3.3.12

TỰ DO TRUYỀN THÔNG CỬA MỞ VÀO DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN



Ngô Quốc Sĩ
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã xác nhận những quyền tự do căn bản của con người, tiêu biểu và cấp thiết nhất là quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, nói chung là tự do phát biểu quan điểm, vốn là nền móng của tự do truyền thông, gồm báo chí truyền  thanh truyền hình  và cả hệ thống Internet hôm nay.
Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, quyền tự do truyền thông vẫn bị hạn chế hay bóp nghẹt tại nhiều quốc gia. Riêng Miến Điện, một quốc gia độc tài quân phiệt nhiều năm, vừa may mắn hé mở cánh cửa dân chủ và tự do truyền thông. Nhiều người tự hỏi, Miến Điện có thể là bài học cho Việt Nam không?


Tại các quốc gia dân chủ, tự do truyền thông thường đuợc tôn trọng tối đa. Cũng có lúc, vì lý do an ninh, tự do truyền thông có thể bị hạn chế phần nào, nhưng sự hạn chế đó thường có lý do chính đáng và không xâm phạm đến quyền tự do của người làm truyền thông. Chẳng hạn,tại Pháp, báo chí tự do đem ra ánh sáng chuyện tài chánh thiếu minh bạch của Tổng Thống Chirac mấy chục năm trước, mà không ai phiền hà trách cứ. Cũng thế, tai Hoa Kỳ, báo chí có thể thẳng thắn phê bình khả năng và cách điều hành đất nước của Tổng Thống, và mọi người coi đó là chuyện bình thường hợp lý. Tiêu biểu như Tổng Thống  đương nhiệm Obama đang  bị các ứng cử viên Cộng Hòa gọi là “Tổng Thống Food Stamp”, “Tổng Thống “big spending” hay “The  worst President” Tổng Thống tệ nhất lịch sử nuớc Mỹ”. Chính nhờ những phê bình thẳng thắn đó mà nền dân chủ Mỹ trở nên vững vàng hơn, và nước Mỹ trở nên hùng mạnh hơn, xứng đáng lá quốc gia lãnh đạo thế giới..
Tại các quốc gia cộng sản độc tài, thì trái lại, tự do truyền thông hoàn toàn bị bóp nghẹt. Tiêu biểu như tại Trung Quốc và Việt Nam,  Báo chí, truyền thanh, truyền hình mọc lên như nấm, nhưng đều do nhà nước quản lý và điều khiển theo chỉ thị và nhu cầu của chế độ. Thế nên,dưới chế độ cộng sản, không thể có tự do truyền thông , như lời  khẳng định của Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: “Không thể có các cơ quan truyền thông tư nhân tại Việt Nam..” Trong chủ trương hạn chế tối đa quyền tự do truyền thông đó, người làm truyền thông phải chọn lựa một thái độ, một chỗ đứng. Hoặc cúi đầu chấp nhận đi theo “lề phải”, làm dụng cụ tuyên truyền cho chế độ, hoặc  vuợt ra ngoài thông lệ, buớc đi theo “lề trái”, can đảm nói lên sự thật đàng sau những  xảo trá, che dấu, xuyên tạc và tuyên truyền nhẳm tô hồng chế độ. Nhưng đáng buồn thay! Tại các nước cộng sản, chấp nhận đi theo “lề trái” để nói lên sự thật chính là chấp nhận hiểm nguy, bắt bớ và tù tội, tiêu biểư như Lưu Hiểu Ba tại Trung Quốc, Điếu Cày và nhiếu ký giả khác tại Việt Nam.
Tại Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba, người mới đuợc  trao giải Nobel Hòa Bình năm ngoái, nguyên là Chủ Tịch Văn Bút Quốc Tế tại Trung Quốc,  đã từng bị Bắc kinh bỏ tù 11 năm, chỉ vì dám nói lên tiếng nói của dân chủ và nhân quyền!
Tại Việt Nam, trước đây, hai ký giả báo Tuổi Trẻ và  báo Thanh Niên, là Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã bị bắt giam vì dám phơi bày chuyện tham nhũng của các quan chức cộng sản, vốn đuợc coi là chuyện cấm kỵ tại Việt Nam, vì không  ai muốn “rút dây động rừng”. Hôm nay  thế giới còn phẫn nộ hơn với trường hợp nhà báo Điếu Cày, bị Hà Nội bỏ tù một cách phi pháp và bất nhân, không tiết lộ tin tức cho vợ con! Hiện nay,  không ai biết anh còn sống hay đã bị thủ tiêu? Hẳn người ta còn nhớ, Bác Sĩ  Phạm Hồng Sơn bị kết án 8 năm tù, chỉ vì phổ biến tài liệu “dân chủ là gì” trên mạng lưới Internet! Trường hợp nhà báo Nguyễn Khắc Toàn mới được trả tự do sau nhiều năm tù tội, cũng chỉ vì anh đã dám nói lên tiếng nói của dân oan lao động. Hiện nay, nhà báo Huỳnh Ngọc Tuấn, cũng đang bị cộng sản sách nhiễu trấn áp, chỉ vì anh quyết nói lên tiếng nói của lương tâm trước những bất nhân và bất công tột đỉnhcủa chế độ.
Trung Quốc là thế! Việt Nam là thế! Nhìn qua Miến Điện, một luồng gió mới đang thổi vào một quốc gia đã bị chế độ  độc tài quân phiệt đè nén nhiều Năm, làm cho thế giới thở phào khích lệ. Nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Aun Sang Suiki, sau 19 năm bị quản chế, nay được cởi trói, tự do hoạt động và chuẩn bị ứng cử vào Quốc Hội Miến. Bà rất có triển vọng trở thành Thủ Tướng hay Tổng Thống Miến sau nàY! Điều đáng nói nhất là chínhh quyền Rangoon đã cho phép một cơ quan truyền thông lưu vong tại hải ngoại về nước hoạt động. Đó là đài Phát Thanh Tiếng Nói Dân Chủ Miến, từ Oslo, Na Uy, phát tiếng nói dân chủ về Miến trong nhiều năm qua, tương tự như  đài Đáp Lời Sông Núi, tiếng nói dân chủ của người Việt phát thanh về Việt Nam hiện nay trên tần số đài BBC Luân Đôn trước kia..Trước sự cởi mở dân chủ và cho tự do truyền thông tại Miến Điện, nhiều người tự hỏi, bao giờ đến lượt Việt Nam? Bao giờ đài Đáp Lời Sông Núi được về Việt Nam hoạt động?
Hỏi chính là trả lời, bởi lẽ mùa xuân Ả Rập đã triển nở tại Miến Điện, nhờ công lao tranh đấu không mệt mỏi của các nhà dân chủ Miến.  Tại Việt Nam, tiếng nói dân chủ cũng đã vang lên một cách kiên cường với trí thức, dân oan, giáo oan, nhất là những  người trẻ yêu nước thiết tha.  Nhưng, như nhận xét của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, đây chỉ là những ngọn gió khởi đầu, chuẩn bị cho cơn bão dân chủ sắp sửa bùng lên. Mong dân Việt chất thêm củi, đổ thêm dầu  cho cơn bảo lửa bùng  thật sớm,  thiêu rụi bạo cường, quét sạch bất công và bất nhân, mở tung cánh cửa dân chủ đa nguyên.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: