Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2012-05-31
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012 với sự tham gia của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, diễn ra hôm thứ ba 29 tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, với chủ đề từ “ổn định đến hồi phục kinh tế”.
Qua các ý kiến đóng góp thì đa số doanh nghiệp đều bày tỏ quan ngại, lo lắng và khó khăn về môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới. Để thu thập thêm chi tiết về nhận định đó, Đỗ Hiếu hỏi chuyện Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội, Hà Nội.
Nhiều khó khăn
Đỗ Hiếu: Thưa ông, đa số ý kiến được nêu lên trước Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm nay đặt vấn đề là chưa bao giờ doanh nghiệp phải đứng trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện giờ, do bất ổn về chính sách, về thị trường, theo quan điểm của một chuyên gia kinh tế, ông có suy nghĩ gì về thực trạng ấy?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Thật ra đây không phải là điều gì mới, chủ đề này cũng đã được bàn luận rất nhiều, cá nhân tôi cũng đã tham gia các cuộc hội thảo của ủy ban nghiên cứu quốc hội, của Viện Khoa học Việt Nam, cùng các đơn vị khác liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2012 này. Tôi cũng có viết vài bài về vấn đề bất ổn kinh tế, giải thích cho bức tranh này, chúng tôi cho là thực tế cũng đã được dự báo trước, được nói tới từ năm ngoái rồi, do tình hình thế giới nói chung, bất kỳ nước nào cũng gặp khó khăn và doanh nghiệp Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó.
Nếu xét về tỷ lệ gặp khó khăn, thì các doanh nghiệp của Mỹ, của EU, của Nhật cũng khó khăn, có khi còn khó khăn hơn doanh nghiệp Việt Nam. Đây là khó khăn chung, đặc biệt là thị trường tiêu thụ của tất cả các nước xuất khẩu của Việt Nam, đều bị khó khăn, dẫn đến giảm bớt các mặt hàng tiêu thụ do người dân cắt giảm chi tiêu, mặt khác các chính phủ đó cũng gia tăng các hàng rào kỷ thuật, hầu cản trở mặt hàng nhập khẩu các nước khác, thì đó cũng là điều dễ hiểu.
Đỗ Hiếu: Theo đánh giá của ông thì những khó khăn lớn nhất mà hiện doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là những vấn đề hay lãnh vực nào?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Quả thật là doanh nghiệp Việt Nam đang gặp ba khó khăn lớn, trước hết là mức thuế cao so với khu vực và thế giới, vì thế đang có đề nghị cho hạ mức thuế xuống, từ 25% xuống còn 20%. Thứ hai là gánh nặng về mặt lãi suất, cao hàng đầu thế giới, trong khi những nước như Mỹ, EU, Trung Quốc chỉ cho vay ở mức từ 5 đến 7%, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vay với mức gấp 3, 4 lần hay nhiều hơn.
Vì thế doanh nghiệp mất sức cạnh tranh, mất lợi nhuận, để tồn tại và phát triển, đối với các doanh nghiệp này , hiện nay đang có xu hướng cải thiện, với việc giảm lãi suất cho vay. Thứ ba là về mặt hành chính, những thủ tục, những chi phí bôi trơn, được cảnh báo, nhận diện và giảm bớt khó khăn qua việc chính phủ hô hào triệt để chống tham nhũng.
Ở Việt Nam, cũng có một bộ phận doanh nghiệp, gặp khó khăn thực sự, dừng hoạt động, nhưng cũng có bộ phận khác thành lập để lạm dụng cơ chế miễn giảm thuế, hoàn thuế, trốn thuế.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Đỗ Hiếu: Cho dù phải gánh chịu nhiều khó khăn nhưng một khi làm ăn thất bại, thua lỗ, phá sản thì điều đó có nghĩa là một phần lớn do trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ không thể nói tới chuyện bất ổn hay khủng hoảng kinh tế, gây ra lắm khó khăn cho họ, quan điểm của ông ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Số lượng doanh nghiệp thua lỗ, dừng hoạt động, sát nhập, giải thể, đang tăng lên, tuy nhiên không thể loại trừ một số lạm dụng, ví dụ tại các nước khác trên thế giới thì có trung bình từ 20 đến 30% doanh nghiệp thành lập xong rồi biến mất, có khi là phá sản thực sự hoặc chuyển sang lãnh vực khác. Ở Việt Nam, cũng có một bộ phận doanh nghiệp, gặp khó khăn thực sự, dừng hoạt động, nhưng cũng có bộ phận khác thành lập để lạm dụng cơ chế miễn giảm thuế, hoàn thuế, trốn thuế.
Một số doanh nghiệp tuyên bố gặp khó khăn nên không gặp thuế, vì thế dù chính phủ có cách kiểm soát nhưng cũng không thể ngăn được một số trường hợp lạm dụng. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, 50% là kêu lỗ, không nạp thuế, trong thực tế thì họ hoạt động vẫn khá tốt. Có thể nói, doanh nghiệp là những người như vậy, cho nên cần phải làm sao tránh những trường hợp lạm dụng như thế.”
Phải làm gì?
Đỗ Hiếu: Để tháo gỡ những âu lo, quan ngại chính đáng từ phía các doanh nghiệp, nhà nước Việt Nam cần có những bước cải tiến cụ thể nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tất cả bức tranh đó đã được báo động ở cấp cao nhất, như trung ương đảng, rồi chính phủ, quốc hội cũng đã nhận diện và cho đây là khó khăn, vì thế các giải pháp ứng phó được tăng cường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ, vì thế đang tranh luận và tiếp tục đề xuất. Trước hết là phải giảm lãi suất cho vay từ ngân hàng, thứ hai là cần mạnh dạn giảm thuế hơn nửa, nhìn lại toàn bộ về tài chính công, thực hiện một nhà nước nhỏ, mạnh, thay vì một nhà nước lớn tạo gánh nặng cho ngân sách và với chính các doanh nghiệp, giảm bớt các trung gian.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng, không thể làm ăn theo cách thức cũ, sẽ không thành công bởi vì thương trường cần sự cạnh tranh, hơn nữa mọi hoạt động kinh doanh đều thay đổi mà anh không chịu thay đổi theo, vì thế bản thân doanh nghiệp cần phải tỉnh táo, nhìn lại hướng kinh doanh, giảm thiểu lệ thuộc vào nguồn vốn, đáp ứng với nhu cầu cao nhất của thị trường, ví dụ như hàng đã tồn kho rồi mà còn tiếp tục vay vốn mau thêm hàng thì đó là sự sai lầm cần phải trả một giá đắt.
Đỗ Hiếu: Cũng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng sụt giảm do tái cấu trúc chậm, vận hành thiếu hiệu quả. Theo ông thì tình trạng này có thể được khắc phục không?
Nhà nước Việt Nam cũng sẽ có sự điều chỉnh để đảm bảo là vừa kềm lạm phát, vừa duy trì mức tăng trưởng ổn định, tránh tình trạng suy giảm quá sâu, gây ra tình trạng làm áp lực đối với xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Nhận định này không phải là mới, giới khoa học chúng tôi cũng đã khẳng định và viết thành kiến nghị, bài báo và phát biểu trực tiếp tại các diễn đàn, để các cấp chính quyền tiếp nhận, về cơ bản thì không ai phản đối, chuyển từ phát triển bề rộng sang bề sâu, đầu tư theo các hướng cũ sẽ không còn nữa.
Việt Nam phải trả giá cho việc tăng trưởng chậm, mà Trung Quốc cũng vậy thôi, mọi năm họ tăng trưởng 10% năm nay chỉ còn 9%, và sẽ còn giảm nữa. Nhà nước Việt Nam cũng sẽ có sự điều chỉnh để đảm bảo là vừa kềm lạm phát, vừa duy trì mức tăng trưởng ổn định, tránh tình trạng suy giảm quá sâu, gây ra tình trạng làm áp lực đối với xã hội.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đã dành thời giờ cho RFA hôm nay.
Ý kiến của Bạn