Các bước trừng phạt Miến Điện từ:
Hoa Kỳ
- 17 tháng Tư 2012: Bộ Tài chánh Mỹ cho phép những nhóm ở Hoa Kỳ làm từ thiện và công tác nhân đạo tại Miến Điện. - 4 tháng Tư 2012: Các bước chế tài được nới lỏng thêm.
- Cấm vận vũ khí, cấm đầu tư tại Miến Điện và nhiều hàng nhập khẩu.
EU
- 13 tháng Tư 2012: Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi nới lỏng trừng phạt Miến Điện khi đến thăm nước này. - Tháng 2 năm 2012 Bỏ hạn chế visa nhập cảnh đối với một số giới chức cấp cao.
- Cấm bán vũ khí, giới hạn xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư.
Úc
- 16 tháng Tư 2012: Bỏ hạn chế du hành, ngoại trừ đối với các sĩ quan quân đội cao cấp và những nghi can vi phạm nhân quyền.
- Áp đặt trừng phạt với tập đoàn lãnh đạo Miến Điện trong năm 2007.
Canada
- 12 tháng Tư 2012: Ngoại trưởng John Baird cho biết đang duyệt lại các bước trừng phạt.
- Cấm xuất khẩu vũ khí và mọi loại hàng không liên quan đến nhân đạo, năm 1988.
Nhật
Loan báo bắt đầu lại toàn bộ viện trợ phát triển vào tháng 2 năm 2012, sau 9 năm tạm ngưng.
Hoa Kỳ đã nới lỏng một lệnh cấm đầu tư, một số hạn chế về du hành và các biện pháp chế tài khác hồi đầu tháng này, sau khi Miến Điện tổ chức các cuộc bầu cử bổ túc trong đó chính đảng của lãnh tụ đòi dân chủ Aung San Suu Kyi đã thắng nhiều ghế. Chủ tịch tiểu ban Hạ viện đặc trách vùng châu Á Thái Bình Dương, dân biểu Donald Manzullo của đảng Cộng Hòa, đã bày tỏ sự lạc quan dè dặt về những thay đổi ở Miến Điện.

Ông Manzullo nói: “Tôi thành thực hy vọng rằng các hành động này ở Miến Điện mở đầu cho một tiến trình hòa giải chính trị có ý nghĩa. Tuy nhiên, ta không nên quên đi một thực tế là Miến Điện đã trải qua 50 năm dưới chế độ độc tài quân trị, và những người cầm quyền sẽ không từ bỏ quyền lực trong một sớm một chiều.”

Nhiều nhà lập pháp đã hỏi các nhân chứng tại buổi điều trần liệu họ có tin rằng các cải cách chính trị ở Miến Điện là thực sự, lâu dài và có thực chất hay không, và theo họ thì điều gì đã thúc đẩy chính phủ được quân đội hậu thuẫn này thực hiện các biện pháp ngoạn mục như thế. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách vùng Đông Á Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell nói rằng cách đây 50 năm, Miến Điện đã từng là quốc gia sinh động và nhiều hứa hẹn nhất ở Đông Á. Ông Campbell nói hiện giờ, Miến Điện lại là một trong các nước lạc hậu nhất trong vùng, và trên thế giới, và ông tin rằng một số các nhà lãnh đạo nước này nhận thức được điều này.

Ông Campbell nhận xét: “Tôi nghĩ một động cơ lớn là đưa nước này vào thế kỷ thứ 21, và lánh xa một lịch sử đã bị bao trùm bằng bạo lực, đàn áp và thiếu cơ hội.”

Liên hiệp châu Âu đã đi xa hơn so với Hoa Kỳ, và hôm thứ Hai đã loan báo sẽ đình chỉ gần như toàn bộ các biện pháp chế tài đối với Miến Điện, ngoại trừ một lệnh cấm vận vũ khí. Nhưng cựu dân biểu Tom Andrews, hiện đang là chủ tịch của tổ chức “Đoàn kết để chấm dứt nạn diệt chủng,” cảnh báo rằng chính phủ Miến Điện vẫn có thể vô hiệu hòa bất cứ thay đổi tích cực nào. Ông Andrews đã có mặt tại Miến Điện sau cuộc bầu cử, và nói rằng ngoài thủ đô, thì quân đội vẫn có các hành vi bạo lực nhắm vào thường dân vô tội.

Ông Andrews nói: "Áp lực kinh tế đã giúp thúc đẩy tiến bộ tại Miến Điện. Tưởng thưởng quá nhanh để đổi lấy quá ít, sẽ khiến cho Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế không còn sức mạnh nữa.”

Ông Andrews nói ông hiểu rõ ý nguyện về phía cộng đồng quốc tế muốn tuyên bố Miến Điện là một gương thành công. Nhưng ông nói Quốc Hội Hoa Kỳ và chính quyền Obama phải cân nhắc các biện pháp một cách khôn khéo trong những tháng sắp tới, cho đến khi toàn bộ các hành vi tàn ác của chính phủ nhắm vào người dân Miến Điện ngưng hẳn.