Từ nhiều năm qua, các chuyên viên y tế vẫn tin rằng chứng sa sút trí nhớ tại các nước có thu nhập trung bình không phổ biến bằng các nước giàu. Nhưng khi các nhà khoa học thuộc trường đại học Kings ở London tiến hành cuộc khảo sát kéo dài 10 năm tại 6 quốc gia đang phát triển -- Cuba, Trung Quốc, Cộng hòa Dominicana, Mexico, Peru và Venezuela – họ thấy rằng các ca sa sút trí nhớ cũng ngang bằng với các nước giàu.

Ông Martin Prince, giám đốc Viện Tâm thần của Trường đại học Kings, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết:

“Chúng tôi nhận thấy 2/3 số người bị sa sút trí nhớ trên thế giới là những người thuộc các nước có mức thu nhập trung bình. Chúng tôi còn nhận thấy ít nhất 90% số người này không được chẩn đoán, không được điều trị và không được chăm sóc.”

Trên thế giới có khoảng 36 triệu người bị sa sút trí nhớ. Ông Prince nói con số này tăng gấp đôi mỗi 20 năm. Cuộc nghiên cứu của nhóm ông còn gợi ý rằng trong vòng 40 năm tới, đa số những người bị sa sút trí nhớ thuộc các nước nghèo.

Nhóm ông đã phỏng vấn hơn 12.000 người từ 65 tuổi trở lên tại các nước có mức thu nhập trung bình. Không những phỏng vấn số người này mà còn phỏng vấn liên tục những người trong gia đình của họ.

Cuộc nghiên cứu còn cho thấy, cũng giống như các nước giàu, những người nào tại các nước nghèo có trình độ học vấn cao, hoặc thường xuyện có những hoạt động về trí óc, thường hay động não, sẽ có xu hướng tránh được hoặc chậm mắc chứng sa sút trí nhớ.

Ông Prince nói tại các nước có mức thu nhập trung bình, nếu phát hiện sớm những triệu chứng nhẹ hay vừa phải về sa sút trí nhớ, chẳng những người mắc chứng này có lợi, là được chăm sóc sớm, mà thân nhân của họ cũng bớt được bận rộn, lo âu, hoặc chuẩn bị sẵn tinh thần để cải tiến cuộc sống khi chăm sóc cho người bị sa sút trí nhớ.