"...Cùng lúc chúng ta lên án việc giam giữ trong thời gian gần đây các nhà báo như Mazen Darwish, một người ủng hộ tự do ngôn luận hàng đầu ở Syria, và kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức, chúng ta không được quên những người khác như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 trùng với cuộc trấn áp hàng loạt đối với báo chí công dân ở Việt Nam, hay nhà báo Dawit Isaak là người bị chính phủ Eritrea giam riêng trong hơn một thập kỷ mà không kết án chính thức..."
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
NHÀ TRẮNG
Văn phòng Thư ký Báo chí
3/5/2012
Tuyên bố của Tổng thống về Ngày Tự do Báo chí Thế giới
Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Hoa Kỳ vinh danh vai trò của báo chí tự do trong việc tạo ra những nền dân chủ bền vững và các xã hội thịnh vượng. Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ những nhà báo đã hy sinh tính mạng, tự do hay sự an nhàn cá nhân để mưu cầu sự thật và công lý.
Hơn 60 năm sau khi Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu tuyên cáo về quyền của mọi người được “tìm kiếm, nhận và phổ biến thông tin và ý kiến thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào và bất chấp các biên giới”, quyền đó vẫn gặp nguy hiểm ở quá nhiều nước.
Tuy năm nay đã có một số diễn biến tích cực, như việc thả các nhà báo cùng hàng trăm tù chính trị ở Myanmar, song các vụ bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện các nhà báo vẫn diễn ra trên toàn cầu. Cùng lúc chúng ta lên án việc giam giữ trong thời gian gần đây các nhà báo như Mazen Darwish, một người ủng hộ tự do ngôn luận hàng đầu ở Syria, và kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức, chúng ta không được quên những người khác như blogger Điếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 trùng với cuộc trấn áp hàng loạt đối với báo chí công dân ở Việt Nam, hay nhà báo Dawit Isaak là người bị chính phủ Eritrea giam riêng trong hơn một thập kỷ mà không kết án chính thức.
Những sự đe doạ hay quấy rối, như những gì mà nhà báo người Ecuador Cesar Ricaurte và nhà hoạt động dân chủ lưu vong người Belarus Natalya Radzina phải chịu đựng, và sự kiểm duyệt gián tiếp, kể cả thông qua những hạn chế đi lại như những gì áp đặt đối với blogger người Cuba Yoani Sanchez, tiếp tục gây sợ hãi đối với tự do ngôn luận và báo chí. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy bảo vệ khả năng của các nhà báo, các blogger, và các nhà bất đồng chính kiến được viết và phát ngôn tự do mà không bị trả thù và hãy ngừng áp dụng các lệnh cấm đi lại và các hình thức kiểm duyệt gián tiếp khác nhằm đàn áp việc thực hiện các quyền phổ quát này.
Trong một số trường hợp, không chỉ có các chính phủ đe doa tự do báo chí. Các băng đảng tội phạm, bọn khủng bố, hoặc các phe phái chính trị cũng làm như vậy. Cho dù nguyên nhân là gì, khi các nhà báo bị doạ dẫm, tấn công, bỏ tù, hay biến mất, các cá nhân bắt đầu tự kiểm duyệt, nỗi sợ hãi thay thế cho sự thật, thì tất cả các xã hội chúng ta đều đau khổ. Tập quán để cho những hành động như vậy được miễn trừ không được phép tiếp tục tồn tại ở bất cứ nước nào.
Năm nay, trên khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và hơn thế nữa, thế giới đã chứng kiến không chỉ những mối nguy, mà cả việc một nền báo chí tự do chứa đựng đầy hứa hẹn thế nào đối với tăng cường các nền dân chủ ổn định, thành công và đổi mới. Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy nắm bắt sự hứa hẹn đó bằng cách công nhận vai trò cốt yếu của một nền báo chí tự do và tiến hành những bước đi để tạo ra các xã hội trong đó các nhà báo độc lập có thể làm việc tự do và không sợ hãi.
0 Ý kiến:
Đăng một Nhận xét