"Việc đẩy mạnh tuyên truyền “bản đồ chữ U”, “Tây Sa”, “Nam Sa” gieo vào tâm lý mọi người quan điểm sai lầm rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc và đường chữ U là một điều bình thường”. Năm này qua năm khác, quan điểm và ấn tượng sai lầm đó sẽ trở thành kiến thức phổ thông trên thế giới. Ngay cả số ít biết sự thật cũng có thể đánh giá là Việt Nam không quan tâm đủ về Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U cho nên để cho quan điểm của Trung Quốc được đăng tải khắp thế giới". - Ts Dương Danh Huy.
*
Từ nước Anh, nhà nghiên cứu biển Đông Dương Danh Huy trao đổi với Thanh Niên về việc Trung Quốc huy động 13 bộ ngành để thực hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.
Trung Quốc liên tục tăng cường tàu hải giám trên các vùng biển tranh chấp - Ảnh: Sinodefence
Thưa tiến sĩ Dương Danh Huy, động thái mới này cho thấy Trung Quốc đang thực sự muốn điều gì?
Mục đích của Trung Quốc là chiếm hết các đảo, chiếm “diện tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” có thể trên các vùng biển. Để đạt mục đích, họ dùng một số cái “không”: Không công nhận Hoàng Sa là vùng đang tranh chấp chủ quyền; Không đàm phán chủ quyền đối với các đảo ở Trường Sa; Không xác định phạm vi vùng biển mà họ có yêu sách; Không xác định điều họ yêu sách trong vùng biển đó; Không chọn một cơ sở nhất định cho yêu sách đó; Không chấp nhận đưa tranh chấp ra bất cứ trọng tài quốc tế nào; Không chấp nhận ý kiến của các nước ngoài khu vực. Những cái “không” trên nhằm tạo ra tình trạng không thể giải quyết được tranh chấp, bỏ ngỏ nhiều khả năng cho yêu sách của họ về biển, tung hỏa mù chống phê bình.
Trong môi trường được tạo ra như thế, Trung Quốc tận dụng cơ hội mở rộng và củng cố kiểm soát trên thực tế cũng như những gì họ có thể cho là sự công nhận chủ quyền và quyền chủ quyền của họ.
Liệu Trung Quốc sẽ công bố tọa độ của đường chữ U (vốn xưa nay rất mơ hồ) như họ vừa bóng gió hay không?
Hiện nay đường chữ U, với 9 đoạn đứt khúc, chứa sự mập mờ có lợi cho Trung Quốc. Nếu bị phê phán như một ranh giới biển phi lý, Trung Quốc có thể chống chế “Chúng tôi đòi các đảo bên trong đường đó” nhằm tránh né lời phê bình “ranh giới biển phi lý”, mặc dù sự thật là nói như thế không có nghĩa các yêu sách của họ về biển không ra đến đường đó.
Nếu Trung Quốc công bố tọa độ của đường chữ U với thế giới thì việc làm đó trong hoàn cảnh hiện nay làm cho đường này mang dáng dấp của một ranh giới biển. Như vậy, việc tuyên bố tọa độ của đường chữ U sẽ làm mất đi phần nào hỏa mù chống phê bình của đường chữ U hiện tại. Nếu Trung Quốc tuyên bố như thế thì đó là một bước leo thang trong tranh chấp biển, nhưng ngược lại, nó cũng làm cho các nước khác cảnh giác hơn. Bị mất đi phần nào hỏa mù cũng sẽ làm cho đường chữ U bị phê bình nhiều hơn.
Lâu nay, TQ đã ráo riết tuyên truyền yêu sách của họ, từ trong nước ra thế giới, mà bằng chứng là “bản đồ chữ U”, “bản đồ Tây Sa”, “Nam Sa”… được phát hành khắp nơi. Giờ đây, với việc họ đẩy mạnh hơn nữa thì tình hình sẽ như thế nào?
Việc đẩy mạnh tuyên truyền “bản đồ chữ U”, “Tây Sa”, “Nam Sa” gieo vào tâm lý mọi người quan điểm sai lầm rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc và đường chữ U là một điều bình thường”. Năm này qua năm khác, quan điểm và ấn tượng sai lầm đó sẽ trở thành kiến thức phổ thông trên thế giới. Ngay cả số ít biết sự thật cũng có thể đánh giá là Việt Nam không quan tâm đủ về Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U cho nên để cho quan điểm của Trung Quốc được đăng tải khắp thế giới.
Đỗ Hùng (thực hiện)
Hội thảo An ninh hàng hải Đông Nam Á Hội thảo diễn ra trong hai ngày 29 và 30.3 với 9 phiên thảo luận gồm nhiều chủ đề đang nổi lên ở vùng biển trong khu vực như: bảo vệ nguồn tài nguyên biển, khuôn khổ pháp lý an ninh biển. Trong đó, hội thảo cũng bàn về những quan ngại an ninh liên quan đến nghề cá như cơ sở pháp lý đánh bắt ở khu vực. Phát biểu khai mạc, ông Carl Baker, Giám đốc chương trình Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS, khẳng định hội thảo sẽ diễn ra với những trao đổi cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng mọi ý kiến khác biệt.
Ngô Minh Trí |
Tiến sĩ Trần Ngọc Tiến Dũng (Canada): Việt Nam cần chủ động hơn Đầu tiên đáng lưu tâm là sự tuyên truyền “đường lưỡi bò” không phải là tự phát của một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà là chính sách đến từ cấp trung ương, phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành của TQ. Lúc trước họ tuyên truyền trong nước, thì những năm gần đây, họ đẩy mạnh tuyên truyền ra cộng đồng quốc tế mọi lúc mọi nơi có thể, từ bản đồ đường bay của hàng không Trung Quốc đến họa đồ vị trí nghiên cứu của các bài báo khoa học. Có thể nói Trung Quốc dùng chiến thuật “biển người” để biến không thành có, đặc biệt mượn đường khoa học để che lấp khiếm khuyết trong tuyên bố chủ quyền. Trong hội nghị thường niên của Hội Địa vật lý Mỹ năm 2011, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy tất cả các bản đồ biển Đông tại đây đều thể hiện nổi bật phần “lưỡi bò”, mặc dù không vẽ đường chữ U đứt đoạn. Tại hội nghị, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng sử dụng các tên gọi “Nansha”, “Xisha” trong các báo cáo khoa học về biển Đông. Thật đáng buồn khi Việt Nam luôn chậm một nhịp so với Trung Quốc trong tuyên truyền chủ quyền. Lúc trước, khi Trung Quốc tuyên truyền cho người dân trong nước rằng chủ quyền biển Đông là của họ, thì Việt Nam vẫn xem điều đó như một chủ đề nhạy cảm. Gần đây, Việt Nam công khai vấn đề này và tuyên truyền rất thành công trong nước, thì Trung Quốc tiến hành tuyên truyền ra thế giới hòng kiếm sự thừa nhận của quốc tế về chủ quyền tại biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng nỗ lực vạch trần mưu đồ của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế. Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những cách thức tuyên truyền bài bản của Trung Quốc về chủ quyền biển Đông đòi hỏi Việt Nam cần đưa ra chính sách đối phó. Đó là: công khai đầu tư và khuyến khích nghiên cứu khoa học về biển Đông bằng kế hoạch dài hạn. Chính phủ Việt Nam cần công bố và cho phép tiếp cận rộng rãi thông tin nghiên cứu khoa học biển Đông ở trong và ngoài nước. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho học giả Việt Nam giới thiệu các nghiên cứu biển Đông ra quốc tế, khuyến khích hợp tác quốc tế sâu rộng. Chúng ta cũng có thể tranh thủ sự tôn trọng lẽ phải của giới học giả gốc Trung Quốc làm việc nước ngoài, thường có cái nhìn khách quan hơn so với người Trung Quốc đại lục. Một số bài báo khoa học do tác giả Trung Quốc làm việc ở nước ngoài đã không đính kèm “đường lưỡi bò”. Bên cạnh lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chúng ta cần có các hoạt động theo chiều rộng. Chẳng hạn ngày Biển đảo Việt Nam không chỉ được tổ chức trong nước mà còn ở nước ngoài để bà con Việt kiều cùng góp sức. Việt Nam cũng có thể tận dụng các diễn đàn thanh niên quốc tế, những chương trình giao lưu văn hóa để nêu bật chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, và qua đó tố cáo sự phi nghĩa trong yêu sách của Trung Quốc. T.N.T.D |
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120329/vach-ro-am-muu-duong-luoi-bo.aspx
0 Ý kiến:
Đăng một Nhận xét