Song Chi/Người Việt
Sau vụ “con tàu đắm” Vinashin kéo theo hơn trên dưới 100 nghìn tỷ đồng Việt Nam (tương đương 4.5 tỷ đô la Mỹ) tiền ngân sách nhà nước, cũng chính là tiền thuế của nhân dân, đổ ra sông ra biển, nay lại đến vụ Vinalines làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Dư luận Việt Nam đồn đoán, người chống lưng phía sau cho ông Dương Chí Dũng chính là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Facebook) |
Dư luận bức xúc. Những phiên họp tại kỳ họp thứ ba của Quốc Hội khóa XIII tổ chức vào tháng 5 này nóng lên xung quanh vụ Vinalines. Hàng loạt câu hỏi được các đại biểu Quốc Hội thay mặt người dân đặt ra.
Như vì sao lại có thể xảy ra những chuyện như thế này, các doanh nghiệp làm ăn trong một lĩnh vực quan trọng là ngành kinh tế biển, được đánh giá là đầu tàu của ngành, mà từ việc bổ nhiệm người, điều hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra... cứ như trò đùa. Rằng còn những ai nữa phải chịu trách nhiệm sau tất cả những chuyện này, và liệu sẽ còn có những tập đoàn hay tổng công ty nào nữa sẽ bị sụp đổ?...
Nếu chúng ta nhớ lại thì thật ra tâm trạng của người dân cũng như những câu hỏi này đã từng được đặt ra sau khi vụ Vinashin bị đổ bể cách đây hơn một năm.
Vào những ngày tháng đó, không khí nghị trường tại kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa XII tháng 11, 2010 nóng đến mức có đại biểu như Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết còn đòi xem xét trách nhiệm cả ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sức ép của dư luận căng đến nỗi ông Nguyễn Tấn Dũng phải giải trình trước Quốc Hội, thừa nhận:
“Những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinasin đã gây hậu quả nghiêm trọng.” Và: “Là người đứng đầu chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của chính phủ” (“Chính phủ nhận trách nhiệm về Vinashin,” VNMedia).
Tưởng như cái ghế thủ tướng của ông Dũng cũng đi đong luôn sau vụ Vinashin. Nhưng không, người VN đã được mục sở thị cú lội ngược dòng ngoạn mục của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kết thúc Ðại Hội XI của đảng cộng sản VN, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn vững vàng trụ lại ở ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, bất chấp “thành tích” điều hành quản lý kinh tế quá yếu kém, bất chấp lời hứa, “Nếu không trị được tham nhũng, tôi sẽ từ chức” khi thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại.
Không những thế, phe cánh của ông Dũng còn đông hơn, mạnh hơn, từ ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng nay trở thành chủ tịch Quốc Hội, và rất nhiều bộ trưởng là thuộc về phe ông Dũng, trong đó Bộ Trưởng GTVT Ðinh La Thăng là một ví dụ.
Tình thế xoay chuyển đến mức tại kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khóa XII vào tháng 3, 2011, ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố:
“Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của điều lệ Ðảng, Bộ Chính Trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin.” (“Vụ Vinashin: Bộ Chính Trị quyết định không xử lý kỷ luật,” báo Dân Trí).
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi phía dưới nhịp nhịp tay như đang đi xem hát!
Vụ Vinalines rồi cũng thế, thậm chí còn thua cả vụ Vinashin. Trong vụ Vinashin ít ra cũng có vài con chốt như Nguyễn Thanh Bình-nguyên chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc Vinashin cùng với một số thuộc cấp phải vào tù lãnh án. Còn lần này, ông Dương Chí Dũng nguyên chủ tịch HÐQT Vinalines đã kịp thời tẩu thoát mất tiêu.
Rốt cuộc, chỉ có nhân dân là khốn khổ khốn nạn. Cứ phải còng lưng đóng thuế nuôi cái bộ máy kinh tế nhà nước toàn những quan to quan nhỏ làm ăn theo kiểu phá hoại và trả nợ thay cho họ, hết đời mình, đến đời con đời cháu.
So với vụ PMU18, những vụ như Vinashin, Vinalines chứng tỏ mức độ tham nhũng và phá hoại càng ngày càng nghiêm trọng hơn, mức độ thiệt hại và hậu quả để lại cho nền kinh tế vốn đã oặt ẹo của VN cũng nặng nề hơn.
Ngược lại, những sai lầm đã được nói đến từ lâu, từ việc quá ưu tiên cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh, cung cách quản lý, hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra không hiệu quả thì vẫn không hề được thay đổi, cải thiện. Và nếu cứ như thế này thì sẽ còn có những vụ Vinashin, Vinalines khác nữa xảy ra.
Chính cái tình trạng “muôn năm không chịu thay đổi này” đã làm cho niềm tin, sự hy vọng mỏng manh, kể cả sự tức giận của người dân cũng bị bào mòn đi theo năm tháng.
Người VN bây giờ nghe nói đến những vụ thua lỗ, thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng VN, tức hàng tỷ đô la Mỹ cứ như chuyện mất cắp vài ba chục ngàn đồng bạc lẻ. Nếu giả sử sắp tới có xảy ra thêm vài vụ nữa, thêm vài con số không phía sau nữa, người ta cũng không cảm nhận được sự khác biệt, mức độ thiệt hại lớn lao như thế nào.
Với những con người mà mỗi tháng kiếm chỉ được vài trăm ngàn đồng, cả đời không bao giờ cầm được vài triệu bạc VN thì làm sao hiểu được con số thất thoát kia lớn bao nhiêu đã đành, nhưng với những người khác cũng vậy. Ðó là sự khởi đầu của căn bệnh vô cảm. Không chỉ trước tệ tham nhũng. Mà trước mọi thứ phi lý tồi tệ đang xảy ra hàng ngày hàng giờ, năm này qua năm tháng,với mức độ ngày càng tệ hại hơn và không hề có dấu hiệu gì của sự thay đổi.
Như vô vàn kiểu tai họa khác nhau đang đổ lên đầu người Việt, khiến mạng sống con người sao mà quá nhỏ bé, như ruồi muỗi.
Từ tai nạn giao thông đang giết chết hàng chục ngàn người Việt mỗi năm, nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm mất vệ sinh, độc hại dẫn tới những căn bệnh khác nhau giết thêm một lượng không nhỏ mạng người nữa. Hay tình trạng tội ác đang ngày càng nhiều hơn, dã man hơn, kẻ thủ ác cũng ngày càng muôn mặt, bình thường hơn - có thể là bất kỳ ai, chưa từng phạm tội trước đó, và cũng ngày càng trẻ hóa hơn.
Trong khi sức chịu đựng của người dân VN ngày càng cao - có thể chấp nhận và sống quen với mọi thứ tồi tệ phi lý nhất, chúng ta cũng ngày càng trở nên vô cảm, mất dần tính nhân bản bên trong mà không hay biết.
Song song với quá trình vô cảm hóa này của người dân, bản thân cái nhà nước - nguyên nhân của mọi sự tồi tệ đang diễn ra trong xã hội, cũng ngày càng trở nên trơ tráo lì lợm hơn. Có thể làm bất cứ điều gì, gây ra bất cứ sự thiệt hại to lớn cỡ nào cho đất nước, nhân dân mà không hề xấu hổ, không muốn sửa chữa cũng không sợ phãi lãnh trách nhiệm hay hậu quả. Bởi họ biết tâm lý, tình cảm, lẫn tinh thần của nhân dân đã bị “đóng băng” rồi.
Như một người bị cho xài thuốc ngày một nặng đô hơn đến mức nhờn thuốc. Cả người dân và nhà nước VN hiện nay là như vậy.
Bao giờ tình trạng lạm thuốc, đờ đẫn này qua đi, người VN tỉnh thức để nhận ra những gì mình đang phải chịu đựng là bất thường, không thể hình dung cũng không thể chấp nhận trong một xã hội bình thường khác?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét