Việt-Long, RFA
2012-04-20
Trận đánh đặc công của lực lượng Haqqani-Taliban vào Kabul hôm thứ hai 16 tháng tư 2012 vừa ngã ngũ thì báo chí phương Tây đã vội đem so sánh với trận tổng công kích tết Mậu thân 1968 ở Việt Nam. Nam Nguyên của đài Á Châu Tự Do gọi đó là hội chứng “kinh cung chỉ điểu”.
Hôm thứ hai tuần này tại Afghanistan lực lượng Haqqani-Taliban mở cuộc tấn công bất ngờ vào các cơ sở quân sự, hành chính và một số toà đại sứ ngoại quốc tại Kabul, cùng với một số điểm chiến thuật ở các tỉnh lân cận.
Quân đội Afghanistan là chủ lực phản kích, sau 18 giờ đã tiêu diệt hầu hết lực lượng tấn công và ổn định tình hình. Ngay lập tức một số báo chí Hoa Kỳ và châu Âu đem so sánh trận đánh này với trận Tết Mậu Thân 1968 ở Việt Nam, và vội "tiên đoán" Kabul sẽ sụp đổ sau khi quân đồng minh rút đi.
So sánh khập khiễng
Sự so sánh như vậy khiến những người am tường về chiến tranh Việt Nam thấy ngay sự khập khiễng và cũng thấy ngay “hội chứng Việt Nam” của một thành phần trong báo chí phương Tây.
Nhìn kỹ, trận đánh này chỉ có rất ít điểm tương đồng với trận Tết Mậu Thân ở Việt Nam, và nhìn qua cũng thấy nó khác xa trận tổng công kích 1968 về quy mô, diễn tiến và kết quả.
Giống nhau ở ý đồ chiến lược, khi lực lượng Taliban muốn chứng tỏ họ còn thừa sức tấn công vào tận thủ đô sau khi các cấp chỉ huy NATO tuyên bố lực lượng này đã yếu kém nhiều. Taliban mong bẻ gãy ý chí chiến đấu của người dân và chính quyền thuộc khối NATO có quân tham chiến, giống như mục đích mà quân miền Bắc Việt Nam đã thực hiện sau khi tướng Westmoreland tuyên bố trong năm 1967 là đang giành chiến thắng và sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Hai trận cũng có một vẻ tương đồng ở một khía cạnh chiến thuật, khi quân Haqqani lặp lại chiến thuật sử dụng biệt kích/ đặc công để tấn công trong thành phố mà họ đã làm năm ngoái.
Năm 1968 quân Cộng Sản cũng đánh đặc công cảm tử vào toà đại sứ Mỹ, tấn công chiếm đài phát thanh Sài Gòn, bộ tư lệnh Hải quân... nhưng không được tiếp ứng đúng kế hoạch nên đều bị tiêu diệt trọn vẹn… Và dường như sự tương đồng chỉ có vậy thôi, nhất là ở tổn thất 100% tử vong của bên khai chiến.
Xưa kia trận Mậu thân có quy mô lớn hơn nhiều, về quân số tham chiến, về các chiến trường trên toàn quốc, về mức tổn thất của hai bên. Và tuy đó là một thất bại quân sự nhưng phía miền Bắc Việt Nam được cho là đã đạt kết quả tinh thần rất to lớn, khi họ bẻ gãy ý chí chiến đấu cho Việt Nam của người dân Hoa Kỳ.
Câu hỏi đặt ra là báo chí phương Tây căn cứ vào đâu mà so sánh trận Kabul 2012 với trận Mậu thân ở 1968 Việt Nam?
Thực ra chẳng phải đến nay báo chí phương Tây mới đem Việt Nam ra so sánh trong một cuộc chiến có quân Mỹ tham chiến. Từ những cuộc chiến ở Lebanon, Somalia cho đến cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhì cũng vậy, báo chí Mỹ và châu Âu đều nói quá nhiều về cái gọi là “một Việt Nam thứ nhì” cho Hoa Kỳ.
Tại Iraq và Afghanistan, các chính quyền Saddam Hussein và Taliban cũng lớn tiếng hăm doạ sẽ lập lại bài học Việt Nam cho quân đội Mỹ. Nhưng cách đây gần mười năm đài Á Châu Tự Do đã phân tích chiến cuộc Afghanistan và chiến tranh Iraq lần thứ nhì ngay từ trước khi Saddam Hussein bị bắt, và đã kết luận Hoa Kỳ không thể bị sa lầy, Baghdad và Kabul thân phương Tây sẽ đứng vững sau khi quân Mỹ rút về nước.
"Kinh cung chi điểu"
Có thể nói báo chí Hoa Kỳ và châu Âu chỉ mang tâm lý “kinh cung chi điểu”, con chim bị tên thấy cành cong cũng sợ!
Tại Afghanistan lần này thì ngoài Hoa Kỳ còn có lực lượng của NATO. Nên báo chí châu Âu cũng lời ra tiếng vào và xác định chính quyền Hamid Karzai sẽ sụp đổ sau khi quân NATO rút đi vào năm 2014, chẳng khác nào Việt Nam Cộng Hoà sau khi quân Mỹ cuốn cờ năm 1973! Sự so sánh này có thể được đánh giá ra sao?
So sánh cho chính xác và cụ thể nhất là dựa trên những con số. Tổn thất của quân Taliban tại Kabul hôm thứ hai 16 tháng tư 2012 là 33 tử trận. Tính cả các trận đánh ở Logar, Jalalabad, Paktia thì cả hai bên chỉ có gần 50 thương vong. Quân số tham chiến của Taliban cộng lại chỉ là những trung đội cho tới vài đại đội, chưa tới mức một tiểu đoàn, mà lại chia lẻ thành những tổ đặc công.
So với Việt Nam năm 1968, quân số tham chiến của quân miền Bắc và Mặt trận giải phóng tính tổng cộng khoảng 100 tiểu đoàn gồm 84 ngàn quân chủ lực trong tổng số 220 ngàn quân trên khắp lãnh thổ miền Nam, theo tài liệu của Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa phổ biến mới đây.
Vẫn theo những tài liệu này, trong năm 1967 miền Bắc đã đưa vào nam 94 ngàn quân, 120 ngàn tấn vũ khí, tiếp liệu. Trung Quốc chi viện qua Sihanoukville hơn 122 ngàn tấn vũ khí và tiếp liệu. Số tử trận sau ba đợt tấn công năm Mậu Thân, bên Cộng Sản là 58 ngàn, VNCH 5 ngàn, quân Mỹ khoảng 4 ngàn, theo số liệu của bộ Tổng tham mưu QLVNCH. Và các tài liệu mới đây cho biết hạ tầng cơ sở chính trị của phe Cộng Sản đã bị xoá sạch khi quân đội VNCH mở các cuộc hành quân truy kích, lục soát trên khắp lãnh thổ từ Quảng Trị đến Cà Mau, không mất một tỉnh nào.
Cho nên so sánh cho đúng, quân Taliban chẳng bao giờ có được mức viện trợ, viện binh như vậy. Vậy chừng nào mới khởi động chiến dịch đánh đổ chế độ Kabul bằng trận địa chiến như 6 quân đoàn miền Bắc Việt Nam võ trang đến tận răng, vượt trội QLVNCH, tổng tấn công trong vòng tháng 3, tháng 4 năm 1975 để đánh đổ chính quyền VNCH?
Từ 1979 đến 1989 quân Taliban kháng chiến mạnh mẽ khiến quân Liên Xô phải rút về nước với tổn thất nặng nề, và sau cùng Taliban đánh dứt điểm được chính quyền Naijibullah thân Nga là nhờ nguồn tiếp trợ dồi dào không chính thức về quân sự, kinh tế của vô số quốc gia chống Liên Xô, từ Mỹ, Anh, Israel, đến cả Trung Quốc và khối Hồi giáo gồm Á Rập Xê-Út và nước Pakistan láng giềng. Ngày nay Taliban chỉ được yểm trợ nhỏ nhoi về chiến thuật và quân số do một số thành phần cực đoan ở Pakistan, Tajikistan, liệu đến đời nào mới làm nên chuyện?
Taliban đạt thành quả nào?
Tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến cho rằng năm 1968 phía miền Bắc Việt Nam đã đạt được chiến thắng về tâm lý, đưa đến việc Mỹ đàm phán và rút quân. Lần này liệu Taliban có đạt được “chiến thắng tâm lý” như vậy chăng?
Xét kỹ, đề tài “chiến thắng tâm lý” ở trận Mậu Thân cũng còn gặp nhiều bàn cãi, nhưng quân miền Bắc Việt Nam nếu có đạt được chiến thắng tâm lý thì chỉ khi nào gây cho quân đội Mỹ tổn thất đáng kể, dù phía VNDCCH cũng như quân đội VNCH tổn thất bao nhiêu dân Mỹ cũng không đếm xỉa.
Con số 4 ngàn quân Mỹ tử vong trong trận Mậu thân là một con số rất lớn, mặc dù bên miền Bắc Việt Nam tổn thất gấp hơn 10 lần. Trường hợp ở Kabul mới đây không có người Mỹ hay châu Âu nào thiệt mạng, chỉ có báo chí đem làm nổi đề tài này lên. Và thực ra cũng không mấy ai kết luận là Kabul sẽ sụp đổ sau này, trong khi nhiều tờ báo được công chúng chú ý cũng chỉ nêu đề tài như một dấu hỏi, một giả thuyết trong nghi vấn, nên khó thấy được điều gì gọi là "chiến thắng tâm lý" của lực lượng Taliban.
Cuối cùng, trong tuần này Tổng thống Hamid Karzai vừa đòi Hoa Kỳ phải ký xuống giấy trắng mực đen rõ ràng để cam kết viện trợ tối thiểu 2 tỷ đô la mỗi năm sau khi rút hết quân vào năm 2014. Phải chăng đó là dấu hiệu ông ta lo việc Mỹ bỏ rơi, trong khi mới hôm thứ năm ông vẫn yêu cầu quân đồng minh rút khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt để giành phần chính nghĩa cho Kabul?
Đó đúng là tâm lý sợ bị bỏ rơi, nhưng ông Hamid Karzai đã tỏ lộ tâm lý ấy từ lâu, chẳng phải lúc này. Đến bây giờ nhà lãnh đạo chính phủ Afghanistan mới tỏ ra cương quyết ra giá rõ ràng, trước khi khối NATO họp tại Brussels để bàn ngân sách chiến tranh cho Afghanistan.
Và Hoa Kỳ đã tỏ ý chấp nhận đáp ứng mức tối thiểu đó, đồng thời ngỏ ý tin tưởng đồng minh NATO cũng sẽ chấp nhận.
Và Hoa Kỳ đã tỏ ý chấp nhận đáp ứng mức tối thiểu đó, đồng thời ngỏ ý tin tưởng đồng minh NATO cũng sẽ chấp nhận.
Những công cụ trợ giúp
Phần âm thanh | |
Tải xuống âm thanh | |
Email bản tin này | |
Tải xuống bài này | |
Đăng ký bản tin | |
In bản tin này | |
Chia sẻ bài này |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét