16.6.12

Syria: Chiến sự leo thang



Chiến sự tại Syria tiếp diễn trên nhiều tỉnh thành với quy mô ngày càng mở rộng, và mức độ thiệt hại của thường dân ngày càng tăng cao kể từ vụ thảm sát tại làng Houla hồi gần cuối tháng trước, trong đó có xác 49 trẻ em và 34 phụ nữ.
media screenshot
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton- media screenshot
Riêng ngày  thứ ba 12 tháng 6 đã có trên 70 người thiệt mạng, theo báo cáo của Tổ chức quan sát nhân quyền thân với phía kháng chiến. Rồi người đứng đầu lực lượng hoà bình của Liên Hiệp Quốc nói rằng Syria đã chuyển thành nội chiến. Tình hình này sẽ đi về đâu?

Nga chở trực thăng cho Syria?

Chiến sự mở rộng là vì hai bên đều phá bỏ thoả hiệp ngưng chiến mong manh trong kế hoạch 6 điểm của đặc sứ Kofi Annan, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Các cường quốc bên ngoài ai cũng kêu gọi hoà bình nhưng dường như đang châm thêm dầu vào lửa.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tố cáo Nga đang chở trực thăng võ trang tới cho quân đội của chính phủ Al-Assad, trong khi đó vũ khí nặng cũng được chuyển từ ngoài vào cho quân kháng chiến, ngày càng dồi dào và tối tân hơn.
Phái đoàn quan sát hoà bình của Liên Hiệp Quốc cũng vẫn bất lực như thường lệ, nhiều khi bị kẹt giữa làn đạn của hai bên. Quân kháng chiến mất một cứ điểm thì lại chiếm được vị trí khác của quân chính phủ.
Tuy nhiên đến nay quân chính phủ đã chiếm lại được nhiều thị trấn bị quân nổi dậy chiếm giữ trước đây. Các đơn vị phòng thủ phải rút lui sang khu vực hiểm trở bên kia biên giới Thổ Nhĩ kỳ.  syria-bombing
Công ty xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboroexport bác bỏ lời tố giác chở trực thăng vũ trang cho Damascus, nhưng ngoại trưởng Clinton nói là người Nga đã nói dối trong lời bác khước đó.
Công ty Nga nói họ không cung cấp vũ khí hay kỹ thuật quân sự cho Syria trái với yêu cầu của Liên Hiệp Quốc hay đi ngược với những thoả thuận quốc tế. Hãng thông tấn Nhà nước RIA Novosti cho biết một phát ngôn viên của công ty này nói như vậy, nhưng người này đã “không bình luận” khi được hỏi về lời tố cáo của bà ngoại trưởng Mỹ. Ngay sau đó Pháp liền lên tiếng kêu gọi lập tức ngưng mọi sự cung cấp vũ khí từ nước ngoài cho Syria.
Một số nhà quan sát về quân sự cho rằng bà Hillary Clinton có thể đã nghe tin tình báo về những chiếc trực thăng võ trang cũ kiểu Mi-24 hay Mi-17 mà Nga bán cho Syria từ thời Xô Viết và đang được sửa chữa theo hợp đồng giữa hai bên. Tuy nhiên Nga từng nhìn nhận là vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng bán 1 tỷ đô la vũ khí cho Syria trong năm nay. Thứ trưởng ngoại giao Nga Gennadi Gatilov còn nói Nga không thể để cho chính phủ Syria mất khả năng tự vệ.


Càng ngày càng mạnh


Về phía quân kháng chiến, hãng thông tấn Reuters loan tin về cuộc tiếp xúc của một phóng viên với một số cấp chỉ huy cao cấp thuộc lực lượng “Quân đội Syria Tự do” của phong trào kháng chiến tại Syria hiện nay. Họ cho biết đã lợi dụng thời gian ngưng bắn lúc đầu để chuyển nhiều vũ khí cá nhân và cộng đồng từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào. Nhờ thế họ đã có thêm súng cá nhân AK-47 tốt hơn, cùng các hoả tiễn chống xe tăng, có thể là các hoả tiễn và ống phóng RPG-7 mà ở Việt Nam quen gọi là B-41 từ thời chiến tranh vừa qua.
Quân kháng chiến cũng nói một số nước phương Tây hứa yểm trợ vũ khí nhưng tới nay cũng chỉ là nói bằng miệng thôi.
Vẫn theo lời những cấp chỉ huy đó, những vũ khí đó xuất phát từ Qatar và Á Rập Xê-Út, không phải do Thổ Nhĩ kỳ hay NATO cung cấp. Đề cập đến xuất xứ vũ khí nhưng họ không nói chính phủ nào cung cấp. Ngoài ra họ còn nói đã lấy được nhiều loại vũ khí nặng trong khi rút lui khỏi những cứ điểm chiếm được của quân chính phủ, như tại al-Ghanto mới đây.  Nhiều đơn vị quân đội bỏ hàng ngũ theo kháng chiến cũng đem về một số lượng vũ khí nặng đáng kể.

Điểm đồng thuận đầu tiên!

Trưởng đoàn quan sát viên hoà bình của Liên Hiệp Quốc, ông Hervé, Ladsous tuyên bố Syria đã tiến đến cuộc nội chiến toàn diện. Nhưng cả  hai phía xung đột tại Syria đều nói đó không phải là nội chiến.
Ông Hervé Ladsous nói tình hình trở thành cuộc nội chiến toàn diện khi chính quyền Damascus bị mất nhiều phần lãnh thổ quan trọng ở vùng ngoại ô của nhiều tỉnh thành và phải nỗ lực phản công chiếm lại.
Bộ ngoại giao Syria tuyên bố rằng nói như vậy là không đúng thực tế, vì đây là cuộc chiến đấu chống những phần tử võ trang khủng bố, không thể gọi là nội chiến. Phía kháng chiến cũng nói đây không phải là nội chiến vì không có một lực lượng quân sự đối lập cân sức với chính quyền, mà chỉ là hành động khủng bố của chính phủ Al-Assad đối với những người chống lại ách độc tài.
Điều khôi hài: đây là điểm đồng thuận đầu tiên giữa hai phía của chiến cuộc Syria.
Rốt cuộc các cường quốc muốn hành động ra sao để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu này?
Phương Tây kêu gọi ra nghị quyết có tính ráng buộc pháp lý để trừng phạt và cấm vận Syria nặng nề hơn nữa, có thể đi đến việc thiết lập vùng trái độn để bảo vệ thường dân.
Nhưng Nga và Trung Quốc phản đối, đòi giải quyết bằng chính trị và ngoại giao.  Nga đề nghị một hội nghị quốc tế có Iran tham dự để thảo luận giải pháp cho Syria, nhưng Hoa Kỳ cũng cương quyết phản đối.
Tổng thư ký khối NATO, được gọi là nhân vật đứng đầu Liên Minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO, ông Anders Rasmussen, tuy mạnh mẽ lên án chính quyền Al-Assad giết dân, nhưng vẫn tuyên bố sự can thiệp quân sự từ ngoài không phải là đường lối đúng đắn để giải quyết vấn đề. Ông nói thêm: NATO không có một kế hoạch nào cho Syria.
Ngoại trưởng Anh William Hague so sánh Syria với Bosnia trước kia, khi quân chính phủ nã trọng pháo vào thường dân.  Ông tuyên bố không loại trừ bất kỳ giải pháp nào, nhưng đồng thời lại cũng than tiếc là không làm gì được.

Bế tắc dẫn đến can thiệp?

Quốc tế dường như hoàn toàn bế tắc trước vấn đề này, trong khi quân kháng chiến nói là họ càng ngày càng mạnh với những vũ khí mới nhiều thêm, chỉ thiếu súng phòng không mà thôi.
Cấp chỉ huy kháng chiến cho biết quân đội Damascus không mạnh như người ta nghĩ, vì vũ khí quân dụng đều từ thời chiến tranh lạnh quá cũ kỹ; hơn nửa số lượng xe tăng không chạy được. Al-Assad phải đem quân đội bao vây những làng của người thuộc giáo phái Alawite thiểu số trung thành với chính quyền, để buộc họ đưa dân quân ra chiến đấu cho chính phủ. Càng ngày càng nhiều binh sĩ muốn đào thoát nhưng phải chờ có vùng trái độn thì mới chạy thoát qua được.
Như vậy chắc phải gọi đây là một cuộc nội chiến theo định nghĩa của ông Hervé Lassoud, nhưng là cuộc nội chiến không cân sức. Nếu như thế có thể xảy ra hai trường hợp:
1.    Chiến trường sẽ giải quyết vấn đề, nghĩa là còn nhiều máu đổ đầu rơi trong khi quốc tế tiếp tục cãi nhau về giải pháp hoà bình.
2.    Hay là NATO sẽ can thiệp vì đó là nội chiến, khi ngoại trưởng Anh William Hague tuy nói không làm gì được nhưng đã so sánh Syria với Bosnia, cho rằng ở cả hai nơi, quân đội của chính phủ đã nã trọng pháo vào dân thường, cũng giống như Libya?

Không có nhận xét nào: