Ngoại trưởng các nước Asean chụp ảnh chung trước Hội nghị thượng đỉnh, Phnompenh, 02/04/2012
REUTERS/Samrang Pring
Thanh Phương
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ khai mạc ngày mai 03/04/2012 tại Phnom Penh, ngay sau khi chuyến viếng thăm Cam Bốt của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kết thúc. Hệ quả của chuyến đi này là Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN, sẽ không đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh, khai mạc ngày mai. Từ Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :
Thanh Phương (Phnom Penh)
02/04/2012
Nghe (02:08)
Với một dụng ý khá rõ rệt, bản Tuyên bố chung Cam Bốt Trung Quốc sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Phnom Penh ( 30/03 đến 02/04 ) cũng đã được phân phát tại Trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hôm nay, tuy rằng chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc không có quan hệ trực tiếp với hội nghị này.
Chi tiết nói trên cho thấy là chiếc bóng của Trung Quốc bao trùm Thượng đỉnh Phnom Penh, sẽ khai mạc ngày mai, và ai cũng thấy rằng chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào không phải là một sự trùng hợp về thời điểm, mà đã có sự tính toán.
Với hàng chục triệu đôla tiền cho vay và viện trợ, chủ tịch Trung Quốc đã thuyết phục được lãnh đạo nước chủ nhà Cam Bốt, đương kim chủ tịch ASEAN, không đặt nặng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong chương trình nghị sự Thượng đỉnh Phnom Penh.
Trong bản thông cáo chung, hai nước Cam Bốt và Trung Quốc đồng ý với nhau là Trung Quốc và ASEAN nên tiếp tục thực hiện đầy đủ bản Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC. Hai nước cũng đã thoả thuận là vấn đề Biển Đông không nên được « quốc tế hóa » mà chỉ nên được giải quyết trong khuôn khổ ASEAN.
Theo lời phát ngôn viên thủ tướng Hun Sen hôm qua, về mặt chính thức, Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh và nếu có nước nào nêu lên hồ sơ này, thì các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ chỉ bàn đến việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử mà thôi.
Như vậy gần như chắc chắn là, thượng đỉnh ASEAN lần này sẽ không có bước tiến gì đáng kể trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với bốn nước ASEAN, đặc biệt sẽ không bàn đến việc soạn một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn. Theo báo chí Phnom Penh hôm nay, khi gặp thủ tướng Hun Sen hôm thứ bảy vừa qua, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói là, đi « quá nhanh » trong vấn đề này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực.
Trước thái độ của Cam Bốt, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay đã yêu cầu các đồng nhiệm Đông Nam Á là khối ASEAN phải có một lập trường chung dối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, cụ thể là phải đồng ý với nhau về một bản dự thảo Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, trước khi họp với Trung Quốc. Theo phái đoàn Manila, vấn đề Biển Đông phải đạt tiến bộ về thực chất, chứ không phải về hình thức và trong hồ sơ này, luật quốc tế phải được đặt lên trên hết. Lập trường của Philippines đã được tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ủng hộ.
Thanh Phương, Phnom Penh, RFI
TAGS: ASEAN - BIỂN ĐÔNG - CAM BỐT - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét