17.6.12

Con Đường Việt Nam


Ông Lê Thăng Long, 44 tuổi, bị Hà Nội bắt năm 2009, đưa ra tòa tại Sài gòn ngày 20/1/2010 phạt 5 năm tù ở, 3 năm quản chế. Ngày 11/5/2010 trước tòa phúc thẩm ông Long xin khoan hồng và được giảm án xuống 3 năm 6 tháng tù ở và 3 năm quản chế. Theo án ông Long sẽ được trả tự do vào tháng 12 năm 2012 (Vụ án 4 nhà dân chủ). Nhưng ngày 4/6/2012 vừa qua ông Long bỗng được trả tự do (trước kỳ hạn 6 tháng). Hà Nội không giải thích lý do khoan hồng.

            Sáu ngày sau (10/6/2012) ông Lê Thăng Long cùng với hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định (cả hai còn dang ở trong tù) công bố lời phát động phong trào “Con Đường Việt Nam” và tạo ra một dư luận rộng khắp trong nước và hải ngọai, giới truyền thông rất quan tâm. Qua lời phát động, Phong trào chứa đựng những nét đơn giản là Duy Tân đất nước trên căn bản lấy Dân làm gốc, lấy Quyền làm người làm trọng, dựa trên một xã hội dân chủ, và không có một đáng chính trị nào nhân danh bất cứ gì để đứng trên dân.
            Theo tài liệu Phong Trào công bố, quá trình hình thành Phong Trào do sự hoạt động thương mãi của 3 ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và ông Lê Thăng Long tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Trung, trẻ tuổi nhất cùng làm việc với các ông Thức, Định, Long nhưng chỉ giữ một vai trò thứ yếu.
            Ông Lê Thăng Long là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công tyInternet Một Kết Nối (One Connection Internet – OCI) thành lập năm 2003. Ông Lê Công Định luật sư là tư vấn pháp lý. Ông Trần Huỳnh Duy Thức là tổng giám đốc một công ty mẹ của công ty OCI. Kế hoạch của công ty OCI là thực hiện một chương trình cho khách hàng dùng Internet được liên lạc miễn phí qua internet với 20 quốc gia trên thế giới.
            Lo ngại sự liên lạc trong ra ngoài quá dễ dãi này ảnh hưởng đến sự kiểm soát thông tin đe dọa quyền hành của Đảng, bộ Bưu chính Viễn thông và bộ Thương mại Việt Nam ra lệnh chấm dứt chương trình dùng internet liên lạc liên quốc gia này. Các ông Thức, Long, Định kiện. Dựa vào các nguyên tắc giao thương quốc tế mà Việt Nam đang tôn trọng để chuẩn bị tư thế gia nhập WTO tòa án phán rằng bộ Bưu chính Viễn thông và bộ Thương mại không đủ cơ sở pháp lý để buộc công ty OCI chấm dứt chương trình này.
            Vụ án cho thấy tính cách pháp quyền đã được áp dụng trong thương mãi. Và các ông Thức, Long, Định quyết định dùng nguyên tắc pháp quyền để phát triển mậu dịch và cải tiến xã hội.
            Liên tục trong 6 năm, các ông đã làm việc một cách tích cực. Tháng 3/2009, ông Thức và ông Định đã đi Phuket-Thailand trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Bình (lãnh tụ đảng Nhân Dân Hành Động, và phụ trách đảng Dân Chủ Việt Nam quốc ngoại) để trao đổi về việc viết quyển sách “Con đường Việt Nam” phát họa những nét chính của một bản Hiến Pháp mới trong đó không còn Điều 4 cho phép đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị.
            Nhà cầm quyền Việt Nam đánh giá các hoạt động của các ông Thức, Long Định đã bước qua lĩnh vực chính trị. Giữa năm 2009 các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt. Trung là một sinh viên 26 tuổi hoạt động chính trị tại Pháp, thành lập “Tập Hợp thanh niên dân chủ” và năm 2006 gia nhập đảng Dân Chủ Việt Nam do ông Hoàng Minh Chính phục hoạt.  Tất cả đều được đưa ra xét xử với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự tại Sài gòn đầu năm 2010 .
            Việc ông Lê Thăng Long được trả tự do, rồi 6 ngày sau công bố một danh sách gồm 246  nhân vật kêu gọi gia nhập và thành lậpPhong Trào Con Đường Việt Nam đã làm cho cư dân trên mạng xôn xao với những lời bình luận ít thiện cảm, có tính nóng vội.
            Nhìn quá trình làm việc của các ông, quan sát quan hệ của họ đối với giới thương gia Hoa Kỳ, đối với giới làm ăn tại lớn tại Việt Nam (đều có quan hệ móc ngoặc với giới cầm quyền cấp cao trong đảng), phản ứng của quốc tế đối với vụ án của các ông thì có lẽ sự việc sẽ không đơn giản là một hành động bốc đồng của ông Lê Thăng Long và hai ông Trần Hùynh Duy Thức, Lê Công Định hay một trò xảo trá của đảng Cộng sản Việt Nam, bày ra một vụ “trăm hoa đua nở” để tóm gọn những ai chống đảng. Sẽ chẳng có ai nhẹ dạ chạy đến ký tên theo lời mời gọi của các ông Long, Thức, Định để cho đảng hốt trọn gói.
            Về quan hệ thương mãi, các ông đều là thành viên của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ có chi nhánh ở Hà Nội và Sài gòn. Trước đây 13 năm Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ vận động quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận quy chế thương mãi song phương với Việt Nam và từ quan hệ đó dẫn Việt Nam vào Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) năm 2007. Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ đã thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ rằng mở rộng giao thương với Việt Nam là khai thông con đường  dân chủ nhân quyền và cởi mở chính trị tại Việt Nam (Rushford Report 2009 ). Phòng thương mãi Hoa Kỳ không phải chỉ làm công tác thương mãi. Qua thương mãi họ có thể vận động chính trị và dính dấp đến các sinh hoạt tình báo là chuyện không có gì để ngạc nhiên.
            Khi các ông bị đưa ra tòa với những bản án nặng thế giới đã phản ứng như chưa bao giờ có. Đại sứ Anh, đại sứ Đan Mạch, đại sứ Hoa Kỳ, đại diện Liên hiệp châu Âu tại Hà Nội và một số tổ chức bất vụ lợi quốc tế khác như Human Rights Watch và Amnesty Internationalđều lên tiếng. ông David Kent đại sứ Anh nói bản án làm tổn hại cho uy tín của Việt Nam. Trong khi đó bà Hillary Clinton, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã nhân vụ án đề cập đến sự quan trọng của tin học – trong đó có internet - xem đó là phương tiện khoa học cần thiết để phát triển kinh tế và thúc đẩy sinh hoạt dân chủ và nhân quyền (Phản ứng thế giới ).
            Trong vụ này còn có sự lên tiếng của ông Nguyễn Ngọc Giao. Nếu những thông tin của ông Nguyễn Ngọc Giao (một nhà trí thức ở Pháp, từng có thái độ thông cảm với chính quyền Hà Nội) qua bài viết của ông nhan đề “Vụ án "lật đổ" hay bản án chế độ?” ngày 23/1/2010 đăng trên web Diễn Đàn (www.diendan.org) bình luận về vụ án 4 nhà dân chủ ngày 20/1 là chính xác thì đảng cộng sản Việt Nam đã thật sự  bàng hoàng và lo sợ trước quyết tâm của các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long dựa vào nguyên tắc kinh tế thị trường để đấu tranh cho dân chủ nhân quyền và một chế độ đa đảng. Ông Giao cho biết quyết định truy tố các ông Thức, Định, Long, Trung là của Bộ chính trị và trong 15 ủy viên chỉ có 4 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Câu chuyện ông Giao kể không ai tin vì Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không làm việc theo cung cách đó. Nhưng ông Giao xưa nay không phải là người viết lách không có chủ ý. Những chi tiết ông thuật lại làm cái loa thay cho đảng nói với thế giới rằng “đảng” bất đắc dĩ mới hành xử như vậy.
            Kết quả, thế giới Tây phương đã gay gắt chỉ trích Hà Nội. Nhưng không hề gì, các quan hệ ngoại giao vẫn bình thường, hoạt động thương mãi vẫn sinh động. Riêng Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ tại Sài gòn hoàn toàn im lặng không một lời bênh vực các ông Thức, Long, Định vốn là thành viên của mình.
            Chuyện là vậy để chúng ta thấy câu chuyện Phong Trào Con Đường Việt Nam có nhiều dây mơ rễ má, đan nối thế lực này sang thế lực kia, tổ chức này qua tổ chức nọ trong đó không phải đảng Cộng sản Việt Nam không có vai trò. Ở đây vai trò của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ tại Sài gòn với các ông Thức, Long, Định và giữa các ông ấy với ông Nguyễn Sĩ Bình cũng là những quan hệ cần tìm hiểu hơn. Ông Nguyễn có những quan hệ khá đặc biệt với cơ quan an ninh của Hà Nội.
            Danh sách ông Lê Thăng Long công bố mời tham gia thành lập Phong Trào gồm 246 nhân vật (trong đó có 39 phụ nữ - tỉ số 15.8%) đủ mọi thành phần, ủng hộ đảng có, chống đảng có, trong nước có, hải ngoại có và đủ mọi ngành  nghề ít nhất cũng nói lên một điều là Phong Trào Con Đường Việt Nam là một phong trào của mọi tầng lớp nhân dân,  không loại bỏ ai, nhất là không loại bỏ đảng Cộng sảnViệt Nam.(danh sách).
            Chuyện của cư dân trên mạng xưa nay không mấy có thực chất. Có thể nghe qua rồi bỏ. Nhưng câu chuyện Phong Trào “Con Đường Việt Nam” của các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long có lẽ có một ý nghĩa chính trị nào đó cần sự quan tâm một cách thận trọng và đứng đắn hơn của những ai ưu tư đến đất nước.
            Có một điều đáng để ý nhất trong bức tranh này là không thấy bóng dáng của Bắc Kinh và bàn tay của người anh em phương Bắc.
Trần Bình Nam
June 17, 2012

Không có nhận xét nào: