11.5.12

Ba Sài Gòn & Hồn Pháp Luật



S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (RFA Blog) - Pháp luật là kết tinh trí tuệ và lương tri của cả nhân loại. Một vài cá nhân, lúc này hay lúc khác, có thể sử dụng nó cho các mục đích phi nhân đạo, nhưng chừng nào trí tuệ và lương tri còn tồn tại, thì pháp luật vẫn còn có đầy đủ giá trị của nó, nó vẫn sẽ được bảo vệ. - Nguyễn Thị Từ Huy

Có bữa, tôi nghe Anh Ba Sài Gòn bỏ nhỏ: “Đã là dân tất nhiên người ta có thể kể ra hàng ngàn chuyện buộc phải ‘bỏ qua’ nhưng giá như có một lời xin lỗi, chỉ một lời thôi ..."

“Ví dụ như ngư dân đánh cá đã không được bảo vệ trên ‘biển của mình’ và tuyệt vọng khốn cùng vì bị quân giặc bắt giữ đòi tiền chuộc. Ví dụ như 70 người dân Phú Yên bất ngờ thiệt mạng trong một đêm vì mưa lớn kèm thủy điện đồng loạt xả lũ. Ví dụ như hàng triệu người dân đang sống trong những khu quy hoạch treo vài chục năm. Ví dụ như hàng vạn lá đơn khiếu nại chưa được giải quyết thỏa đáng. Ví dụ như những con đường ngốn vài trăm tỷ tiền dân ‘vừa chạy thử đã hỏng’. Ví dụ như hàng trăm lô cốt khiến dân tình hàng ngày kẹt xe dài cổ hít khói bụi... Hay gần đây nhất là chuyện của một người thầy giáo ‘đương thời’ trở thành ‘hết thời’ chỉ vì mong muốn làm một ông thầy thực sự lương thiện. Có thấy ai xin lỗi ai gì đâu?”

Nghe rồi, tất nhiên, tôi chỉ cười trừ (và cười buồn) thôi. Cái nước mình nó thế mà. Anh Ba, chẳng qua, bức xúc quá mà xả bầu tâm sự (chút xíu) vơi bớt nỗi sầu nhân thế, thế thôi.

Tưởng thế nhưng không phải thế.

Không bao lâu sau, vào hôm 18 tháng 10 năm 2010, BaSG bị tó. Tôi lại chép miệng thở dài:“Cái nước mình nó thế!” Ở một đất nước mà mọi công dân đều có thể là những tù nhân dự khuyết thì triệu tập hay bắt bớ (lai rai) là chuyện thường ngày vẫn xẩy ra thàng ngày, ở huyện. Chắc cũng chỉ phải “làm việc” độ vài ba hôm, hay nhiều lắm là vài ba tháng – “để làm rõ một số vấn đề” – vậy thôi.

Tưởng vậy nhưng cũng không phải vậy. Anh Ba bị nhốt luôn gần hai năm trời. Mãi tới ngày tháng 14 tháng 4 năm 2012, mới thấy báo Người Lao Động loan tin rằng cùng với hai bị can khác – ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần – BaSG “bị truy tố tội Tuyên truyền Chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì đã “xuyên tạc, châm biếm, đả kích, tỏ thái độ chống đối gay gắt Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Trời! Nói gì nghe thấy ghê vậy, mấy cha?

Coi: anh Ba chỉ đưa ra nhận xét là hai chữ “xin lỗi” không có trong tự điển của giới người cầm quyền ở Việt Nam, văn hoá ứng xử của họ “không có cái vụ xin lỗi,” vậy thôi. Đây là một nhận xét này hoàn toàn khách quan và chính xác, chớ có ai dám “xuyên tạc, châm biếm, đả kích, tỏ thái độ chống đối gay gắt” ai đâu? Dù vậy, vẫn theo bài báo thượng dẫn, BaSG “đã nhận tội và có đơn xin khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt.”

Anh Ba thiệt là biết điều hết sức. Mà không phải đợi tới lúc này thằng chả mới biết chuyện như vậy đâu nha. Trước đó, khi luận bàn về “Tội Bất Kính Với Vua Và Điều 88 BLHS” – vào ngày 24 tháng 3 năm 2009 – BaSG cũng đã tỏ ra nhũn nhặn vô cùng:

“Ở hầu hết các nước có thể chế Cộng hòa thì những hành vi biểu lộ sự không đồng ý, chỉ trích, phê phán nhà nước đều là bình thường. Ngay cả hành vi phản kháng có tính quy mô và nguy hiểm nhất đối với chính phủ hiện hữu là sự thành lập một Đảng phái chính trị đối lập [với Đảng cầm quyền] thì cũng không hề bị cấm đoán.

Vâng đấy là chuyện ở nước người... ta chớ có nên hào hứng quá mà tưởng bở!”

BaSG – rõ ràng – rất hiểu thân phận (con sâu cái kiến) cũng như thời đại (nhiễu nhương) của mình. Chính anh đã long trọng cảnh báo rằng: “Phần hồn của pháp luật Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng.”

Thế nào là “phần hồn của pháp luật”?

Với tư cách là một luật gia, anh Ba luận giải một cách hùng hồn, rành mạch và khúc triết – như sau:

“Hồn pháp luật không chỉ đơn thuần là ý thức pháp luật trong mỗi công dân, nó là sự mặc nhiên thừa nhận, tin tưởng và thượng tôn vào lẽ phải và công lý, vào sự đúng đắn, công bằng, bình đẳng mà pháp luật đang đại diện. Được sống trong một xã hội có pháp luật là được hưởng thụ một sự an toàn và bình yên. Trong xã hội mà pháp luật được thượng tôn thì các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đương nhiên được pháp luật bảo đảm. 

Thành quả của cách mạng, giá trị cơ bản của đạo đức, tư tưởng tiến bộ nhất của một dân tộc, nguyên khí của những bậc hiền tài và sự chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại đều được kết tinh nơi pháp luật. Chính nhờ có nền pháp luật ổn định mà dân chúng được yên vui, văn chương nghệ thuật được bày tỏ, kinh tế được phát triển, môi trường sống, lãnh thổ được bảo vệ và quốc gia trở nên hùng cường. 

Khi dân chúng tôn thờ pháp luật và tự nguyện tuân theo thì công việc của công quyền không còn nặng tính cai trị cưỡng ép, các thủ tục hành chính không còn ai kêu ca. Khi họ thừa nhận pháp luật công bằng thì đất đai giải tỏa cũng không mấy ai khiếu kiện chống đối. Chỉ còn lại những người hiểu việc, hiểu trách nhiệm của mình mà làm, quan là kẻ làm thuê cho dân nên quyền uy và khoảng cách giữa quan và dân không phải là điều đáng e sợ… 

Tuy nhiên, nếu thiếu phần hồn cao đẹp, thì pháp luật chỉ còn trơ ra thân xác phì nộn của một tên bạo chúa đầy sức mạnh nhưng chỉ phụng sự cho sự tham lam, độc ác và cảm tính của chính hắn mà thôi.

Có thể nói phần hồn hay khía cạnh tinh thần chính là sức mạnh cốt yếu nhất của pháp luật chứ không phải phần vật chất với hàng vạn điều cấm đoán mà dân chúng không tự nguyện thi hành. 

“Phần hồn” của pháp luật Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng 

Bởi được gán cho các đặc tính thượng tôn và cao quý nên hồn pháp luật rất nhạy cảm với sự vấy bẩn, chê bai, phỉ báng và nhất là khi nó bị một thứ quyền lực khác đè lên trên đầu. Các xác kềnh càng của pháp luật với đủ thứ trang bị vũ lực, phạt vạ, nhà tù càng trở nên nguy hiểm khi phần hồn của nó bị ma quỷ nhập vào. 

- Hệ thống tư pháp bị phát hiện là thiếu tính độc lập, bị quyền lực chỉ đạo trước khi điều tra, xét xử… khiến cho hồn pháp luật hoảng sợ phải đi trú ẩn. 

- Pháp luật bị quan chức lạm dụng thành đại lượng đổi chác và tham nhũng. Súng ống để phụng sự cho pháp luật lại trở thành công cụ dọa nạt và đem bắn vào dân chúng chưa rõ tội tình gì. Mới đây ở Hà Nội chỉ trong một tuần mà có đến hai cái chết ở trong đồn công an đều do bị đánh. Tìm kiếm trên Google cụm từ “công an đánh dân” sẽ ra hàng trăm ngàn kết quả với những tin tức, hình ảnh ghê hồn.
Sự lạm quyền khiến cho hồn pháp luật bị tha hóa.

- Ở Việt Nam không những có ‘dân oan’, mà còn có những ‘nhà báo oan’, ‘nhà thơ oan’, ‘nhà văn oan’, ‘luật sư oan’, ‘doanh nghiệp oan’ và ‘blogger oan’… ở khắp nơi. Dân oan mất đất mất nhà, nhà báo bị vào tù oan vì đưa tin chống tham nhũng, văn nghệ sĩ bị tước đoạt giải thưởng, bị vào sổ đen không cho đăng bài viết, bị buộc phải dẹp bỏ trang web cá nhân, luật sư bị tước thẻ hành nghề, doanh nghiệp bị phá sản, blogger bị bắt bớ, tù tội… Sự oan ức hằn sâu vào tư duy con người chính vì pháp luật không được thực thi đúng đắn.

Sự oan ức khiến cho hồn pháp luật bị teo tóp lại.

- Bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo chỉ là thứ nước đổ đầu vịt, bặt vô âm tín không được trả lời, thậm chí chỉ có đi nộp đơn và xin cái chữ ký đã nhận đơn mà đã bị gây khó khăn. Có người may mắn được trả lời thì lại vướng vào tình trạng trên bảo dưới không nghe, bị kẻ thi hành phớt lờ như không. Nhiều ngàn lá đơn khiếu nại chưa được giải quyết, có người làm hàng trăm tờ đơn khiếu nại lên nhiều cấp, kiên trì từ đời cha ông đến đời con cháu mà chưa biết công lý rốt cục có hình dáng như thế nào…

Sự im lặng và vô cảm của những người có thẩm quyền khiến cho hồn pháp luật trở nên thờ thẫn. 

- Những dự án bô-xít gây nguy hại cho môi trường, cho an ninh quốc gia được thông qua bất chấp sự phản đối của hàng ngàn trí thức. Rừng đầu nguồn và phòng hộ biên giới được dễ dãi giao cho người Trung Quốc với giá rẻ mạt. Lãnh hải bị đe doạ, cuộc mưu sinh và sinh mạng của ngư dân trên biển không đảm bảo, những danh từ méo mó như “tàu lạ”… khiến cho hồn pháp luật bị nghi ngờ.

- Quần chúng tự phát dùng bạo lực, lưu manh côn đồ đánh đập sư sãi, dân thường ngay trước mặt công an… khiến cho hồn pháp luật dường như bị ma ám...

Tất cả những hành động và lối suy nghĩ ấy đã đầu độc và hủy hoại hồn pháp luật nhanh chóng khiến nó lâm vào tình trạng hấp hối...” 

Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh Ba về câu kết luận bi quan vừa dẫn. Phần hồn của pháp luật có thể bị đe dọa, tổn thương hay teo tóp nhưng luôn luôn hiện hữu và sống mãi với chúng ta.

Không cần tìm đâu xa, người ta có thể tìm thấy được phần hồn pháp luật ngay trong gia đình BaSG, qua lời trưởng nữ của anh – cháu Phan Ngọc Minh : "Bố con chỉ có một cái tội duy nhất là yêu nước.”

Dù anh Ba có “nhận tội” và “xin khoan hồng” chăng nữa, “phần hồn pháp luật” trong con tim nồng nhiệt và chân chính của anh vẫn sẽ được ghi nhận và đậm nét mãi với thời gian.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào: