Lê Thái (Danlambao) - Ngày xưa và ngày nay tưởng rằng là xa thế nhưng xét cho cùng, vẫn nằm trên cùng một dòng trục thời gian, mà ngày xưa ở đầu kia xa lắc, còn ngày nay ở đầu phía bên này của hiện thực. Tôi đứng ở đầu này của dòng thời gian, nhớ thầy, nhớ lại những gì thầy đã dạy: “Con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước ắt vỡ bờ.” Vâng, em tin như thế, thầy ơi! Nhất định phải là như thế. Và em ước một lần nữa được nhìn lại gương mặt thỏa nguyện của thầy khi thầy cất cao câu nói của chị Dậu: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”...
*
Bỗng dưng mấy hôm nay tôi chợt nhớ đến đoạn trích Tức Nước Vỡ Bờ (được trích từ quyển tiểu thuyết Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, lần đầu tiên xuất hiện trên báo Việt Nữ vào năm 1937) mà tôi đã được học hồi năm lớp Chín, bậc phổ thông. Dẫu đã hơn hai mươi năm trôi qua rồi, mà đoạn trích ấy, và cả tác phẩm ấy, như vẫn còn hằn sâu trong tâm trí tôi.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại nhớ đến đoạn trích này. Đọc và xem tin về vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, tôi đã thấy đau và thấy xót lắm. Ngoài lý do đó, còn có một lý do khác có liên quan đến ký ức – ký ức của tôi về một người thầy. Đó là ông thầy dạy Văn năm lớp Chín phổ thông của tôi. Tôi là thằng học trò cưng của thầy. Không có lần phát bài luận văn nào mà thầy lại không giữ bài của tôi lại để đọc cho cả lớp cùng nghe, với một giọng điệu vừa tự hào, vừa rất đỗi trìu mến. Thầy luôn cho các bài luận của tôi chín điểm và thầy nói thầy chẳng cho ai mười điểm bao giờ, trong suốt cuộc đời đi dạy học của thầy.
Đã có nhiều lần phát bài như thế trong suốt một năm học, nhưng tôi nhớ rõ nhất là ngày phát bài luận với chủ đề “Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật chị Dậu trong trích đoạn Tức Nước Vỡ Bờ”. Đọc bài của tôi, mắt thầy ngân ngấn nước, giọng thầy hơi rung. Thầy nói phân tích của tôi đã chạm được vào trái tim của người đọc, làm họ cảm thấy thương nhân vật chị Dậu này quá. Thương và tội cho chị. Tội chung cho cả những người nông dân Việt Nam của đầu thế kỷ hai mươi.
Nhớ lại, đúng là tội thật. Bọn cường hào, ác bá ngày đó lộng hành quá, chúng hạch sách, sách nhiễu người dân đủ điều. Sưu cao thuế nặng và bao nhiêu thứ oan khiên khác cứ mặc tình mà đổ xuống đầu những người nông dân hiền lành, chất phác, và nghèo đến cực cùng. Ca dao Việt Nam có câu:
Con ơi nhớ lấy lời này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Không có gì khốn nạn hơn và đáng lên án hơn khi mà chính chúng - những tên quan tham ô lại - thay vì làm nhiệm vụ “dân chi phụ mẫu” (đối xử với dân như bậc cha mẹ lo cho con cái) thì chúng lại lợi dụng chức quyền của mình để bòn rút những đồng tiền vốn đã còm cõi của những người nông dân chân lấm, tay bùn, suốt tháng quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất.
Cướp! Chúng cướp hết! Bằng đủ mọi hình thức. Chị Dậu chạy đôn, chạy đáo bán tất cả mọi thứ mới đủ nộp suất thuế thân cho chồng, lại bị chúng buộc đóng thêm suất thuế cho người chết. Chết rồi mà vẫn phải đóng thuế! Nỗi oan rành rành ra đó mà chẳng thể nào giải được. Bao lần lên phủ, lên huyện ăn chực, nằm chờ để kêu oan, nhưng có ai nghe đâu mà kêu với réo. Chị quay về mái nhà tranh nhìn người chồng đã bị bọn chúng đánh đập dã man đến mang bệnh mà cảm thấy bất lực, không biết làm sao để thoát ra khỏi được cái bế tắc của cuộc đời mình.
Và đấy là đoạn mà giọng thầy đã nghẹn lại, gần như khóc: Đến người bệnh chúng cũng chẳng tha, nhà chị đã trống quơ, trống hoác, chẳng còn lại gì, mà một lũ ác ôn đầu trâu, mặt ngựa vẫn cứ nhất quyết xông vào để vơ vét. Cái hình ảnh cả một bọn cai lệ hung hãn, hách dịch, ỷ đông hè nhau xông vào để trấn áp một chị nông dân cô lẻ đã làm bật lên những tiếng thét gào cùng cực cho những phận người quá rẻ rúng, đã trót sống phải nhằm thời kỳ mạt vận, khi mà bọn cường quyền gian ác cấu kết với nhau và không từ bất cứ thủ đoạn nào để vơ vét làm giàu trên những cái xác khô cằn của đồng loại.
Con giun xéo mãi cũng quằn. “Tức nước” ắt “vỡ bờ”. Người đàn bà lực điền ấy, cuối cùng, nghiến chặt hai hàm răng lại và bật lên tiếng thách thức đầy phẫn nộ: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”. Rồi chị túm cổ tên cai lệ ấn giúi ra phía cửa. “Đó là một kết cuộc tất yếu cho mọi đè ép, bất công quá mức trong cuộc đời này.” Tôi vẫn còn nhớ đó là câu nói sau cùng thầy nói trước khi trao trả bài luận viết lại cho tôi. Sự bất mãn và tức giận vẫn còn hằn sâu trên gương mặt thầy. Thầy tôi vốn nhân hậu. Thầy nói thầy không chịu đựng nỗi khi phải nghe, phải nhìn thấy cảnh con người cùng chung nguồn cội lại nỡ lòng nào ức hiếp lẫn nhau.
Lâu quá rồi tôi đã không còn biết tin gì về thầy nữa, không biết thầy còn sống hay đã chết. Lần gặp thầy lần cuối là một kỷ niệm buồn. Lần đó, tôi trở về thăm quê khi vừa hoàn thành xong chương trình đại học và trở thành một đồng nghiệp của thầy. Vừa bước vào một quán cà phê, tôi ngỡ ngàng nhận ra thầy đang ngồi ở một góc quán với một bàn vé số kế bên: thầy đang bán vé số. Trên người thầy vẫn là bộ quần áo thầy đã mặc khi đứng trên bục giảng hơn bảy năm về trước, giờ đây đã sờn vai, bạc màu. Thầy tôi đó sao? Tôi như không tin vào mắt mình. Chưa kịp bật lên hai tiếng “thầy ơi”, tôi đã bắt gặp ánh mắt thầy ngượng ngùng lẫn tránh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Một vài năm sau, tôi có việc gấp, phải rời quê hương.
Ngày ấy thầy có dạy chúng tôi: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mới mà mọi thứ đều là của chung, mọi thứ đều phải được sung vào công quĩ.” Nhớ lại lời thầy dạy, tôi bỗng đâm lo cho thầy: Không biết sau khi tôi đi rồi, cái bàn vé số kiếm sống qua ngày của thầy có được sung vào công quĩ không? Nếu có thì rồi thầy lấy gì mà sống. Càng nghĩ tôi càng đâm lo và tự trách mình đã không thể liên lạc được với thầy trong chừng ấy năm.
Đã hơn hai mươi năm qua trôi qua, bất chợt nhớ thầy, tôi lại nhớ về chị Dậu, nhớ về “Tức Nước Vỡ Bờ”.
Người ta nói: “Con người không thể nào tắm hai lần trên cùng một dòng nước chảy”. Câu ấy có nghĩa là lịch sử thường không lặp lại. Thế mà, sao tôi lại nhìn thấy bóng dáng của những người nông dân khốn khổ, đáng thương của một thế kỷ trước lại mơ hồ vương vất trên những cánh đồng hôm nay của Văn Giang, của những vùng đất trải dài từ Nam ra Bắc? Những oan hồn nào đã không thể siêu sinh? Định mệnh nào lại nghiệt ngã đến thế với những người con dân Việt?
Ngày xưa và ngày nay tưởng rằng là xa thế nhưng xét cho cùng, vẫn nằm trên cùng một dòng trục thời gian, mà ngày xưa ở đầu kia xa lắc, còn ngày nay ở đầu phía bên này của hiện thực. Tôi đứng ở đầu này của dòng thời gian, nhớ thầy, nhớ lại những gì thầy đã dạy: “Con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước ắt vỡ bờ.” Vâng, em tin như thế, thầy ơi! Nhất định phải là như thế. Và em ước một lần nữa được nhìn lại gương mặt thỏa nguyện của thầy khi thầy cất cao câu nói của chị Dậu: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”.
28/04/2012
1 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA