30.05.2012
Nạn diệt chủng ở Campuchia do Khmer Đỏ gây nên từ tháng 4-1975 đến đầu năm 1979 là một sự kiện kinh hoàng trong lịch sử nhân loại. Đã có bộ phim thời sự “Cánh đồng chết” - The Killing Field - ghi lại theo ngôn ngữ điện ảnh, dựng lại những thảm cảnh tận cùng man rợ của con người đối với đồng loại của mình, nhân danh một chủ nghĩa cộng sản đầy tràn thú tính. Thật là quá ít khi trí nhớ nhân loại cần ghi sâu những tội ác kinh hoàng để không cho tái phạm thêm một lần nữa. Cần nhất là tác phẩm văn học.
Mới đây, tại Pháp xuất hiện một cuốn sách sớm gây chấn động dư luận. Đó là cuốn “Thủ Tiêu” - “l’Élimination” của một nhà văn, nhà điện ảnh Campuchia, do nhà xuất bản lớn “Grasset” xuất bản, 332 trang, phát hành từ tháng 3-2012.
Tác giả có lý lịch thật độc đáo, bảo chứng cho giá trị cũng độc đáo của cuốn sách. Đó là ông Krithy Panh, sanh ngày 18 tháng 4 năm 1964 ở thủ đô Pnom Penh, mới 48 tuổi, trong một gia đình trí thức lớn có truyền thống theo văn hóa Pháp từ thời Campuchia còn là thuộc địa Pháp. Bố, mẹ, chú, bác, anh, chị em ruột và anh chị em họ của ông đều bị Khmer Đỏ giết hoặc đày đọa đến chết, ngay trước mắt của ông, từ ngày 17 tháng 4 năm 1975, khi quân của họ tràn vào Pnom Penh, cho đến tháng 12 năm 1978, - khi quân đội Việt Nam tiến công vào, quân lính Khmer Đỏ cùng cố vấn quân sự Trung Quốc bỏ chạy sang Thái Lan.
Ngày hôm sau, khi “dân loại 2» ở Pnom Penh và các thành phố, thị trấn bị đuổi hết về nông thôn cho “dân loại 1» cai quản, lại chính là ngày kỷ niệm sinh nhật của cậu bé Krithy Panh tròn 11 tuổi. Dần dần người thân xa gần của cậu bé Krit Panh bị ốm bệnh, ốm đói, bị đâp vỡ sọ qua thẩm vấn, trên các công trường thủy lợi, cậu bé côi cút ghi vào trong bộ não non nớt của mình không biết bao nhiêu cảnh kinh hoàng, cho đến ngày cậu bị trôi dạt sang Thái Lan vào đầu năm 1979, để rồi sau đó được may mắn đưa sang Pháp, khi 15 tuổi.
Krithy Panh được cộng đồng Khmer và chính quyền Pháp nuôi dưỡng, cho ăn học chu đáo và thành tài. Năm 1985, khi 21 tuổi, anh tốt nghiệp Học viện cấp cao điện ảnh Pháp - Institut des Hautes Études Cinématographiques, vừa chuyên viết kịch bản phim phóng sự, vừa quay và dựng phim, anh còn làm diễn viên điện ảnh khi cần. Anh nói và viết tiếng Pháp trôi chảy như một trí thức Pháp.
“Những con người của đồng ruộng”, “Một buổi chiều sau chiến tranh”, “S21, bộ máy của Khmer Đỏ” là những bộ phim phóng sự đầu tay của Krithy Panh, đều được khen thưởng.
Tất cả sáng tác của Krith Panh đều nói về cuộc diệt chủng ở quê hương anh, trong 4 năm cai trị của Khmer Đỏ, dưới cái tên hiền lành là “Campuchia Dân chủ”.
Krithy Panh kể rằng tâm trạng anh trải qua nhiều dằn vặt âm thầm mà dữ dội. Vừa muốn quên đi những năm tháng kinh hoàng để không bị quá khứ đau thương đầy chết chóc ám ảnh ngày đêm, có khi nửa đêm tỉnh dậy hốt hoảng tưởng như còn ở thời diệt chủng; lại có lúc muốn nhớ lại hết, ghi lại hết, kể lại hết những tội ác đã chứng kiến, coi đó là nghĩa vụ đối với đồng bào mình, anh chị em, bố mẹ mình đã bị giết một cách thảm thương.
Thế rồi anh đã trở về Pnom Penh, trở về nước đang hồi sinh, gặp lại đồng bào mình và tự nhủ không thể quên lãng. Anh hiểu rõ mình là một chứng nhân quý hiếm của lịch sử hiện đại Khmer. Anh trở lại chùa Tháp Angkor, trở lại những cánh đồng chết chóc năm xưa, trở lại nơi có ngôi nhà ấm cúng xưa kia của gia đình ở giữa thủ đô Pnom Pênh, anh nhớ lại những năm tháng kinh hoàng của anh giữa tuổi thiếu thời, chết đi sống lại nhiều lần, từ khi 11 đến 15 tuổi. Anh nghiền ngẫm về cái sống và cái chết, về bản chất thiện, ác của loài người, của từng con người.
Tại quê hương đang hồi sinh, anh có dịp dự phiên tòa án quốc tế xử bọn tội phạm diệt chủng như Nuôn Chea, Yeng Sari, Khieu Samphan…và đặc biệt Dutch, tên trùm công an Khmer Đỏ Tổng giám đốc cơ quan S21 kiêm chỉ huy nhà tù lớn Tuol Sleng, giữa thủ đô Pnom Penh.
Anh đặc biệt chú ý đến Dutch, tên đồ tể kinh khủng nhất của mọi thời đại, kẻ đã trực tiếp và ra lệnh giết 12.380 đồng bào của hắn khi đứng đầu cơ quan Công an S21 của Khmer Đỏ cầm đầu nhà tù Tuol Sleng trong 3 năm, từ đầu năm 1976 đến tháng 1 năm 1979.
Rithy Panh đã dự các phiên tòa, ghi lại các lời khai của Dutch trước tòa, đọc và chụp lại hàng mấy trăm trang khai cung của đương sự trước cơ quan điều tra và kiểm sát. Ngoài ra Rithy Panh còn gặp riêng và hỏi chuyện, ghi âm Dutch trong hơn một trăm giờ đồng hồ, về cuộc đời, những hành động, suy nghĩ của tên sát nhân khủng khiếp này.
Cuốn sách “l’ Élimination” - “Thủ Tiêu” ra đời là từ những tư liệu hiếm quý, trực tiếp, sống động đó. Cuốn sách nhận ngay được giải thưởng của France Télévision.
Bộ mặt rất kỳ lạ, khó tưởng tượng nổi của tên sát nhân vào loại kinh khủng nhất trong lịch sử loài người xuất hiện dần trên hơn 300 trang sách, ngồn ngộn tư liệu sống của nhà báo, nhà điện ảnh chuyên nghiệp Rithy Panh, với sự cộng tác của nhà văn Pháp Christophe Bataille, 41 tuổi, trong việc chải chuốt văn phong, nâng cao thêm sự hấp dẫn vốn có của tác phẩm.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét