cai ngục! Và bây giờ chúng tôi gặp cai ngục Đỗ Ca. Kể từ đó, chúng tôi đều thay cái biển trên ngực ông để gọi ông bằng tên mới: Đỗ Phú.
Trọng và tôi thay nhau thuyết phục ông cai ngục Đỗ Hữu Phú:
- Nào, chào bạn Trung tá, bạn cho chúng tôi vào thăm chú Vũ chứ nhỉ?
- Chưa sang tháng sau. Còn hai ngày nữa.
- Chúng tôi biết vậy mà. Nhưng mong bạn thông cảm đi. Hai ngày nữa là trùng với ngày chúng tôi phải dự cuộc trao giải văn hoá Phan Châu Trinh cho những nhân vật rất oách nhé … Đồng chí Trung tá biết không: chúng tôi phải có mặt để hoan hô nhạc sĩ Trần Văn Khê, rồi nhà sử học Pháp Alain Ruscio bạn của đại tướng nhé, rồi ông bí thư thành Uỷ Hội An … rồi những nhà văn hoá cỡ lớn khác nữa … Biết bà Nguyễn Thị Bình chứ? Cháu ngoại cụ Phan đấy! Từng thay mặt Việt Nam cãi nhau với Mỹ đòi ký Hiệp nghị Paris đấy, biết chứ? Thôi, thông cảm, cho chúng mình thăm đi!
- Nhưng mỗi tháng chỉ được một lần thôi.
- Thì vưỡn! Chuyện mỗi tháng một lần ấy đến đàn bà cũng biết! Nhưng chỉ hai ngày nữa là sang tháng mới. Bác đại tá này thì phải về Sài Gòn kẻo lang thang mãi ở Hà Nội khi về dễ bị vợ mắng lắm. Đại tá về hưu là chúa sợ vợ. Đồng chí Trung tá, vài năm nữa đồng chí lên đại tá, rồi cũng sẽ về hưu, khi đó sẽ biết thế nào là sợ vợ cho mà coi.
- Nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Chúng tôi là cơ quan chức năng…
- Thôi, đồng ý đi, đời vui ấy mà, đau khổ làm gì cho nó … đau khổ! Cho chúng tôi vào nhé?
Chúng tôi còn nói cả thôi cả hồi nữa… Tôi thì đùa… đồng chí đại tá nhà văn thì nghiêm túc nói về tình người, ông cựu đặc công đương kim doanh nhân biểu tình thì lặng lẽ theo dõi gật gù (tội thân! người lịch sự thế mà lại chọc tức cha quận trưởng Từ Liêm làm nó nổi khùng nó xơi tái cho hẳn 5 ngày 5 đêm) … Cuối cùng em giai anh Ca nói:
- Dzzzưng mà cái nhà chị kia kìa lần trước phạm nội quy, làm người ta suýt bị kỷ luật!
- Đâu có, em có phạm gì đâu?
- Thế ai quay phim chụp ảnh rồi đưa lên mạng nữa?
- Đó là chú lái xe…
- Lái xe thì phải bảo nó chứ? Cơ quan nào thì cũng có nội quy. Ở đây là cơ quan chức năng cũng phải có nội quy chứ. Làm thế ai chịu được!
Lạy giời lạy đất, chút nữa thì kẻ thích đùa là tôi bật phá lên cười. Hoá ra ông ta cũng là người hiểu biết và có tình cảm đồng bào, chứ đâu đến nỗi. Chẳng qua ông ta uất hận vì vụ chụp ảnh lần trước. Thảm nào! Thảm nào, cẩn thận, ngoài cửa bây giờ đã có hẳn một cái bảng cấm quay phim và chụp ảnh.
Cuối cùng ông đem mấy cái giấy chứng minh và cuốn sổ thăm nuôi đi, hầm hầm nói lại rằng thì là đi báo cáo cấp trên…
Cấm quay phim chụp ảnh trước cổng trại
Nhại thơ bạn ông Huy Cân tặng nàng RiffaudTrong lúc ông Trung tá đi xin ý kiến cấp trên, chúng tôi ngồi lại với anh đại uý trực. Anh không đeo biển tên, nhưng chúng tôi lò mò hỏi tên, anh cũng nói: tên Nông. Đại tá Trọng thích chính xác:
- Nông như “nông nghiệp” chứ gì?
Anh gật đầu, đôi mắt nhỏ lim dim nheo nheo ti hí cười. Tôi có thói quen dành nhiều thiện cảm cho người mắt to. Nhưng bây giờ, vì tương lai con em chúng ta, vì đưa bé nằm trong bụng con dâu Cù Huy Hà Vũ, tôi cũng cầm lòng làm thân với người mắt bé.
Tôi làm quen với đại uý:
- Nào, đồng chí đại uý, cho mình phỏng vấn cái nha?
Ông ngồi yên, mắt vẫn lim dim nheo nheo. Mình hỏi:
- Hỏi thật đồng chí đại uý nhé: đồng chí có tin là ông Cù Huy Hà Vũ là người có tội không?
Ông vẫn ngồi yên, mắt vẫn lim dim nheo nheo như trước. Đại tá nhà văn nói như một lời bình:
- Im lặng vậy là đồng ý với câu hỏi rồi: chắc là Cù Huy Hà Vũ không có tội. Nếu có tội, thế nào cũng đáp thật nhanh. Hỏi cái đáp liền. Chắc như đinh đóng cột: có tội chứ!
- Thôi cho mình hỏi câu nữa nhé.
Đại uý bây giờ mới lên tiếng, nghe rất dễ mến:
- Hỏi thì được, nhưng không được hỏi buồn cười!
Thích thật. Các nhà ngoại giao nước ta nên học cách trả lời cánh báo chí như thế: hỏi gì thì hỏi, nhưng không được “hỏi buồn cười”. Nhưng mà, khốn khổ cái thân tôi, có khi nào tôi nghiêm túc được đâu? Hễ không châm chọc thiên hạ là tôi ăn không ngon ngủ không yên. Hôm nọ đi Hội An, dọc đường xe lửa Thống nhất cũng châm chọc được một anh Hải quan trẻ măng học Bách Khoa ra nhảy vô Hải quan sắp lấy vợ Ngân Hàng, phẩm chất cái cánh tay phải tợ thủ sở hữu bao nhiêu là trí tuệ vậy mà không biết gì là Tiên Lãng và anh Vươn! Sau đó lại nhờ châm chọc một gia đình nông dân Bến Tre đi đám cưới, bỗng biết khối thứ, biết thêm hoàn cảnh những cánh đồng nước lợ nuôi tôm giống như cánh đồng mênh mông mồ hôi nước mắt của anh Vươn … Chuyện hay nhưng nói bây giờ sợ lạc đề, lúc nào đó sẽ viết!
Bây giờ:
- Hỏi nhé: đồng chí đại uý có tin là hai cái bao cao su dùng rồi là có giá trị pháp lý và đạo lý không?
Đại uý bây giờ lạị ngồi im, dứt khoát giữ gìn bí mật quốc gia như giữ gìn con ngươi bên trong đôi mắt lim dim.
Định trêu tiếp, nhưng lúc đó có tin mừng cho Dương Hà, nên thôi. Đồng chí Trung tá Đỗ Hữu Phú không xuất hiện. Thay vào đó là hai đồng chí trung tá và một đồng chí thiếu uý trẻ măng, thon thả. Một đồng chí trung tá khi nói miệng phả ra sặc mùi cồn. Định trêu một phát, chấn chỉnh nội ngoại quy luôn thể, nhưng ở đây chúng hắn là vua, sợ hỏng việc của chị Dương Hà, nên thôi.
Lệnh: cho vào thăm, nhưng không cho hai ông họ Phạm và ông cựu đặc công họ Phan vào.
Lại dẻo mỏ thương lượng, hết lý thì đi tắt đón đường sang tình, hết tình thì lộn về làng xưa vòng vèo sang lý. Nhưng ở cái xứ sở nơi kẻ dẻo mỏ số Một cũng chỉ thuyết phục nổi những người tử tế chất phác cả tin thôi, rồi sẽ có Luật biểu tình mà, Hoàng Sa và Trường Sa là của ta mà, rồi sẽ bầu cử dân chủ như Việt Nam đã dạy bảo Miến Điện mà, rồi sẽ thay đổi tình trạng nông dân Tiên Lãng quá khổ cực vì lũ Ca-Hiền-Thành-Thoại mà, rồi sẽ nhờ Hải Phòng xử án thật đích đáng cái con tàu chìm mà … thì kẻ dẻo mỏ nghiệp dư như lũ mình làm sao thuyết phục nổi những đại diện chân chính ưu tú của cả một nền văn hoá mới dựng xây dưới ánh sáng của Bóng tối?
- Chúng tôi nói không là không. Yêu cầu đem đồ thăm nuôi sang kiểm tra.
Kiểm tra xong. Một anh từ “tự giác” mặc quần áo màu xám, đẩy một chiếc xe ba gác ra. Ngỡ là anh ta sẽ chở hộ đồ vào bên trong cách độ chừng 700 mét. Nhưng anh ta bỏ đó cho mẹ con nhà Dương Hà.
Mình lại quay qua mấy đồng chí cấp tá:
- Hay là cho chúng tôi chở hộ đồ thăm nuôi nhỉ?
Không ai thèm đáp. Nghĩa là hiểu ngầm: đừng có mà đùa nữa. Có muốn ở lại đây không? Ờ, có cho Dương Hà ở lại với chồng hôm nay không nhỉ? Đừng có mà đùa! Hai anh già một anh bảy-hai một anh tám-mốt, anh cựu đặc công từng bị công an Từ Liên cởi áo quần ra tẩn cho một trận tiện thể chất vấn “sao người mày nhiều sẹo vậy”, có muốn ở lại không nào? Ở luôn không xét xử như Bùi Hằng ở cái trại tập trung Thanh Hà ấy, nào?!
- Ô kê, ưu tiên Dương Hà … Em cho hai anh với thằng cu biểu tình hỏi thăm Cù Huy Hà Vũ nhé! Chào Madeleine Riffaud đi thăm nuôi chồng… Em đi … béo nhỏ … đường gầy …
- Sao lại “béo nhỏ” với “đường gầy”? Bóng nhỏ đường lầy chứ?
- Thế hử?
Bóng hai mẹ con cùng chiếc xe ba gác mất hút phía xa sâu trong trại. Thấp thoáng những ngôi nhà đẹp. Xưa trong Tuyên ngôn Độc Lập, bài văn hùng hồn lên án thực dân Pháp, “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”, bây giờ dân tộc ta đã có hẳn những nhà tù đẹp hơn trường học … Vinh quang quá đi chớ!
Cựu tù nhân Phan Trọng Khang, từng bị giam năm ngày vì “tội” tiếp tế bánh mì và La Vie cho dân biểu tình bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa (bên phải).
Thu hẹp nữa biên giới của Tự Do
Còn lại ba chúng tôi ngồi ở phòng chờ. Anh đại uý ở phòng gác bên cạnh có cửa thông sang phòng chờ bên này.
Tôi lại giở ngón đùa, nhưng lần này là đùa nội bộ, không trêu chọc thách thức nền văn hoá trại giam.
- Thế này nhé. Bây giờ chơi trò này nhé. Mình đóng vai những người đồng chí của tầng lớp cai ngục, hai ông đóng vai người đến thỉnh cầu. Chơi nhé? … Hai ông kia, đi đâu, việc gì?
- Dạ, hai chúng tôi đến đây thỉnh nguyện chuyện phát triển đất nước.
- Ô-kê. Phát triển đất nước. Dưng mà trình độ tới đâu mà dám lạm bàn phát triển đất nước? Chuyện này đã có người lo.
- Dạ, chúng tôi trí thức, “quốc gia hưng vong chúng tôi hữu trách” ạ.
- Giỏi! Trả lời được thì tha cho tội khinh cấp trên, không trả lời đựoc thì đánh đòn, hạ ngục. Trả lời này: căn cứ vào đâu mà nói “quốc gia đang hưng hay đang vong”?
- Căn cứ vào lòng dân đánh giá tình hình.
Tôi nhại giọng xẩm, hát chế một bài Ba anh em trong một chiếc xe tang sau đó chúng tôi cười ha hả vui vẻ như chưa từng đựơc làm trẻ con.
Chúng tôi bỏ trò vui hỏi đáp để thẳng thắn trực diện bàn với nhau nhiều câu hỏi hết sức lớn đang đặt ra trước vận mệnh của dân tộc. Những câu phân tích tình hình của ba chúng tôi nếu đem ghi lại thì có thể thành một giáo trình xã hội học thực sự đấy. Một giáo trình chắc chắn còn cần những bài giảng khác bổ sung. Nhưng rõ là một giáo trình. Đừng có mà ghép gộp chúng tôi với Đỗ Hữu Ca…
Ra về… chúng tôi chụp ảnh chung ở cổng trại. Họ ra xua xua không cho chúng tôi chụp. Ông nhà văn đại tá cãi “đây là bên ngoài trại”… Nhưng tôi khôn hơn, bảo lên xe đi kẻo nó tịch thu cái máy “Ai-bét” thì mất toi, nơi tù mù văn hoá trại giam biết đấy là đâu.
Xe đi cách xa chừng dăm trăm mét thì dừng lại chụp ảnh. Chụp từ xa, “dum” lại, vẫn sáng tỏ hơn sao trên trời. Cái nền văn hoá trại giam làm sao hiểu nổi thời đại kỹ thuật công nghệ ngày càng cao, cần gì phải đến tận nơi mới gọi là “gần”?
Hình như có bóng một người đang chạy ra chỗ xe chúng tôi dừng để chụp ảnh kỷ niệm. Hay thật đấy! Hoá ra họ muốn phát triển đất nước mở rộng bờ cõi trại giam ra cả những vùng nằm ngoài ranh giới trại giam. Ôi, những tham vọng thể hiện một trình độ văn hoá tuyệt vời!
Hà Nội, 22-3-2012,
Trước ngày giỗ Phan Châu Trinh 24-3-2012
P.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét