21.4.12

Suy nghĩ từ vụ án Anders Behring Breivik



Song Chi -Nguoiviet
 
Những ngày này tại thủ đô Oslo của Na Uy đang diễn ra phiên tòa xử Anders Behring Breivik, kẻ đã gây ra vụ khủng bố thế kỷ giết chết 77 người vào ngày 22 tháng 7, 2011. Phiên tòa bắt đầu từ Thứ Hai 16 tháng 4, 2012 và dự kiến kéo dài 10 tuần lễ.
Tay sát nhân Anders Behring Breivik (trái) thuộc nhóm quá khích nói với luật sư của y ở phiên tòa ngày 20 tháng 4, 2012. Breivik mô tả lại chi tiết về vụ thảm sát mà anh ta là thủ phạm. (Hình: Solum, Stian Lysberg/AFP/Getty Images)
Ðối với Na Uy, quốc gia chưa hề có bạo loạn, khủng bố, còn chiến tranh thì cũng đã lùi xa rất lâu kể từ sau thế chiến tranh thứ hai, đây là một cú sốc lớn. Ngay cả với các quốc gia khác, luôn nghĩ về Na Uy như một thiên đường bình yên, cũng có cảm giác này.
Sau khi vụ khủng bố xảy ra, rất nhiều người dân Na Uy đã luôn trăn trở với câu hỏi tại sao. Còn thế giới thì tự hỏi liệu các chính sách với người nhập cư, người Hồi Giáo, cũng như sự tự do cởi mở dân chủ mà người dân nước này rất tự hào liệu có thay đổi?
Kể cả hình phạt tử hình bị bãi bỏ từ lâu ở Na Uy, sau vụ Anders Behring Breivik, không phải không có những người đã nêu ra vấn đề phải chăng nên thiết lập lại án tử hình dành cho những kẻ khủng bố gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng như vậy?
Nhưng Na Uy, một trong những quốc gia nhiều năm nay luôn đi đầu trong cuộc chiến chống lại án tử hình, thông qua Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ và Ðại Hội Ðồng LHQ, chắc chắn sẽ không từ bỏ nguyên tắc của mình.
Còn đối với người dân?
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi báo Dagbladet vào tháng 10, 2011, chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra sự kiện bi thảm này đã đưa ra kết quả: vụ khủng bố đã không làm thay đổi thái độ của người dân Na Uy đối với hình phạt tử hình.
Chỉ có 16% người được hỏi đồng ý với việc lập lại án tử hình, ngay cả với trường hợp Anders Behring Breivik. 68% phản đối trong khi 16% nói rằng họ không biết.
Như đại biểu Quốc Hội Laila Gustavsen (37 tuổi), mẹ của cô gái Martha Ødegården (18 tuổi), đã bị bắn trên đảo Utợya nhưng sống sót mặc dù bị thương nặng, trong một bài báo trên tờ Aftenposten trước đó cũng không nghĩ rằng bà cảm thấy Anders Breivik Behring bị trừng phạt đủ. Tuy nhiên, bà sẽ không thay đổi quan điểm về án tử hình.
(Bài“Nordmenn vil ikke at Breivik skal henrettes,” (“Người Na Uy không muốn Breivik sẽ bị tử hình”), báo Dagbladet.
Gần một năm sau khi xảy ra sự việc, quan điểm của nhà nước Na Uy cũng như những chính sách về người nhập cư có vẻ như không có thay đổi gì. Như cam kết của Thủ Tướng Jens Stoltenberg trong bài diễn văn tại nhà thờ lớn ở Oslo hai ngày sau vụ khủng bố:
“Chúng ta vẫn đang bị shock bởi điều đã xảy ra, nhưng chúng ta sẽ không từ bỏ các giá trị của mình. Câu trả lời của chúng ta là dân chủ hơn, cởi mở hơn, nhân văn hơn nữa. Nhưng không bao giờ ngây thơ.”
“Vi er fortsatt rystet av det som traff oss, men vi gir aldri opp våre verdier.
Vårt svar er mer demokrati, mer åpenhet og mer humanitet. Men aldri naivitet.”
Suốt thời gian kể sau vụ khủng bố cho đến thời điểm hiện tại, khi Anders Behring Breivik ra tòa, báo chí ở Na Uy có khá nhiều bài viết về kẻ sát nhân máu lạnh này.
Nhưng nếu theo dõi người ta sẽ thấy tuyệt đối không có những ngôn ngữ bôi nhọ, bôi bẩn đời tư của y. Mặc dù báo chí cũng trình bày y có vẻ là một con người thất bại, bỏ học trước khi xong trung học, không bằng cấp, bỏ việc, thường dành thời gian cho việc chơi game bạo lực, có khi lên đến 16 giờ một ngày.
Khi ra tòa, Anders Behring Breivik mặc veston thắt cravate, thái độ hết sức bình tĩnh, đôi khi còn mỉm cười ngạo mạn. Yđược phép trình bày những quan điểm, lập luận của mình trong một tiếng đồng hồ, mặc dù y phàn nàn y cần nhiều thời gian hơn gấp nhiều lần.
Không hể tỏ ra ân hận một chút nào về những việc đã làm, Anders Behring Breivik khẳng định nếu có thể y sẽ lập lại vụ khủng bố một lần nữa, rằng lẽ ra quả bom đã có thể giết chết toàn bộ thành viên trong chính phủ. Rằng bà Cựu Thủ Tướng Gro Harlem Brundtland mới là mục tiêu chính của y khi tìm ra đảo Utợya, rằng nếu có bà ở đó, y sẽ chặt đầu bà, rằng y muốn giết chết cả 500 thanh thiếu niên trên đảo... Tất cả chỉ vì muốn bảo vệ Na Uy khỏi cái họa đa văn hóa v.v...
Những người còn sống sót sau vụ khủng bố và gia đình của các nạn nhân ngồi khóc lặng lẽ, lắc đầu kinh tởm trước những lời lẽ tàn nhẫn của y. Nhưng họ không có những phản ứng quá khích như la lối chửi bới đòi y phải chết đi chẳng hạn.
Nhìn phiên tòa xử Anders Behring Breivik tôi lại chạnh lòng nghĩ đến những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến, những luật sư, blogger... chỉ lên tiếng một cách ôn hòa ở VN.
Sẽ không thỏa đáng khi so sánh tính chất của các vụ việc, các phiên tòa. Anders Behring Breivik là một kẻ khủng bố, một tên sát nhân máu lạnh thực sự. Không chỉ giết hại nhiều sinh mạng vô tội, sự thiệt hại mà y gây ra cho đất nước Na Uy khá là nặng nề: Sự bình yên của đất nước này trong cái nhìn của thế giới đã bị phá vỡ.
Dù muốn dù không, kể từ sau ngày 22 tháng 7, 2011, những con vi khuẩn của sự hoài nghi, chia rẽ... cũng len vào trong xã hội.
Trong khi đó, những vụ án bị gọi là tuyên truyền chống phá chế độ, có xử hoặc không xử ở VN, khác hẳn. Từ vụ Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, thầy giáo Vũ Hùng và 9 người khác, Luật Sư Lê Công Ðịnh và những người bạn v.v... Và sắp tới đây là blogger Ðiếu Cày - tức nhà báo Nguyễn Văn Hải, blogger Anh Ba SG tức luật gia Phan Thanh Hải, blogger Công lý và Sự Thật tức nhà báo, Luật Sư Tạ Phong Tần...
Khác từ tính chất vụ án, mức độ thiệt hại cho chế độ chứ hoàn toàn không phải “thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân” như luận điệu của nhà cầm quyền, cho đến cách sử sự của nhà cầm quyền, cách xử án...
Những vụ án có tính chất chính trị ở VN, thực tế chỉ là những con người đang thực hiện quyền tự do ngôn luận theo đúng hiến pháp VN hoặc đang đấu tranh một cách ôn hòa không có vũ khí nào ngoài cây bút, lòng yêu nước và lương tâm. Nhưng đã “được” nhà cấm quyền thêm thắt, nâng lên thành những thành phần nguy hiểm cho chế độ.
Nhà cầm quyền đã đối xử với họ một cách không thể bẩn hơn được nữa: Huy động báo chí truyền hình nhà nước phải viết bài bôi nhọ, vu khống, bơi móc đời tư với những ngôn từ bẩn thỉu. Quay video cắt ghép dàn dựng thành những đoạn phim nhận tội để hạ thấp nhân phẩm. Dàn dựng những lý do ngụy tạo như trốn thuế, vụ án mua dâm với bằng chứng hai bao cao su...
Ngay từ khi mới bị tạm giữ, thông qua báo chí truyền thông, nhà nước cộng sản VN đã tuyên án cho họ rồi, còn trước khi phiên tòa diễn ra thì bên an ninh đã can thiệp, định sẵn những mức án, thường là quá nặng nề.
Toàn bộ phiên tòa thường diễn ra không quá một ngày, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của an ninh, công an, người thân được phép đi dự chỉ một vài người, thay vào đó là những “quần chúng được chọn lựa.” Những phiên tòa lố bịch, trò hề, án bỏ túi... như người dân thường nhận xét một cách mai mỉa.
Nhà giam ở VN thì kinh khủng, nhất là đối với tù chính trị, điều này cũng khác một trời một vực với Na Uy.
Những vụ án kiểu này là những minh chứng rõ ràng nhất cho bản chất luật rừng, sự chà đạp lên mọi tiêu chuẩn tối thiểu về một nhà nước pháp trị, chà đạp lên nhân quyền, phẩm giá con người và những trò chơi bẩn quen thuộc của nhà nước VN.
Thế mà họ vẫn cứ tự xưng rằng chính quyền này là chính danh, là nhà nước điều hành theo luật pháp, dân chủ gấp ngàn lần cái dân chủ của bọn tư bản...!
Sự thực thì ngay từ ngày đầu tiên cướp chính quyền ở miền Bắc vào tháng 8, 1945, giành chính quyền trên cả nước vào tháng 4, 1975 cho đến nay, đảng và nhà nước cộng sản VN thừa biết rằng họ hoàn toàn không chính danh, không xứng đáng với đất nước, với dân tộc. Cái vị trí cầm quyền mà họ có được bao lâu nay là từ sự trớ trêu oan trái của vận mệnh VN mà thôi. Cho nên họ sợ hãi. Và càng sợ hãi, họ càng căm thù, càng triệt hạ thẳng tay mọi mầm mống phản đối từ trong trứng nước!

Góp Ý

Không có nhận xét nào: