Từ ngày Việt Nam mở cửa, nhiều người Mỹ từng được gửi tới phục vụ tại Việt Nam trong thời chiến đã trở lại thăm những nơi họ từng đồn trú rất sớm, nhưng cũng có những người chờ rất lâu và mới chỉ trở lại thăm Việt Nam lần đầu. Trong số này là ông Steve Ingraham hiện đang tham gia tour du lịch có tên là Vietnambattlefield tours. 

Ông Steve Ingraham
Courtesy of Mr. Ingraham
Ông Steve Ingraham
Ngay từ lúc mới đặt chân đến Hà Nội, ông đã quá ngạc nhiên về con số người trẻ chiếm thành phần dân số đông đảo; trong y phục kiểu tây phương, họ sử dụng điện thoại di động và phóng xe gắn máy, cả rừng xe gắn máy, điều khiến ông ngạc nhiên nữa là cô hầu bàn tại Hà Nội bữa tối hôm đó mặc chiếc áo dài với quần jean!  Đoàn du lịch ghé thăm trụ sở của công cuộc tìm kiếm tù nhân chiến tranh và những người mất tích trong chiến tranh. 

Ông cho biết nơi đây người ta vẫn cảm thấy nỗi đau của những người đã mất bạn bè, mất đồng ngũ, nỗi đau không thể nguôi ngoai. Chính đây là nguyên nhân thúc đẩy ông trở lại và nhắc nhở cho những cựu quân nhân này là cuộc chiến đã lấy đi quá nhiều sinh mạng. Giờ đây những người lính trẻ khi xưa đã ngoài 60, gần 70, vẫn nhìn lại qúa khứ để tìm kiếm một câu trả lời mà hầu như không bao giờ hiện hữu. 

Giữa thập niên 1960, ông Steve Ingraham tình nguyện tham gia quân đội và được điều sang Việt nam, phục vụ trong ngành truyền tin của lực lượng thủy quân lục chiến và đồn trú tại Chu Lai gần Đà Nẵng. Từ lúc đến tới khi đi, ông chưa từng ghé Sài Gòn. 

Trong chuyến đi này ông cũng không ghé Sài gòn mà chỉ đến những nơi mà những thành viên trong đoàn gồm 24 người, từng đồn trú trước đây. Khi được hỏi tại sao đến bây giờ ông mới trở lại thăm Việt Nam, ông nói là không có cơ hội, chỉ khi ông tìm thấy tour này mới ghi tên đi, với mục đích thăm những nơi chốn cũ mà lúc nào ông cũng mong trở lại. Đến Đà Nẵng, nơi chốn cũ, ông không thể nhận ra:

"Thật là phấn khởi khi nhìn thấy Việt nam phát triển. Thành phố phát triển hơn là vùng quê. Cái thế giới xưa kia đó bây giờ đã mất hẳn, ngoại trừ  những đồng ruộng và làng mạc thì vẫn như cũ. Thành phố thì khác, nó giống như bất cứ thành phố nào trên thế giới. Người ta hoàn toàn không thể nhận ra Đà Nẵng nữa. Khi tôi ở đây, chỉ có chừng 1 triệu dân thôi. Bây giờ là 10 triệu. Khi tôi ở đây, tài sản của Đà Nẵng chỉ bằng chừng 1/10 hiện nay. Nói chung thì dân Đà Nẵng đông gấp 10 lần và giàu gấp 10 . Ngày tôi ở đây chỉ có ít xe gắn máy, ít xe hơi thôi, bây gì thì cả rừng xe gắn máy, nhiều xe hơi hơn, những tòa nhà đồ sộ mọc lên khắp nơi. Nó là một thế giới khác hẳn, vượt ra khỏi những gì mà người ta có thể tưởng tượng so với xưa kia (gần nửa thế kỷ trước)". 

Ông cũng thường hay hỏi chuyện người dân ngoài đường phố và  nói lên những cảm nhận của ông về người dân bình thường : 

"Chúng tôi cũng nói chuyện với người dân. Người Việt luôn luôn thân thiện, cởi mở và vui vẻ, và đó là điều không hề thay đổi, vẫn giống như những người mà tôi biết 46 năm về trước. Tôi hỏi chuyện họ, họ trả lời dường như rất vui, tôi không có ý niệm rõ vì tôi không đến nhà ai cả, tôi đoán là nhà ở của họ rất đông người. Ở đây chỗ nào cũng đông đúc, đường xá đông đúc,  nhà cửa đều đông đúc."

Đúc kết những cảm nghĩ về Việt Nam Nam ngày nay, ông nói: 

"Về mặt tích cực, Việt nam là một quốc gia trẻ trung, rất năng động, tiến rất nhanh, người dân thật dễ mến, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ, một nơi rất thích thú. Về mặt tiêu cực thì quá đông đúc trong thành phố, và lại quá nghèo ở nông thôn. Chính phủ vẫn còn kiểm soát những gì mà người dân đọc hay nói, và cái cảm nghĩ chính của tôi là tránh xa chính trị thì được yên thân. Giờ đây thì người dân Việt Nam có tự do kinh tế nhưng không có tự do chính trị. Nhưng họ tăng trưởng thật nhanh và làm ăn tấn tới. Tôi cho là họ sẽ tiếp tục đà này trong một thời gian nữa, nhất là khi Việt nam có một dân số trẻ trung đến như vậy."

Ông Robert Burke
Người tổ chức tour du lịch Vietnambattlefieldtours.com, Ông Bob Burke, cho biết năm 2001 ông trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên và từ đó ông bắt đầu cùng với 4 đối tác người Mỹ đứng ra tổ chức các tour du lịch theo nhu cầu của khách tham gia, thường là những cựu quân nhân Mỹ muốn trở lại thăm những nơi mà trước đây họ đã từng đồn trú để nhớ  lại những kỷ niệm cũ và tìm hiểu về Việt nam ngày nay. Những người tham gia các tour có khi  là giáo sư hay các nhóm sinh viên của các trường đại học muốn tổ chức du khảo Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của đất nước này. Được hỏi là từ năm 2001 đến nay đi lại Việt nam rất nhiều lần, ông có nhận xét gì về đất nước này ngày hôm nay, ông trả lời: 

"Tôi vẫn trở lại Việt Nam từ năm 2001, sự thay đổi ở đó là một hiện tượng. Mỗi lần tôi trở lại là thấy tăng trưởng mạnh, nhiều công trình xây cất, nhiều đường xá mới được xây, các phi trường được cải thiện. Tôi mới đến Qui Nhơn mấy ngày trước, thấy nhà máy lọc dầu, các xưởng máy và các cơ sở .Dường như phẩm chất đời sống có tốt hơn. Dường như người dân không bị quá nhiều áp lực. Tuy vẫn có người nghèo nhưng nói chung, mỗi lần tôi trở lại đều chứng kiến nhiều thay đổi tích cực."  

Courtesy of Mr. Brown
Ông Robert Brown
Bác sỹ quân y Robert Brown, 86 tuổi đã hồi hưu cách nay 17 năm , cho biết ông đã tình nguyện sang Việt Nam  phục vụ từ năm 1967 đến 1968. Lúc đó ông là sỹ quan chỉ huy tiểu đoàn 3 quân y, sư đoàn 3 thủy quân lục chiến đóng tại căn cứ Phú Bài, Huế. Ông đã từng chỉ huy tiểu đoàn quân y chăm sóc sức khỏe cho các quân nhân và cứu chữa cho các thương binh, ngay cả những thương binh của đối phương. Bác sỹ cho biết ông đặt chân đến Đà Nẵng xong là được máy bay đưa đến căn cứ ngay, và 365 ngày tại Phú Bài là 365 ngày cật lực làm việc. 

Ông đã có mặt ở căn cứ vào thời điểm xảy ra vụ tổng tấn công tết Mậu Thân và trận Khe Sanh. Vào lúc trận chiến thật ác liệt, mỗi tuần trung bình, bác sỹ phải đến Khe Sanh ít nhất 2 lần để cứu chữa và chỉ huy việc tải thương.  Giải thích lý do ông tình nguyện xin sang Việt Nam phục vụ thời đó, Bác sỹ Brown cho biết :

"Tôi cảm thấy được sống trong một quốc gia vĩ đại nhất thế giới, và cơ hội cho tôi trở thành một bác sỹ lẽ ra không có nếu tôi không được sống ở đất nước này. Vì vậy tình nguyện sang Việt nam là một phần để tôi đền đáp phúc đức được ra đời ở đây, có một gia đình êm ấm, và có khả năng phục vụ."

Bác sỹ Brown tự nhận là một người phi chính trị. Ông không chống mà cũng không ủng hộ cuộc chiến. Ông phục vụ trong quân đội vì lý do đã giải thích như trên, và thi hành phận sự, chăm sóc sức khỏe và tận tâm cứu chữa cho tất cả những ai cần đến khả năng phục vụ của ông. 

Cũng giống như ông Steve Ingraham thời đồn trú tại Việt Nam, 365 ngày làm việc túi bụi, bác sỹ Brown chưa từng biết đến Sài Gòn. 

Cách nay 3 năm, ông trở về thăm Việt Nam trong 5 ngày. Từ Singapore ông đáp máy bay tới Hà Nội, vào Sài gòn, tới Đông Hà, rồi Phú Bài và Huế để xem lại nơi ông đã từng đồn trú và làm việc trong suốt một năm trời.  Bác sỹ Brown cho biết cảm tưởûng :

"Tôi ngạc nhiên là không còn mảy may dấu tích gì nhắc nhở đến cuộc chiến từng xảy ra, ngoại trừ là khi tôi ở Sài gòn, với sự nhồi sọ của chính phủ khi tôi đến thăm viện bảo tàng, trên một bức tường bày những hình ảnh về đơn vị của tôi tại Khe Sanh cứu chữa các thương binh, tôi bỏ đi ra, không chịu được. Nhưng ngoài chuyện đó ra, tôi không thấy còn tàn tích gì của chiến tranh. Phải nhận rằng người miền bắc không được tiến bộ như người miền nam (ý ông muốn nói vào thời chiến tranh), nhưng cả tôi lẫn vợ tôi đều rất ấn tượng với thái độ chung của người dân bây giờ, họ hết sức tử tế với chúng tôi, dù là người Bắc hay người Nam, họ cho tôi rất nhiều ấn tượng tốt cũng như những gì họ đạt được kể từ sau chiến tranh. 

Quí vị vừa nghe cảm nghĩ của một số cưụ chiến binh Mỹ về nước Việt Nam ngày nay, sau khoảng thời gian trên 40 năm mới trở lại thăm những nơi họ đồn trú khi xưa.