Tô Nam - Sinh viên Đại học Cornell, Hoa Kỳ - BBC
Những vụ tranh chấp đất đai gần đây mà điển hình là Tiên Lãng, Văn Giang, và Vụ Bản đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa người dân và chính quyền nảy sinh từ quyền sở hữu đất đai.
Chứng kiến bi kịch của Đoàn Văn Vươn, những hình ảnh đau thương của nông dân Văn Giang đối đầu với cả ngàn cảnh sát cơ động, hay nông dân Vụ Bản chít khăn tang quyết tâm giữ đất, người ta không khỏi thắc mắc vì đâu lại nảy sinh những xung đột như vậy?Điều gì đã khiến cho những người nông dân một nắng hai sương vốn hiền lành chất phác quay ra đối đầu một cách không khoan nhượng với chính quyền?
Quyền thu hồi
Trước nhất, cần phải thấy rằng chính quyền hoàn toàn có quyền thu hồi tài sản của bất kì ai để phục vụ cho các lợi ích quốc gia và công cộng. Điều này không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Ví dụ, chính quyền hoàn toàn có quyền thu hồi đất sở hữu cá nhân để xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện, sân bay, căn cứ quân sự, bến cảng...
Ngoài quyền thu hồi cho sử dụng của chính mình, chính quyền còn có quyền thu hồi đất sở hữu từ một cá nhân này giao cho một cá nhân khác. Điều này thoạt nghe có vẻ phi lý vì nó sẽ mở ra cơ hội cho các nhóm lợi ích vận động và thâu tóm các khối tài sản có giá trị để thu lợi.
"Trước nhất, cần phải thấy rằng chính quyền hoàn toàn có quyền thu hồi tài sản của bất kì ai để phục vụ cho các lợi ích quốc gia và công cộng. Điều này không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới."
Việc tham gia của chính quyền là để đảm bảo tính công bằng, không làm cho giá tài sản bị đẩy lên quá cao đến mức phi lý khi giao dịch nhiều bên. Ví dụ như việc thu hồi đất để xây dựng các khu du lịch giải trí, sân golf, ngoài tạo ra nguồn lợi cho các ông chủ được hưởng lợi trực tiếp, người dân cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp về mặt công an việc làm, môi trường, cảnh quan khi du lịch phát triển.
Đền bù
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia pháp quyền khác đó là khi trưng dụng tài sản cá nhân mà cụ thể là đất đai, một chính thể pháp quyền sẽ đền bù thiệt hại cho người dân theo giá thị trường và nhiều khi còn hỗ trợ thêm để người dân nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới.
Yếu tố đền bù theo giá thị trường giữ vai trò trọng tâm để đảm bảo công bằng, dân chủ, và tránh việc chính quyền lạm dụng quyền thu hồi cho những mục đích không danh chính.
Khi giá đền bù không thoả đáng, người dân có quyền kiện lên toà án, cơ quan độc lập trong một chính quyền tam quyền phân lập, để huỷ bỏ quyết định thu hồi của chính quyền.
"Khi giá đền bù không thoả đáng, người dân có quyền kiện lên toà án, cơ quan độc lập trong một chính quyền tam quyền phân lập, để huỷ bỏ quyết định thu hồi của chính quyền."
Vụ kiện nổi tiếng gần đây Kelo v. City of New London năm 2005 của Susette Kelo và 115 hộ gia đinh khác bị chính quyền thành phố New London, bang Connnecticut, Hoa Kỳ tịch thu đất để giao cho một công ty phát triển đô thị xây dựng khu nghỉ duỡng, khách sạn, và mua sắm là minh chứng cho sự mâu thuẫn liên tục về quyền lợi giữa người dân, chính quyền, và các chủ đầu tư.
Susette Kelo đã thua kiện ở toà án tối cao Hoa Kỳ. Mảnh đất của bà và nhiều người khác thậm chí đã sinh sống trên đó suốt cả cuộc đời gần một thế kỉ từ năm 1918 bị tịch thu và trở thành một phần của dự án mà cho đến nay vẫn chỉ là trên giấy tờ.
Lợi ích công cộng về việc làm cho người dân quanh dự án hay tiền thuế từ những hoạt động kinh doanh khi dự án thành công vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên, sự minh bạch, công khai, và giá cả đền bù thoả đáng là chìa khoá giải quyết các mâu thuẫn.
Luật đất đai ở Việt Nam do đó cung cần đuợc sửa đổi cùng với hệ thống tư pháp độc lập, công minh để đảm bảo rằng lợi ích của người dân được tôn trọng khi tài sản của họ bị thu hồi.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, sinh viên Đại học Cornell, chuyên ngành Triết Học - Chính Trị - Kinh Tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét