11.5.12

Bạc Hy Lai, Trần Quang Thành và làm ăn ở Trung Quốc



Tác giả: Jack Perkowski-Người dịch: Dương Lệ Chi
Các sự kiện chính trị ở Trung Quốc đã chiếm lĩnh tin tức trong vài tháng qua, làm lu mờ những câu chuyện về nền kinh tế, thường là các tin hàng đầu của đất nước này.
Bắt đầu hôm 6 tháng 2 khi Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng Trùng Khánh, tìm cách trú ẩn ở Lãnh Sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Lo sợ cho mạng sống của mình trong tay của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy đầy quyền lực ở Trùng Khánh, ông Vương nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng vợ của ông Bạc đã đầu độc doanh nhân người Anh, người đã từng là thân tín của gia đình ông Bạc. Hành động của ông Vương là sự kiện gây ra sự sụp đổ của một cựu ngôi sao đang lên, nhận được ân sủng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã và đang xuất hiện trên mặt báo nhiều chưa từng có.
Trong hai tuần qua, ông Trần Quang Thành, “luật sư khiếm thị” và là nhà bất đồng chính kiến từ tỉnh Sơn Đông, đã chiếm tâm điểm của sân khấu. Đang bị quản chế tại nhà ở tỉnh Sơn Đông trong 2 năm qua do khiếu kiện việc cưỡng bức phá thai và triệt sản, là một phần trong “chính sách một con” của Trung Quốc, bằng cách nào đó ông Trần đã tìm cách trốn thoát hồi 2 tuần trước, chỉ để có mặt tại Đại sứ quán Mỹ trước ngày bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ và ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Tài chính, thực hiện chuyến thăm cấp cao tới Bắc Kinh. “Tôi nên ở hay nên đi“, bài hát nổi tiếng năm 1981 của ban nhạc rock mạnh The Clash của Anh, có thể là chủ đề cho các cuổi đàm phán hồi tuần trước về ông Trần và các nhà ngoại giao Mỹ.
Loạt chuyện dài về ông Bạc và ông Trần một lần nữa đặt ra câu hỏi về sự ổn định của Trung Quốc và tác động chính trị quốc nội và quốc tế có thể có, lên các công ty làm ăn ở Trung Quốc. Mặc dù những sự kiện gần đây có thể rất nghiêm trọng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta gặp phải những chướng ngại trên đường tương tự như đã xảy ra trong vòng 20 năm qua. Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc vẫn ổn định, Mỹ và Trung Quốc đã xoay sở để vá víu bất kỳ sự khác biệt nào để vượt qua tất cả.
Rõ ràng là các cuộc nổi dậy ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, còn được gọi là Sự kiện Sáu tháng Tư, là sự kiện đáng chú ý nhất trong các sự kiện gây bất ổn đã xảy ra, làm gián đoạn quá trình phát triển kinh tế trong 10 năm ở Trung Quốc. Lo ngại Trung Quốc quay trở lại thời kỳ trước thời Đặng Tiểu Bình, kết quả là rất nhiều công ty phương Tây đã chọn cách đóng gói đồ đạc và rời khỏi đất nước này. Mặc dù sự quyến rủ của thị trường Trung Quốc tỏ ra quá tuyệt vời, nhưng cuối cùng thì tất cả các công ty tìm đường quay trở về nước.
Kể từ sự kiện đó cho đến nay, đã có ít nhất ba sự kiện nhỏ hơn, nhưng không kém phần quan trọng, đã đe dọa sự ổn định chính trị ở Trung Quốc, và bao trùm lên mối quan hệ Trung – Mỹ. Khi ba sự kiện đó xảy ra, tôi đều có mặt ở Bắc Kinh, và tất cả các sự kiện này có vẻ khá đáng sợ vào thời điểm đó.
Sự kiện đầu tiên là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996, xảy ra là kết quả của một loạt các thử nghiệm tên lửa do Trung Quốc tiến hành trong vùng biển quanh Đài Loan từ ngày 21 tháng 7 năm 1995 đến ngày 23 tháng 3 năm 1996. Các tên lửa được bắn từ giữa năm cho đến cuối năm 1995 được cho là với mục đích gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới chính phủ Đài Loan dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy, người được xem đưa Đài Loan tránh khỏi chính sách một con của Trung Quốc. Đợt bắn tên lửa thứ hai vào đầu năm 1996 đã bị cáo buộc nhằm mục đích đe dọa các cử tri Đài Loan trong thời gian chuẩn bị bầu cử tổng thống năm 1996. Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi ông Lý chấp nhận một lời mời từ trường Đại học Cornell để phát biểu một bài diễn văn về “Kinh nghiệm dân chủ của Đài Loan” hồi tháng 6 năm 1995. Vào tháng 5, một nghị quyết đã được thông qua với tỉ số áp đảo từ hai viện của Quốc hội Mỹ, yêu cầu Bộ Ngoại giao cho phép ông Lý sang thăm Hoa Kỳ. Trung Quốc rất tức giận về quyết định của Mỹ và báo chí nhà nước đã gọi ông Lý là “kẻ phản bội“, đang cố “chia rẽ Trung Quốc“.
Chuyện NATO đánh bom [nhầm] vào Đại Sứ quán Trung Quốc ở Belgrade ngày 7 tháng 5 năm 1999, là sự cố thứ hai và có lẽ là sự cố đáng sợ nhất đối với người Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. Vụ đánh bom này đã giết chết ba phóng viên Trung Quốc và làm công chúng Trung Quốc bất bình. Tổng thống Bill Clinton đã xin lỗi về vụ đánh bom và nói rằng đó là tai nạn, trong khi Trung Quốc nhất định rằng đó là do cố ý. Những ngày sau vụ đánh bom rất căng thẳng, phải nói là tồi tệ nhất, cho những người đang sống ở Trung Quốc. Ngay cả những người bạn Trung Quốc thân nhất của tôi cũng đã nhìn tôi với vẻ không tin khi tôi cố biện hộ cho phía Hoa Kỳ. Với tất cả công nghệ đánh bom chính xác của Mỹ, họ không thể tưởng tượng làm thế nào vụ đánh bom đó có thể là tai nạn.
Đầu năm 2001, sự va chạm của một máy bay do thám Mỹ với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở biển Đông làm trầm trọng thêm căng thẳng về chính trị và quân sự giữa hai nước. Vụ việc xảy ra vào hôm trước khi chính phủ Bush quyết định có nên bán hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa tiên tiến của Mỹ cho Đài Loan hay không. Mặc dù viên phi công Trung Quốc đã chết, không có thương vong nào về phía Hoa Kỳ, phản ứng của Mỹ lúc đầu gay gắt và quyết liệt. Người Trung Quốc bị phật ý trước việc Mỹ không đưa ra lời xin lỗi hoặc hối tiếc về cái chết của viên phi công Trung Quốc. Một lần nữa, rất khó cho một người Mỹ đang sống ở Trung Quốc, cố giải thích Mỹ có thể lạnh lùng như vậy bằng cách nào.
Mỗi sự kiện trong ba sự kiện này mang lại bất kỳ sự chia rẽ sẵn có nào, và sự chia rẽ này có thể đã tồn tại giữa giới bồ câu và diều hâu ở Trung Quốc và ở Hoa Kỳ, cũng như đe dọa cắt đứt mối quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, những cái đầu nguội hơn đã chiếm ưu thế sau căng thẳng trong vài ngày hoặc vài tuần. Cho dù có bất kỳ điều khác biệt gì đi nữa, các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản [Trung Quốc] cũng ngồi lại với nhau trong mỗi trường hợp, nhằm ngăn ngừa các sự kiện vượt khỏi tầm kiểm soát. Là một quốc gia, Trung Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu họ không thể kiểm soát. Các nhà lãnh đạo chính phủ từ Trung Quốc và Mỹ nhận ra rằng không có lợi đất nước, khi cả hai nước mạnh nhất thế giới xung đột nhau nghiêm trọng.
Đến cuối tuần, cuộc khủng hoảng về chuyện ông Trần dường như đã được giải quyết, với Trung Quốc cho phép ông Trần chấp nhận một đề nghị học bổng từ Đại học New York. Liên quan đến ông Bạc, có mối quan ngại rất lớn là cảnh ngộ của ông cho thấy một sự đổ vỡ nghiêm trọng trong Đảng Cộng sản. Dĩ nhiên, tất cả mọi người đang làm ăn ở Trung Quốc cần phải quan tâm và quan sát các sự kiện thật kỹ, nhưng nếu quá khứ là chỉ dẫn cho hiện tại, điều này cũng sẽ vượt qua. Nếu Trung Quốc có quá nhiều thứ để mất [trong các sự cố xảy ra] năm 1995-1996, 1999 và 2001, rủi ro hiện nay thậm chí còn cao hơn trước đây.
Nguồn: Forbes
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Góp Ý

Không có nhận xét nào: