Viết tiếp bài: không thoát khỏi bàn tay Phật tổ
Trong bài viết “Không thoát khỏi bàn tay Phật tổ” chúng ta thấy được một sự thật đau lòng với các doanh nhân, họ đã bị “giết thịt” như thế nào. Với suy nghĩ của nhiều doanh nhân cho rằng tình cảnh khốn khó của họ là do thị trường, do suy thoái kinh tế, do mình không đủ tài năng, do mình xui,… (họ nghĩ vậy hoàn toàn có lý) nhưng dưới góc nhìn của tôi, luôn lấy những qui luật lớn chi phối để kiến giải thì dù có giỏi như Tôn Ngộ Không thì cũng không thoát, việc bị thịt, bị sạt nghiệp, phá sản là đương nhiên. Ai cũng thoát thì lấy đâu ra 2 triệu tỷ để trám cái lỗ khổng lồ do các “tàu há mồm” gây ra. Doanh nhân, những con người được cho là lanh khôn, có tầm nhìn xa trông rộng còn thê thảm vậy, còn với đại đa số nhân dân, những người lao động đầu tắt, mặt tối mưu sinh thì sao?
Với số đông, bình sinh con người là lo việc trước mắt, và hành động mãnh liệt khi thực sự bị khốn khó. Đây cũng là căn nguyên của những cuộc nổi dậy, những cuộc cách mạng nhuốm màu bạo lực mà nhiều khi đi sai đường. Nhiều cuộc cách mạng trời long đất lở, núi xương sông máu nhưng kết quả nhân dân cũng chỉ như một đàn gà, lừa từ chuồng này qua chuồng khác, sau đó mọi việc “vũ như cẩn”, thê thảm và thương thay!
Càn khôn chuyển dời, nhân dân hữu trách là tâm niệm của tôi. Nhân dân nhận thức đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng, càn khôn chuyển vận nước tươi sáng! Suy nghĩ sai, bạo lực loạn lạc, vận nước tăm tối, nhân dân khốn khổ.
Một thực tế không thể chối cãi là người lao động ngày càng vất vả, làm nhiều hơn, lương về số lượng có tăng (700.000đ lên 3 triệu) nhưng chất lượng cuộc sống xuống thấp rõ thấy, không có tích lũy. Từ công nhân đến giáo viên, từ thợ hồ đến bác sĩ, từ nông dân đến tiểu thương,… khốn khổ, bế tắc, làm nhiều, không đủ sống, không đủ tiêu là những gam màu chủ đạo. Ở các nước, người lao động chỉ làm ngày 8h, tuần 40 h thì đã đủ sống an nhàn, người dân Việt Nam tôi nghĩ rằng thời gian làm việc của họ có thể đến hơn 12h/ngày và có thể làm quanh năm suốt tháng như nông dân.
Làm suốt, làm chăm chỉ vậy mà không đủ ăn đủ tiêu, nguyên nhân vì đâu?
Sẽ có câu trả lời là: do nước mình nghèo nên dân khổ, do trình độ thấp nên năng suất kém, do hậu quả chiến tranh (cái này mấy chóp bu hay nói), do khủng hoàng kinh tế của thế giới, do suy thoái chung,... đó là nguyên nhân dễ thấy và nó cũng chỉ là chuyện ngoài da, cái thực sự nó nằm ở chỗ khác!
Bắt đầu một thực tế rành rành là lỗ thủng 2 triệu tỷ, vấn đề là phải trám nó, “oán có đầu, nợ có chủ”, có nợ thì không sớm thì muộn cũng phải trả, nhiều ảo thuật được trình diễn nhưng cuối cùng vẫn là cách “in tiền”. In tiền chính là lấy tiền của toàn xã hội, ai có nhiều lấy nhiều, ai có ít lấy ít. Đây là khởi đầu của một quá trình gọi làm lạm phát, tiền mất giá. Trong lạm phát doanh nhân bị cướp đoạt, bị giết thịt thế nào thì ai cũng rõ. Còn về dân nghèo, những người làm công ăn lương thì sao?
Giàu như Bầu Đức cũng chỉ tầm 15.000 tỷ, giết thịt hết đám doanh nhân cũng không là gì trong cái lỗ thủng siêu vĩ đại 2 triệu tỷ. Chắc chắn là cần phải có nhiều thịt hơn cho cái lỗ đó, lấy đâu ra? Đó là túi tiền, là sức lao động của 90 triệu dân, ngày đêm làm quần quật để góp phần trám cái lỗ thảm họa đó. Một ví dụ để quí bạn dễ hình dung, một nghề không bị ảnh hưởng suy thoái là buôn bán gạo, dù trời đất có thế nào thì người dân cũng phải ăn. Lấy một bài toán mô hình, giá gạo năm 2006 là 5.000đ/ký, một nhà buôn có 1.000 tấn gạo qui ra tiền 5 tỷ. Sau 5 năm buôn bán, đầu tắt mặt tối, vốn tăng lên 10 tỷ nhưng lúc này giá gạo là 12.000đ.ký. Với 10 tỷ chủ hàng chỉ có thể mua lại tầm 833 tấn. Vậy 167 tấn và công sức lao động suốt 5 năm qua đi đâu? Xin thưa, đi vào cái lỗ thủng 2 triệu tỷ!
Nước đục béo cò, lỗ thủng 2 triệu tỷ không chỉ 2 triệu tỷ mà còn hơn thế vì số thịt còn bị những tên cơ hội, cấu kết quyền lực kiếm thêm.
Tình hình nguy khốn, ngoài nắm cái máy in tiền, các tên chóp bu còn nắm những doanh nghiệp độc quyền mà ai cũng phải dùng “điện, xăng, dầu”, giá các mặt hàng này tăng vút, tạo ra siêu lợi nhuận, vì độc quyền nên người dân chỉ còn một cách là phải chấp nhận rút tiền trả (những ai còn mơ màng doanh nghiệp nhà nước là ông tiên nhân hậu với dân lành thì tỉnh đi là vừa). Rõ ràng chúng đã bóp hầu, bóp họng người dân bằng mọi cách, bằng nhiều chiêu thức, bòn rút xương máu của 90 triệu dân để khắc phục hậu quả của khúc hoan ca 2 triệu tỷ. Suy cho cùng thành quả lao động của toàn dân đã bị một nhóm cướp đoạt qua ảo thuật lạm phát.
Đó là lý do vì sao quan chức thì nhà cao cửa rộng, gái gú, bài bạc cả tỷ đồng 1 ván cờ, ngồi mát ăn bát vàng còn người dân thì dãi nắng dầm sương làm lụng quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn.
Đồng tiền mất giá, giá cả tăng cao làm cho đồng lương bị “teo tóp”, để bảo đảm cuộc sống, họ phải lao động cật lực hơn, chi tiêu tằn tiện hơn. Đồng lương đã bị rút ruột, ta nghe nhiều đến công trình rút ruột, ít ai biết nhóm chóp bu cầm quyền còn rút cho rỗng ruột túi tiền của 90 triệu dân. Và một điều nữa là khi lạm phát, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thua lỗ, phá sản dẫn đến nhu cầu việc làm giảm xuống, một cuộc tranh đua tìm việc của những người lao động bắt đầu, và ngày càng kinh hoàng với đà lạm phát. Kết quả cuộc đua là chấp nhận làm nhiều hơn mà “thu nhập” ít hơn. Cuộc sống khốn khó hơn.
Lịch sử đã nhiều lần xác minh chân lý: “quá bức bách, người dân sẽ nổi dậy”. Việc người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên mà họ cho là ngọn nguồn gây khốn khó, đau khổ cho cuộc sống là người giàu, là giới chủ, là quan tham, và bạo lực để tiêu diệt. Chỉ thấy việc trước mắt nên nhiều người sẽ nghĩ đến sự bóc lột của người chủ, “bọn tư bản xấu xa”, “quốc hữu hóa” là khẩu hiệu được nhiều người lao động ủng hộ.
Xin thưa quý bạn hữu, chúng ta là những người Việt nam, con dân một nước, bạo lực, giết chóc không phải là giải pháp. Tử hình, bỏ tù một quan tham cũng không phải là lối thoát. Bằng trí tuệ, bằng trái tim yêu nước, thương dân nhân văn chúng ta hãy có cái nhìn toàn cục, thấu đáo để có giải pháp đưa đến nước cường, dân thịnh, ai cũng có lợi, tránh cảnh binh đao, đàn áp, nồi da xáo thịt. Dân tộc Việt ta đã quá khổ đau, hãy cùng nhau sáng suốt và nhân ái để thay đổi.
Xin quý bạn hữu tham khảo một đề xuất ở đây!
Nhập ý kiến của bạn
Xem 6 ý kiến