4.6.12

“Gói an ninh” trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ



Đoàn Hưng Quốc
Gần đây có tin tức về Hoa Kỳ đang cứu xét bán vũ khí cho Việt Nam. Người viết đã gởi đăng một bài vào tháng 09-2011 phân tích những khía cạnh trong hợp tác quốc phòng, nay xin cập nhật cho thích hợp với tình hình mới.
Các nước trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ thường ở một trong ba mức độ khác nhau của điều tạm gọi là gói an ninh (security package):
 
1.    Tập dượt quân sự chung với Mỹ
2.    Mua thiết bị quân sự của Hoa Kỳ
3.    Cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ
 
Bước 1 gồm các chuyến viếng thăm của tàu chiến và sĩ quan Hoa Kỳ nhằm gia tăng đối thoại, trao đổi kinh nghiệm hay tăng cường những hoạt động xã hội nơi đó hai bên hợp tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, cứu trợ bão lụt v.v...
 
Bước 2 khi quan hệ cần được nâng cao, một nước tìm mua trang thiết bị quân sự của Mỹ bắt đầu những quân dụng không dùng để tấn công như xe vận tải, hệ thống truyền tin, rồi sau đó đến vũ khí như máy bay, tàu chiến, hoả tiển, v.v…
 
Bước 3 khi một quốc gia vì nhu cầu an ninh chung có thể đề nghị hay đồng ý để Hoa Kỳ đồn trú binh lính trên lãnh thổ của họ. Sự hiện diện của quân đội Mỹ có giá trị biểu tượng về chính trị như một sự bảo đảm mặc nhiên của Hoa Kỳ để trực tiếp can thiệp và bảo vệ an ninh cho nước này khi cần thiết.
 
Quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở nấc 1 và đang tiến dần đến bước 2. Một thí dụ về mức thứ 2 như Đài Loan vận động mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ. Cho dù loại phi cơ này không còn vượt trội so các máy bay tiêm kích đời mới của Âu Châu và Nga nhưng việc mua bán vũ khí có ý nghĩa thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ, do đó bị Bắc Kinh chống đối kịch liệt.
 
Điển hình cho bước thứ 3 như Ba Lan vận động để Hoa Kỳ đặt một trung đoàn hoả tiển chống phi đạn trên nước họ. Trên danh nghĩa nhằm ngăn ngừa Iran bắn đạn đạo sang Âu Châu, nhưng riêng đối với Ba Lan lại cần sự hiện diện của lính Mỹ như tấm bình phong ngăn chận những toan tính bành trướng của Nga. Gần đây hơn là Hoa Kỳ đồng ý cho tàu chiến hay quân đội đóng tại Úc, Singapore và Phi để xác định ý muốn hợp tác với các nước trong vùng nhằm bảo đảm an ninh hàng hải tại Biển Đông.
 
Một khía cạnh đáng chú ý là các bước đầu thăm viếng hay tập trận chung do Hành Pháp và Bộ Quốc Phòng Mỹ quyết định. Bước thứ nhì mua bán vũ khí thường có tiếng nói của Quốc Hội và dư luận của Hoa Kỳ nhằm đưa ra các điều kiện về nhân quyền hay để bảo đảm kỷ thuật quốc phòng không lọt ra nước ngoài.
 
Việc đồn trú quân đội Hoa Kỳ có tác động an ninh lên toàn khu vực nên thường gặp nhiều phản ứng thuận lợi hay gay gắt từ nhiều phía. Thí dụ Nga chống đối và đe doạ trả đủa nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Ba Lan; Trung Quốc chỉ trích kịch liệt khi binh lính Hoa Kỳ hiện diện tại Úc, Singapore và Phi Luật Tân. Trong hoàn cảnh Mỹ đang gặp khó khăn về tài chánh thì Hoa Kỳ có thể kèm theo các yêu cầu ưu đãi hay chia xẻ chi phí chung cho việc đồn trú quân đội ra nước ngoài.
 
Gói an ninh cho dù không phải là một lộ trình (roadmap) phòng thủ an ninh với Mỹ, nhưng đồng thời là những chỉ dấu để giới quan sát đánh giá mức độ hợp tác giữa hai nước.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: