RFA 31.03.2012
Có hay không chuyện Việt Nam rút lại visa của phái đoàn Tòa Thánh Vatican? Tin tức nói có, Bộ ngoại giao Việt Nam nói không….
File photo
Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận (trái) lúc sinh thời từng giữ Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa thánh Vatican, ảnh chụp trước đây.
VN rút visa phái đoàn Vatican?
Kính thưa quý vị, chuyện bắt đầu rộ lên hồi cuối tuần trước, sau khi các nguồn tin Công giáo cho hay, một phái đoàn của Tòa thánh Vatican sẽ đến Việt Nam để thu thập chứng từ phục vụ cho việc phong thánh Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Và chỉ vài ngày sau các hãng thông tấn AP của Mỹ và AFP của Pháp trích dẫn các nguồn tin thân cận với Giáo hội Công giáo Hoàn vũ cho biết, Việt Nam đã quyết định rút lại visa của phái đoàn tòa thánh.
Tuy nhiên, lên tiếng trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Tư 28 tháng 3, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị bác bỏ chuyện Việt Nam đã cấp visa cho phái đoàn Tòa Thánh xong rồi lại rút lại.
Theo ông Lương Thanh Nghị, Việt Nam không nhận được yêu cầu của phía Vatican về việc muốn vào Việt Nam để làm công tác. Ông Nghị còn nhấn mạnh rằng phía Hà Nội luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho phái đoàn từ Vatican để làm việc dưới sự đồng thuận của cả hai bên.
Thưa quý vị, thực hư của câu chuyện visa Tòa thánh đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, sự việc lại một lần nữa gợi lại trường hợp của Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Là cháu của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, từng du học tại Roma, trở về nước và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, sau biến cố tháng Tư năm 1975, Ngài bị đưa vào trại cải tạo 13 năm.
Được trả tự do vào năm 1988, Ngài bị buộc phải rời Việt Nam đi sống lưu vong.
Được Đức giáo hoàng John Paul-lồ đệ nhị phong tước Hồng y vào năm 2001, Đức cha Nguyễn Văn Thuận từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa thánh Vatican, trước khi qua đời vì bệnh ung thư năm 2002.
HRW phản đối bản án của MS Chính
Họ không cho một luật sư nào bào chữa. Họ nói ông MS Chính có những cuộc phỏng vấn bên ngoài nói xấu chính quyền, đảng và nhà nước.
Bà Trần Thị Hồng
Cũng trong lĩnh vực tôn giáo, tuần này Việt Nam đưa ra xét xử và kết án Mục sư Nguyễn Công Chính 11 năm tù giam.
Bị công an Gia Lai bắt giữ từ hôm 28 tháng 4 năm 2011, Mục sư Nguyễn Công Chính, 43 tuổi, bị kết tội “cấu kết với các tổ chứ phản động, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, và gây bất ổn an ninh quốc gia…”
Trả lời Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi phiên xử kết thúc, bà Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Nguyễn Công Chính, cho biết:
“Phiên tòa đã kết thúc với bản án 11 năm tù. Họ không cho một luật sư nào bào chữa. Họ nói ông MS Chính có những cuộc phỏng vấn bên ngoài nói xấu chính quyền, đảng và nhà nước. Có những bài viết đưa lên, xuyên tạc là vi phạm. Ông Ms Chính cũng bình tĩnh trả lời những điều họ buộc.
Mục sư Nguyễn Công Chính đã bị cơ quan Công An tỉnh Gia Lai khởi tố và bắt giam hôm 28/04/2011. File Photo.
Họ yêu cầu ông thành khẩn nhận tội. Ông nói rằng ông chỉ có tội với Chúa, chứ không hề có tội gì với Nhà Nước. Gia đình ông bị mất đất đai, ủi sập, mất quyền tự do đi lại nên ông phải đấu tranh; chứ không có gì vi phạm với chính thể, Nhà nước này.”
Phản ứng về bản án nặng nề đối với Mục sư Nguyễn Công Chính, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cho rằng: “Đây là một bằng chứng mới cho thấy chính quyền Việt Nam, tuy cam kết tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế đã hành động ngược lại”.
TQ phản đối VN-Philippines tập trận chung
Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, Việt Nam tuần qua ghi nhận một số hoạt động ngoại giao của Việt Nam liên quan đến Biển Đông.
Tuần này Việt Nam cùng lúc đón tiếp chuyến viếng thăm của tân Ngoại trưởng Úc, và tuần dương hạm Vendemiaire của Pháp cập cảng Sài Gòn.
Được biết, ngoài các quan hệ song phương, một trong những nội dung được Ngoại trưởng Úc Bob Carr bàn thảo với các giới chức Việt Nam là vấn đề an ninh khu vực, trong bối cảnh nước Úc ngày càng mở rộng cho các hoạt động quân sự của Mỹ.
Tuần này, Việt Nam cũng được mời tham dự cuộc tập trận hải quân chung với Philippines và Thái Lan. Và cũng như thường lệ, Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng phản đối.
Một ngày sau khi Trung tá Omar Tonsay, phát ngôn viên của hải quân Philippines, chính thức thông báo về cuộc tập trận hải quân với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Việt Nam và Philippines chớ nên mở các cuộc tuần tra quân sự hay diễn tập chung trong Biển Ðông”.
Theo Bắc Kinh, hoạt động này của hải quân Việt Nam và Philippines có thể làm phúc tạp thêm tình hình trong vùng biển đang có nhiều tranh chấp này. Và cũng một lần nữa, phát ngôn viên của Bắc Kinh cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ chống đối mọi hoạt động của hải quân nước khác trong khu vực này”.
Vụ án Đoàn Văn Vươn
Và cuối cùng, thưa quý vị, có tới 50 cán bộ bị xử lý trong vụ án Đoàn Văn Vươn.
Căn nhà 2 tầng của anh Vươn ở Tiên Lãng bị Lực lượng cưỡng chế san bằng hôm 05/1/2012. Photo courtesy of nld.
Theo thông cáo của Thành ủy Hải Phòng sau cuộc họp vào chiều thứ Năm 29-3, ngoài 50 cán bộ và 25 đoàn thể tố chức bị kiểm điểm, xử lý trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, tập thể Ban cán sự Đảng và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng bị kỷ luật khiển trách.
Việc thành ủy Hải Phòng thông báo quyết định xử lý vụ việc diễn ra chỉ 2 ngày trước thời điểm 31 tháng 3, là hạn cuối cùng chính quyền thành phố phải báo cáo Thủ tướng về kết quả xứ lý vụ án gây nhiều bức xúc trong công luận này.
Nhắc lại, vụ tranh chấp nổ ra hôm 5 tháng 1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội đã được huy động tới cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Cho là bị cưỡng chế oan ức, những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã gài mìn tự chế và chống trả bằng súng hoa cải; khiến 6 cán bộ bị thương.
Sau đó, 4 anh em của ông Đoàn Văn Vươn bị công an bắt giam và khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ và sử dụng vũ khí trái phép…
Trước những oan ức của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, công luận và báo chí đã đồng loạt lên tiếng, khiến cho đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải can thiệp vào vụ án, và buộc chính quyền thành phố Hải Phòng cũng như huyện Tiên Lãng phải xem xét lại toàn bộ sự việc.
Đến nay, cho dù vẫn chưa có kết luận cuối cùng, anh em nhà ông Vươn vẫn còn nằm trong vòng lao lý; nhưng ít ra chính phủ Trung ương cũng đã có những hành động cho thấy là các quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đều trái pháp luật và yêu cầu chính quyền Hải Phòng sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.
Việt Nam Tuần Qua xin kính chào tạm biệt.
Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần
Theo dòng thời sự:
Mục sư Nguyễn Công Chính bị tuyên án 11 năm tù giam
USCIRF đề nghị đưa VN trở lại CPC
Công an sách nhiễu chùa Giác Hoa ở Saigon
Chỉnh đốn Đảng từ góc độ tự do tôn giáo
Việt Nam tìm cách giải quyết các vấn đề tôn giáo và đất đai
Vì sao Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp?
Tiên Lãng - Giơ cao đánh khẽ?
Vụ Tiên Lãng - sự bùng nổ của mâu thuẫn
Đầm tôm bị cưỡng chế giờ ra sao?
Vợ ông Đoàn Văn Vươn kể lại những gì đã xảy ra trong vụ nổ súng ở Hải Phòng
Ông Đoàn Văn Vươn là người như thế nào?
Khi cán bộ Tiên Lãng "không chịu hiểu"
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
In bản tin này Email bản tin này
Ý kiến của Bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét