Tống Văn Công
Buổi chiều ngày 14-6, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trả lời chất vấn cùa ĐBQH: “Vì sao tội phạm gia tăng, trong đó có tội phạm vị thành niên, giải pháp ra sao?” Theo ông, tội phạm gia tăng là do các nguyên nhân sao đây: Tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn; Tình trạng xuống cấp đạo đức nghiêm trọng; Ảnh hưởng của văn hóa đồi trụy và bạo lực du nhập; Các văn bản pháp luật còn bất cập; Các biện pháp phòng ngừa tội phạm của ngành công an và của các ngành chưa đầy đủ;
Sự vào cuộc của các ngành, các đoàn thể còn nặng về hình thức, chưa có nội dung thật thiết thực. Từ đó, ông cho rằng phải tiến hành đồng bộ các biện pháp tổng hợp sau đây: Ngành công an phải chủ động lập kế hoạch phòng chống tội phạm và phối hợp với các ngành có liên quan, tập trung nhằm trước hết là các loại tội phạm nguy hiểm; Đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân với các biện pháp: Xây dựng khu dân cư văn hóa; Xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt cho
đảm bảo an ninh; Xây dựng phong trào quần chúng phát hiện, ngăn chặn tội phạm; Tổ chức đợt cao điểm trấn áp loại tội phạm đang nổi lên rồi đưa vào thực hiện thường xuyên;Tập trung phá những vụ án nghiêm trọng để đưa ra xét xử kịp thời. Đối với tội phạm vị thành niên, ông cho rằng phải tăng cường giáo dục ở gia đình, nhà trường và xã hội.
Nội dung trả lời của Bộ trưởng Trần Đại Quang hoàn toàn đúng ở trách nhiệm của ngành công an. Tuy nhiên nếu hỏi trách nhiệm của Chính phủ, thì không chỉ đặt vấn đề trong phạm vi đó mà phải bàn thêm một số điều. Bởi vì làm giảm tội phạm không thể chỉ là trách nhiệm của ngành công an. Đó là trách nhiệm quản lý nhà nước bằng các chính sách kinh tế - xã hội. Cùng với tăng trưởng kinh tế, phải có biện pháp giảm khoảng cách giàu nghèo, phải chống đặc quyền đặc lợi, phải làm sao để mọi người phải được bình đẳng trong cơ hội làm ăn, học hành, trị bệnh và trước pháp luật. Các chính sách về đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, đầu tư công, chống tham nhũng đều phải minh bạch, không để bất cứ một thất thoát của công nào dù nhỏ, không quy được trách nhiệm cá nhân.Chính hiện tương tham nhũng của quan chức không bị trừng trị đã kích thích lối tranh đoạt phi pháp trong dân gian. Bởi vậy phải tạo được môi trường pháp lý trong sạch, có hệ thống pháp luật đầy đủ, không bị “nhóm lợi ích” thao túng, xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật mạnh, gồm những cán bộ nghiệp vụ giỏi, đạo đức tốt. Đảm bảo không còn án sai, án oan, không có chạy án, những hiện tượng đã làm cho người dân có ý nghĩ ra tay tự xử tốt hơn đưa ra tòa án xử, mua tòa án tốt hơn tin tòa án.
Khi số đông người dân có niềm tin rằng nhà nước đảm bảo được sự công bằng, kẻ ăn cắp của công chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị, tòa án là nơi thực thi công lý thì những hành vi phi pháp sẽ giảm thiểu. Khi những vị lãnh đạo, bậc cha chú, người thày sống liêm khiết, gương mẫu, hòa nhã, rộng lượng thì lớp thanh thiếu niên mới có gương sáng để mà noi theo.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-6-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét